Chuyện lạ có thật bên ngoài bức tường Trung Nam Hải 25 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một đề bài khó cho nhà tổ chức lại là điều khả thi với tinh thần tự giác cá nhân

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tổ chức sự kiện và đề bài cho bạn như sau: Vào hai ngày nữa, bạn phải tập trung được 1 vạn người lạ chỉ trong một buổi. Đây cũng không phải một cuộc đi picnic, mà là một việc làm nghiêm túc, lại có phần nguy hiểm. Địa điểm tập trung là bên ngoài một văn phòng nhà nước. Và bởi vì ở địa điểm này có nhiều cơ quan nhà nước, cũng có nhiều người dân qua lại, nên một vạn người lạ này phải đứng gọn gàng, trong yên lặng, không cản trở giao thông, hay gây mất trật tự. Không ai trong số họ được cho biết rằng sự kiện này kéo dài bao lâu, nhưng họ phải tiếp tục yên lặng, giữ được bình tĩnh và ôn hòa ngay cả khi có người khiêu khích hay đe dọa. Và cuối cùng khi họ rời đi phải trả lại hiện trường nguyên vẹn, nơi họ đứng không được có một tí rác rưởi nào, kể cả một que tăm hay đầu mẩu thuốc lá.

Bạn có thể từ chối kể cả khi được hứa thù lao hậu hĩ, bởi vì mức độ khó mà đề bài đưa ra. Bạn sẽ cho rằng, không thể nào có một vạn người lạ, không ai quen ai, tập trung lại một chỗ mà không gây lộn xộn hay náo loạn nào đó. Dù có nắm trong tay một vạn quân nhân quân lệnh như sơn nhưng không cùng huấn luyện hay có một đơn vị chỉ huy thống nhất, thì bạn cũng không dám đảm nhiệm việc này chỉ trong một hai ngày. Và bạn thận trọng vậy là đúng.

Vậy mà vào 25 năm trước, đã diễn ra một sự kiện như thế, hơn một vạn người đã đến và đi trong trạng thái kiềm chế cao độ như vậy. Đó chính là cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999 của hơn 10.000 học viên môn tu luyện Pháp Luân Công, tại Cục Khiếu nại Quốc gia thuộc Văn phòng Quốc vụ viện gần Trung Nam Hải. Sự kiện này sẽ được lý giải đầy đủ với các căn cứ từ lịch sử và văn hóa truyền thống. Nhưng trước hết chúng ta hãy theo dõi toàn cảnh của kỳ sự này.

Giang Trạch Dân đố kỵ và mưu hại - nguyên nhân khởi phát mọi việc

Đến trước cuộc thỉnh nguyện, số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên đến khoảng 100 triệu người và cuốn sách chính của Pháp Luân Công là Chuyển Pháp Luân trở thành cuốn sách bán chạy nhất, người lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ là Giang Trạch Dân cảm thấy ghen tị và lo sợ.

Giang lo sợ vì số người tập môn này còn nhiều hơn số đảng viên ĐCSTQ (lúc đó là khoảng 60 triệu người), và ghen tị với uy tín tự nhiên của Đại sư Lý Hồng Chí khiến địa vị lãnh đạo của ông ta bị lu mờ, nhất là ảnh hưởng mạnh của môn tập đến người thân và thuộc cấp của Giang. Ban đầu, 7 thành viên thường vụ Bộ chính trị đều có người nhà hoặc chính bản thân họ tập môn này.

Theo loạt bài được The Epoch Times xuất bản năm 2011 có tựa đề: "Anything for Power: The Real Story of Jiang Zemin" (tạm dịch: “Bất chấp tất cả vì quyền lực: Câu chuyện có thật về Giang Trạch Dân”), vợ của Giang là bà Vương Dã Bình (Wang Yeping) cũng từng tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994. Vào một buổi tối khi đang luyện công, bà cảm giác như có ai đó đang bắt chước các động tác của mình. Sau khi mở mắt ra, bà phát hiện đó không ai khác chính là Giang.

Xấu hổ và tức giận vì bị bắt quả tang, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho bà Vương Dã Bình ngừng tu luyện.

Giang thốt lên: “Vợ tôi cũng tin Lý Hồng Chí, vậy thì ai sẽ tin tôi, Tổng Bí thư ĐCSTQ?".

Trong trận lũ sông Dương Tử năm 1998, chính phủ đã kêu gọi người dân quyên góp cứu trợ; Tên của các nhà tài trợ đã được hiển thị trên đài truyền hình của nhà nước. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã tham gia quyên góp nhưng lại ký tên “Học viên Pháp Luân Công” thay vì sử dụng tên cá nhân của họ.

Theo nhân viên của Giang, khi ông ta nhìn thấy những người được xác định là học viên Pháp Luân Công trên TV, ông ta sa sầm mặt lại. Sau đó, khi Giang chạy quanh để kiểm tra những người ở tuyến đầu chống lũ, ông đã nhìn thấy một nhóm người đang làm việc ngày đêm. Giang đã cử nhân viên của mình đến hỏi xem họ có phải là đảng viên của ĐCSTQ không. Câu trả lời đó là: họ chính là học viên Pháp Luân Công.

Nghe được lời này, Giang lập tức không vui.

Một kế hoạch đã dần dần hình thành.

Diễn biến kỳ lạ của cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999

Dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân, ngày 11/4/1999, viện sĩ Hà Tộ Hưu đã đăng một bài viết có nhan đề “Tôi không tán thành thanh thiếu niên luyện khí công” trên tạp chí "Thanh thiếu niên Bác lãm" trực thuộc Học viện Giáo dục Thiên Tân Trung Quốc. Những nội dung mô tả trong bài viết được các học viên Pháp Luân Công đánh giá là hoàn toàn ngược lại với các nguyên lý tu luyện của môn này, vốn để tu sửa đạo đức theo Chân - Thiện - Nhẫn.

Vì để cải chính thông tin, tránh bị người dân hiểu nhầm, từ ngày 18 - 24/4/1999, một số học viên Pháp Luân Công đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân để nói rõ sự thật và kiến nghị để bài viết không đúng được rút xuống. Tạp chí này đáp lại bằng cách gọi cảnh sát thuộc lực lượng chống bạo động Thiên Tân đến, vào ngày 23 - 24/4/1999 đã sử dụng vũ lực đánh đập và bắt giữ 45 học viên Pháp Luân Công.

Các học viên sau đó kiến nghị lên chính quyền thành phố Thiên Tân nhưng được thông báo rằng, Bộ Công an đã can thiệp và sẽ không thả người nếu không có sự cho phép từ Bắc Kinh. Công an Thiên Tân cũng đề nghị các học viên Pháp Luân Công đến Bắc Kinh thì vấn đề mới được giải quyết. Việc này rất kỳ lạ, vì thông thường, công an địa phương ở Trung Quốc rất sợ người dân đi thỉnh nguyện sẽ ảnh hưởng xấu đến “cái ghế” của mình.

Trước tình hình đó, ngày 25/4/1999, khoảng 10 ngàn học viên Pháp Luân Công từ các tỉnh, thành như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và các vùng khác đã tới Cục Khiếu nại Quốc gia thuộc Văn phòng Quốc vụ viện (Chính phủ) gần Trung Nam Hải, để thỉnh nguyện. Bởi vì ở Trung Quốc trước kia, người ta biết Pháp Luân Công là một môn tập mang tính tự nguyện, người ta tự nguyện đến học và tự nguyện rời đi nếu thấy không phù hợp, nên mọi quyết định đối với người tập môn này đều là xuất phát từ tâm tự nguyện. Cuộc thỉnh nguyện lần này cũng thế.

Vì có nhiều người ở xa không rõ đường đi lối lại ở Bắc Kinh, và cũng không có địa chỉ chính xác của nơi cần đến là Phòng kháng cáo Quốc vụ viện, nên họ phải vừa đi vừa hỏi đường, và hỏi cảnh sát là đúng người, đúng chức năng.

