Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà đầu tư nước ngoài và giới nhà giàu Trung Quốc, những đối tượng từng tràn đầy nhiệt huyết vô tận với Trung Quốc, đang nhanh chóng bỏ chạy. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng bồn chồn ngồi không yên.

Tờ The Economist ngày 14/12 nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang ngập trong các vấn đề khó khăn trong năm nay. Bắc Kinh khó có thể giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về bất động sản, các công ty tiếp tục vỡ nợ, chỉ số chứng khoán tụt xuống dưới mức thấp nhất trong thời kỳ zero-Covid, các công ty trên toàn thế giới chứng kiến mối quan hệ bất ổn giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn, dẫn đến bầu không khí tài chính u ám trên khắp Trung Quốc.

The Economist chỉ ra rằng năm 2023 là năm của tâm lý “con gấu” đối với Trung Quốc (con gấu chỉ thị trường tiêu cực với giá giảm sút). Những lý do trên đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài và giới nhà giàu Trung Quốc, những đối tượng từng tràn đầy nhiệt huyết vô tận với Trung Quốc, nhanh chóng bỏ chạy. Ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang bồn chồn ngồi không yên.

Theo dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một tổ chức tư vấn, cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra nước ngoài xuyên biên giới trong 5 quý liên tiếp, lập kỷ lục về thời gian dài nhất trong lịch sử. Trong quý III năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng của Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm, có nghĩa là đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã vượt quá đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

The Economist phân tích rằng, điều này phần nào phản ánh thực tế là các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang “bỏ trốn” ra nước ngoài, vì điều này giúp giảm chi phí lao động và tránh thuế quan của Mỹ. Trong khi quy mô tổng thể của dòng tiền chảy ra vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, một số chuyên gia tin rằng dữ liệu cán cân thanh toán mơ hồ của Trung Quốc đã che đậy dòng tiền chảy ra lên tới 500 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tận dụng các chuyến đi tới Hong Kong để mua các hợp đồng bảo hiểm. Dù theo luật, họ chỉ được chi 5.000 USD một lần nhưng những du khách Trung Quốc đại lục này đã giúp các công ty Hong Kong tạo ra doanh thu bảo hiểm 47 tỷ HKD (đô la Hong Kong), tương đương khoảng 6 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi
Người dân đi bộ qua một cây cầu dành cho người đi bộ ở khu thương mại trung tâm của Hong Kong vào ngày 15/9/2022. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE/AFP qua Getty Images)

The Economist chỉ ra rằng các nguồn vốn Trung Quốc này, dù chảy ra nước ngoài thông qua các cách thức hợp pháp hay bất hợp pháp, đều đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới, nhưng không phải quốc gia nào cũng hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc.

Tại Mỹ, hàng chục nghị viện tiểu bang đã thông qua dự luật cấm công dân của một số nước mua đất và bất động sản. Canada cũng đã thông qua "Đạo luật cấm người không phải người Canada mua bất động sản nhà ở", cấm người nước ngoài mua bất kỳ bất động sản nhà ở nào ở Canada trong vòng hai năm tới, nhưng một số nhóm nhất định như thường trú nhân, người lao động nước ngoài và sinh viên đang được miễn trừ.

Thị thực vàng, cung cấp quyền cư trú để đổi lấy hoạt động đầu tư, đang không còn được ưa chuộng ở châu Âu, khi Ireland, Hà Lan và Bồ Đào Nha đang xem xét thắt chặt hoặc bãi bỏ chúng. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Campuchia và Thái Lan, cảnh giác trong việc tiếp nhận giới tinh hoa của Trung Quốc, những người có thể tạo ra những tác động chính trị.

Đợt thất thoát vốn cuối cùng của Trung Quốc xảy ra từ năm 2015 đến năm 2016.

Cuộc di cư của dòng vốn thời đó được châm ngòi bởi sự mất giá của tiền tệ do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Ước tính chỉ riêng năm 2015, có tới 1 nghìn tỷ USD vốn đã chảy ra khỏi Trung Quốc. The Economist cho rằng mặc dù dòng vốn chảy ra của Trung Quốc chưa đạt mức như giai đoạn 2015-2016 nhưng sự thất thoát có thể kéo dài hơn thời điểm đó.

