Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các kết quả kinh tế tiêu cực khiến nhiều chuyên gia kỳ vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Việc cắt giảm đã không xảy ra, trong lúc ngân hàng này đang đối mặt với một áp lực khác tới từ đồng nhân dân tệ yếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất chính sách trung hạn vào thứ 2 (15/1), trái với kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất cần thiết để củng cố sự phục hồi kinh tế đầy bất ổn sau đại dịch của Trung Quốc.

Các nhà phân tích có thể thấy thất vọng khi thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm - được gọi là cơ sở cho vay trung hạn (MLF) - ở mức 2,5%. Họ đã dự đoán về lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2023 với mức cắt giảm ít nhất là 0,1%, theo cuộc thăm dò của Bloomberg với 18 nhà kinh tế.

“Tâm lý yếu kém liên quan đến dữ liệu kinh tế đã khiến thị trường dự đoán các biện pháp hỗ trợ lớn hơn để đối phó điều này, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục trì hoãn trong khi chờ đợi dấu hiệu phục hồi trong dịp Tết Nguyên Đán”, theo một ghi chú của Everbright Securities từ Vương quốc Anh được The Epoch Times tiếp cận.

Trong số 35 thành viên trong thị trường được Reuters khảo sát trong tuần này, hơn 50% dự đoán rằng PBOC sẽ hạ lãi suất đối với các khoản vay trung hạn với kỳ hạn trong vòng một năm.

Trong khi tháng 12 chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nước này lại kém và áp lực giảm phát vẫn dai dẳng, do đó cần có các biện pháp kích thích bổ sung, các bài báo cho biết.

Dữ liệu hôm thứ 6 (12/1) cũng tiết lộ thời kỳ giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ năm 2009, cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng và cho vay đáng thất vọng, theo Bloomberg.

Kỳ vọng về cắt giảm lãi suất còn được dẫn dắt bởi động thái cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết PBOC cũng có ít dư địa chính sách hơn do đồng CNY (nhân dân tệ) yếu hơn và biên lãi suất tại các ngân hàng thương mại đang thu hẹp.

“Yếu tố chính kìm hãm PBOC có lẽ là những lo ngại kéo dài về đồng nhân dân tệ”, Capital Economics lưu ý trong một thông cáo phản hồi gửi tới khách hàng của mình được The Epoch Times tiếp cận.

Thông cáo nói thêm rằng PBOC có lẽ rất muốn tránh áp lực giảm giá mới đối với đồng CNY vốn đang suy yếu.

Theo các nhà phân tích, sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm tăng thêm dòng vốn chảy ra khỏi các tài sản bằng đồng CNY, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3 năm ngoái.

Kết quả là đồng CNY đã mất giá khoảng 6% so với đồng USD vào năm 2023 và có thể tiếp tục bị mất giá. Trong bối cảnh có những bất ổn xung quanh việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đồng tiền của Trung Quốc đã mất giá so với đồng USD ở mức hơn 1% trong năm nay, đạt mức yếu chưa từng thấy trong hơn một tháng.

Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc chuẩn bị đếm một xấp USD và 1 chồng tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 9/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo các nhà phân tích, với các thước đo kinh tế quan trọng vẫn còn yếu, ngân hàng trung ương đang chịu áp lực phải hỗ trợ đồng CNY trong bối cảnh các biện pháp ổn định đồng tiền của Bắc Kinh chưa có hiệu quả.

Chứng khoán Trung Quốc kết thúc với các kết quả trái chiều và tương đối trầm lắng vào thứ 2 do động thái đáng ngạc nhiên của ngân hàng trung ương trong bối cảnh có những lời kêu gọi nới lỏng chính sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong khi Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.886,29 điểm, tăng 4,31 điểm, tương đương 0,15%, thì Chỉ số Thành phần Thâm Quyến đóng cửa ở 8.963,93 điểm, giảm 32,33 điểm, tương đương 0,36%. Chỉ số Hang Seng đóng cửa giảm 28,25 điểm, tương đương 0,17%, ở mức 16.216,33 điểm.

