Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục làm cư dân mạng dậy sóng. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn cầu xin Mỹ giúp đỡ “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất".

Trong lúc thị trường chứng khoán Trung Quốc đang lao dốc, các nhà đầu tư tức giận đã để lại tin nhắn trên mạng để trút giận, tố cáo hành động "cắt hẹ" (chiếm đoạt tài sản của người dân) vô đạo đức của Bắc Kinh, thậm chí còn hét lên kêu gọi "nổi loạn".

Vào ngày 2/2, 5.200 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã mất giá và chỉ số Shanghai Composite Index có lúc giảm xuống dưới 2.700 điểm. Nhiều nhà đầu tư đã phá sản và đã tự tử bằng cách nhảy khỏi các tòa nhà. Một số nhà đầu tư đã lên kế hoạch biểu tình tập thể. Nhiều nhà đầu tư bộc lộ cảm xúc trên mạng, thậm chí còn công khai thóa mạ hệ thống của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) và hét lên kêu gọi “nổi loạn”.

Vào ngày 2/2, trang Weibo chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã đăng một bài blog về việc bảo vệ hươu cao cổ. Các nhà đầu tư Trung Quốc tràn vào bài đăng với các lượt thích và để lại tin nhắn cầu xin Mỹ cứu cổ phiếu hạng A (Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng đồng nhân dân tệ ở Thượng Hải và Thâm Quyến). Nhiều người còn tố cáo sự tà ác của ĐCSTQ, thậm chí còn yêu cầu Mỹ gửi quân đến “loại bỏ căn bệnh ung thư trên trái đất” và tuyên bố sẽ “dẫn đường cho quân đội Mỹ”.

Cuối ngày hôm đó, Đại sứ quán Mỹ đã công bố một bài đăng video trên blog để chúc mừng năm mới của người dân Trung Quốc. Cổ đông lại đổ xô vào để lại tin nhắn.

Quản trị viên Weibo không thể xóa các bài đăng blog của đại sứ quán nên họ bắt đầu cuộc chiến xóa bài đăng đối với các nhà đầu tư chứng khoán, liên tục xóa những tin nhắn thể hiện quan điểm gay gắt. Tuy nhiên, tốc độ quản trị viên xóa bài rõ ràng không thể theo kịp tốc độ các nhà đầu tư đăng bài. Phóng viên sau khi kiểm tra trang thì thấy vẫn còn những bình luận "nổi loạn".

Ngoài những nhà đầu tư đăng bài "nổi loạn", cũng có nhiều người từng là "nhà đầu tư phấn hồng" để lại tin nhắn xin lỗi nước Mỹ, đối tượng mà trước đây họ thường thóa mạ và nói rằng họ đã thức tỉnh trước bàn tay sắt của thị trường chứng khoán và nhận ra sự xấu xa của hệ thống của Bắc Kinh.

Ngoài tài khoản chính thức của Đại sứ quán Mỹ, các bài đăng trên blog của các tài khoản Big V (những người có ảnh hưởng trực tuyến) về thị trường chứng khoán cũng trở thành nơi để các nhà đầu tư thể hiện sự “nổi loạn”. Dưới một trong những bài đăng trên blog, bình luận phổ biến nhất là "Toàn bộ Internet đang kêu gọi Chen Sheng và Wu Guang" [hai nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy đầu tiên ở triều đại nhà Tần]. Bình luận phổ biến thứ hai là những lời mắng nhiếc Bắc Kinh vì chỉ biết khoe khoang hàng ngày.

Một video của Oriental Fortune phân tích xu hướng thị trường chứng khoán từng bị tràn ngập bởi thông điệp từ các nhà đầu tư mắng mỏ chính quyền và kêu gọi nổi dậy. Sau đó Oriental Fortune buộc phải hủy các nội dung.

Trên nền tảng Toutiao, nhiều cư dân mạng không trực tiếp nói về thị trường chứng khoán mà hướng sự tức giận của họ vào những quan chức trong ĐCSTQ. Một số người đã đăng các bài viết theo cách uyển ngữ có nội dung “phản đối việc ông Viên Thế Khải [Yuan Shikai] khôi phục chế độ quân chủ”. [Ông Viên Thế Khải tự phong làm Tổng thống suốt đời và sau đó tuyên bố thành lập một triều đại đế quốc mới ở Trung Quốc với tư cách là hoàng đế vào năm 1915-1916. Điều này có thể được dùng để ám chỉ những động thái tương tự của ông Tập Cận Bình].

Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc tụ tập để kiểm tra giá cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 31/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Vừa mới trải qua ‘Thứ 2 đen tối'

The Wall Street Journal đưa tin các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về điều kiện kinh tế, và các chỉ số chứng khoán lớn ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều sụt giảm trong nhiều năm liên tiếp.

Tình hình tính từ đầu năm 2024 đến nay tiếp tục rất hỗn loạn.

Mới cách đây hai tuần, vào thứ 2 (22/1), chứng khoán Trung Quốc đã trải qua ‘Thứ 2 đen tối'. Trong toàn bộ thị trường cổ phiếu hạng A, tất cả các ngành và lĩnh vực đều giảm điểm, điều có thể được mô tả là sự “hủy diệt hoàn toàn”. Chỉ số Shanghai Composite Index lại giảm xuống dưới 2.800 điểm. Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng tiếp tục sụt giảm với chỉ số Hang Seng một lần nữa tụt xuống dưới mốc 15.000 điểm.

