Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi, và xu hướng tách rời Trung Quốc đang là trung tâm của sự thay đổi đó. Trung Quốc không muốn điều này tiếp diễn, nhưng phương Tây dường như không còn bị đánh lừa.

Những nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong việc tách rời khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc dường như đang tạo ra các thành quả. Đây là nhận định trong bài báo “Quá trình tách rời Trung Quốc đang diễn ra thế nào", đăng ngày 18/2 trên tờ The Epoch Times, của tác giả Milton Ezrati. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho biết, một loạt dữ liệu gần đây cho thấy thành công tương đối trong những nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong việc đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc. Thương mại của Trung Quốc với mỗi thị trường quan trọng này đã giảm đi đáng kể.

Những con số này có thể đã phóng đại mức độ thành công. Doanh nghiệp Trung Quốc đã tái thiết lập ở các nước thứ ba và chuyển hàng hóa qua các quốc gia khác để tránh thuế quan và các hạn chế khác do các quốc gia giàu có này áp đặt, và những hoạt động đó không được tính vào dữ liệu thương mại của Trung Quốc. Mặc dù thủ đoạn như vậy có thể làm xáo trộn dữ liệu thống kê, nhưng trên thực tế, sự khác biệt mà nó tạo ra là không quá lớn vì mục đích của việc tách rời - hay “giảm rủi ro” như người châu Âu hay nói - là giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương trước sự bắt nạt của Bắc Kinh và việc chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước thứ ba cũng tạo ra tác động tương tự theo cách riêng của nó.

Có lẽ bằng chứng nổi bật nhất trong hàng loạt dữ liệu gần đây là việc Trung Quốc đã mất đi niềm tự hào với vị trí là nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Danh hiệu đó bây giờ thuộc về Mexico. Phần lớn điều này là do những nỗ lực độc lập của người mua Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm khỏi Trung Quốc. Những nỗ lực đó cũng đã nâng cao tầm quan trọng tương đối của các quốc gia khác. Nhập khẩu điện thoại thông minh của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm khoảng 10% từ đầu năm 2023 đến tháng 11, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu, trong khi nhập khẩu máy tính xách tay đã giảm 30%. Trong khi đó, nhập khẩu điện thoại thông minh từ cả Ấn Độ và Việt Nam đều tăng gấp bốn lần, mặc dù có xuất phát điểm thấp.

Nhìn chung, số liệu của châu Âu chưa đầy đủ bằng, nhưng Berlin báo cáo rằng nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc đã giảm khoảng 13% trong năm qua. Các báo cáo sơ bộ cho thấy, dù quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Đức đã được phát triển trong thời gian dài nhưng Mỹ có thể đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu lớn hơn sang Đức.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho thấy sự tách rời khỏi Trung Quốc. Bằng chứng thống kê phản ánh bản chất phức tạp của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế này và Trung Quốc. Phần lớn thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản xoay quanh các hoạt động kinh doanh của Nhật Bản và Hàn Quốc được thiết lập tại Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc xuất khẩu các bộ phận, linh kiện và vật tư cho hoạt động của họ tại Trung Quốc và nhập khẩu thành phẩm trở lại thị trường nội địa. Dữ liệu về nhập khẩu vào hai nước từ Trung Quốc có thể chưa có sẵn. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm, cho thấy họ không còn chú trọng vào hoạt động tại Trung Quốc nữa. Điều cũng đáng chú ý là cùng lúc đó, xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng lên và hiện đã vượt qua xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Một tấm biển ghi 'Đình chỉ bán tất cả các sản phẩm cá nhập khẩu từ Nhật Bản' tại một khu vực các nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/8/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

Các khu vực duy nhất mà thương mại của Trung Quốc có tăng trưởng là ở các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng nông sản. Do đó, thương mại của Brazil với Trung Quốc đã tăng mạnh. Xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc đã tăng trong năm ngoái lên mức cao hơn khoảng 60% so với mức trước đại dịch, trong khi nhập khẩu của Brazil từ Trung Quốc đã tăng 50%, cả hai mức tăng đều có xuất phát điểm thấp.

Úc cũng đã chứng kiến thương mại của mình với Trung Quốc tăng lên. Xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng 17% vào năm 2023. Con số này có thể khiến người ta kỳ vọng quá mức vào tiềm năng trong tương lai. Trên thực tế, số liệu này có thể chỉ phản ánh sự bắt kịp với mức độ thương mại cũ khi mà Bắc Kinh đã dỡ bỏ thuế trừng phạt áp lên hàng nhập khẩu của Úc vào năm 2020.

