Bom nợ chính quyền địa phương Trung Quốc sắp phát nổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thêm một kỷ lục tiêu cực nữa vừa được ghi nhận trong kinh tế Trung Quốc, đó là kỷ lục về nợ của chính quyền địa phương. Theo một chuyên gia, đây là quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Bộ Tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố dữ liệu mới nhất về trái phiếu chính quyền địa phương vào ngày 30/1, cho thấy dư nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 40,74 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (5,71 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2023.

Dữ liệu cho thấy chính quyền địa phương trên toàn Trung Quốc đã phát hành trái phiếu mới trị giá 9,34 nghìn tỷ CNY (1,31 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, quy mô vay nợ của địa phương đạt mức cao kỷ lục, cao hơn gần 2 nghìn tỷ CNY (280,8 tỷ USD) so với năm 2022.

Chỉ riêng trong tháng 12/2023, lượng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đạt 195,6 tỷ CNY (27,5 tỷ USD).

Với sự gia tăng nhanh chóng của các khoản nợ của chính quyền địa phương, các khoản thanh toán lãi trái phiếu đang tăng lên hàng năm. Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy khoản thanh toán lãi trái phiếu chính quyền địa phương vào năm 2023 là 1.228,8 tỷ CNY (172,5 tỷ USD). Theo thống kê từ Caixin.com, một phương tiện truyền thông tài chính lớn của Trung Quốc, quy mô thanh toán lãi này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, tăng 9,6% so với năm 2022.

Trái phiếu chính quyền địa phương được chia thành trái phiếu mới và trái phiếu đảo nợ, tùy theo mục đích sử dụng. Nguồn vốn trái phiếu mới chủ yếu được sử dụng để xây dựng các dự án lớn như cơ sở hạ tầng, trong khi trái phiếu đảo nợ được dùng để trả nợ gốc của các khoản trái phiếu chính quyền địa phương sắp đáo hạn hoặc các khoản nợ hiện có, tức là vay nợ mới để trả nợ cũ.

Kể từ khi Trung Quốc thực thi “Luật Ngân sách” mới vào năm 2015, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đã trở thành cách thức hợp pháp duy nhất để chính quyền địa phương vay vốn. Quy mô nợ địa phương đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây và hoạt động vay của địa phương đã tăng đáng kể trong năm ngoái.

Theo dữ liệu mới nhất, Quảng Đông, tỉnh giàu nhất Trung Quốc, tiếp tục đứng đầu về phát hành trái phiếu vào năm 2023, đạt 687,1 tỷ CNY (94,5 tỷ USD); theo sát là tỉnh Sơn Đông với 631,1 tỷ CNY (88,6 tỷ USD); Tỉnh Hồ Nam đứng thứ ba với 468 tỷ CNY (65,7 tỷ USD); Giang Tô và Chiết Giang mỗi nơi đạt 458 tỷ CNY (64,3 tỷ USD) và 454,8 tỷ CNY (64,4 tỷ USD), đứng thứ tư và thứ năm; An Huy nhảy lên vị trí thứ sáu với 448,3 tỷ CNY (62,9 tỷ USD); Tứ Xuyên, Hà Bắc, Quý Châu và Hà Nam cũng phát hành trái phiếu trị giá hơn 400 tỷ CNY (56,2 tỷ USD).

Ông Henry Wu, một nhà kinh tế vĩ mô ở Đài Loan, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng cốt lõi của các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là cuộc khủng hoảng nợ, tức là mô hình kinh tế nợ của nước này không thể tiếp tục được duy trì. “Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc là sự phát triển dựa trên các khoản nợ, vay tiền để thực hiện phát triển”.

Ông Wu nói: “Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào bẫy của nền kinh tế nợ, dẫn đến khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tài khóa, khủng hoảng việc làm, v.v.”.

Những con số được công bố chỉ là những khoản nợ công khai của chính quyền địa phương Trung Quốc, những thứ đã được chính thức công nhận. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương, như các chuyên gia đã chỉ ra. Theo phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc Yicai, hiện tại, các khoản nợ ngầm địa phương của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các công ty nền tảng tài chính và đầu tư của chính quyền địa phương.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là cây bút cho The Epoch Times, cho rằng vấn đề nổi bật nhất đối với các khoản nợ ẩn ở địa phương là con số cơ sở không rõ ràng. Chính quyền các cấp của ĐCSTQ đang lừa dối lẫn nhau và không ai có thể biết được con số thực sự.

Bom nợ chính quyền địa phương Trung Quốc sắp phát nổ?
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Giới chuyên gia nhìn nhận thế nào về vấn đề nợ địa phương?

Ngay từ khi có kết quả phát hành trái phiếu trong 11 tháng đầu năm 2023 (đạt 9,14 nghìn tỷ CNY - chiếm phần lớn lượng phát hành nợ cả năm), quy mô nợ phát hành của chính quyền địa phương đã thu hút nhiều sự chú ý khi vượt xa kết quả của cả năm 2022.

Đặc biệt, dữ liệu công khai chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc khủng hoảng nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc. Các địa phương Trung Quốc vẫn đang tiếp tục vay nợ mới để trả cũ, trong khi quy mô nợ ngày càng phình to.

Ông Wang Guochen, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, cho biết: “Ngày nay, nợ địa phương rất nhiều, cộng với sự suy yếu của bất động sản nên thu nhập giảm, đồng nghĩa với thu nhập từ nguồn tài chính đất đai cũng giảm. Mặt khác, vì đại dịch nên rất nhiều chi phí liên quan đến y tế hoặc xã hội đã được tích lũy”. Theo ông Wang Guochen, tổng số nợ ngày càng tăng và sẽ khó để có thể trả hết nợ.

The Wall Street Journal chỉ ra rằng sau nhiều năm vay mượn và chi tiêu không kiềm chế ở Trung Quốc, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tích lũy một lượng lớn nợ ẩn, và cuộc khủng hoảng đã đến thời điểm nguy cấp. Không ai biết quy mô thực sự của các khoản nợ ẩn của Trung Quốc và chính quyền đang cố gắng ngăn chặn làn sóng vỡ nợ của chính quyền địa phương, thứ có thể gây bất ổn cho khu vực tài chính.

Nhà bình luận Vương Hách cho biết: "... nợ chính thức về cơ bản hiện nay là 40 nghìn tỷ CNY (khoảng 5,57 nghìn tỷ USD). Đây là lượng nợ công khai và [ngoài ra] có cả nợ ẩn. Nợ ẩn của địa phương có lẽ lên tới hơn 60 nghìn tỷ CNY (khoảng 8,36 nghìn tỷ USD). Đây đã là một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ĐCSTQ thực sự không còn cách nào để xử lý nó lúc này. Nó chỉ đang trì hoãn bằng các biện pháp tài chính. Đồng thời, nó cũng đang tài chính hóa nợ. Ví dụ, [nó] buộc 5 ngân hàng quốc doanh lớn phải trả những khoản nợ này. Nợ phải được vay để trả nợ cũ, nợ phải được thay thế, điều này sẽ kéo hệ thống tài chính Trung Quốc vào cuộc, sớm muộn gì [hệ thống] cũng sẽ sụp đổ”.

Các nhà phân tích tin rằng sự tích lũy nợ dài hạn của địa phương và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước lớn và các đại gia bất động sản có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Trong những năm gần đây, vấn đề nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước và công ty bất động sản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của chính quyền địa phương và là nguyên nhân chính khiến nợ của địa phương tăng nhanh.

Ông Wang Guochen cho biết: "Tất cả những gì chính quyền địa phương có thể làm là cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương. Trong trường hợp này, tiêu dùng và đầu tư ở Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục giảm. Nếu các khoản nợ mới tiếp theo bị hạn chế, thì khoản đầu tư do chính quyền địa phương thúc đẩy cũng sẽ bị cản trở. Hiện nay trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung hay chiến tranh kinh tế thương mại, họ [Bắc Kinh] cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển sự độc lập về công nghệ. Trong trường hợp này, các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược này cũng cần sự đầu tư và trợ cấp sớm từ chính quyền nên lỗ hổng này thực sự sẽ ngày càng lớn hơn và lớn hơn".

Đối mặt với rủi ro nợ địa phương ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn sự xuất hiện của làn sóng vỡ nợ chính quyền địa phương để không làm xói mòn sự ổn định của ngành tài chính, nhưng dường như các biến pháp vẫn chưa có mấy tác dụng.

Ông Wang Guochen nói: "Việc thay thế nợ của họ tương đối dễ dàng. Đầu tiên là gia hạn thời hạn, thứ hai là gia hạn thời gian ân hạn, thứ ba là tiền lãi phải trả cũng được giảm xuống. Nhưng tất nhiên, cách tiếp cận này có các tác động kéo theo. Nói cách khác, điều rõ ràng nhất là khi lãi suất của toàn bộ nợ công của chính quyền địa phương hoặc thậm chí của chính quyền trung ương giảm xuống, nó sẽ tạo thành sự tương phản mạnh mẽ với việc Mỹ tăng lãi suất, điều này sẽ khiến toàn bộ vốn chảy ra ngoài và đồng CNY mất giá, vì vậy đây cũng là nguyên nhân chính khiến đồng CNY mất giá gần đây"

Nhà kinh tế học người Mỹ DAVY J. Wong: “Bởi vì bạn phát hành khoản nợ mới, điều đó có nghĩa là bạn đang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong tương lai và bạn có thể trả khoản nợ hiện tại như kỳ vọng, đồng nghĩa với việc dàn trải khoản nợ theo thời gian. Nhưng nếu tăng trưởng kinh tế không cao như dự kiến ban đầu, nợ sẽ tích lũy ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ tăng lãi suất phải trả. Với việc tích lũy nợ cũ, nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn”.

Bom nợ chính quyền địa phương Trung Quốc sắp phát nổ?
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc và tờ đô la Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/1/2017. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Moody's chỉ ra vấn đề nợ, Bắc Kinh phản ứng yếu ớt

Hôm thứ 3 (5/12/2023), Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc từ "ổn định" sang "tiêu cực", giáng một đòn mạnh nữa vào nền kinh tế Trung Quốc. Moody's giải thích rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang nợ nần chồng chất và Bắc Kinh sẽ phải cung cấp thêm hỗ trợ tài chính, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.

Trọng tâm của chính quyền Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tài chính do thị trường bất động sản đang xấu đi, với việc tăng cường vay mượn là công cụ chính để hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó làm dấy lên lo ngại về mức nợ của nước này.

Ngoài việc hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc, Moody's sau đó cũng hạ triển vọng xếp hạng của 26 phương tiện tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc và 4 doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đưa tất cả 30 doanh nghiệp trên vào danh sách "xem xét hạ xếp hạng", điều thường có nghĩa là việc hạ xếp hạng sẽ được xem xét trong vòng 3 tháng.

Bình luận về động thái hạ triển vọng tín nhiệm đối với Trung Quốc của Moody's chuyên gia Milton Ezrati đã có bài phân tích có tựa đề “Moody's nhận ra thực tế của các vấn đề nợ Trung Quốc”, đăng ngày 12/12/2023, trên tờ The Epoch Times. Bài viết xoáy sâu về vấn đề nợ của Trung Quốc, với nợ chính quyền địa phương là một thành phần quan trọng.

Theo chuyên gia Ezrati, động thái có vẻ kịch tính này chẳng làm được gì hơn ngoài việc thừa nhận một thực tế vốn đã khó khăn và khả năng các vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn tại Trung Quốc. Thật dễ đoán, Bắc Kinh đã chỉ trích động thái của tổ chức này, mặc dù bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng không điển hình. Bộ Tài chính Trung Quốc bày tỏ “thất vọng”, mô tả nền kinh tế Trung Quốc là “kiên cường”. Người phát ngôn của họ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề nợ của chính quyền địa phương và đang thực hiện các bước bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ đã không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể.

Một số bình luận, mặc dù không phải của Bộ Tài chính, đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ của Trung Quốc bằng cách chỉ ra rằng các khoản nợ của chính quyền trung ương Trung Quốc tương đối nhẹ nhàng hơn so với của Mỹ và Nhật Bản. Nợ của Trung Quốc, theo như được xác định, chiếm 77% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, trong khi con số tương đương của Mỹ là 123% và của Nhật Bản là 264%.

Mặc dù tất cả những điều này là không thể chối cãi, nhưng nó lại né tránh vấn đề mà Moody's và bất kỳ phân tích trung thực nào về tình hình của Trung Quốc chỉ ra. Bắc Kinh đã giữ nợ ở mức thấp bằng cách buộc chính quyền địa phương tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, sức nặng đối với nền tài chính Trung Quốc đến từ tất cả các loại nợ, của chính quyền trung ương và địa phương cũng như của những người đi vay tư nhân. Trong bối cảnh này, việc phân loại nợ như thế nào không phải là điều quan trọng.

Bom nợ chính quyền địa phương Trung Quốc sắp phát nổ?
Tên của hãng xếp hạng Moody's tại trụ sở công ty ở New York, ngày 18/9/2012. (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/AFP/GettyImages)

Moody's đã thể hiện rõ ràng sự hiểu biết của mình về vấn đề này bằng ngôn ngữ được sử dụng kèm theo thông báo hạ cấp triển vọng. Các nhà phân tích đã không phân biệt giữa nợ công và nợ tư nhân hay cấp chính quyền nào phải chịu gánh nặng lớn nhất. Họ tập trung vào gánh nặng nợ chung, phần lớn liên quan đến các dự án sẽ không bao giờ trả đủ lợi nhuận để trang trải cho các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Các nhà phân tích này có thể đã thấy rằng sự đổ vỡ trong ngay cả một phần của khoản nợ đáng nghi ngờ này sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của các tổ chức tài chính Trung Quốc – thuộc sở hữu nhà nước hoặc tư nhân – trong việc tài trợ cho các khoản đầu tư liên tục cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc. Đặc biệt là khi xuất khẩu của Trung Quốc đang sụt giảm và nền kinh tế chậm lại, các nhà phân tích này kết luận rằng các vấn đề này gây ra “rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc”.

Cách Bắc Kinh đáp trả động thái của Moody cũng không mang lại bất cứ niềm tin nào rằng Trung Quốc có thể khắc phục các vấn đề của mình. Ví dụ, giải pháp của Bộ Tài chính đối với vấn đề nợ của chính quyền địa phương là phân loại lại các khoản nợ liên quan đến cơ sở hạ tầng của họ, vốn thuộc về phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV). Nhưng việc phân loại lại không làm giảm bớt nghĩa vụ thanh toán. Nó chỉ di chuyển nghĩa vụ thanh toán trong nền kinh tế.

Ông Ezrati kết luận, đây không phải là một tình huống đáng khích lệ vì ít nhất ba lý do. Đầu tiên, Moody’s đã nắm bắt chính xác mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ hiện tại của Trung Quốc và mối đe dọa mà nó gây ra đối với sự ổn định của nền tài chính Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai, Bắc Kinh đã đưa ra phản ứng yếu ớt trước thực tế mà Moody’s đã nhấn mạnh. Thứ ba, phản ứng của Bắc Kinh khiến người ta không mấy tin tưởng rằng họ có ý chí giải quyết vấn đề hoặc thậm chí hiểu được những gì họ phải đối mặt.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bom nợ chính quyền địa phương Trung Quốc sắp phát nổ?