Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ, đang nhìn nhận tiêu cực về triển vọng của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đang thiếu các động lực để di dời cơ sở kinh doanh sang một lãnh thổ khác.

Sự xuống dốc nghiêm trọng trên thị trường tài chính Trung Quốc và việc các công ty phương Tây nhận ra một cách muộn màng rằng những cơ hội ở đây không màu hồng như họ mong đợi, đang thúc đẩy một sự thay đổi sâu sắc trong cách các doanh nghiệp nhìn vào châu Á và triển vọng kinh doanh ở đó, cũng như hoạt động tái phân bổ khoản đầu tư khổng lồ của họ vào các thị trường phù hợp hơn.

Đó là quan điểm của một cựu quan chức chính quyền Trump, người chỉ trích chính quyền Biden vì đã không chủ động và ứng phó với tình hình không ổn định ở Trung Quốc bằng cách phát triển hoặc sửa đổi các chính sách về Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump khi thích hợp.

Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc có mức đầu tư nước ngoài giảm mạnh và phải vật lộn với mức thâm hụt 11,8 tỷ USD trong đầu tư nước ngoài trong ba tháng tính đến tháng 10/2023.

Cựu quan chức chính quyền Trump tin rằng các công ty nước ngoài đang rút lui và nhiều cơ hội đang chờ đợi các doanh nghiệp sẵn sàng vượt qua khó khăn khi di dời từ Trung Quốc sang các thị trường sôi động và đang mở rộng như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Singapore. Nhưng sự thay đổi sẽ đòi hỏi nỗ lực kiên quyết ở cấp độ chính trị, điều mà gần đây rõ ràng là chưa xuất hiện.

"Các công ty Mỹ cạnh tranh trực tiếp với các công ty hàng đầu quốc gia Trung Quốc có một cơ hội duy nhất”, ông Clete Willems, đối tác tại công ty luật Akin Gump, người từng phục vụ trong chính quyền Trump với tư cách là phó trợ lý tổng thống về kinh tế quốc tế và phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với The Epoch Times.

“Nhưng đây là điểm mà tôi khá bất bình với chính quyền Biden và tôi hy vọng rằng chính quyền mới của ông Trump sẽ làm tốt hơn ở vấn đề này: chúng ta đang tạo ra những động cơ tiêu cực để kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng chúng ta không tạo ra những động cơ tích cực để kinh doanh ở nơi khác”, ông nói thêm.

Hối hả rút lui khỏi Trung Quốc

Quyết định được biết đến của BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, bán văn phòng mà họ đã mua ở Thượng Hải với giá thấp hơn 30% so với mức giá mà công ty đã trả vào năm 2017, chỉ là một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy các công ty đang hối hả rút lui như thế nào khỏi thị trường đang xấu đi nhanh chóng của Trung Quốc trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, các nhà quan sát về quan hệ Mỹ - Trung nhận định.

Cách đây không lâu, BlackRock vốn đã hết sức khao khát tiến hành kinh doanh ở Trung Quốc. BlackRock đã mua Khu Trung tâm Thượng Hải cao 27 tầng với giá 199 triệu USD vào năm 2017. Đây là thời điểm công ty quản lý tài sản và các công ty khác rất lạc quan về cơ hội tại các thị trường rộng lớn của Trung Quốc, đồng thời sự cạnh tranh để xâm nhập và thu hút khách hàng đã diễn ra rất khốc liệt.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Giám đốc điều hành BlackRock, ông Larry Fink, tham dự một phiên họp tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 23/1/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Nhưng trong những tháng gần đây, triển vọng chung về Trung Quốc trong đánh giá của BlackRock đã nguội lạnh và vào tháng 9/2023, công ty quản lý tài sản này đã hạ mức xếp hạng đối với chứng khoán Trung Quốc từ “trung lập” xuống “thừa thãi [đang đầu tư quá mức thích hợp]”. Cùng tháng đó, BlackRock đã quyết định đóng cửa Quỹ cổ phần linh hoạt Trung Quốc kể từ ngày 7/11, sau khi quỹ này thu hút được số tài sản trị ít ỏi giá 22,3 triệu USD trong gần sáu năm hoạt động.