Tại thời điểm đó, tài khoản @caijingshujuku đăng trên X: “GDP có thể bị thay đổi, dữ liệu thất nghiệp có thể bị thay đổi, nhưng việc thị trường chứng khoán lao dốc tới mức như sụp đổ thì không thể thay đổi, cũng không thể cứu vãn được!”

Người này viết tiếp: “Bây giờ thị trường chứng khoán Mỹ đang bay cao, Đài Loan và Nhật Bản đang bay cao, còn Trung Quốc đang ở trong địa ngục… Tài sản ở Trung Quốc lao dốc không thấy đáy, và không còn rõ điều gì sẽ xảy ra nữa".

Người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Cao Jitw đã đăng trên tài khoản @caojitw của mình rằng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 22/1 cho thấy những sự kiện sau có thể sắp xảy ra: 1) Nền kinh tế Trung Quốc đang sụp đổ và sự suy giảm của nền kinh tế trong tương lai là không thấy đáy; 2) Khả năng Trung Quốc trở thành Triều Tiên trong tương lai ngày càng cao, nước này sẽ không còn cần đến thị trường chứng khoán…; 3) Khủng hoảng tài chính Trung Quốc sắp bùng nổ; 4) Mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ ngày càng gay gắt, những chuyện lớn bất ngờ có thể xảy ra, cuộc khủng hoảng bất ổn đang đến gần. Trong trường hợp thiết quân luật toàn quốc, mọi giao dịch sẽ chấm dứt.

Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Một người phụ nữ rời khỏi tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Evergrande bị thanh lý, tâm lý thị trường bị giáng thêm một đòn

Trước đó, vào ngày 29/1, tòa án Hong Kong đã ra lệnh buộc Evergrande phải thanh lý. Sự kiện đã làm tổn hại tâm lý thị trường và gây ra mối lo ngại về hiệu ứng domino trong nền kinh tế.

Moody's cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.

Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, cùng với thị trường nhà ở ở trạng thái tồi tệ nhất trong 9 năm và thị trường chứng khoán rơi vào mức thấp nhất trong 5 năm, bất kỳ cú sốc nào nữa đối với niềm tin của nhà đầu tư đều có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang phải đối mặt trong nỗ lực hồi sinh tăng trưởng, các chuyên gia nói.

Trong bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng", đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, tác giả Milton Ezrati đã phân tích về khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.

Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ông Ezrati cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 của Trung Quốc không mấy hứa hẹn.

Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Hình ảnh nhìn từ trên cao cho thấy cộng đồng Trường Thanh Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 26/9/2021. (Ảnh: Getty Images)

Đầu năm mới không yên ả với vụ sụp đổ của Zhongzhi

Trước đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là một diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Vào ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết Tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã nộp đơn xin phá sản với lý do không trả được các khoản nợ đến hạn, không có đủ tài sản để trả hết nợ và rõ ràng là không có khả năng thanh toán.

Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh cho rằng hồ sơ của Zhongzhi đáp ứng các lý do phá sản được quy định tại Điều 2, khoản 1 Luật Phá sản doanh nghiệp và ra phán quyết vào ngày 5/1 chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của Tập đoàn Zhongzhi Enterprise.

Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Một người phụ nữ đi bộ trên đường trước văn phòng Bắc Kinh của Zhongrong International Trust Co, thuộc sở hữu một phần của Zhongzhi Enterprise Group, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17/8/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Vụ phá sản của Zhongzhi là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó đã gây thêm áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng vốn đang trong tình trạng mong manh của Trung Quốc. Bất động sản trì trệ, nhu cầu trong nước yếu và thương mại trì trệ đều đang đè nặng lên nền kinh tế. Tất cả dường như đang được thể hiện rõ nét trong kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán.

Vụ phá sản đã bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường tài sản ủy thác trị giá 22 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc, đồng thời nêu bật những rủi ro của thị trường tín dụng tư nhân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thiếu thông tin và không có được sự minh bạch về các kênh tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Reuters cho biết diễn biến tồi tệ của Tập đoàn Zhongzhi đã làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.

Bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng việc Zhongzhi phá sản có thể có những tác động lan tỏa.

Bà nói: "Tâm lý nhà đầu tư trong nước có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư giàu có”. Bà nói tiếp:" Tất nhiên, các tổ chức ngân hàng ngầm khác có thể theo bước [Zhongzhi]”.

Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: "Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]".

Dù vụ sụp đổ của Zhongzhi đã được dự đoán trước nhưng việc nộp đơn trực tiếp làm thủ tục phá sản là một diễn biến khác thường so với các trường hợp trong quá khứ. Bởi trong những năm gần đây, dù cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc có lớn đến đâu thì việc tái cơ cấu nợ thường là bước đầu tiên để tránh phá sản chính thức.

Đồng thời, vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Một số nhà phân tích cho rằng việc tòa án chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi cũng cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng giải cứu các công ty tài chính gặp khó khăn do đầu tư bất động sản.

Tờ Wall Street Journal cho biết Zhongzhi đã tuyên bố phá sản sau một năm thảm họa, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhà đầu tư lên mạng ‘nổi loạn' sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc