Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs cảnh báo: Đừng đầu tư vào Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi hiện không khuyến khích khách hàng [đầu tư] vào Trung Quốc”.

Hôm thứ Hai (ngày 4/3), bà Sharmin Mossavar-Rahmani, Giám đốc đầu tư trong mảng Quản lý Tài sản Cá nhân (Private Wealth Management) của Goldman Sachs cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News: “Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều đang hỏi vấn đề này, [cổ phiếu ở] Trung Quốc trông có vẻ rẻ như vậy, mọi người không khỏi thắc mắc liệu thời điểm tồi tệ nhất đã qua chưa?".

Goldman Sachs là một cái tên có tiếng trong ngành tài chính ngân hàng. Đây là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới và có trụ sở tại Mỹ.

Bà Mossavar-Rahmani nói: “Quan điểm của chúng tôi là đừng đầu tư vào Trung Quốc”.

Bà Mossavar-Rahmani đã giải thích một loạt lý do dẫn đến quyết định này, bao gồm cả kỳ vọng về sự suy giảm ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong 10 năm tới. Bà nói rằng, cho đến nay, ba trụ cột tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - là thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng và xuất khẩu - vẫn còn yếu.

Bà Mossavar-Rahmani cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc xây dựng chính sách và dữ liệu kinh tế không đồng đều đã khiến thế giới bên ngoài càng lo lắng hơn về việc đầu tư vào Trung Quốc.

Trong một năm qua, chính quyền Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của cái gọi là 'bảo mật thông tin', qua đó hạn chế luồng thông tin ra khỏi Trung Quốc. Cục Thống kê Trung Quốc cũng đã đình chỉ việc công bố một số dữ liệu liên quan đến tình trạng thất nghiệp ở nước này.

Hôm 4/3, Bắc Kinh tuyên bố hủy cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội của Thủ tướng Trung Quốc, chấm dứt truyền thống kéo dài 30 năm. TWall Street Journal bình luận, tin tức này lại một lần nữa cho thấy rõ chính quyền Trung Quốc đang làm cho hệ thống chính trị “hộp đen” của mình trở nên đen tối hơn. Một số nhà quan sát chính trị cho rằng, việc hủy bỏ cuộc họp báo này đã đánh dấu một sự đảo ngược khác đối với kế hoạch “cải cách, mở cửa” kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh và càng làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.

Bà Mossavar-Rahmani nói: "Hiện vẫn chưa rõ định hướng chung trong chính sách dài hạn [của chính quyền Trung Quốc] là gì. Sự không chắc chắn về chính sách thường sẽ gây ra hạn chế cho thị trường chứng khoán ở một mức độ nhất định".

Trong bối cảnh thế giới bên ngoài lo ngại về nhu cầu nội địa của Trung Quốc giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng, chỉ số CSI 300 hồi tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm. CSI 300 là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A - những cổ phiếu được giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến ở Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ phục hồi yếu ớt sau khi cơ quan quản lý của nước này có hành động hạn chế nghiêm ngặt hành vi bán tháo và “đội tuyển quốc gia” tiến hành mua vào. “Đội tuyển quốc gia” - được thành lập để đối phó với sự sụp đổ của thị trường vào năm 2015 - gồm các nhà đầu tư được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.

Bà Mossavar-Rahmani cho rằng, Bắc Kinh có thể đưa ra một số biện pháp kích thích ngắn hạn, nhưng ngành bất động sản Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy.

Vị giám đốc đầu tư này còn nói, do chính quyền Trung Quốc không có dữ liệu minh bạch nên bên ngoài không biết được mức tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc trong năm ngoái hoặc tình hình tăng trưởng trong năm nay.

Trung Quốc chính thức tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nước này là trên 5%, nhưng bà Mossavar-Rahmani nói: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đây không phải là con số tăng trưởng thực sự, trên thực tế nó yếu hơn nhiều”.

“Chúng tôi hiện không khuyến khích khách hàng [đầu tư] vào Trung Quốc”, bà Mossavar-Rahmani kết luận.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giám đốc đầu tư tại Goldman Sachs cảnh báo: Đừng đầu tư vào Trung Quốc