Các quyết định của BlackRock gần như trùng hợp với một loạt hành động đầy kịch tính của các quan chức Trung Quốc đối với tập đoàn bất động sản có đòn bẩy tài chính quá cao Evergrande, bao gồm cả việc bắt giữ các nhân sự của Evergrande, trong lúc công ty này trễ hẹn hoặc không thanh toán các khoản nợ.

Đổ thêm dầu vào lửa

Như được lưu ý trên tờ The Wall Street Journal và các ấn phẩm khác, các thế lực địa chính trị lớn đã đổ thêm dầu vào lửa. Các chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung đã nói với The Epoch Times rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức đã đến lúc phải thiết lập lại một cách cơ bản các cơ chế thị trường liên quan tới sự can dự của phương Tây vào thị trường châu Á.

Ông Willems coi sự thoái lui của các công ty Mỹ là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố.

“Tôi mô tả nó là hiệu ứng ‘nhỏ giọt’. Tôi làm việc với các khách hàng trong lĩnh vực đầu tư cũng như các công ty đa quốc gia, một số trong đó đã có chuỗi cung ứng tiếp xúc với Trung Quốc. Rõ ràng, có một nhận thức rằng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức hơn, do xu hướng kinh tế vĩ mô và cách quản lý ở đó cũng như các chính sách khác nhau mà họ đã thực hiện dưới thời ông Tập Cận Bình”, ông Willems nói với The Epoch Times.

Ông Willems thừa nhận, cuộc đàn áp khắc nghiệt do COVID-19 của Bắc Kinh đối với người dân của họ đã đi xa đến mức có thể nhắc nhở thế giới rằng chế độ này ít quan tâm đến những yếu tố văn minh trong thủ tục tố tụng hợp pháp và quyền tự do cá nhân khi tình thế trở nên bức bách.

Nhưng một yếu tố thậm chí còn đáng lo ngại và gây mất ổn định hơn là chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022, làm nổi bật những căng thẳng đang đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn liên quan tới các kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi (Dân chủ - California) trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo hàng tuần của bà tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, Mỹ, vào ngày 15/12/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

“Tôi đã nhìn thấy điểm biến đổi khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi đến Đài Loan. Đó là lúc tôi đột nhiên nhận được tất cả những câu hỏi về 'Chúng ta có cần Kế hoạch B không?' Mọi người bắt đầu nhận ra rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ không sớm hạ nhiệt”, ông Willems nói. Nói tóm lại, suy thoái tài chính và căng thẳng địa chính trị đã khiến các công ty và nhà quản lý tài sản lạc quan trở nên có cái nhìn ít nhất là tiêu cực.

“Tôi không quy nó là do bất kỳ một yếu tố [đơn lẻ] nào, nhưng chính sách của Mỹ, chính sách của Trung Quốc, những căng thẳng tổng thể, nó thực sự đã tạo ra một kịch bản trong đó rủi ro tăng lên và phần thưởng lại giảm xuống. Rất nhiều công ty mà chúng tôi hợp tác đang nghĩ cách giảm bớt sự tiếp xúc với Trung Quốc”, ông Willems nói.

Các xu hướng này đã làm xói mòn niềm tin từ giới đầu tư mà các công ty Trung Quốc từng sở hữu cũng như sức hấp dẫn như một mục tiêu đầu tư của họ. Trong một số trường hợp, điều này có lợi cho các đối thủ của họ ở Mỹ.

Động cơ để thay đổi và di dời

Với thái độ nguội lạnh của các công ty Mỹ đối với Trung Quốc, sớm hay muộn họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với câu hỏi tìm đâu ra những triển vọng đầu tư và quan hệ đối tác kinh doanh ít gây đau đầu hơn.

Các chuyên gia lập luận rằng các quốc gia khác có thể mang lại cơ hội đầu tư ổn định và an toàn hơn khi các vấn đề địa chính trị bùng nổ.