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Đông Nam Á

Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi
Các đại biểu tham dự cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, vào ngày 31/03/2023. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images)

Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Đông Nam Á đang ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á đạt 68,5 tỷ USD, theo sát Mỹ. Các công ty Trung Quốc chủ yếu tham gia các dự án như xe điện ở Thái Lan và đầu tư khai thác mỏ ở Indonesia.

Vào tháng 7, Malaysia cho biết nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc Chiết Giang Geely Holding Group sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô ở bang Perak phía tây Malaysia. Công ty cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Thái Lan.

Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu thông qua các nhà máy ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh tình hình tiếp tục căng thẳng và xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung và châu Âu - Trung Quốc. [Các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á để né tránh căng thẳng trong mối quan hệ giữa các khu vực].

Người dân thiếu niềm tin, chuyển tài sản ra nước ngoài

Về việc người dân Trung Quốc muốn rời đất nước cùng với tài sản của họ, ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư và chuyên gia về Trung Quốc làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times: “Tôi không tin tưởng vào ông ấy [Tập Cận Bình]. Người dân Trung Quốc nói chung thiếu niềm tin [vào sự lãnh đạo ở Trung Quốc], dẫn đến việc người dân chỉ muốn rời khỏi đất nước”.

Từ ngày 28 đến 29/11, ông Tập đã đến thăm Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin mục đích chuyến thăm của ông là thúc giục ngành tài chính phục vụ tốt hơn nền kinh tế quốc gia.

Ông Sun nói: “Ông ấy ở đó để trấn an thị trường”. Ông Sun tiếp tục: “Trên thực tế, cổ phiếu hạng A của Trung Quốc đang giảm, đặc biệt là cổ phiếu tài chính. Mọi người không mua nó. Bất kể họ có cố gắng trấn an thị trường thế nào, thì nó cũng không hiệu quả. Điều này có nghĩa là tình hình kinh tế chung của Trung Quốc khá tồi tệ". [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến].

Ông Sun cho biết hiện chỉ có ĐCSTQ đang tiến hành đầu tư quy mô lớn; chính quyền vẫn đang chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhưng khu vực tư nhân thì trì trệ. Ông cho biết các nhà đầu tư tư nhân đang thiếu niềm tin đáng kể và các cá nhân giàu có đang tìm cách chuyển tài sản của họ ra nước ngoài thay vì đầu tư vào thị trường trong nước.

Trên thực tế, tại Trung Quốc, trong lúc tình hình kinh tế rối ren, những người giàu và tài sản của họ đang bị chính quyền nhắm mục tiêu.

Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi
Tờ tiền 100 CNY của Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/9/2016. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

“Nhiều người bạn của tôi ở Trung Quốc hiện muốn rời đi. … Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn mà họ phải đối mặt là không thể mang tiền ra khỏi đất nước. Điều này hạn chế rất nhiều việc mọi người có thể rời khỏi Trung Quốc”.

Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dự trữ ngoại tệ, hạn chế người Trung Quốc chỉ được rút số tiền tương đương 50.000 USD hàng năm từ tài khoản ngân hàng của họ. Để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý, nhiều cá nhân giàu có đã sử dụng các ngân hàng ngầm như một phương tiện bí mật để chuyển tiền ra khỏi đất nước.

Vào ngày 28/11, một bài báo trên tờ New York Times tuyên bố rằng những người giàu có của Trung Quốc đã chuyển hàng trăm tỷ USD ra khỏi đất nước trong năm nay, hướng nguồn vốn tới ngoại tệ, vàng thỏi và bất động sản ở thị trường nước ngoài.

Theo ông Jay Zhao, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản trực tuyến GA Technologies có trụ sở tại Tokyo, khách hàng Trung Quốc đã trở thành người mua chính những căn hộ ở Tokyo trị giá từ 3 triệu USD trở lên và họ mang theo vali đầy tiền mặt để thanh toán. Phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times trước đây đã đưa tin rằng không thiếu khách du lịch Trung Quốc giàu có đến Nhật Bản để mua bất động sản.

Theo ông Sun, những người giàu có ở Trung Quốc lấy du lịch làm cái cớ để mang lượng tiền mặt khổng lồ ra nước ngoài vì ĐCSTQ nghiêm cấm đầu tư vốn trực tiếp ra nước ngoài. Về cơ bản, các cá nhân Trung Quốc được phép mang tiền ra khỏi đất nước để đi du lịch và học tập ở nước ngoài nhưng không được phép mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc bất động sản. Vì vậy, để mua bất động sản ở nước ngoài, người dân đã tìm các cách lách qua sự kiểm soát của nhà nước để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Sun cho biết ĐCSTQ đang nhắm vào hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc nhằm ngăn chặn dòng ngoại tệ chảy ra ngoài.