Nga cũng chứng kiến sự gia tăng thương mại với Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu năng lượng và nhập khẩu chủ yếu hàng tiêu dùng. Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Nga có thể sẽ tiếp tục phát triển chừng nào phương Tây vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với thương mại của Nga, vốn được áp dụng sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Những diễn biến trên tạo ra một sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu thương mại của Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc - cả nhập khẩu và xuất khẩu - do Hoa Kỳ chiếm giữ đã giảm 2,5% trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2023. Tỷ trọng của Nhật Bản đã giảm gần 2% và của Hàn Quốc giảm khoảng 1,5%. Tỷ trọng của châu Âu đã giảm khoảng 0,5%. Ngược lại, tỷ trọng của Nga đã tăng 2%, trong khi tỷ trọng của Brazil và Úc mỗi nước tăng 0,5%. Tỷ trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng khoảng 2,5%, nhưng con số này không hoàn toàn là do sự thay đổi về thái độ ưu tiên mà là do ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Đây có thể chỉ là những thay đổi phần trăm nhỏ, nhưng theo góc nhìn từ hoạt động thống kê như vậy, đây là một bước thay đổi đáng chú ý trong thời gian tương đối ngắn.

Bức tranh này, ở một chừng mực nào đó, chắc chắn nói lên một mức độ tách rời đáng kể khỏi Trung Quốc của một số nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Và việc tách rời không có khả năng sẽ bị sớm đảo ngược. Xu hướng này đã được xây dựng và bồi đắp trong nhiều năm. Mọi chuyện bắt đầu xảy ra với Mỹ vào năm 2018 khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này. Ông đã bổ sung thêm vào các mức thuế đó vào năm 2019.

Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên tất cả các mức thuế này và bổ sung các lệnh cấm bán chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc, cũng như đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc. Gần đây hơn, chính quyền của ông đã đưa ra ý tưởng áp thuế 25% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đã cố gắng dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để mua đất hiếm từ nơi khác chứ không phải từ Trung Quốc. Brussels đã thực hiện các bước để áp đặt hình phạt đối với Trung Quốc vì khiến xe điện giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các cơ sở kinh doanh của Trung Quốc sẽ tiếp tục, như đã từng xảy ra kể từ đợt thuế quan đầu tiên của ông Trump, lách qua những hạn chế như vậy bằng cách thiết lập hoạt động ở các nước thứ ba, như Mexico và Việt Nam, hoặc đơn giản là vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua các nước khác. Những hành động này có thể tránh được thuế quan, mặc dù Washington đang có hành động để ngăn chặn điều đó. Những hành động đó chắc chắn sẽ làm xáo trộn cách người ta giải thích các dữ liệu có sẵn. Nhưng dù sao thì chúng cũng làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh trong việc tác động đến dòng chảy của sản phẩm, mà xét cho cùng thì đây chính là mục đích của xu hướng tách rời. Xu hướng tách rời hoặc giảm rủi ro rõ ràng sẽ còn kéo dài một cách mạnh mẽ, ông Ezrati kết luận.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Quang cảnh một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc vào ngày 8/3/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi

Những năm đại dịch đã đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong lập trường kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, nghiêng đáng kể sang chủ nghĩa độc tài cánh tả. Sự thay đổi này, cùng với sự phản kháng toàn cầu chống lại ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), đã gây ra sự suy thoái toàn diện trong nền kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Tốc độ ngày càng nhanh chóng mà các nền kinh tế phương Tây xa rời ĐCSTQ đã làm thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế toàn cầu.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng sự chia rẽ nhanh chóng bất ngờ giữa xã hội phương Tây và Trung Quốc đã có hai biểu hiện chính: sự sụt giảm đáng kể trong cả thương mại xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc, vốn đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần đây. Trong lịch sử, thương mại với các quốc gia phát triển phương Tây chiếm hơn một nửa tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc. Con số này sau đó đã giảm xuống còn khoảng 30%, đánh dấu sự sụt giảm đáng kể trong thương mại với Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan, cùng các nền kinh tế tiên tiến khác của phương Tây.

Nói về quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ông Vương cho biết: “Trước đây, trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc với Nhật Bản đã định vị nước này là đối tác thương mại chính của Tokyo, có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, một sự thay đổi đáng chú ý đã xảy ra vào năm 2022, song song với việc Trung Quốc tách khỏi phương Tây và sự liên kết ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia phương Tây. Sự thay đổi này thể hiện rõ qua động lực thương mại ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Mỹ, cũng như với Đài Loan và Hàn Quốc, định hình lại bối cảnh kinh tế toàn cầu”.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel (giữa) có bài phát biểu tại một khách sạn ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: Kazuhiro Nogi / AFP qua Getty Images)

Ông còn quan sát thêm rằng khi các nước phương Tây rời xa Trung Quốc, mối liên kết giữa các nền kinh tế phát triển phương Tây đã được củng cố, với việc tăng cường đầu tư và thương mại lẫn nhau nâng cao vai trò của Mỹ như một trung tâm kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Mỹ, tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống mức năm 2003, giảm xuống chỉ còn 13%.

Ông Vương cho rằng sự tách rời kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện là xu hướng không thể đảo ngược, đặc biệt là sau khi Nhật Bản hưởng ứng các chính sách của Mỹ vào năm ngoái để áp đặt các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn đối với Trung Quốc. Động thái này tượng trưng cho sự bao vây chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mỹ, kết hợp các chính sách hạn chế của Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc nhắm đến việc tiếp cận chất bán dẫn của Trung Quốc, cùng với một hiệp ước bán dẫn bí mật giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan nhằm thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc.

Ông Vương nhận xét: “Sự liên kết chiến lược phối hợp này giữa Mỹ và Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng, gây lo lắng đáng kể cho ĐCSTQ”.

Bắc Kinh cử phái đoàn lớn tới Davos để thu hút thế giới

Vừa qua, ĐCSTQ đã cử một phái đoàn lớn tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài nhằm cứu nguy cho nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thuyết phục được các đại biểu rằng nền kinh tế của họ là một nơi đáng tin cậy để đầu tư do những khác biệt cơ bản về cấu trúc giữa nền kinh tế của hệ thống thị trường tập trung và tự do, như các chuyên gia đã chỉ ra.

Phái đoàn do ĐCSTQ cử đến dự cuộc họp mặt thường niên (từ ngày 15/1 đến ngày 19/1) ở Davos, Thụy Sĩ, lần này đông bất thường, với 140 thành viên, do Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) dẫn đầu, trong đó có 10 bộ trưởng, các quan chức tài chính và kinh tế chủ chốt cũng như các chuyên gia và doanh nhân của Trung Quốc.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong phiên họp toàn thể tại Phòng Hội nghị tại cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/1/2024. (Ảnh: LAURENT GILLIERON/POOL/AFP qua Getty Images)

Trong lúc đó, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm và phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng về cơ cấu, như vấn đề với nợ chính phủ, bong bóng bất động sản vỡ và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chính sách và các biện pháp kiểm soát “zero-COVID” cực kỳ khắc nghiệt của ĐCSTQ trong ba năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 cũng như việc thực thi luật chống gián điệp đã khiến một số lượng lớn các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài e sợ.

Tuy nhiên, tại Davos, ông Lý vẫn quảng bá cho Trung Quốc như là điểm đến đầu tư và kinh doanh an toàn.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng tại cuộc họp, ông Lý đã đưa ra 5 đề xuất mơ hồ, hy vọng “xây dựng lại niềm tin với phương Tây và tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây”, bao gồm điều phối kinh tế vĩ mô, duy trì và tôn trọng chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm, tăng cường hợp tác kỹ thuật quốc tế và hợp tác về các mục tiêu xanh.

Ông Lý cũng cho biết Trung Quốc tôn trọng lời hứa của mình. Trên thực tế, khi ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, ĐCSTQ đã hứa sẽ hoàn thành triệt để các cải cách theo định hướng thị trường trong vòng 15 năm và mở cửa cho các nước phát triển theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, sau khi phương Tây mở cửa một chiều thị trường của mình cho Trung Quốc, thay vì mở cửa đáp trả, ĐCSTQ lại tận dụng lợi thế từ thị trường đóng cửa của mình và dùng trợ cấp để mở rộng doanh nghiệp nhà nước.

Phương Tây hiện đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc một cách bài bản, đầu tư nhiều hơn vào các nước dân chủ hoặc thân thiện như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn hy vọng nguồn vốn nước ngoài sẽ quay trở lại.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Khu thương mại trung tâm vào lúc hoàng hôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Vào ngày 16/1, ông Lý đã gặp ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase và các lãnh đạo khác ở Phố Wall để thảo luận về việc mở cửa Trung Quốc cho các công ty dịch vụ tài chính phương Tây. Ông Dimon nói với truyền thông Mỹ vào ngày 17/1 rằng các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - phải “lo lắng một chút” vì “phần thưởng - rủi ro đã thay đổi mạnh”.

Phương Tây đã nhiều lần tuyên bố rằng họ muốn thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dân chủ, tự do có cùng chí hướng và “giảm thiểu rủi ro” trước các đối thủ toàn trị như Trung Quốc. Sự ủng hộ của ĐCSTQ đối với Nga và Hamas cũng vẫn chưa thay đổi trong khi Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy cộng đồng quốc tế cho phép nó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chung.

Bài phát biểu của ông Lý tại Davos lần này chỉ nói về kinh tế và không đề cập đến bất kỳ chủ đề địa chính trị nào. Các quan chức Ukraine từng cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẵn sàng gặp gỡ các quan chức ĐCSTQ ở Thụy Sĩ, nhưng ông Lý không chủ động nói chuyện với ông Zelenskyy. Thế giới bên ngoài coi đây là dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã chọn tiếp tục đứng về phía Nga.

Không giống như ông Lý, người chỉ đề cập đến các vấn đề kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề cập đến từ “dân chủ” 9 lần và “tự do” 6 lần trong bài phát biểu dài 20 phút của bà tại Davos.

“Các công ty của chúng ta phát triển dựa trên sự tự do - để đổi mới, đầu tư và cạnh tranh. Nhưng tự do kinh doanh phụ thuộc vào sự tự do của hệ thống chính trị của chúng ta”, bà nói. “Đây là lý do tại sao tôi tin rằng việc củng cố nền dân chủ của chúng ta và bảo vệ nó khỏi những rủi ro và can thiệp mà nó phải đối mặt là nghĩa vụ chung và lâu dài của chúng ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần xây dựng niềm tin và châu Âu sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng”.

Tại Diễn đàn Dallas một năm trước, bà von der Leyen lần đầu tiên đề xuất khái niệm “giảm thiểu rủi ro thay vì tách rời” để xác định lại chiến lược kinh tế và công nghiệp của EU đối với Trung Quốc. Khái niệm này đã được Mỹ và các nước G7 khác áp dụng.

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ
Các container hàng chồng lên nhau tại cảng Tú Thiên ở phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 26/3/2023. (STR/AFP qua Getty Images)

Tại Davos, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với nền dân chủ của Đài Loan.

Ông nói: “Chúng tôi chúc mừng tổng thống mới đắc cử cũng như người dân Đài Loan về nền dân chủ mạnh mẽ của họ và tấm gương tuyệt vời [của họ] không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn thế giới”.

Ông Blinken cũng chỉ trích nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “gây áp lực lên Đài Loan - áp lực kinh tế, áp lực quân sự, áp lực ngoại giao, việc cô lập - nó chỉ củng cố thêm [tinh thần] cho chính nhiều người mà họ [ĐCSTQ] không muốn củng cố”.

Ông Lý đã không đáp lại bài phát biểu của bà von der Leyen hoặc ông Blinken.

Phương Tây không còn bị lừa

Ông Tống Quốc Thành (Song Guo-chen), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan (Taiwan National Chengchi University), nói với The Epoch Times rằng các bài phát biểu của ông Lý tại Davos năm nay đều nhằm gửi tín hiệu SOS yêu cầu giúp đỡ để cứu nguy cho nền kinh tế Trung Quốc.

Ông chỉ ra rằng trong khi ông Lý muốn né tránh nói đến các xung đột địa chính trị toàn cầu, ĐCSTQ vẫn nhúng tay vào các cuộc xung đột và thậm chí còn ngấm ngầm châm ngòi cho chúng.

“ĐCSTQ vẫn không công nhận việc Nga xâm lược Ukraine và luôn khăng khăng đòi thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nó đang đề xuất một nền hòa bình giả tạo trong cuộc chiến Israel - Hamas”, ông Tống nói.

“Thế giới phương Tây giờ đây có thể nhìn nhận [ĐCSTQ] một cách rõ ràng. Ông Lý Cường đã cố gắng đánh lừa thế giới phương Tây, nhưng thế giới phương Tây không còn bị lừa bởi chiến thuật của ĐCSTQ nữa”.

Ông Yeh Yaoyuan, chủ tịch Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St. Thomas, nói với The Epoch Times rằng, ở giai đoạn này, bản thân ĐCSTQ đã trở thành mục tiêu đầu tư có rủi ro cao.

Ông nói: “Cho dù đó là mối liên hệ đơn phương, song phương hay đa phương, nó cũng không thể thuyết phục để có được đầu tư quy mô lớn vào Trung Quốc”.

“Họ phải giải quyết vấn đề cốt lõi trước tiên. Ít nhất nó phải có một quy trình pháp lý minh bạch và cởi mở chứ chưa nói đến dân chủ hóa”. Ông Yeh cho rằng, ĐCSTQ thậm chí còn đang đi thụt lùi về khía cạnh này.

“... họ sợ rằng khi toàn bộ thị trường hoạt động sẽ tạo ra rất nhiều thông tin riêng tư không thể kiểm soát được. Nếu bạn cố gắng kiểm soát nó, nó sẽ không phải là một thị trường cạnh tranh bình thường. ĐCSTQ sợ rằng những thông tin riêng tư này sẽ lật đổ chế độ ĐCSTQ”.

Ông Yeh cho biết hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm.

Ông nói: “Bây giờ là khoảng 5% [theo báo cáo của ĐCSTQ], có thể là 4% tiếp theo, và sau đó giảm xuống còn 3%”. “Tình huống trong quá khứ với đầu tư nước ngoài quy mô lớn và sự cất cánh kinh tế sẽ không xảy ra nữa”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Xu hướng tách rời kinh tế Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