Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh những nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc đang hiển hiện rõ nét, những lời tuyên truyền của Bắc Kinh về tăng trưởng kinh tế dường như đã mất đi điểm tựa.

Vào năm 2023, Trung Quốc chứng kiến thâm hụt tài chính gia tăng một cách đáng kể, cùng với xuất khẩu giảm mạnh và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) cho biết tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 5,2% vào năm 2023, vượt qua mục tiêu 5% của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các nhà quan sát và chuyên gia về Trung Quốc đặt dấu hỏi về con số đó, trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2024.

Tình hình thực tế ở Trung Quốc

Ông Cai Shenkun, một nhà bình luận nổi tiếng về các vấn đề thời sự của Trung Quốc hiện đang cư trú tại Mỹ, cho biết tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về mức tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) 5,2% đã làm dấy lên nghi ngờ ở cả trong và ngoài nước.

“Tôi tin rằng các học giả và doanh nhân ở Trung Quốc đều thấy con số này là không thể tin được”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình tiếng Trung “Pinnacle View” (Cái nhìn Đỉnh điểm) của NTD phát sóng vào ngày 20/1.

Ông Cai giải thích rằng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) tuân theo đường lối tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ để duy trì sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với đất nước.

“ĐCSTQ đã nhắc đi nhắc lại rằng dữ liệu tăng trưởng kinh tế có liên quan đến sự ổn định của chế độ, vì vậy mọi dữ liệu đều phải tuân theo quy định của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ”.

Ông Cai giải thích rằng đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và nhu cầu trong nước là các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.

“Vậy tại sao ông Lý Cường lại đưa ra những con số tích cực như vậy?” ông Cai nói. “Ông Lý Cường đang cố gắng khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn đến Trung Quốc vào thời điểm này. Ông Lý Cường thực ra đang tự lừa dối chính mình và những người khác. Đơn giản là ông ấy không thể khiến thế giới bên ngoài tin vào con số tăng trưởng kinh tế như vậy”.

Theo ông Cai, liên quan đến đầu tư nước ngoài, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã giảm hơn 10% vào năm 2023 so với năm trước, mức giảm chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua. Ông Cai cho biết, vào năm 2021, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, các nhà máy Trung Quốc phải hoạt động ngoài giờ và đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất lịch sử với hơn 300 tỷ USD. Ông nói thêm, vào năm sau, khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau các đợt phong tỏa do đại dịch, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 180 tỷ USD và đến năm 2023, con số này giảm xuống còn 15 tỷ USD.

Ông Cai trích dẫn dữ liệu công khai cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong suốt năm ngoái.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24, không bao gồm sinh viên, được báo cáo ở mức 21,3% vào tháng 6 năm ngoái - mức cao lịch sử khiến chính quyền phải ngừng công bố số liệu thống kê. Tuy nhiên, vào tháng 1, ĐCSTQ lại quay lại báo cáo con số này và tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 14,9%.

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Một nam và nữ thanh niên nói chuyện với nhà tuyển dụng khi họ tìm việc làm tại hội chợ việc làm vào ngày 9/6/2023 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Ông Cai nói: “Những người trong chúng tôi có hiểu biết về tình hình thực tế ở Trung Quốc biết rằng tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ hiện nay, theo ý kiến của tôi, là khoảng 50%”.

“Tôi tin vào năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp khó khăn lớn hơn năm ngoái”.

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, nói với “Pinnacle View”: “Có một tình huống đặc biệt ở Trung Quốc. Đó là, trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, không có ai trong phe Tập Cận Bình hiểu rõ về kinh tế…”. Ông cho rằng, những người hiểu về kinh tế đã rời bỏ đội ngũ lãnh đạo của ĐCSTQ.

“Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã đạt đến điểm nguy hiểm và nguy cấp. Trong hoàn cảnh này, tôi muốn nói rằng không ai tự tin rằng nền kinh tế vẫn sẽ tốt vào năm 2024”.

Giải pháp của Bắc Kinh

Bà Quách Quân (Guo Jun), chủ tịch The Epoch Times ấn bản Hong Kong, nói với “Pinnacle View” rằng nền kinh tế Trung Quốc không thể phục hồi một cách đột ngột, khiến đất nước này khó có thể trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây trong thời gian ngắn. Hơn nữa, bà cho biết quỹ đạo đi xuống được dự đoán cho năm 2024 trở đi khó có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Bà Quách cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc trực tiếp xuất phát từ hệ thống chính trị của ĐCSTQ. Bà giải thích rằng nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua bốn giai đoạn trong lịch sử cai trị độc tài của ĐCSTQ. Những năm 1950 là thời kỳ phục hồi sau Thế chiến thứ hai, tiếp theo là quá trình chuyển đổi vào những năm 1960 và 1970, khiến nền kinh tế suy yếu đáng kể. Giai đoạn thứ ba bắt đầu vào những năm 1980 khi ĐCSTQ đưa ra ý tưởng “cải cách và mở cửa” sau những thập kỷ kinh tế kế hoạch thất bại trước đó.

“Bây giờ chúng ta đang ở giai đoạn thứ tư. Sau sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, giới tinh hoa của ĐCSTQ đã có được nhiều sự tự tin, tin rằng họ là bất khả chiến bại. ĐCSTQ khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn là kết quả do chính nó sắp đặt và hiện tại, nó muốn kiểm soát thế giới. Đây là lúc những thách thức kinh tế bắt đầu xuất hiện”, bà Quách nói.

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Một tháp camera an ninh trên Bến Thượng Hải, phía sau là khu tài chính Lục Gia Chủy, ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 23/5/2023. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

“Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc khó có thể trở nên tốt hơn. Đối với ĐCSTQ, khi gặp vấn đề, nó luôn cho rằng mình chưa thực hiện đủ sự kiểm soát và cho rằng tất cả các vấn đề đều là ở bên ngoài, rằng đó là vấn đề của người khác. Vì vậy giải pháp của ĐCSTQ là thắt chặt kiểm soát”, bà nói.

Bà Quách chỉ ra rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã xác định 5 lĩnh vực trong chiến dịch “chống tham nhũng” của ĐCSTQ, bao gồm các lĩnh vực tài chính, năng lượng, y tế, doanh nghiệp nhà nước và các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ gia tăng kiểm soát nền kinh tế.

Bà Quách khẳng định, chống tham nhũng chỉ có thể thành công trong một xã hội tự do với nền tư pháp độc lập. Bà nói, chính sách “chống tham nhũng” của ĐCSTQ nhằm mục đích kiểm soát các quan chức chế độ, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp khác nhau ở Trung Quốc cũng như toàn bộ xã hội Trung Quốc nói chung. Bà nói thêm rằng đường lối như vậy chỉ tạo ra một xã hội hà khắc đầy sự áp chế.

Gia tăng hỗn loạn

Ông Cai chỉ ra rằng mặc dù ĐCSTQ tăng cường nỗ lực kích thích nhu cầu trong nước và ổn định đầu tư nước ngoài nhưng cho đến nay, sự phục hồi vẫn chưa thành hiện thực. Ông nói, hiện tại, Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ dân với khả năng chi tiêu rất hạn chế, điều này cho thấy tác động của suy giảm kinh tế.

“Vì vậy, xét theo tình hình hiện tại, năm nay sẽ còn khó khăn hơn nữa. Tôi đã thấy bài phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình nói rằng việc giám sát tài chính năm nay [từ nhà nước] phải chặt chẽ hơn”, ông Cai nói.

“Khi ĐCSTQ hành động, nó sẽ áp đặt nhiều quyền kiểm soát hơn, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vì vậy, tôi nghĩ năm nay thực sự sẽ còn tồi tệ hơn đối với nền kinh tế”.

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Những ngôi biệt thự bỏ hoang ở ngoại ô Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, vào ngày 31/3/2023. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Giới chuyên gia có cái nhìn tiêu cực

Ngay sau các tuyên bố của ông Lý Cường tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố số liệu GDP chính thức, và thông tin ăn khớp với tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc. Trong khi đó, giới chuyên gia dường như lại không tự tin về nền kinh tế Trung Quốc như những gì Bắc Kinh đang tuyên truyền.

Theo ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, mặc dù dữ liệu GDP quý IV mới được công bố củng cố cho quan điểm có sự gia tăng nhỏ về động lực kinh tế gần đây, nhưng sự phục hồi là yếu và có rất ít khả năng Trung Quốc tránh được một cuộc suy thoái hơn nữa trong năm nay.

Ông Evans-Pritchard viết trong ghi chú: “Và mặc dù chúng tôi vẫn dự đoán một số tác động thúc đẩy ngắn hạn từ việc nới lỏng chính sách, nhưng điều này khó có thể ngăn cản sự suy giảm thêm nữa muộn hơn trong năm nay”. “Tuy nhiên, việc đạt được tốc độ tăng trưởng đó vào năm 2024 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa”.

Bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết trong một bình luận với Reuters: “Tôi không nghĩ đây [thông tin về GDP] sẽ được coi là một tin tuyệt vời”.

Theo bà Herrero, trong một năm như năm 2023 sau đại dịch COVID-19, chuẩn mực tăng trưởng phù hợp để so sánh phải là năm 2021, khi tốc độ tăng trưởng là 8,1% chứ không phải 5,2%. Do tình trạng suy thoái cơ cấu đang diễn ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể vào năm 2024 so với năm 2023.

Ông Evans-Pritchard cho biết thêm rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc “rõ ràng vẫn còn lung lay”.

Theo chuyên gia này, mức giảm giá nhà mới hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2015 – 0,4% trong tháng 12, theo báo cáo của NBS – là điều đặc biệt đáng lo ngại vì nó có khả năng làm xói mòn thêm niềm tin vào thị trường nhà đất.

Dữ liệu công bố hôm thứ 4 (17/1) của NBS cho thấy giá nhà mới giảm mạnh nhất trong 9 năm, doanh số bán hàng giảm 8,5% theo năm tính theo diện tích sàn và sự sụp đổ trong hoạt động khởi công xây dựng.

Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp tới 30% GDP. Tài sản bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình.

Rhodium Group, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Mỹ, cho biết thực tế của việc lĩnh vực bất động sản vẫn đang bị thu hẹp, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế, thặng dư thương mại suy giảm và tài chính của chính quyền địa phương bị tàn phá cho thấy mức tăng trưởng thực tế vào năm 2023 ở gần mức 1,5% hơn.

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Một người đàn ông đi dọc con phố ở khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Trong khi đó, vào ngày 8/1, Tập đoàn Eurasia đã công bố báo cáo “Những rủi ro hàng đầu cho năm 2024”, xếp việc “Trung Quốc không phục hồi” nằm trong số 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu trong năm. Báo cáo “Rủi ro hàng đầu” là dự báo hàng năm của Eurasia về những rủi ro chính trị có khả năng xảy ra nhất trong năm tới. (Bắc Kinh vẫn đang loay hoay giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch).

Báo cáo dự đoán rằng “bất kỳ tín hiệu hiệu phục hồi tích cực nào trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm dấy lên những hy vọng hão huyền về sự phục hồi vì những hạn chế về kinh tế và động lực chính trị ngăn cản sự phục hồi tăng trưởng bền vững”.

Nó lưu ý rằng “các dấu hiệu cảnh báo về những bất ổn ngày càng sâu sắc” đã được quan sát thấy vào năm 2023, bao gồm sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài, việc Moody’s hạ triển vọng, giao dịch bất động sản trì trệ và thị trường chứng khoán suy thoái. Những lo ngại hiện tại về rủi ro địa chính trị leo thang, các chính sách mơ hồ và mâu thuẫn của Trung Quốc cũng như các biện pháp đàn áp về mặt pháp lý được duy trì dự kiến sẽ tiếp tục làm giảm sự quan tâm đến việc tái đầu tư vào Trung Quốc trong suốt năm 2024.

Báo cáo của Eurasia Group chỉ ra cơ cấu nhân khẩu học không thuận lợi của Trung Quốc, lợi thế chi phí lao động ngày càng giảm, gánh nặng nợ nần đáng kể, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương, sự phụ thuộc vào đầu tư nhà nước để tăng trưởng và những nỗ lực của phương Tây nhằm “giảm thiểu rủi ro” là những yếu tố bổ sung sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc.

Báo cáo cũng dự đoán về sự mờ nhạt đi trong động lực của việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, sự yếu kém dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản, sự chậm lại trong nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và sự tiếp tục xuất hiện của các hiện tượng như sự vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc và việc đóng cửa các ngân hàng.

Báo cáo còn dự đoán rằng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình và việc ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư mà còn cản trở khả năng phản ứng của Bắc Kinh trước các lỗ hổng kinh tế và tài chính. Cùng nhau, những yếu tố này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, “làm lộ ra những lỗ hổng về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội”.

Chuyên gia: Trung Quốc rơi vào ‘thập kỷ mất mát'

Trong bài báo “Trung Quốc có đang bước vào giai đoạn bị lãng quên về kinh tế?", đăng ngày 23/1, trên tờ The Epoch Times, chuyên gia James Gorrie cho rằng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi vào một “thập kỷ mất mát" như của Nhật Bản.

Theo chuyên gia Gorrie, các nhà quan sát Trung Quốc như ông Gordon Chang hoặc những người khác trong vài thập kỷ qua có thể đã thực sự đã nhận thức được tính không bền vững của “Phép màu Trung Quốc”. Nhưng hiện nay, có nhiều cảnh báo hơn bao giờ hết về khả năng ĐCSTQ không thể ngăn chặn nền kinh tế Trung Quốc có một cú hạ cánh đầy khó khăn.

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc
Một người mua nhà đi bộ qua khu vực xây dựng trong khu phức hợp nơi anh ấy mua một căn hộ ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ngày 2/6/2023. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Ông Gorrie cho rằng, phải thừa nhận lịch sử và bối cảnh kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản khá khác nhau. Tuy nhiên, có một số yếu tố kinh tế và nhân khẩu học quan trọng mà cả hai nước đều có. Những yếu tố này bao gồm giá tài sản giảm, nhu cầu kinh tế suy yếu, dân số già và thu hẹp, những thứ Nhật Bản đã trải qua từ năm 1990 và Trung Quốc hiện đang chứng kiến. Nhật Bản phải tiếp tục vật lộn với tỷ lệ sinh giảm, nhu cầu kinh tế trong nước giảm và nợ công cao lặp đi lặp lại do các chính sách kích thích thất bại.

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nó có thể đã đi qua giai đoạn phát triển đỉnh cao với tư cách là một chủ thể kinh tế trên thế giới, khi Liên minh châu Âu và Mỹ đang tìm cách thu hẹp quy mô đầu tư vào Trung Quốc. Và xu hướng nhân khẩu học tiêu cực của nước này báo hiệu sự suy giảm kinh tế hơn nữa, đặc biệt là khi Trung Quốc vốn dựa vào thế mạnh của đội ngũ lao động để phát triển kinh tế. Còn có những yếu tố khác cần xem xét, nhưng đây là những yếu tố có nhiều khả năng nhất sẽ đẩy Trung Quốc vào một thập kỷ mất mát (nếu không nói là một thế hệ mất mát) vì nhân khẩu học và nhu cầu tiêu dùng đóng vai trò to lớn đối với sức khỏe kinh tế lâu dài.

Tại thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngày nay Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại đáng kể về kinh tế và nhân khẩu học mà nước này chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1970, ngay trước khi phương Tây giải cứu ĐCSTQ khỏi chính bản thân nó (khi đầu tư vào Trung Quốc và giúp kinh tế Trung Quốc phát triển). Nhưng cơ hội để phương Tây giải cứu ĐCSTQ giờ đã qua. Sự trì trệ lan rộng đang dần hiện ra trên đường chân trời ở Trung Quốc, đi kèm với nó là cuộc đàn áp chính trị kéo dài và sự kiểm soát liên tục của ĐCSTQ đối với nền kinh tế. Không điều nào trong số này dẫn tới tăng trưởng và đổi mới, trong khi chỉ tạo ra nguy cơ kéo dài tình trạng trì trệ.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Không thể tin con số tăng trưởng GDP của Trung Quốc