Bơm tiền đầu năm mới

Trong khi đó, để duy trì lượng tiền mặt sẵn có trong nền kinh tế trước Tết Nguyên đán vào tháng 2, PBOC cũng bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua các hợp đồng repo ngược và MLF.

Repo đảo ngược là một giao dịch trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu với ý định bán chúng sau đó.

Ngân hàng trung ương đã thực hiện các hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày trị giá 89 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 12,52 tỷ USD) với lãi suất 1,8%. Tổng cộng 995 tỷ nhân dân tệ cũng đã được rót vào thị trường thông qua MLF, những khoản vay này sẽ đáo hạn sau một năm với mức lãi suất 2,5%.

“Điều này sẽ bơm ròng 216 tỷ CNY tiền quỹ cho thị trường khi 779 tỷ CNY của MLF kỳ hạn 1 năm đang đáo hạn vào thời điểm hiện nay. Điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng ngân hàng trung ương sẽ đẩy mạnh bơm thanh khoản trong tháng này khi cả nước bắt đầu chuẩn bị cho lễ Xuân Tiết [Tết Nguyên đán] vào đầu tháng 2”, ghi chú của Everbright Securities cho biết.

Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất
Trụ sở chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli / Bloomberg qua Getty Images)

Suy giảm kinh tế trước mắt

Tuy nhiên, trước áp lực giảm phát và sự sụp đổ nghiêm trọng của bất động sản, một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2024 và thậm chí xuống thấp hơn còn 4,5% vào năm 2025, tạo thêm áp lực lên Bắc Kinh trong việc thực hiện các biện pháp kích thích.

Dự đoán trung bình của 58 nhà phân tích được Reuters khảo sát chỉ ra rằng GDP tăng 5,2% vào năm 2023, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng theo năm của chính phủ. Điều này một phần được hỗ trợ bởi mức so sánh thấp của năm trước, vốn bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa do COVID-19.

Nhưng những khó khăn của lĩnh vực bất động sản vào năm 2024 sẽ tác động đáng kể đến dự báo kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Mục tiêu của Bắc Kinh là giải quyết tình trạng dư cung trong ngành, vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn trong vài năm qua, và điều chỉnh nguồn cung cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, điều này có thể khiến sự chậm lại của kinh tế kéo dài đến sau năm 2024.

Trong khi đó, kể từ đầu năm mới, một số viện nghiên cứu của Nhật Bản đã công bố các báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 5% vào năm 2023 và sẽ giảm xuống vào năm 2024, có thể xuống mức 4%.

Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai, Viện nghiên cứu Itochu và các tổ chức nghiên cứu khác từ Nhật Bản đều đã đánh giá nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa trên dữ liệu do ĐCSTQ công bố. Họ đã xem xét nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 và dự đoán hướng đi của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế Trung Quốc, Viện nghiên cứu Nhật Bản cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và sẽ tiếp tục chậm lại, chủ yếu do nhu cầu trong nước thấp. Đồng thời, xuất khẩu và nhập khẩu đang giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giảm đáng kể, doanh số bán bất động sản thương mại trì trệ và đầu tư cơ sở hạ tầng đã được tổ chức lại. Đồng CNY (nhân dân tệ) của Trung Quốc cũng đang suy yếu so với đồng USD và giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm.

Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất
Những ngôi biệt thự bỏ hoang ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, vào ngày 31/3/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Một báo cáo của Viện nghiên cứu Daiichi Seimeikeizai cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn những gì được phản ánh qua các con số, với tốc độ tăng trưởng chậm lại là điều không thể tránh khỏi vào năm 2024. Biện pháp phản ứng kinh tế hiện tại của Trung Quốc là mở rộng đầu tư nhà nước. Trong khi chính quyền ĐCSTQ đang cố gắng tránh rủi ro tài chính, điều này không thể đạt được bằng cách né tránh các chính sách tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu.

