Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp tín hiệu tích cực từ số liệu lạm phát, các thách thức lớn vẫn tiếp tục đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các chuyên gia cho biết, sự phục hồi của giá tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 2 - lần đầu tiên sau 6 tháng - chỉ mang lại sự xoa dịu tạm thời khỏi áp lực giảm phát đối với nền kinh tế. Họ cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng cách tiếp cận chủ động hơn.

Các chuyên gia cho rằng sự tích cực này bắt nguồn từ sự tăng giá trong các hoạt động dịch vụ, trong khi Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với sự mất cân đối trong sản xuất, nhu cầu tiêu dùng yếu và lực cản kéo dài từ lĩnh vực bất động sản.

Theo dữ liệu công bố ngày 9/3 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, một chỉ số chính phản ánh lạm phát, đã tăng 0,7% so với cùng kỳ trong tháng 2, đảo ngược mức giảm 0,8% trong tháng 1.

Chuyên gian Dong Lijuan, một nhà thống kê của NBS, cho rằng chỉ số CPI tăng là do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 24/2.

Theo báo cáo của Reuters, giá tiêu dùng tháng 2 tăng ở mức cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái trong 11 tháng, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của một số mặt hàng chính, bao gồm thịt lợn và rau quả tươi, cũng như hoạt động du lịch trong thời gian cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc vào Tháng 2.

Sự phục hồi trở lại của CPI cũng trái ngược với mức giảm lớn nhất trong hơn 14 năm vào tháng 1, do cơ sở thống kê lớn hơn vào tháng 1/2023 khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn vào năm ngoái (tháng 1 thay vì tháng 2 như năm nay) và chi tiêu tăng lên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lập luận rằng thay vì chỉ dựa vào số liệu thống kê lạm phát tiêu biểu, người ta cần đánh giá tình trạng thực sự của nền kinh tế qua các con số theo ngành.

Theo ghi chú của Natixis Research công bố vào ngày 11/3, “áp lực giảm phát được giảm bớt của Trung Quốc không thể làm lu mờ mô hình tăng trưởng mất cân bằng thiên về các lĩnh vực sản xuất”.

Natixis cho biết thêm rằng các con số cho thấy khu vực dịch vụ có sự tăng giá đáng kể trong khi khu vực hàng hoá tiếp tục cho thấy sự suy giảm. Do đó, sự mất cân bằng trong sản xuất hiện tại - được định nghĩa là nhu cầu yếu hơn nguồn cung - vẫn tồn tại và sự phục hồi trong hoạt động dịch vụ của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu giúp giảm bớt tình trạng giảm phát của đất nước này.

Theo dữ liệu của NBS, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, đo lường giá sản phẩm tại cổng nhà máy, đã giảm 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 2. Trên cơ sở hàng tháng, PPI đã giảm 0,2% trong tháng Hai.

Natixis cho biết: “PPI tính theo tháng được điều chỉnh theo mùa và ngày lễ của chúng tôi, bao gồm nhiều thành phần hàng hóa hơn CPI, vẫn ở mức âm, mặc dù nó đã tăng trong tháng 2”.

“Khoảng cách giữa cung và cầu đối với sản xuất trong nước chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng, điều này không tốt cho vấn đề dư thừa công suất và áp lực giảm phát trong tương lai”.

Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn
Một khách hàng nhìn quả bí ngô tại một khu chợ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 10/6/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Mối lo ngại toàn cầu

Giảm phát của Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại toàn cầu kể từ tháng 7/2023, khi giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 0,3% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên sau gần hai năm nước này rơi vào tình trạng giảm phát.

Lần cuối cùng giá bán cho người tiêu dùng giảm tại Trung Quốc là vào tháng 2/2021.

Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc Trung Quốc sẽ phục hồi với tốc độ như thế nào sau đại dịch. Mặc dù đã dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19, điều dẫn đến chi tiêu tiêu dùng tăng vọt ở hầu hết các quốc gia phát triển, nền kinh tế Trung Quốc đã không chứng kiến mức tăng giá tương ứng sau khi dỡ bỏ các quy định thuộc loại nghiêm ngặt nhất về Covid-19 trên thế giới.

Giá giảm có thể đặt ra thách thức cho Trung Quốc, bao gồm việc khiến gánh nặng nợ nần ngày càng chồng chất và tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Đất nước này cũng phải vật lộn với tình trạng phình to của nợ chính quyền địa phương, các vấn đề về thị trường nhà ở và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (16–24 tuổi) cao.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng phải chịu tình trạng giá giảm, phản ánh nhu cầu trong nước kém so với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, tình trạng giảm phát của Trung Quốc còn là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế vì quốc gia này là nhà sản xuất lớn của thế giới và tình trạng giảm phát có thể có những tác động lan tỏa. Mặc dù nó có thể giúp kiềm chế giá tăng ở các quốc gia khác, nhưng nó có thể khiến thị trường toàn cầu tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giảm giá, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở nơi khác.

Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn
Một tàu chở hàng đang chuẩn bị cập bến tại cảng container của Cảng Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 6/12/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Giảm phát của Trung Quốc đã làm tăng thêm áp lực giảm lạm phát và căng thẳng thương mại ở các nước tiên tiến với các cáo buộc định giá không công bằng, trong lúc các nhà xuất khẩu của Trung Quốc xuất khẩu nhiều sản phẩm và dịch vụ ra nước ngoài với giá cực thấp để bù đắp cho sự suy thoái trong nước.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, giảm phát và dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh của giá hàng hóa (1,1% vào năm 2023) và giá dịch vụ (1,0%).

Điều đó cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp giảm đầu tư, tình trạng căng thẳng về việc làm và giảm chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhu cầu năng lượng, nguyên liệu thô và thực phẩm từ Trung Quốc giảm - đây vốn là thị trường lớn nhất thế giới - đang ảnh hưởng đến xuất khẩu toàn cầu.

Vẫn chưa thoát khỏi khó khăn

Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và phục hồi nhu cầu trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái nhà ở kéo dài, như dữ liệu CPI ảm đạm gần đây của Trung Quốc đã chỉ ra, các chuyên gia cho biết.

Tại cuộc họp “Lưỡng hội” tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước và giảm bớt rủi ro do các nhà phát triển bất động sản bị phá sản gây ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cách hiệu quả nhất để Trung Quốc tăng tiêu dùng là cải thiện nhu cầu trong nền kinh tế.

“Sự phục hồi của giá tiêu dùng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu trong nước được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi thương mại vẫn phải đối mặt với tình trạng bất ổn và lực cản từ lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp diễn, điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ cần giữ lập trường chủ động”, HSBC cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ 7 (9/3).

Nhìn chung, theo Ngân hàng ING, trong khi việc chỉ số CPI phục hồi trong tháng 2 có thể tạm thời làm giảm bớt lo ngại về giảm phát, mức tăng lạm phát có thể vẫn ở mức yếu trong hầu hết nửa đầu năm 2024.

Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn
Một khách hàng đang xem đồ tại một khu chợ ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc vào ngày 11/4/2014. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Xuất khẩu giảm phát?

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục trì trệ và nhu cầu trong nước bị thiếu hụt trầm trọng. Gần đây, truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng tình trạng dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc đã khiến giá hàng hóa xuất khẩu giảm nhanh và Trung Quốc đang bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới.

Ngày 8/2, tờ Financial Times của Anh đưa tin, suy giảm kinh tế của Trung Quốc đang đi cùng với tình trạng dư thừa công suất, khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải hạ giá hàng hóa bán ra nước ngoài. Gần đây, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, cho thấy nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bắt đầu xuất khẩu giảm phát ra thế giới.

Bài báo dẫn lời ông Chetan Sehgal, giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư thị trường mới nổi Templeton, cho biết: “Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang các nước trên thế giới và bạn sẽ thấy các nước phản ứng trước tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc”.

Vào tháng 1 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lớn nhất trong 14 năm và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm liên tiếp thứ 16.

Bài báo cho biết rất ít nhà kinh tế dự đoán giá cả sẽ giảm theo cách tương tự ở các nền kinh tế tiên tiến, trong khi nhiều nhà kinh tế tin rằng giảm phát ở Trung Quốc có thể có tác động đáng kể đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là những thị trường có mối quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc.

Đồng thời, việc giảm giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng hóa những lời phàn nàn từ các nhà sản xuất phương Tây về sự cạnh tranh không lành mạnh.

Chẳng hạn, BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, mới đây công bố việc giảm giá 5% đến 15% đối với xe điện bán ra ở Đức; Mercedes-Benz của Đức đã cảnh báo vào năm ngoái rằng lợi nhuận của hãng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả “tàn khốc” trên thị trường xe điện.

Deutsche Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) cho biết hồi tháng trước rằng hầu hết các công ty sản xuất khác của Đức được ngân hàng này khảo sát năm ngoái đều phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ông Charles Robertson, người đứng đầu đơn vị chiến lược vĩ mô tại FIM Partners, cho rằng Trung Quốc đã dành 20 năm để hủy hoại ngành sản xuất của các đối thủ ở thị trường mới nổi, hoặc ít nhất là loại họ ra khỏi thị trường thế giới, và hiện nước này đang đe dọa làm điều tương tự với ngành sản xuất của các nền kinh tế tiên tiến.

Ông Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi đối mặt với việc xuất khẩu giảm phát của Trung Quốc. Họ có thể “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào nước này; hoặc họ có thể lợi dụng nguồn cung sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tin rằng giảm phát của Trung Quốc sẽ không có tác động đáng kể đến giá cả toàn cầu.

Các nhà kinh tế Helen Qiao và Miao Ouyang của Bank of America cho biết giá xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể có tác động đáng kể đến giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển vì nhập khẩu của Trung Quốc chiếm chưa đến 5% tổng lượng tiêu thụ hàng hóa của Mỹ.

Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Khủng hoảng niềm tin

Tâm lý của công chúng và nhà đầu tư đang được thể hiện qua những kết quả tồi tệ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vào đầu tháng 2, với các nhà đầu tư nổi giận lên mạng kêu gọi “nổi loạn".

Đằng sau những tin tức tiêu cực về chứng khoán Trung Quốc hay những kỷ lục buồn về kinh tế là một vấn đề thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đó chính là sự mất lòng tin của công chúng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này khiến người dân ngần ngại chi tiền, các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư kinh doanh, nền kinh tế trì trệ với giảm phát dai dẳng, và thị trường chứng khoán cũng theo đó lao dốc.

Trong bài báo “Kinh tế Trung Quốc cho thấy các điểm tương đồng với Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng", đăng ngày 21/1 trên tờ The Epoch Times, tác giả Ezrati đã phân tích về khủng hoảng niềm tin trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Ezrati cho biết, Trung Quốc chưa trải qua sự sụp đổ của thị trường chứng khoán giống như điều Mỹ đã phải gánh chịu vào năm 1929. Tuy nhiên, điểm chung của Trung Quốc với nước Mỹ vào thời kỳ đó là sự mất niềm tin khủng khiếp vào cấu trúc và tương lai của nền kinh tế. Ông Ezrati cho rằng, bức tranh kinh tế năm 2024 của Trung Quốc không mấy hứa hẹn.

Tâm lý thị trường vốn đã rất tồi tệ ở Trung Quốc trong thời gian qua. Không những vậy, tình từ đầu năm mới, liên tiếp các sự kiện xuất hiện, tiếp tục tạo ra thêm các ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý chung. Vào ngày 29/1, tòa án Hong Kong đã ra lệnh buộc Evergrande phải thanh lý. Sự kiện đã làm tổn hại tâm lý thị trường và gây ra mối lo ngại về hiệu ứng domino trong nền kinh tế.

Moody's cho biết trong một báo cáo ngày 30/1 được tiếp cận bởi The Epoch Times: “Quyết định này mang tính tiêu cực về uy tín đối với lĩnh vực bất động sản nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý của thị trường và nhà đầu tư vốn đã mong manh [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong tương lai gần”.

Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hong Kong Kaiyuan Capital, tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin vào thị trường vốn của Trung Quốc” vì lệnh thanh lý sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém và khó có thể dẫn đến kết quả là một sự bù đắp tổn thất đáng kể.

Trước đó, công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, "Tập đoàn Zhongzhi" (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Giảm phát tạm ngưng nhưng Trung Quốc chưa an toàn