Phố Wall thay đổi thái độ

Phố Wall đã bắt đầu rút lui khỏi Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại và thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Các nhân sự cấp cao tại BlackRock Investment Institute (BII - Viện đầu tư BlackRock), một tổ chức nghiên cứu liên kết với công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết hôm thứ Tư (6/12) rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội đầu tư tốt hơn ở các thị trường mới nổi khác ngoài Trung Quốc.

Bà Wei Li, chiến lược gia trưởng toàn cầu về đầu tư từ Viện đầu tư BlackRock, cho biết từ góc độ điều chỉnh theo rủi ro, đầu tư vào Trung Quốc đã trở nên kém hấp dẫn hơn, đó là lý do hãng này hạ xếp hạng đầu tư vào Trung Quốc trước đó trong năm nay.

Ông Alex Brazier, phó giám đốc Viện đầu tư BlackRock, cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu, khiến các nhà đầu tư có dự báo bi quan hơn.

Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi
Tên công ty tại văn phòng BlackRock vào ngày 16/1/2014 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Khi cơ cấu nhân khẩu học của Trung Quốc thay đổi và tăng trưởng năng suất chậm lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm từ 10% trước đây xuống còn 5% hiện nay. Các tổ chức quốc tế đánh giá đến cuối thập kỷ này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể duy trì ở mức khoảng 3%.

Khảo sát nhà đầu tư công toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) công bố cho thấy gần 40% quỹ công lớn đánh giá Ấn Độ là thị trường mới nổi hấp dẫn nhất. Chưa đến một phần tư chọn Trung Quốc (23%).

Sự rời đi của phố Wall, từng là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất của chính quyền Trung Quốc tại Mỹ, là bằng chứng nữa cho thấy sự bùng nổ kinh tế kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc sắp kết thúc.

Một vài năm trước, BlackRock và công ty chỉ số hàng đầu MSCI đã bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào một số chỉ số chính, giúp Trung Quốc thu hút đầu tư từ các quỹ hưu trí và quỹ quyên tặng của Mỹ. Hai công ty này hiện đang bị Ủy ban Tuyển chọn Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra vì bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn chảy vào Trung Quốc, đặc biệt là tới tay các công ty quân đội.

Khi những người diều hâu (mang tư tưởng hiếu chiến) trong Quốc hội Mỹ gặp các ông trùm tài chính phố Wall vào tháng 9, một số giám đốc điều hành tài chính thừa nhận rằng các quyết định của Bắc Kinh ngày càng trở nên khó đoán hơn và không thể dựa vào dữ liệu lịch sử để quản lý các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Một người tham gia các cuộc thảo luận liên quan cho biết, các nhà điều hành ngành tài chính Mỹ đã “phần nào thức tỉnh” trước những rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc.

Theo thông tin công khai, một số quỹ phòng hộ, bao gồm cả Bridgewater, đã giảm đáng kể lượng nắm giữ chứng khoán Trung Quốc. Carlyle và nhiều công ty đầu tư cổ phần tư nhân khác đã giảm mục tiêu gây quỹ cho các quỹ châu Á của họ hoặc ngừng hoàn toàn việc huy động vốn cho Trung Quốc. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ như Vanguard và Van Eck đang rời khỏi Trung Quốc hoặc từ bỏ kế hoạch kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Các chiến lược gia thị trường tại một số ngân hàng lớn ở phố Wall cho biết hầu hết các quỹ phòng hộ và nhà quản lý tích cực đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc sẽ khó có thể quay trở lại với cổ phiếu Trung Quốc cho đến khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung cải thiện đáng kể.

Sự sụt giảm trong nguồn tiền đầu tư từ phố Wall đã khiến nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên tồi tệ hơn. Với một quá khứ dành nhiều ưu ái cho Bắc Kinh, việc các gã khổng lồ phố Wall dường như đang quay lưng với Trung Quốc cho thấy một bước ngoặt mới. Rõ ràng những chính sách và động thái cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã góp phần không nhỏ khiến phố Wall thay đổi thái độ.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thời kỳ thất thoát vốn của Trung Quốc đã tới, công ty trong nước cũng rời đi