Góc khuất nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ tự tử của “Hoàng tử trái phiếu" đã nêu bật bản chất không rõ ràng và nguy hiểm của lĩnh vực LGFV (phương tiện tài chính của chính quyền địa phương), khiến các nhà đầu tư càng thêm lo lắng.

Những lo ngại rằng các vấn đề của các công ty phát triển bất động sản Trung Quốc có thể lan sang các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV), gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của chính quyền địa phương, không phải là điều mới mẻ đối với các nhà đầu tư quốc tế. Sự thiếu minh bạch và môi trường tài chính phức tạp chỉ làm tăng thêm những lo ngại đó.

Tuy nhiên, vụ tự tử của ông Yu Lei, một nhân vật quan trọng trên thị trường trái phiếu Trung Quốc, đã phủ một bóng đen ảm đạm lên các hoạt động tài chính địa phương và nêu bật những rủi ro mang tính hệ thống mà chúng gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nó cũng nêu bật bản chất không rõ ràng và nguy hiểm của LGFV, đặc biệt vào thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc ngày càng lo lắng về tương lai đầu tư của họ vào thị trường tín dụng địa phương.

Ông Yu là một nhà quản lý đầu tư đã kiếm được khối tài sản lớn và có biệt danh là “Hoàng tử trái phiếu” thông qua một hoạt động gây quỹ hiện đã bị cấm.

Sau đó, ông đã bị chính quyền giam giữ và bị các đối tác kinh doanh phản bội. Theo các nguồn thông tin, ông đã tự sát vào tháng trước tại nhà riêng ở Thượng Hải.

Ông Yu, người lẽ ra đã bước sang tuổi 40 trong năm nay, đã tích lũy được khối tài sản cá nhân trên 1 tỷ CNY (nhân dân tệ) (138,9 triệu USD) chỉ sau vài năm, bắt đầu từ năm 2019. Ông đạt được thành quả này chủ yếu bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn (SOE) phát hành trái phiếu thông qua một quy trình được gọi là “phát hành có cấu trúc”. Hiện nay, quy trình này đã bị cấm.

Trong các đợt phát hành này, các tổ chức phát hành giả vờ có tình hình tài chính vững mạnh bằng cách mua lại trái phiếu của chính họ để đảm bảo lãi suất thấp. Phần lớn nguồn tài chính địa phương của Trung Quốc dựa trên các hệ thống không ổn định, đây là điều đã được phơi bày bởi ông Yu khi tham gia vào việc bán trái phiếu có cấu trúc. Với việc ông Yu được cho là có liên quan đến các giao dịch có tổng trị giá 30 tỷ CNY (4,2 tỷ USD), trường hợp của ông nêu bật quy mô tiềm tàng của các giao dịch đó, làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro tín dụng cơ bản liên quan đến các đợt chào bán của LGFV.

Một bài báo của Bloomberg hôm 28/2 cho biết, các giao dịch trái phiếu không rõ ràng thường xuyên xảy ra ở cấp địa phương, trong đó các nhà đầu tư và tổ chức bảo lãnh cụ thể nhận được các khoản phí bổ sung, thứ làm sai lệch lãi suất.

Theo bài báo, việc ông Yu tham gia vào các thương vụ như vậy với LGFV đã bộc lộ những mối nguy hiểm đáng kể đối với nền tài chính địa phương của Trung Quốc, trong khi cái chết của ông là lời kêu gọi thúc giục chính quyền thực hiện cải cách các quy định.

Góc khuất nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc
Một nhân viên ngân hàng Trung Quốc chuẩn bị đếm một xấp USD và 1 chồng tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 9/3/2010. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Rủi ro từ những thỏa thuận bí ẩn

LGFV nổi lên xuất phát từ khả năng hạn chế của chính quyền địa phương trong việc tăng thuế và đóng vai trò là phương tiện để chính quyền địa phương có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và khôi phục nền kinh tế địa phương. Chính quyền địa phương thường là chủ sở hữu duy nhất hoặc chủ sở chính của LGFV, nơi cung cấp khoản nợ mà các ngân hàng và tổ chức tài chính khác có thể sử dụng để tài trợ cho các dự án như nhà ở xã hội hoặc cầu đường.

Lợi nhuận từ các dự án cơ sở hạ tầng này thường không đủ để trang trải chi phí trả nợ, do đó chính quyền địa phương thường bán đất cho các công ty phát triển bất động sản để bù đắp phần chênh lệch.

Trung tâm của vấn đề, theo Bloomberg, là các thỏa thuận trái phiếu bí ẩn phổ biến ở cấp thành phố ở Trung Quốc. Những thỏa thuận này, thường được thiết kế để tránh né các hạn chế vay mượn theo luật định, cho phép một nhóm nhỏ các nhà đầu tư và người bảo lãnh bỏ túi các khoản phí bổ sung, đồng thời phản ánh sai chi phí thực sự của khoản vay.

Trong khi khả năng điều phối các giao dịch như vậy của ông Yu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán lượng trái phiếu LGFV trị giá hàng tỷ USD, từ đó làm nổi bật những lỗ hổng mang tính hệ thống vốn có trong hệ thống tài chính thành phố của Trung Quốc, thì kế hoạch hoán đổi nợ trị giá 1 nghìn tỷ CNY (140 tỷ USD) và các biện pháp can thiệp gần đây khác của Bắc Kinh vào thị trường trái phiếu LGFV đã vô tình làm trầm trọng thêm mức độ rủi ro của những trái phiếu này.

Vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã cho phép chính quyền địa phương huy động khoảng 1 nghìn tỷ CNY thông qua việc bán trái phiếu để giải quyết khoản nợ của LGFV và các tổ chức phát hành ngoại bảng khác.

Biện pháp này kết thúc với việc lãi suất trở nên đồng nhất, bất kể uy tín tín dụng của tổ chức phát hành, che giấu rủi ro cố hữu của các trái phiếu LGFV khác nhau cũng như làm suy giảm khả năng đánh giá tình hình tài chính của LGFV từ nhà đầu tư.

Những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản cũng đã làm gián đoạn chu kỳ tài chính của LGFV, thứ gắn liền với việc bán bất động sản và đất đai để trang trải các khoản nợ, làm tăng đáng kể khả năng vỡ nợ của LGFV.

Mặc dù chưa có LGFV nào vỡ nợ, nhưng hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings trong báo cáo tháng 1 ước tính rằng “Khu vực LGFV phải đối mặt với khoảng 232 tỷ CNY (khoảng 32,68 tỷ USD) trái phiếu bằng đô la Mỹ đáo hạn ở nước ngoài vào năm 2024”, “cao hơn nhiều so với 161 tỷ CNY [22 tỷ USD] vào năm ngoái”.

Một số LGFV có hồ sơ tín dụng yếu hơn đã tăng phát hành các khoản vay ngắn hạn để giảm tổng chi phí vốn, đáp ứng mức trần chi phí tài chính đặt ra ở một số tỉnh. Khoản nợ bổ sung này, cùng với tính linh hoạt bị hạn chế, là rủi ro chính đối với LGFV vào năm 2024. Theo Fitch Ratings, nó đã làm tăng áp lực đảo nợ đối với LGFV trong dài hạn bằng cách gia tăng sự không khớp về thời gian.

Trái phiếu LGFV gây ra những mối nguy hiểm đáng kể cho sự ổn định của hệ thống tài chính của các thành phố của Trung Quốc trong những điều kiện này.

Thứ nhất, trong bối cảnh chính quyền địa phương đang phải đối mặt với các vấn đề về dòng tiền do khủng hoảng bất động sản, ngày càng có nhiều lo ngại về thị trường nợ LGFV trị giá 9 nghìn tỷ USD theo ước tính của IMF. Nếu những phương tiện này vỡ nợ hoặc gặp vấn đề về thanh khoản, nó có thể gây ra khủng hoảng tín dụng ở cấp chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế.

Sự thiếu minh bạch trong LGFV càng làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư không chắc chắn về điều kiện tài chính cơ bản của LGFV, họ có thể không muốn đầu tư, dẫn đến biến động thị trường và khả năng vỡ nợ. Những lo lắng về việc nhà nước hỗ trợ các khoản nợ LGFV cũng có thể dẫn đến các vòng phản hồi tiêu cực liên quan đến LGFV, doanh nghiệp, ngân hàng và chính quyền địa phương. Nếu một LGFV gặp khó khăn về tài chính, nó có thể lây lan sang các LGFV khác, gây ra những rủi ro mang tính hệ thống.

Căng thẳng đối với LGFV đã bắt đầu xuất hiện với những căng thẳng về thanh khoản ở các nơi như tỉnh Quý Châu của Trung Quốc.

Vào tháng trước, tỉnh này đã thông báo rằng tỉnh đang bán trái phiếu của mình để giúp trả nợ do LGFV phát hành, đây không chỉ là một động thái hiếm hoi mà còn “nói lên ưu tiên chính sách chỉ nhằm sắp xếp lại nợ xấu xung quanh thay vì giải quyết nó thông qua phá sản và tái phân bổ tài sản”, ông Ray E. Farris, người từng là nhà kinh tế trưởng của Credit Suisse tại New York, viết trên LinkedIn.

Các quan chức Quý Châu cho biết, doanh thu từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để hoàn trả hai trái phiếu được cung cấp bởi LGFV trong khu vực.

Góc khuất nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc
Các tòa nhà bị bao phủ trong sương mù buổi sáng ở Tất Tiết, tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Cảnh báo cho nhà đầu tư

Các chuyên gia cho biết, các giao dịch trái phiếu có cấu trúc, thứ có thể liên quan đến hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, đòi hỏi sự thẩm định sâu rộng của các nhà đầu tư. Những điểm tương đồng về lãi suất trái phiếu và các khoản đầu tư ngầm vào các công ty cổ phần tư nhân là một trong những dấu hiệu cảnh báo cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Hiệu quả đánh giá suy yếu của các chỉ số thị trường truyền thống, được minh họa bằng sự phục hồi của trái phiếu LGFV bất chấp sự khởi đầu khó khăn, càng khiến nhà đầu tư càng thêm bối rối.

Đối mặt với những thách thức pháp lý, các nhà đầu tư đang phải loay hoay trong một bối cảnh đầu tư phức tạp. Nhu cầu về sự cởi mở, khả năng thẩm định và sự chuyển đổi sang các thủ tục tín dụng theo định hướng thị trường ngày càng trở nên rõ ràng.

Sự ổn định và toàn vẹn trong tương lai của thị trường trái phiếu có thể phụ thuộc vào sự sẵn sàng của chế độ ĐCSTQ trong việc đối mặt trực tiếp với những thách thức cơ cấu này, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với thực tế khó khăn về tình hình tài chính của chính quyền địa phương.

Góc khuất nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc
Một người phụ nữ đi ngang qua các biểu tượng đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ ở Hong Kong, vào ngày 28/11/2012. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP qua Getty Images)

Quả bom nợ của chính quyền địa phương

Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã công bố dữ liệu về trái phiếu chính quyền địa phương vào ngày 30/1, cho thấy dư nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 40,74 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (5,71 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2023.

Dữ liệu cho thấy chính quyền địa phương trên toàn Trung Quốc đã phát hành trái phiếu mới trị giá 9,34 nghìn tỷ CNY (1,31 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, quy mô vay nợ của địa phương đạt mức cao kỷ lục, cao hơn gần 2 nghìn tỷ CNY (280,8 tỷ USD) so với năm 2022.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các khoản nợ của chính quyền địa phương, các khoản thanh toán lãi trái phiếu đang tăng lên hàng năm. Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy khoản thanh toán lãi trái phiếu chính quyền địa phương vào năm 2023 là 1.228,8 tỷ CNY (172,5 tỷ USD). Theo thống kê từ Caixin.com, một phương tiện truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc, quy mô thanh toán lãi này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, tăng 9,6% so với năm 2022.

Trái phiếu chính quyền địa phương được chia thành trái phiếu mới và trái phiếu đảo nợ, tùy theo mục đích sử dụng. Nguồn vốn trái phiếu mới chủ yếu được sử dụng để xây dựng các dự án lớn như cơ sở hạ tầng, trong khi trái phiếu đảo nợ được dùng để trả nợ gốc của các khoản trái phiếu chính quyền địa phương sắp đáo hạn hoặc các khoản nợ hiện có, tức là vay nợ mới để trả nợ cũ.

Kể từ khi Trung Quốc thực thi “Luật Ngân sách” mới vào năm 2015, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đã trở thành cách thức hợp pháp duy nhất để chính quyền địa phương vay vốn. Quy mô nợ địa phương đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây và hoạt động vay của địa phương đã tăng đáng kể trong năm ngoái.

Ông Henry Wu, một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng cốt lõi của các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là cuộc khủng hoảng nợ, tức là mô hình kinh tế nợ của nước này không thể tiếp tục được duy trì. “Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc là sự phát triển dựa trên các khoản nợ, vay tiền để thực hiện phát triển”.

Ông Wu nói: “Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào bẫy của nền kinh tế nợ, dẫn đến khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tài khóa, khủng hoảng việc làm, v.v.”.

Những con số được công bố chỉ là những khoản nợ công khai của chính quyền địa phương Trung Quốc, những thứ đã được chính thức công nhận. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương, như các chuyên gia đã chỉ ra. Theo phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc Yicai, hiện tại, các khoản nợ ngầm địa phương của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các công ty nền tảng tài chính và đầu tư của chính quyền địa phương (LGFV).

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là cây bút cho The Epoch Times, cho rằng vấn đề nổi bật nhất đối với các khoản nợ ẩn ở địa phương là con số cơ sở không rõ ràng. Chính quyền các cấp của ĐCSTQ đang lừa dối lẫn nhau và không ai có thể biết được con số thực sự.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Góc khuất nguy hiểm của kinh tế Trung Quốc