“Mọi người đang tìm kiếm. Singapore rõ ràng là quốc gia được hưởng lợi từ việc di dời và mọi người đang khám phá khắp Đông Nam Á. Việt Nam có tên trong danh sách, Thái Lan, Malaysia và các nước khác cũng vậy”, ông Willems nói.

Nhưng trong khi nhu cầu chống lại các hành vi lạm dụng và nặng tay của Bắc Kinh là rõ ràng, ông Willems tin rằng việc thiếu các động cơ tích cực để tái tập trung vào các thị trường khác là một vấn đề đáng kể đối với các công ty khi xem xét lại các cam kết của họ với Trung Quốc - và đây là một vấn đề mà bất cứ ai sở hữu Tòa Bạch Ốc vào tháng 1/2025 nên trực tiếp đối mặt.

Ông Willems tiếp tục: “Chúng ta đang nói rằng hãy đóng cửa thị trường này, nhưng chúng ta không cho họ nơi nào khác để đi, và tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn trong chính sách”.

Ông Willems tin rằng chính quyền Biden cũng chưa áp dụng một cách tiếp cận phù hợp và tinh tế để thực thi mức áp thuế trị giá 300 tỷ USD mà cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông lập luận rằng chính quyền hiện tại phần lớn đã áp dụng một thái độ thụ động, ngay cả khi hồ sơ theo dõi về thuế quan được áp dụng trong nhiều năm cho thấy rằng một số biện pháp thuế đang hoạt động tốt hơn những biện pháp khác.

“Bây giờ, đã gần bốn năm, thuế quan vẫn giữ nguyên như khi chúng tôi bắt đầu. Sự thụ động là đặc điểm nổi bật trong chính sách của ông Biden”, ông Willems nói.

Theo quan điểm của ông Willems, nhiệm vụ của ông Biden hoặc bất kỳ ai thay thế ông vào tháng 1/2025 là phải tăng cường các khoản thuế đã được chứng minh là có hiệu quả trong khi để các khoản thuế khác hết hạn. Ví dụ, ông Willems so sánh việc thiếu thuế quan đối với máy tính cá nhân (PC) với các mức thuế quan áp dụng cho các bộ phận của PC. Ông nói, sự dàn xếp không cân xứng này khiến việc sản xuất PC ở Mỹ không được khuyến khích.

Ông Willems nói thêm: “Quan điểm của tôi là, họ nên xem xét bằng chứng hiện có, tăng các khoản thuế tốt và loại bỏ các khoản thuế xấu, và không rõ tại sao họ không thể làm vậy”.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Những thủ phạm

Trong khi suy thoái có thể khiến các công ty đầu tư vào Trung Quốc tìm nơi khác và di dời, sẽ là sai lầm nếu coi vô số vấn đề tài chính của đất nước này là kết quả tự nhiên của loại chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ, thứ vốn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ nền kinh tế nào, ở bất kỳ đâu, theo một chuyên gia khác về quan hệ thương mại.

Đó là quan điểm của ông Stephen Ezell, Phó Chủ tịch Chính sách Đổi mới Toàn cầu tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Washington.

Ông Ezell trích dẫn một cuộc khảo sát mà Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố vào tháng 9/2023, cho thấy khoảng 40% công ty tham gia cuộc khảo sát đang trong quá trình chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực pháp lý khác. Ông cũng trích dẫn một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Bằng chứng UBS báo cáo rằng 71% các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đang chuyển các hoạt động đó sang các nước khác hoặc có kế hoạch thực hiện điều đó.

Theo quan điểm của ông Ezell, lý do đằng sau những con số này rất rõ ràng. Các hành vi vi phạm trường kỳ của Bắc Kinh đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua việc xa lánh các công ty nước ngoài.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Binh lính Trung Quốc diễu hành bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, trước khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quốc gia, ra mắt vào ngày 25/10/2017. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Ông nhấn mạnh, sự hỗn loạn thông thường thị trường không phải là thủ phạm khiến các công ty nước ngoài rút lui.

“Tôi nghĩ nó được thúc đẩy nhiều hơn bởi những lo ngại của các công ty về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc, trong đó tiếp tục bao gồm những lo ngại đáng kể về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, gián điệp mạng và thậm chí việc giam giữ bắt buộc các giám đốc điều hành doanh nghiệp phương Tây, chưa kể đến hậu quả của các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do COVID-19 và căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gia tăng”, ông Ezell nói.

Ông Ezell tin rằng chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục hành xử quá đáng và coi thường các điều khoản trong tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), thì thuế quan và các chính sách khác vẫn có một vai trò trong việc gửi một thông điệp lớn và rõ ràng tới các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Trung Quốc tiến hành quản lý nhà nước về kinh tế theo cách không phù hợp với các cam kết WTO với các quốc gia thành viên. Hoa Kỳ phải tiếp tục đẩy lùi mạnh mẽ những hành vi như vậy của Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng làm như vậy, bất cứ khi nào có thể”, ông Ezell nói.

Tuy nhiên, ông Ezell đồng tình với ông Willems về sự cần thiết phải xem lại các mức thuế đã áp dụng trong nhiều năm và xem xét cẩn thận để đánh giá cái nào đã được chứng minh là có hiệu quả và cái nào thì không.

“Thuế quan là một công cụ thô, và vì vậy Hoa Kỳ cần bắt đầu xây dựng một bộ các chính sách tinh vi, tinh tế hơn nhiều để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, chẳng hạn như cải cách toàn diện Mục 337 của luật thương mại Mỹ”, ông Ezell nói.

Các lo lắng của công ty Mỹ tập trung vào quan hệ Mỹ - Trung

Theo báo cáo môi trường kinh doanh thường niên mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, mối quan hệ ngoại giao mong manh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là mối lo ngại đáng chú ý nhất đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và Hong Kong, trong khi nhiều công ty vẫn tiếp tục báo cáo mức lợi nhuận cao hơn.

Trong khi những lo lắng về mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang gia tăng kể từ năm 2021, căng thẳng giữa hai nước nổi lên như mối lo ngại chính trong năm thứ ba liên tiếp trong cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham). Cũng ngày càng có nhiều lo ngại về các vấn đề như luật pháp và quy định không nhất quán, chi phí lao động ngày càng tăng, bảo mật dữ liệu và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty tư nhân Trung Quốc.

Báo cáo của AmCham lưu ý rằng ngoại trừ năm 2023, khi các hạn chế về COVID-19 nổi lên như một vấn đề quan trọng, những thách thức này thường xuyên nằm trong số hai hoặc ba mối quan tâm hàng đầu đối với các thành viên.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Khu thương mại trung tâm vào lúc hoàng hôn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/2/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Mối quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng là trung tâm của một số thách thức dai dẳng đối với các thành viên, trong đó vấn đề này đang được chú ý hơn bao giờ hết, tiếp theo là sự thiếu nhất quán về quy định và chi phí gia tăng”.

Ông Sean Stein, chủ tịch AmCham Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù thương mại song phương đã mở rộng trong những năm gần đây, sự ngờ vực giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và quan hệ vẫn căng thẳng”.

Các câu trả lời thăm dò từ 343 thành viên AmCham được thu thập vào tháng 10/2023 trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại San Francisco. Sự kiện này được coi là một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mặc dù hai nhà lãnh đạo - đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2023 - được cho là đã tiến hành các cuộc thảo luận “sắc nét” về vô số vấn đề, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cuộc gặp đã giúp cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia.

Gần như tất cả các thành viên AmCham được khảo sát đều coi sự không chắc chắn trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là yếu tố phá hoại tâm lý lớn nhất. AmCham tuyên bố rằng họ nhận thấy mối lo ngại đặc biệt mạnh mẽ về mối quan hệ kinh tế song phương đang suy yếu trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D).

Ngoài ra, các thành viên AmCham nhấn mạnh rằng việc tiếp cận thị trường là một mối lo ngại đáng kể, với 1/3 số công ty được khảo sát phàn nàn rằng họ bị đối xử bất công so với các đối thủ trong nước.

AmCham cho biết trong báo cáo khảo sát: “Trong số các công ty được khảo sát, 39% cho biết họ cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc so với một năm trước”.

Cuộc khảo sát cho thấy còn có áp lực chính trị, phù hợp với những phát hiện của năm trước, với 72% số công ty được hỏi cho biết cảm thấy bị áp lực khi đưa ra phát biểu hoặc phải hạn chế bình luận về các chủ đề nhạy cảm về chính trị.

AmCham cho biết: “Xu hướng này cho thấy áp lực chính trị vẫn tiếp tục hiện diện trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài”. “Phần lớn (57%) công ty thiếu niềm tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty nước ngoài”.

Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc buộc phải dựa vào đội ngũ quản lý chủ yếu gồm người Trung Quốc đại lục, với hơn 3/4 số công ty sử dụng ít hơn 25% quản lý nước ngoài.

Các thành viên AmCham cho rằng việc không muốn chuyển đến Trung Quốc là trở ngại lớn nhất trong việc tuyển dụng và dữ chân nhân tài quốc tế.

Đồng thời, theo khảo sát, các doanh nghiệp đã bắt đầu mất niềm tin vào Trung Quốc và không sẵn sàng cam kết đầu tư nhiều hơn vì những thách thức ngày càng tăng khi kinh doanh ở đây.

Báo cáo khảo sát cho biết: “43% thành viên được khảo sát cho biết họ không có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Trung Quốc vào năm 2024, trong khi 5% có kế hoạch giảm đầu tư, đánh dấu mức giảm 4% so với năm 2022”.

“Ngoài ra, 37% thành viên dự định chỉ tăng đầu tư ở mức nhỏ [từ 1% đến 10%], nhấn mạnh cách tiếp cận thận trọng vẫn đang tiếp diễn trong môi trường đầu tư của Trung Quốc”.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Các container hàng chồng lên nhau tại cảng Tú Thiên ở phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 26/3/2023. (STR/AFP qua Getty Images)

Sự thân thiện của Trung Quốc

Khi các vấn đề kinh tế trở nên đáng báo động, Bắc Kinh đã có các động thái “thân thiện” với Mỹ, nhằm thay đổi xu hướng tách rời từ phía chính quyền Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng có lẽ, Washington và các doanh nghiệp Mỹ cần phải cẩn thận, vì sự thân thiện đó không tốt đẹp như vẻ bề ngoài, và họ không nên bị lay động và hy vọng vào sự thay đổi từ phía Bắc Kinh.

Trên thực tế, tại những lần gặp gỡ trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 vào tháng 11/2023, Bắc Kinh đã thay đổi thái độ ngoại giao chiến lang đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhắc lại rằng "không có lý do gì khiến quan hệ Trung - Mỹ bị hủy hoại.

Sự tách rời của Mỹ đóng góp không nhỏ vào sự khó khăn về kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Rõ ràng, việc Mỹ tách rời hoàn toàn không có lợi, và chính bản thân Bắc Kinh cũng hiểu điều đó. Chuyên gia truyền thông cấp cao Cheng Xiang cho rằng sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc trong quá khứ có liên quan đến tình trạng hài hòa trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông Cheng Xiang kể lại rằng khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đến thăm Mỹ vào năm 1979, ông Li Shenzhi, người sau này trở thành giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã đi cùng ông Đặng. Ông Li Shenzhi hỏi ông Đặng tại sao ông coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Ông Đặng đáp: “Nhìn lại mấy chục năm qua, tất cả các nước có quan hệ tốt với Mỹ đều trở nên giàu có”. Giờ đây, nhà lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc hẳn phải muốn gặp Tổng thống Mỹ Biden với nụ cười trên môi và gác lại chính sách ngoại giao chiến lang vì ông muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ và tìm cách cải thiện nền kinh tế Trung Quốc.

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn
Người dân biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong Tuần lễ Các Nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ở Woodside, California, Mỹ, vào ngày 15/11/2023. (Ảnh: Gilles Clarenne/AFP qua Getty Images )

Ông Cheng Xiang dẫn quan điểm của ông Liu Mengxiong, cựu thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vấn đề kinh tế nằm ở chính trị. Ông Cheng Xiang cho rằng Bắc Kinh từng nói về “sự trỗi dậy ở phía đông và xuống dốc ở phía tây” và “một cộng đồng hướng đến tương lai chung cho nhân loại”, nhằm từ bỏ trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập từ Thế chiến thứ hai. Trung Quốc luôn là kẻ thù của Mỹ và các doanh nhân nước ngoài đã e sợ, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Trung Quốc.

Vậy việc Bắc Kinh thay đổi thái độ với Mỹ có phải là một bước rút lui chiến lược? Ông Cheng Xiang nói rằng bản chất chống Mỹ của Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi, đặc biệt là khi ông Tập lên nắm quyền.

Nhưng tại sao bây giờ Bắc Kinh lại tỏ ra ưu ái Mỹ? Ông Cheng phân tích rằng đó là chiến lược của ĐCSTQ. Trong chiến tranh du kích, Bắc Kinh nhấn mạnh “nói và đánh, đánh và đánh để nói”. Khi thực lực kém hơn đối phương thì Bắc Kinh sẽ thương lượng và ngược lại. Nếu Bắc Kinh không mạnh bằng Mỹ thì Bắc Kinh sẽ đàm phán.

Ngoài ra, Bắc Kinh nhấn mạnh luôn áp dụng chiến lược hai mặt là đấu tranh và hợp tác, tùy theo tình hình, nhưng mục tiêu cuối cùng là đánh bại đối thủ. Có rất nhiều dẫn chứng trong lịch sử chính quyền Bắc Kinh thể hiện điều này.

Ông Cheng Xiang cho biết Bắc Kinh hiện đang hy vọng sẽ giảm bớt áp lực của cuộc suy giảm kinh tế mà nước này đang trải qua; thứ hai là Bắc Kinh muốn “đánh lừa và làm tê liệt kẻ thù”. Ví dụ lừa dối điển hình nhất là việc đích thân ông Tập Cận Bình nói với (cựu Tổng thống Mỹ) Obama rằng Biển Đông sẽ không bị quân sự hóa, nhưng sau đó Bắc Kinh đã thiết lập căn cứ quân sự trên các đảo ở Biển Đông.

Ông Cheng chỉ ra rằng ĐCSTQ thường sử dụng đối thoại như một chiến thuật trì hoãn để câu giờ để có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến tiếp theo. ĐCSTQ đã lừa dối Quốc Dân Đảng trong cuộc Nội chiến Trung Quốc theo cách đó. Năm 1946, trong cuộc họp ở Trùng Khánh, Mao Trạch Đông đã hội đàm với nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch và thậm chí còn hét lên "Tưởng Chủ tịch muôn năm". Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Mao Trạch Đông đang triển khai một cuộc chiến tranh mới và phát động ba trận đánh lớn ngay sau khi trở về Diên An.

Ông Cheng Xiang cũng cho rằng ĐCSTQ đội lốt người theo chủ nghĩa hòa bình thông qua các cuộc “đối thoại” để giành được sự ủng hộ của dư luận, đồng thời sử dụng “đối thoại hòa bình” để đưa đối thủ của mình vào thế “bị cáo” vì đã phát động chiến tranh. Bắc Kinh lợi dụng điều này để giành được sự ủng hộ của người dân thường.

Ông Cheng Xiang chỉ ra rằng đằng sau khuôn mặt tươi cười của Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh APEC, "bạn phải hết sức cẩn thận. Đằng sau khuôn mặt tươi cười của ông ta, (hãy xem) những chiến lược quỷ quyệt của ông ta là gì". Ông Cheng Xiang cảm thấy thật đáng tiếc khi một số người tin rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu lại quan hệ hữu nghị thân thiện. “Tôi nghĩ ý tưởng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về ĐCSTQ”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp ngoại hối hả rút khỏi Trung Quốc, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn