Iran - Israel đã làm gì để phá hỏng mối lương duyên Do Thái - Ba Tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc tấn công của Israel vào sứ quán Iran tại Syria

Hôm thứ hai, ngày 1/4/2024, lãnh sự quán Iran ở Damascus, thủ đô của Syria, đã bị san bằng bởi một cuộc không kích. Hậu quả của nó là 7 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã thiệt mạng, trong đó có Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của IRGC.

Ngoại trưởng Iran, Hossein Amir Abdollahian đã lên án việc Israel ném bom lãnh sự quán Iran ở Syria là vi phạm luật pháp quốc tế và cho rằng “Israel phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cuộc tấn công”.

Dù Tel Aviv không chủ động lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng cũng không phản đối lời cáo buộc của Tehran. Tờ Times of Israel đưa tin, mặc dù Israel thường không bình luận về các cuộc tấn công cụ thể ở Syria, nhưng họ thừa nhận rằng, họ đã thực hiện hàng trăm phi vụ trong thập kỷ qua chống lại các tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn đang cố gắng giành chỗ đứng ở Syria.

Cuộc trả đũa của Iran được thực hiện vào đêm thứ bảy, rạng sáng Chủ Nhật 14/4/2024. Hơn 300 drone và tên lửa đã được Iran phóng vào Israel, song theo tuyên bố của nhà nước Do Thái, chúng đã bị đánh chặn gần hết và không gây được thương vong gì đáng kể ngoài việc làm bị thương một bé gái 10 tuổi.

Các đồng minh thân cận nhất của Israel, trong đó có Mỹ, Anh Quốc, Đức và các quốc gia phương Tây khác, đã nhanh chóng lên án Iran không kích Nhà nước Do Thái. Trước đó Israel cũng đã bị cộng đồng quốc tế lên án qua vụ tấn công lãnh sự quán Iran tại Syria, vì vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, và Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự năm 1963.

Những vụ tấn công vào sứ quán chẳng phải bây giờ mới có, và chính Iran cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng như thế vào năm 1979.

Những vụ khủng hoảng quốc tế liên quan đến sứ quán nước ngoài

Cuối thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến những cuộc khủng bố xưa nay chưa từng có nhắm vào sứ quán các nước, chẳng hạn như “Sự cố tị nạn tại sứ quán Peru ở Cuba năm 1980”, “Vụ bắt cóc các nhà ngoại giao nhiều nước tại sứ quán Nhật Bản ở Peru năm 1996”, “Vụ Khmer Đỏ sát hại con tin phương Tây trong sứ quán Pháp năm 1975”, và nổi tiếng nhất trong số đó chính là “vụ người Iran bắt cóc con tin ở sứ quán Mỹ năm 1979”.

66 nhà ngoại giao và công dân Mỹ đã bị một nhóm sinh viên Iran bắt làm con tin trong 444 ngày kể từ ngày 4 tháng 11 năm 1979 đến ngày 20 tháng 1 năm 1981. Đây là vụ bắt cóc con tin chiếm kỷ lục thời gian.

Sáng 4/11/1979, hàng trăm sinh viên Hồi giáo Iran đã xông vào đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran, trèo qua tường bao và hàng rào bảo vệ. Tự nhận mình là tín đồ của giáo sĩ Ayatollah Khomeini, nhóm sinh viên yêu cầu dẫn độ nhà vua bị lật đổ Mohammad Reza Pahlavi từ Mỹ trở về Iran. Hơn 60 người Mỹ bị bắt làm con tin, tay bị trói chặt và mắt bị bịt kín, sau đó có một số người được thả tự do, nhưng vẫn còn lại 52 người bị bắt. Những sinh viên Hồi giáo dựng một giá treo cổ phía trước đại sứ quán, ở phía cuối sợi dây treo một tấm biển ghi dòng chữ: “Vì đức vua”.

undefined
Sáng 4/11/1979, hàng trăm sinh viên Hồi giáo Iran đã xông vào đại sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Tehran. (Miền công cộng)

Chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào ngày 7/4/1980, đồng thời gia tăng áp lực bằng một lệnh cấm vận thương mại. Một chiến dịch tuyệt mật mang tên “Vuốt Đại bàng” được thực hiện nhằm giải cứu các con tin Mỹ tại đại sứ quán, nhưng cuối cùng 8 binh sĩ Mỹ giải cứu lại bị thiệt mạng, khi máy bay trực thăng và một vận tải cơ C-130 của họ bị rơi trong một con bão cát sa mạc vào ngày 25/4, tại địa điểm cách Tehran 400km về phía đông nam. Chiến dịch bị hủy sau đó.

Biết rằng sự ở lại của mình sẽ gây ra khó khăn cho nước Mỹ, vua Pahlavi rời nước Mỹ đến Panama và qua đời ở Cairo, Ai Cập vào ngày 27/7/1980. Các sinh viên Hồi giáo tuyên bố sẽ không thả con tin cho tới khi tài sản cá nhân của nhà vua được trao trả về Iran. Tháng 9/1980, giáo chủ Khomeini nêu 4 điều kiện để thả con tin bao gồm: Mỹ phải trao trả mọi tài sản thuộc về vua Pahlavi; giải phóng tài sản bị đóng băng của Iran ở Mỹ; hủy bỏ các yêu cầu bồi thường mà Washington từng đưa ra; và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran. Nhờ sự trung gian của các nhà ngoại giao Algeria, một hiệp định Mỹ – Iran về giải phóng con tin được ký kết vào ngày 19/1/1981. 52 con tin được trả tự do vào ngày 20/1/1981, cùng ngày đó tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhậm chức.

Sau vụ không kích lãnh sự quán Iran tại Syria của Israel hôm 1/4, và vụ không kích đáp trả của Iran hôm 14/4, hai nước này đều lên tiếng tố cáo lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc. Iran khẳng định rằng họ đang thực hiện quyền tự vệ sau vụ lãnh sự quán bị tấn công. Trong khi đó, Israel đổ lỗi cho Tehran vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Song Israel thì có hơn gì? Và xét về sự kiện khủng hoảng con tin cuối năm 1979 thì có phải là Iran gieo nhân nào gặp quả ấy hay không?

Iran và Israel ngày nay như nước với lửa, và có thể nói là họ đều phải chịu phần trách nhiệm của mình khi quan hệ ngoại giao hai nước xấu đi, thậm chí đã phá hủy quan hệ tốt đẹp từ thời cổ đại giữa hai dân tộc văn minh nhất vùng Trung Đông: Ba Tư và Do Thái.

Buổi đầu gặp gỡ của hai nền văn minh Ba Tư - Do Thái

Nhà ngôn ngữ học Nicholas Ostler đã viết rằng, trong số các dân tộc cổ đại của Trung Đông, chỉ có người Hebrew và người Iran là “có những văn bản và những truyền thống văn hóa đã sống dài lâu cho đến thời hiện đại”. Rõ ràng là, một nền văn minh lớn phải có chữ viết và lịch sử dài lâu của riêng nó, Do Thái và Ba Tư chính là như thế. Vậy buổi đầu gặp gỡ của hai nền văn minh này đã diễn ra như thế nào?

Người Do Thái có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại, xuất hiện tại Trung Đông vào khoảng 4.000 năm trước. Cách đây khoảng 2.600 năm, Thành phố Jerusalem bị tàn phá, Ngôi Đền Jerusalem bị san thành bình địa, người Do Thái bị bắt sang Babylon (Iraq ngày nay), và thời kỳ lưu đày của họ kéo dài khoảng 70 năm. Đây là thời điểm được coi là tuyệt vọng nhất trong lịch sử dân tộc Do Thái. Kinh Thánh cho biết rằng, Đức Chúa Trời đã báo trước về tình trạng của họ ở Babylon. Ngài phán: “Hãy xây nhà và ở. Hãy trồng vườn và ăn trái. Hãy lấy vợ và sinh con trai con gái... Cũng hãy mưu cầu bình an cho thành mà ta đã đày các con đến” (Giê-rê-mi 29:1, 4-7)

Babylon rất huy hoàng và hùng mạnh, nhưng cũng rất tàn bạo, và dần dần trở nên băng hoại, điển hình với lối sinh hoạt tình dục bừa bãi. Với ảnh hưởng của mình, Babylon gây ô nhiễm văn hóa cả vùng Trung Đông. Những bình vàng bạc là đồ thờ cúng mà tiên vương Nebuchadnezzar chiếm được từ các đền thờ Do Thái, được vua Belshazzar đem ra làm đồ chuốc rượu, thông qua đó mà phỉ báng Thần. Khi đó ông ta cùng quần thần của mình bất ngờ nhìn thấy một ngón tay giữa không trung xuất hiện, viết lên tường thành lời tiên đoán rằng Babylon sắp bị diệt vong. Nhưng đến thế mà Belshazzar vẫn không tỉnh ngộ.

Thế là vào năm 539, Cyrus Đại Đế của người Ba Tư (Iran ngày nay) đã đánh bại Đế quốc Babylon bằng thuật tâm lý chiến. Ông thuyết phục quân đội Babylon đầu hàng, và thành công vì không ai còn tin tưởng vua Belshazzar nữa. Mặc dù chiến thắng, nhưng Cyrus Đại Đế không giết một tù binh nào, trừ vua Belshazzar.

Cyrus đối xử rất tốt với dân chúng và những người nô lệ, cũng như người Do Thái. Ông trả lại tự do cho tất cả nô lệ, cho phép người Do Thái và những ai bị bắt đến đây làm nô lệ có thể quay về quê hương của mình, hoặc chọn ở lại nơi này tùy theo ý họ. 40.000 người Do Thái chọn trở về cố hương, và họ được tổ chức đưa về Jerusalem an toàn dưới sự dẫn dắt của Sheshbazzar - thuộc dòng dõi vua của xứ Jerusalem. Không chỉ thế Cyrus còn cho tu bổ lại các Đền thờ của người Do Thái ở Jerusalem đã bị quân Babylon phá hủy trước đó. Vậy là thay vì phá hoại những thành tựu của kẻ chiến bại, Cyrus đã giữ lại, học hỏi và phát triển những giá trị văn minh, văn hóa của họ để xây dựng các đô thị vô cùng lớn mạnh. Đồng thời, ông còn căn cứ vào đặc điểm văn hóa của những dân tộc bị chinh phục để phân quyền cai trị cho họ, điều ấy giúp ông có thể cai quản một đế chế vô cùng rộng lớn.

không xác định
Tranh Cyrus Đại đế săn lợn rừng. (User Coyau on Wikimedia Commons SA-3.0)

Cyrus đưa ra bộ quy tắc của mình, viết lên một trụ đất nung gọi là “Trụ Cyrus”. Trụ Cyrus đưa ra 4 thông điệp căn bản như sau:

  • Tôn trọng phong tục truyền thống và tín ngưỡng của các dân tộc, không cho phép bất kỳ một Thống đốc nào xem thường hay làm tổn thương dân chúng.
  • Chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ, các Thống đốc không được phép mua bán nô lệ trong địa phận của mình, điều này cần phải được xóa bỏ trên khắp thế giới.
  • Nếu hôm nay có ai bị áp bức, ta sẽ can thiệp nhằm phục hồi quyền lợi cho họ và trừng trị kẻ áp bức.
  • Tuyên bố quyền tự do cho các dân tộc, họ có quyền sống theo ý mình muốn, làm những gì mình thích, miễn là không xâm phạm đến quyền lợi của người khác.

Những chỉ dụ này của Cyrus trên Trụ Cyrus, sau này được xem là Hiến chương về nhân quyền đầu tiên trên thế giới.

Cyrus Đại Đế của người Ba Tư đã được người Do Thái tôn phục đến độ họ gọi ông bằng cái tên “Người được xức dầu thánh của Chúa Trời” trong kinh Tanakh của người Do Thái.

Ba Tư và Do Thái - hai nền văn minh lớn lâu đời của nhân loại, đã bắt đầu mối quan hệ như vậy đấy. Hậu duệ của Ba Tư ngày nay là Iran, còn Do Thái, hay Hebrew ngày nay có quốc gia Israel.

Quan hệ Do Thái - Ba Tư theo dòng lịch sử

Năm 720 TCN, sự xâm chiếm của người Assyria (miền bắc Iraq ngày nay) đã khởi đầu phong trào lưu vong của người Do Thái sang các vùng đất khác trên thế giới, hình thành nên các Cộng đồng Do Thái lưu vong. Phong trào lưu vong càng phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, sau khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại người La Mã bị thất bại, với hậu quả là ngôi Đền Jerusalem đã bị san bằng vào năm 70, cùng với đó có người bị ép buộc, có người lựa chọn di cư. Từ ấy, dân tộc Do Thái bắt đầu cuộc đời trôi nổi, lang thang khắp Trung Đông, Địa Trung Hải và châu Âu qua nhiều thế kỷ.

Chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hay chủ nghĩa Zion đặt nền móng cho ý tưởng về một nhà nước của người Do Thái với tên gọi Israel ở trên mảnh đất Palestine, để dần hiện thực hóa nỗi khắc khoải hồi hương suốt gần 2000 năm lưu vong của người Do Thái.

Trên thực tế, ngay từ đầu những năm 1900, người Do Thái đã bắt đầu mua đất và phát triển những vùng định cư ở Palestine. Vào năm 1909, thành phố Tel Aviv của người Do Thái đã được thành lập, và vào năm 1920, khoảng 50.000 người Do Thái đã di cư trở về Palestine. Đến năm 1933 dân số Do Thái ở Palestine đã lên tới 220.000 người.

Tháng 11 năm 1947, sau khi chế độ ủy trị của Anh chấm dứt ở vùng đất Palestine, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một kế hoạch phân chia vùng Palestine này thành hai nhà nước Ả Rập Palestine và Do Thái. Tháng 5/1948, người Do Thái ở Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Israel độc lập. Vào năm này, dân số của Israel chỉ vẻn vẹn có 700 ngàn người. Sau năm 1948, với chính sách hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước Israel, dòng chảy những người Do Thái nhập cư từ khắp các miền đất trên thế giới vào Israel tăng lên cuồn cuộn.

Chính vào năm 1947, Iran đã bỏ phiếu chống lại Kế hoạch phân vùng của Liên hợp quốc cho Palestine. Vào năm 1948, Iran phản đối việc chấp nhận Israel như là một quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tuy vậy, chính Iran đã cho phép những người Do Thái chạy trốn khỏi sự đàn áp của người Iraq tạm lưu lại trên đất Iran trước khi tụ họp ở Israel. Vào năm 1950, Iran là quốc gia Hồi giáo thứ hai, sau Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận Nhà nước Israel.

Năm 1953 chính phủ Iran có sự thay đổi. Bằng một cuộc đảo chính, Anh và Mỹ đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Mossadeq vốn đang tranh quyền cùng vua Shah hay vua Mohammad Reza Pahlavi. Vấn đề chính là vì dầu mỏ. Vua Shah cùng với vợ bỏ trốn sang Iraq, tại đây ông bí mật gặp Đại sứ Mỹ, và sau đó bay sang Rome. Nhưng lòng người cũng dễ thay đổi, vua Shah lại được nhân dân ủng hộ và quay về chiếm lại ngai vàng. Iran lúc này thân Mỹ.

undefined
Vua Mohammad Reza Pahlavi năm 1973. (Miền công cộng)

Nước Mỹ lúc đó có nhiều người Do Thái có mối liên hệ với người Israel, do vậy Iran cũng coi trọng mối quan hệ với Israel để thông qua đó mà có thêm mối quan hệ và sự ủng hộ của Mỹ. Iran lúc này cũng có mối quan hệ khá lạnh lẽo với thế giới Ả Rập, mà kẻ thù của kẻ thù là bạn, do vậy Israel tăng cường mối quan hệ với Iran. Đôi bên kẻ mua dầu, kẻ nhập hàng hóa của nhau, thậm chí còn có dự án trao đổi hợp tác về tình báo.

Song, tiệc vui đến lúc tàn canh, bạn bè trở mặt quá nhanh thành thù.

Gió đã xoay chiều, và thái độ của Iran cũng thế, còn Israel ăn miếng trả miếng

Năm 1979, ở Iran diễn ra sự kiện chấn động: Cuộc cách mạng Hồi giáo đã lật đổ vua Mohammad Reza Pahlavi và vương triều kéo dài gần 2000 năm ở Iran, để lập nên một nhà nước thế tục đứng đầu là giới giáo sĩ của Ayatollah Khomeini - vị lãnh đạo tối cao của Iran. Đối lập với vua Pahlavi hay vua Shah, chế độ của Khomeini cũng đối lập trong quan điểm về Mỹ và Israel. Chế độ này một mặt coi nước Mỹ là Đế quốc, và Israel là tên tay sai của Đế quốc, hoặc đại diện cho tinh thần đế quốc với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái; một mặt khác họ chủ trương xây dựng Iran thành một quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thế giới Hồi giáo.

Trong cuốn sách “Chính quyền Hồi giáo”, ông Khomeini viết rằng "ngay từ đầu, phong trào đấu tranh lịch sử của Hồi giáo đã phải đấu tranh với người Do Thái, vì chính họ là những người đầu tiên tuyên truyền chống Hồi giáo". Ông mô tả dân Do Thái là những người bóp méo kinh Koran, những kẻ đầu cơ tài chính và là đặc vụ của phương Tây.

Còn với nước Mỹ thì ngay từ năm 1964, ông Khomeini đã phát biểu thế này: “Họ đã đẩy người Iran xuống vị trí thấp hơn con chó của người Mỹ. Nếu có ai chẹn phải con chó của người Mỹ, người đó sẽ bị trừng trị. Ngay cả vua Shah, nếu ngài chẹn chết một con chó của người Mỹ, ngài cũng sẽ bị trừng trị. Nhưng nếu một đứa nấu bếp người Mỹ đụng phải vua Shah, là nguyên thủ quốc gia, thì không ai có quyền xâm phạm tên nấu bếp đó”.

Có thể thấy rõ lòng hận thù đã đẩy thái độ căm ghét Mỹ & Israel của nhà lãnh đạo tối cao của Iran lúc đó đi xa tới mức nào.

Quan điểm bài Do Thái của ông Khomeini đã được cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani và lãnh tụ tối cao đương kim là Ali Khamenei kế thừa. Ông Rafsanjani đã xuất bản cuốn sách “Israel và Jerusalem yêu dấu”, trong đó tuyên bố chống nhà nước Do Thái là nghĩa vụ thiêng liêng của "mỗi người Hồi giáo và bất cứ ai tin vào Thượng đế".

Bộ máy tuyên truyền của Iran trong hơn 40 năm qua hoạt động hết công suất để chống Mỹ, Tây phương và Do Thái. Các hãng thông tấn quốc gia Iran thường xuyên đăng tải cuốn sách có tên “Mật thư của các trưởng lão Zion” và các bài báo bài Do Thái khác. Đài truyền hình Iran cũng chiếu nhiều phim tài liệu bài Do Thái.

Giới lãnh đạo Iran, gồm cả ông Khamenei, thường xuyên gặp những người phương Tây bác bỏ cuộc thảm sát người Do Thái (Holocaust) tại các hội nghị được nước này hậu thuẫn ở Tehran. Năm 2016, Iran thực hiện một cuộc thi vẽ tranh biếm họa quốc tế về Holocaust (thảm họa diệt chủng người Do Thái), với mục đích chính là chỉ trích việc Israel sử dụng Holocaust để đánh lạc hướng dư luận về những việc đang xảy ra ở Gaza và Palestine. Theo Iran, đây cũng là một cuộc diệt chủng khác với người Palestine, chỉ khác lần này Israel là kẻ thực hiện.

Khỏi phải nói, những hoạt động này đã khiến Israel phẫn nộ ra sao.

Đến năm 1987, sau cuộc chiến Iran - Iraq mà Israel được hưởng lợi nhờ làm kẻ cung cấp vũ khí, Israel đã thay đổi chiến lược, tìm cách xây dựng thỏa thuận hòa bình với Ai Cập, đồng thời bài xích Iran.

Israel thúc đẩy chiến lược "ngăn chặn kép" Iran và Iraq của Mỹ trong những năm 1990, đồng thời vận động hành lang để Mỹ tăng cường trừng phạt Iran.

Khi Mỹ chuẩn bị triển khai chiến dịch tấn công Iraq năm 2003 với cáo buộc Baghdad sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, một số lãnh đạo Israel cáo buộc Tehran cũng đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để Mỹ làm điều tương tự với Iran.

Tel Aviv cũng tham gia cuộc đua giành ảnh hưởng với Iran ở các nước thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Azerbaijan, và thiết lập liên minh với Baku chống Tehran. Trong khi đó, Iran mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia gần Israel, đặc biệt là Syria.

Israel những năm gần đây thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với loạt nước Trung Đông, và châu Phi như Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Morocco, Sudan và Arab Saudi. Iran vì vậy ngầm hỗ trợ Hamas tấn công Israel hôm 7/10/2023 để phá hoại nỗ lực của Israel xích lại gần thế giới Ả Rập.

Điều làm Israel lo ngại nhất đó là nghi ngờ Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân. Đó không chỉ là việc Iran có tiềm năng cạnh tranh với kho vũ khí của Israel, và quét sạch Israel chỉ bằng một quả bom hạt nhân: nếu Iran chế tạo được bom hạt nhân, thì các nước Ả-rập có lẽ sẽ hoảng hốt và sẽ cố gắng để cũng có bom hạt nhân.

Vì vậy, chẳng phải đến bây giờ, Israel mới có ý định tấn công Iran. Có lẽ là, nếu không phải vì khoảng cách một nghìn dặm đường chim bay giữa hai quốc gia, ở giữa là hai biên giới có chủ quyền của Jordan và Iraq, thì Israel đã không kích vào Iran rồi. Thứ hai là nỗ lực can ngăn của thế giới phương Tây đối với Israel khiến quốc gia này không dễ xuống tay hạ thủ, nguyên do là vì Iran có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Hormuz tại vùng Vịnh, nơi 20% nhu cầu dầu lửa của toàn thế giới qua lại, để đẩy giá cả hàng hóa thế giới tăng chóng mặt.

Cho đến ngày nay, sau hai vụ ăn miếng trả miếng vừa rồi của Israel và Iran, khó có thể nói rằng bên nào vô can hay giữ mình nghiêm cẩn. Đều là hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, các mối ân oán đã trở nên nhằng nhịt, triển vọng hòa giải cũng theo đó trở nên mờ mịt.

Oán thù nên cởi không nên buộc và bài học của cổ nhân

Người Trung Hoa có câu: “Oán thù nên cởi không nên buộc.” Danh ngôn này chẳng phải chỉ áp dụng cho cá nhân mà còn cho cả quốc gia nữa.

Ở Lương quốc vào thời Xuân Thu Chiến Quốc có một người tên là Tống Tựu, từng làm huyện lệnh ở một huyện biên giới nằm giáp ranh với nước Sở. Binh lính hai bên biên giới đều trồng dưa. Tuy nhiên, binh sĩ nước Lương siêng năng chăm chỉ, thường xuyên tưới nước chăm bón cho ruộng dưa nên dưa của họ rất tươi tốt còn binh sĩ nước Sở thì lại lười nhác, ít khi chăm tưới ruộng dưa, hậu quả là dưa của họ rất xơ xác. Việc này khiến huyện lệnh nước Sở nổi giận, trách cứ binh sĩ của mình trồng trọt quá tệ. Binh sĩ nước Sở vì vậy đêm đêm bí mật nhổ dưa của nước Lương, khiến dưa của nước Lương đều chết khô cả.

Việc ấy đã bị binh sĩ nước Lương phát giác, cuối cùng đến tai Tống Tựu. Khi nghe binh sĩ nước Lương giận dữ muốn xin được nhổ dưa nước Sở để trả thù, ông đã nói gì?

Ông nói: “Không được! Làm thế sao được! Kết oán rước thù, đó là tự chiêu mời họa đến. Người ta đối xử tệ với các ngươi, các ngươi cũng đối xử tệ như vậy lại với người ta, thế thì lòng dạ các người càng hẹp hòi hơn nữa! Nếu đã thỉnh cầu ta chỉ dạy các ngươi biện pháp trả thù, thì các ngươi hãy làm thế này: nhất định mỗi đêm đều phái người qua nước Sở, lặng lẽ tưới cho ruộng dưa của họ, nhưng đừng để bọn họ biết”.

Thế là, binh sĩ nước Lương mỗi đêm đều âm thầm tưới nước cho ruộng dưa bên Sở, khiến người Sở không phải tưới dưa mà lại thấy dưa của mình ngày càng tươi tốt. Binh sĩ nước Sở cuối cùng cũng biết được nguyên nhân, tâu bẩm lên huyện lệnh nước Sở. Ông này rất vui mừng bẩm báo chi tiết lên Sở vương. Vua nước Sở nghe xong xấu hổ đỏ cả mặt, nói với viên quan chủ quản rằng: “Hãy điều tra những kẻ đi phá ruộng dưa nước người ta, xem chúng còn gây tội trạng nào khác nữa không? Hẳn đây là người nước Lương đang âm thầm trách cứ chúng ta.”

Sau đó Sở vương còn ra lệnh cho người chuẩn bị nhiều lễ vật gửi đến Tống Tựu biểu thị ý xin lỗi, đồng thời còn xin được kết giao với Lương vương. Sở vương thường khen ngợi Lương vương, cho rằng vua nước Lương biết giữ chữ tín. Cũng có thể nói là hai nước Lương Sở có mối giao hảo tốt là bắt đầu từ Tống Tựu.

Người Israel và Iran ngày nay có thể học tập tinh thần của người nước Sở và Lương. Còn nếu cảm thấy chưa phù hợp, thì có thể học tập tinh thần của chính cổ nhân xứ mình, đấy là tấm lòng bao dung và hào hiệp của Cyrus Đại Đế ở Ba Tư cổ đại đối với các dân tộc nằm trong đế chế của ông, trong đó có cả người Do Thái lưu lạc ở Babylon đã được hưởng ân sủng.

Hiệp định Abraham ngày nay vốn cũng đang phát huy tác dụng hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập ở Trung Đông, tại sao lại có người muốn phá bỏ nó? Có phải tham vọng bá quyền và tinh thần cực đoan tôn giáo vẫn là một cản trở lớn đối với hoà bình ở Trung Đông? Quả thực, nếu đã tự coi mình là cọp thì một trái núi sẽ là quá nhỏ đối với 2 con rồi.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Iran - Israel đã làm gì để phá hỏng mối lương duyên Do Thái - Ba Tư