Viện nghiên cứu Itochu đã chỉ ra trong báo cáo của mình rằng vào năm 2023, quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc rất hỗn loạn do bong bóng bất động sản vỡ, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và số lượng lựa chọn chính sách sẵn có còn hạn chế. Mặc dù ĐCSTQ cho biết họ muốn đạt được “tăng trưởng vững chắc” vào năm 2024, nhưng các chính sách của họ chỉ nhấn mạnh đến sự ổn định mà không thấy có sự thúc đẩy kinh tế cụ thể nào. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4%.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 yếu và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024, và đến năm 2025 sẽ còn suy giảm hơn nữa.

Các nhà kinh tế Nhật Bản nhìn chung tin rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trì trệ và suy thoái kinh tế Trung Quốc là do chủ nghĩa độc tài của ĐCSTQ và sự lãnh đạo độc tài của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Trong khi đó, trong báo cáo công bố hôm thứ 5 (14/12/2023), Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong năm 2024 và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm từ 5,2% trong năm 2023 xuống còn 4,5%.

Trong báo cáo, WB cho biết tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn “mong manh” do những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, cùng với nhu cầu toàn cầu yếu đối với hàng hóa Trung Quốc, mức nợ cao và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.

WB cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại hơn nữa trong năm 2025, giảm xuống 4,3% từ mức 4,5% của năm 2024.

Kết quả kinh tế tiêu cực thúc đẩy kỳ vọng về cắt giảm lãi suất

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ 6 (12/1) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 12 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức giảm đã thu hẹp 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước (với mức giảm 0,5%), nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp CPI nằm trong vùng giảm phát, chuỗi giảm phát dài nhất kể từ 2009.

Trong số đó, giá thực phẩm giảm 3,7%, tốt hơn một chút so với mức giảm 4,2% trong tháng 11. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, CPI tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức khoảng 3%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% và đã giảm hơn một năm qua do giá hàng hóa sơ cấp giảm và nhu cầu trong nước và quốc tế yếu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016. Xuất khẩu là trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc. Sự suy giảm trong đà tăng trưởng xuất khẩu là một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất
Các container được nhìn thấy tại bến container của Cảng Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/7/2023. (Ảnh: STRINGER/AFP qua Getty Images)

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ 6, xuất khẩu trong tháng 12 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, điều này một phần là do số liệu xuất khẩu trong tháng 12/2022 thấp. Vào thời điểm đó, đại dịch đang hoành hành trên khắp Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt zero-Covid, khiến xuất khẩu giảm gần 10%.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ), nói với Bloomberg: “Trung Quốc cần có hành động táo bạo để phá vỡ chu kỳ giảm phát, nếu không sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn”.

Ông nói thêm, khi áp lực giá giảm vẫn tiếp tục, các công ty đã giảm giá bán và người lao động nhập cư cũng bị cắt giảm lương đáng kể.

Tình trạng giảm phát đang diễn ra cũng làm giảm giá trị các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, chỉ số giá xuất khẩu chạm mức thấp mới kể từ năm 2006 và chỉ tăng nhẹ trong tháng 11.

Đồng thời, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn trì trệ, điều này có thể làm giảm chi tiêu của hộ gia đình và làm tăng áp lực giá cả.

Cùng với xuất khẩu yếu hơn và việc giá cả giảm làm giảm doanh thu kinh doanh, vấn đề của ngành bất động sản có thể gia tăng ảnh hưởng đối với tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần và khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng. Với việc giảm pháp tiếp tục diễn ra dai dẳng, động lực chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, “công xưởng thế giới" chứng kiến lĩnh vực sản xuất chìm trong diện thu hẹp trong tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 12/2023.

Những số liệu kinh tế yếu khiến nhiều nhà phân tích tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất chính sách trong lần điều chỉnh này. Mặc dù điều này sẽ ít có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nhưng nó có thể giảm bớt áp lực trả nợ.

Những tuần tới có thể sẽ là giai đoạn quan trọng trong hoạt động ra chính sách khi Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức cho năm 2024 vào thời điểm đó.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Dưới nhiều áp lực, ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất