Lịch sử Israel (3): Cái giá phải trả khi làm trái lời Thiên Chúa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoảng thế kỷ thứ 13 TCN, với sự dẫn dắt của Moses, người Do Thái đã  đến được Canaan, trở về vùng đất Thiên Chúa đã hứa ban cho dân tộc này. Moses không chỉ là người dẫn đường, mà còn là một nhà tiên tri. Mãi đến tận hôm nay, bánh xe lịch sử vẫn chầm chậm xoay chuyển trong dự ngôn của Moses, chẳng hề sai lệch và cũng chưa hề kết thúc. 

Cái giá phải trả khi làm trái Mười điều răn của Moses

Những câu chuyện xảy ra suốt hành trình lang thang trong sa mạc sẽ khiến nhiều người vô cùng kinh ngạc. Thì ra, khi ấy người Do Thái đã làm rất nhiều việc khiến Thiên Chúa thịnh nộ, và có thể bạn sẽ đoán được cách phản ứng của Ngài.

Moses đã giáng xuống mười tai họa, buộc Pharaon phải nhanh chóng cho dân tộc Israel ra đi. Moses cũng dùng cây Thần trượng do Thiên Chúa ban cho để rẽ đôi nước Biển Đỏ, đưa người Israel bước vào hành trình trở về vùng đất Canaan.

undefined
Moses dùng gậy Thần rẽ nước Biển Đỏ. (Miền công cộng)

Khi mới rời khỏi Ai Cập, người Israel từng kiểm tra dân số. Có 60.000 người nam, nếu tính thêm cả phụ nữ và trẻ em thì có đến 200.000 người. Như vậy 200.000 người dưới sự dẫn dắt của Moses tiến về Canaan.

200.000 người này làm thế nào để sống sót nơi sa mạc, chỉ việc ăn uống thôi cũng đã là một vấn đề khó. Thế nhưng mỗi ngày, Thiên Chúa đều ban cho người Do Thái một loại thức ăn tên là “mana” có vị giống bánh ngọt mỏng làm bằng mật ong.

Dù rằng đã tận mắt chứng kiến nhiều điều thần kỳ như vậy nhưng chỉ trong chốc lát người Israel liền mất đi tín tâm vào Chúa. Đức tin của những người này giống như một tòa tháp cao xây trên nền cát, chỉ cần đụng nhẹ vào là đổ.

Theo ghi chép trong Kinh Thánh, một ngày nọ, tiếng sấm rền vang, từng tia chớp cắt ngang bầu trời, sau đó người Israel tận mắt nhìn thấy Thiên Chúa giáng lâm. Lúc ấy, lửa và khói nổi lên khắp nơi, mặt đất chấn động. Đức Yehovah giáng xuống núi Sinai. Thiên Chúa ở trong đám lửa, nói với đám đông người Israel đang tập trung rằng: “Ta là Yehovah Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ai Cập là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các Thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; …Ngươi chớ lấy danh Yehovah Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Yehovah chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2-7).

Bởi vì những điều này do đích thân Thiên Chúa truyền dạy cho người Israel, nên được gọi là Mười điều răn. Đức Yehovah còn phán rằng: “Hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta”.

Khi ấy, ở trên núi, tiếng sấm đùng đùng, ánh chớp chói lòa, giống như cảnh tượng núi lửa bùng phát, dân Israel vô cùng hoảng sợ, run rẩy, chỉ dám đứng từ xa, nói với Moses rằng: “Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe; nhưng cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng”. (Xuất Ê-díp-tô ký 20 : 19).

Moses thấy như vậy, an ủi rằng: “Đừng sợ chi, vì Đức Chúa Trời giáng lâm đặng thử các ngươi, hầu cho sự kính sợ Ngài ở trước mặt các ngươi, cho các ngươi không phạm tội” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:20).

Dân Israel đứng ở phía xa, không dám động đậy.

Đức Yehovah cho gọi Moses. Một mình Moses đi vào trong đám khỏi để nghe Ngài giảng giải tường tận về luật pháp.

Sau khi xuống núi, Moses lần lượt nói lại cho người dân những điều răn của Đức Yehovah. Dân chúng đồng thanh lớn tiếng đáp rằng: “Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Jehovah phán dạy” (Xuất Ê-díp-tô ký 24: 3).

Đức Yehovah nghe thấy, nói với Moses rằng: “Những lời của dân chúng, ta nghe thấy rồi, chỉ cần họ giữ tấm lòng như vậy tin kính ta, và vâng giữ những điều răn của ta sẽ khiến họ và con cháu họ vĩnh viễn có ơn phước”.

Moses và anh trai Aaron, cùng với 70 trưởng lão khác được Chúa gọi lên núi Sinai. Họ nhìn thấy chân của Đức Yehovah có có một vật giống bích ngọc trong ngần, khác nào như sắc trời thanh quang. Được tận mắt nhìn thấy Thần, họ vừa ăn vừa uống, sau đó xuống núi. Một mình Moses ở lại trên núi 40 ngày đêm, nghe Thượng Đế giảng giảng tường tận luật pháp. Đức Yehovah đã dùng tay ghi lại luật pháp trên hai tấm bia đá.

Sự phản bội đến rất nhanh

Sự yên tĩnh không duy trì được lâu bởi vì dân chúng không thấy Moses trở về. Người dân cảm thấy sốt ruột, chạy đến tìm anh trai Aaron của Moses nói rằng: “Nào! hãy làm các Thần để đi trước chúng tôi đi, vì về phần Moses nầy, là người đã dẫn chúng tôi ra khỏi xứ Ai Cập, chúng tôi chẳng biết điều chi đã xảy đến cho người rồi” (Xuất Ê-díp-tô ký 31: 1).

Aron cũng không biết nói thêm gì, đành nói với người dân rằng hãy rằng thu lấy những vòng vàng lại rồi đúc thành một con bò vàng bóng loáng. Người dân nhìn thấy liền nói: “Hỡi Israel! Nầy là các Thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai Cập”.

Thế rồi dân chúng vui mừng bắt đầu thờ bái tượng bò vàng, hiến tế và ăn uống, vô cùng náo nhiệt.

Người Israel thờ con bò vàng. (Miền công cộng)

Chỉ vừa mới được nhìn thấy và nghe tiếng nói của Thiên Chúa trước đó không bao lâu, người Israel đã phản bội những lời răn của Đức Yehovah và giao ước, tự tạo ra Thần cho bản thân theo thói quen.

Đức Yehovah nhìn thấy những điều này liền tức giận nói với Moses rằng: “Hãy xuống đi, vì dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Ai Cập đã bại hoại rồi, vội bỏ đạo ta truyền dạy, đúc một con bò tơ, mọp trước tượng bò đó và dâng của lễ cho nó mà nói rằng: Hỡi Israel! Đây là các thần đã dẫn ngươi lên khỏi xứ Ai Cập!.... Ta đã xem thấy dân nầy, kìa là một dân cứng cổ. Vả, bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi; nhưng ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn”. (Xuất Ê-díp-tô ký 32: 7-10)

Nghe thấy vậy, Moses vội vàng cầu xin cho dân tộc Israel, Đức Yehovah mới đồng ý tạm thời bỏ qua cho họ. Thế rồi, Moses vội vàng cầm theo hai tấm bia đá xuống núi. Đến khi tận mắt nhìn thấy việc mà người Do Thái làm. Moses cũng không kiếm chế được cơn tức giận, ném tấm bia đá trên tay vỡ làm 4,5 mảnh. Sau đó ông đập con bò vàng thành bột, đổ vào nước cho người Israel uống. Moses trách mắng Aaron dung túng cho người dân Israel phạm tội, làm trái giao ước. Aaron biết sai, nên thái độ vô cùng nhún nhường. Còn người dân Israel đã phạm tội, chẳng những không đồng ý mà còn rất suồng sã. Với những người như vậy phải làm thế nào đây?

Trong Kinh Thánh chép rằng: “Moses thấy dân sự buông lung, vì Aaron để họ buông lung, đến đỗi bị sỉ nhục trong vòng các thù nghịch, thì người đứng nơi cửa trại quân mà nói rằng: Ai thuộc về Đức Yehovah, hãy đến cùng ta đây! Hết thảy người Levites đều nhóm lại gần bên người. Người truyền cho họ rằng: Jehovah, là Đức Chúa Trời của Israel, có phán như vầy: Mỗi người trong các ngươi hãy đeo gươm bên mình, đi qua đi lại trong trại quân, từ cửa nầy đến cửa kia, và mỗi người hãy giết anh em, bạn hữu, và kẻ lân cận mình”.

Bởi vì theo 12 người con của Jacob, người Israel được chia thành 12 chi phái. Moses và Aaron đều là phái Levites, nhưng cũng có quan hệ họ hàng với các chi phái khác. Moses ra lệnh cho chi phái Levites giết chết những người hỗn xược không vâng phục. Thật ra những người bị giết chết đều là anh em họ hàng của họ. Và như vậy 3000 người nam đã làm sai còn không biết hối cải đã bị thanh trừ.

Điều này tuy rằng là lệnh của Moses, nhưng thực ra cũng là thực hiện ý chỉ của Thiên Chúa. Có người cho rằng, Thượng Đế có thể tha thứ cho tất cả những tội lỗi trên thế gian, nên khi nhìn thấy Thượng đế nghiêm khắc trừng phạt những người phạm tội như vậy cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Nhưng thật ra nếu nghĩ kỹ lại, Thượng Đế cũng từng cho trận Đại hồng thủy hủy diệt nhân loại, cho mưa lưu huỳnh hủy diệt thành Sodom tội lỗi. Ngài là Đấng từ ái, nhưng cũng vô cùng uy nghiêm.

Những người biết lỗi, đều có cơ hội hối cải. Nhưng với những người không muốn hối cải, Thượng Đế cũng sẽ trừng phạt nghiêm khác, giống như cắt bỏ một khối u thối. Sau đó, Moses vâng lời Chúa làm lại hai tấm bia đá. Đức Yehovah lại viết ra Mười điều răn. Mỗi lần Moses từ trên núi xuống, đều giảng lại cho người Israel những nội dung đã đối thoại cùng Thiên Chúa khi ở trên núi. Ban đầu, Moses phát hiện người dân sợ mình, không dám đến gần, sau đó Moses mới biết rằng, do mình đã nói chuyện với Thần nên khuôn mặt ông phát ra ánh sáng. Từ đó về sau, Moses dùng một tấm vải để che đi khuôn mặt của mình, chỉ khi nào trò chuyện cùng Thượng Đế mới mở ra.

Mặt đất mở ra

Moses đã trở thành người trung gian, không ngừng truyền đạt những lời của Thiên Chúa cho người dân Israel. Dù vậy, dân tộc Israel vẫn không biết cách kính sợ Thần.

undefined
Thiên Chúa. (Miền công cộng)

Không lâu sau đó, đã phát sinh một việc lớn. Mấy vị trưởng lão dẫn theo 250 vị thủ lĩnh bắt đầu công kích Moses và Aaron. Họ nói hai người tự ý chuyên quyền. Các trưởng lão lớn tiếng chất vấn rằng: “Thôi đủ rồi! vì cả hội chúng đều là thánh, và Đức Jehovah ngự ở trong; vậy sao các ngươi tự cao trên hội chúng của Đức Jehovah?” (Dân số ký 16:3).

Thậm chí họ còn chỉ trích Moses: “Há là điều nhỏ mọn mà ngươi đã đem chúng ta ra khỏi xứ đượm sữa và mật, đặng làm cho chúng ta chết trong đồng vắng, mà ngươi lại còn muốn lấn lướt trên chúng ta nữa sao? Quả thật, ngươi không có dẫn chúng ta đến trong một xứ đượm sữa và mật đâu, ngươi không cho chúng ta đồng ruộng hay là vườn nho làm sản nghiệp đâu! Ngươi toan khoét mắt của dân nầy ư?… Chúng ta không đi lên đâu”. (Dân số ký 16:12).

Họ cho rằng Moses dùng mượn danh nghĩa của Thiên Chúa để đưa họ ra khỏi Ai Cập, chứ không phải Ngài thực hiện lời hứa và đưa họ đến vùng đất hứa. Họ cho rằng những điều này đều là do Moses cố tình tạo ra. Dường như họ không hiểu rằng, tất cả đều là ý chỉ của Chúa. Moses chỉ là người thực hiện theo.

Trên thực tế những người này không phải đang oán hận Moses và Aaron, mà chính là đang chỉ trích Thiên Chúa. Đối mặt với sự chỉ trích Moses cũng không tranh biện quá nhiều mà giao phó hết thảy trong tay của Đức Yehovah. Trong Kinh Thánh chép rằng: “Đức Yehovah phán: Hãy tách khỏi giữa hội chúng nầy, thì ta sẽ tiêu diệt nó trong một lát” (Dân số ký 16:21).

Không biết những người thách thức quyền uy của Moses nếu nghe được quyết định như vậy của Đức Yehovah, họ sẽ nghĩ như thế nào?

Moses và Aaron vội cầu xin cho dân Israel, sấp mặt xuống mà rằng: “Ôi Đức Chúa Trời, là Chúa của Thần linh mọi xác thịt! chỉ có một người phạm tội mà Chúa lại nổi giận cùng cả hội chúng sao?” (Dân số ký 16: 22).

Cuối cùng, Thượng Đế chỉ trừng phạt mấy vị trưởng lão đứng đầu. Khi đó, mặt đất chỗ lều của những người này đang ở đột nhiên mở ra một lỗ rất lớn, giống như miệng của người khổng lồ. Trong chớp mắt tất cả những người này cùng gia quyến và tài sản đều bị nuốt xuống dưới, sau đó mặt đất lại hợp lại. Sau đó, Đức Yehovah phóng ra một ngọn lửa lớn, thiêu đốt 250 vị thủ lĩnh đi theo.

Người dân Israel tận mắt nhìn thấy Thượng Đế khiến mặt đất nứt ra, mở miệng tiêu diệt những người phản bội. Tất cả những việc này đều rất chấn động! Nhưng dân Israel vẫn không hiểu rõ mọi việc. Qua ngày hôm sau, toàn thể người dân Israel công kích Moses và Aaron rằng: “Hai người đã làm chết dân của Đức Jehovah” (Dân số ký 16: 41).

Ngay lúc này, Đức Yehovah hiện ra, dặn dò đám người Moses hãy rời đi, Ngài sẽ thanh trừ những người Israel phản bội Thần. Tuy rằng Moses và Aaron vội vàng cầu xin cho người dân, nhưng đến khi Thượng Đế ngừng trừng phạt thì đã có 14700 người chết do dịch bệnh

Moses bị phạt

Mặc dù Moses và Aaron đều cẩn thận làm tốt chức trách nhưng họ cũng không thể bước vào vùng đất hứa bởi vì đã phạm phải lỗi lầm.

Có một lần, dân chúng không có nước uống nên oán trách Moses: “Sao người khiến chúng tôi đi lên khỏi xứ Ai Cập đặng dẫn đến chỗ độc nầy, là nơi người ta không gieo mạ được, và chẳng có cây vả, cây nho, cây lựu, và cũng không có nước uống?” (Dân số ký 20: 5).

Họ không hiểu rằng Thượng Đế đang thử lòng họ nên thường xuyên sinh ra tâm oán hận. Lần này cũng như vậy. Thấy người dân khát nước không chịu đựng được, Thiên Chúa lệnh cho Moses cầm Thần trượng, cất tiếng nói để tảng đá chảy ra nước. Khi ấy Moses đã dẫn dân Israel đi trong hoang mạc 40 năm.

Nhìn thấy dân chúng nhiều lần oán hận, không biết ơn và thường xuyên làm trái, Moses đã không nén nỗi sự tức giận trong lòng. Ông cho gọi người dân tập trung chỗ tảng đá, dùng gậy đánh vào tảng đá. Quả nhiên, có rất nhiều nước chảy ra cho dân Israel.

Tuy nhiên hành vi đập vào đá của Moses đã khiến Đức Yehovah không hài lòng. Rõ ràng Moses đã không tuân theo lời của Đức Yehovah rằng phải “nói” để tảng đá chảy ra nước. Vì vậy Đức Yehovah nói Moses và Aaron rằng: “Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên Thánh trước mặt dân Israel, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu”. (Dân số ký 20:12).

Như vậy, ngay cả người phát ngôn của Thiên Chúa, người trung gian giữa Thần và con người cũng phải hoàn toàn tuân theo ý chỉ của Ngài. Bất cứ lỗi lầm nào cũng sẽ không được tha thứ.

undefined
Moses. Miền công cộng)

Moses qua đời khi 120 tuổi, mắt của ông không mờ, tinh thần cũng không giảm sút. Vào ngày lâm chung, Moses dặn dò người Israel và dự ngôn rằng: “Nầy ngày nay, lúc ta còn sống với các ngươi, các ngươi đã phản nghịch cùng Đức Jehovah; huống chi sau khi ta qua đời! Hãy nhóm hiệp những trưởng lão của các chi phái và quan cai các ngươi lại gần ta; ta sẽ cho họ nghe những lời nầy nơi lỗ tai, và ta bắt trời cùng đất làm chứng nghịch cùng họ. Vì ta biết rằng, sau khi ta qua đời, các ngươi hẳn sẽ bại hoại, trở bỏ đường ta đã truyền dạy cho các ngươi; trong ngày sau rốt, tai họa sẽ xông hãm các ngươi, bởi các ngươi làm điều ác trước mặt Đức Jehovah, lấy những công việc của tay mình mà chọc Ngài nổi giận”. (Phục truyền luật lệ ký 31:27).

“Đức Jehovah sẽ tản lạc các ngươi trong các nước, chỉ còn lại số nhỏ trong các nước mà Đức Jehovah sẽ dẫn các ngươi vào; ở đó các ngươi sẽ cúng thờ những Thần bằng cây và bằng đá, là công việc của tay loài người làm nên, chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng ăn, cũng chẳng ngửi. Ở đó ngươi sẽ tìm cầu Jehovah Đức Chúa Trời ngươi, và khi nào hết lòng hết ý tìm cầu Ngài thì mới gặp. Khi ngươi bị gian nan, và các việc nầy xảy đến cho ngươi, bấy giờ trong ngày cuối cùng, ngươi sẽ trở về cùng Jehovah Đức Chúa Trời ngươi, và vâng theo tiếng Ngài. Vì Jehovah Đức Chúa Trời ngươi là Đức Chúa Trời hay thương xót sẽ không bỏ ngươi và không hủy diệt ngươi đâu; cũng chẳng quên sự giao ước mà Ngài đã thề cùng các tổ phụ ngươi”. (Phục truyền luật lệ ký 4:27-31)

Moses tuân theo yêu cầu của Thượng đế, mang những lời dự ngôn này viết thành sách “Phục truyền luật lệ ký”.

Bài ca ở chương 32 được gọi là Bài ca Moses. Đây là một bài ca tán tụng, ca ngợi sự công chính và thành tín của Đức Yehovah, cũng chứa lời dự ngôn nói rằng tương lai nếu người Do Thái rời xa khỏi Thượng Đế sẽ gặp phải rất nhiều tai họa. Nhưng khi người Israel hỗi lỗi quay đầu lại, thì Thượng Đế sẽ để dân tộc Do Thái phục hưng dưới sự cứu vớt của Chúa.

(Hết)

Tuyết Lợi - wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử Israel (3): Cái giá phải trả khi làm trái lời Thiên Chúa