Một nhân chứng kể lại: “Chúng tôi hỏi viên cảnh sát ở ven đường: ‘Phòng Khiếu nại Trung Nam Hải ở đâu thế?’ Anh ấy đã chỉ đường cho chúng tôi. Khi chúng tôi gần đến nơi, chúng tôi gặp rất nhiều học viên. Vừa nhìn đã biết họ là học viên Pháp Luân Công. Mãi về sau chúng tôi mới biết, đó là phố Phủ Hữu bên ngoài cổng Tây của Trung Nam Hải.”

Chính các cảnh sát đã mở tuyến canh gác, dẫn họ từ các hướng đến tập trung ở cổng phía Tây và phía Bắc của Trung Nam Hải, chứ không dẫn họ đến Phòng Khiếu nại Quốc vụ viện.

Những học viên đứng thành hàng dài trên vỉa hè theo sự sắp xếp của cảnh sát, cứ khoảng 30m có một cảnh sát đứng giám sát. “Dường như đã có một sự chuẩn bị trước của công an ở hiện trường, chỉ chờ học viên Pháp Luân Công đến” - nhà báo Ethan Gutman của tạp chí National Review nói. Các học viên được dẫn đến vị trí đối diện Trung Nam Hải mà trông như là bao quanh khu phức hợp, là lý do buộc tội mà ĐCSTQ dành sẵn cho họ. Truyền thông ĐCSTQ sau này gọi là “cuộc bao vây tổng hành dinh Trung Nam Hải” của Pháp Luân Công, và một vạn người tập hợp là mối đe dọa bạo lực cho quốc gia.

Trên thực tế, các học viên Pháp Luân Công không gây cản trở giao thông hay công tác của chính phủ, không có biểu ngữ, không hô hào khẩu hiệu, thậm chí hạn chế trao đổi. Khoảng 10.000 người chỉ đứng đọc sách, luyện công trên vỉa hè, trong im lặng. Trong suốt cả 16 tiếng thỉnh nguyện đều như thế.

Khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đến Cục Khiếu nại Quốc gia ngày 25/4/1999 để khiếu nại. (Ảnh Minh Huệ)

Một nhân chứng hôm đó là giáo sư Chương Thiên Lượng kể: “Một chi tiết rất thú vị là ông Chu Dung Cơ đi ra mà không có bất cứ cảnh vệ nào đi kèm. Nên rõ ràng là ông ấy biết rằng, những người tập Pháp Luân Công rất ôn hòa. Tôi thậm chí còn có thể thấy một nụ cười trên gương mặt ông ấy.”

Một nhân chứng khác là ông Thạch Thái Đông nói: “Ngay khi tôi chuẩn bị qua đường, hướng về phía cửa Tây, thì ông Chu Dung Cơ đi qua đường từ phía bên kia. Ông vừa đi vừa nói to: ‘mọi người từ đâu đến vậy? Ai bảo mọi người đến?’.

Một số học viên nói: ‘Chúng tôi là các học viên Pháp Luân Công’.

Ông Chu Dung Cơ sau đó hỏi: ‘Các vị làm gì ở đây vậy? Các vị không có tự do tín ngưỡng tôn giáo sao?’.

Ông vừa đi vừa nói, cuối cùng thì ông đến rất gần tôi. Ông nói: ‘Nếu các vị có bất cứ vấn đề gì, hãy cử người làm đại biểu, và tôi sẽ nói chuyện với họ’.

Tôi giơ tay lên và nói: ‘Thủ tướng Chu, tôi có thể đi’.

Nhiều học viên khác cũng muốn đi vào, trợ lý của ông Chu chọn 3 người để trở lại Trung Nam Hải.”

Trung Nam Hải là trung tâm quyền lực của ĐCSTQ, ngoài lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ và thi thoảng là một vài quan chức ngoại quốc, rất ít người được ra vào nơi này. 3 học viên theo ông Chu Dung Cơ vào đây đã có cơ hội để kể về tình huống các học viên môn này đang gặp phải và thỉnh nguyện với chính phủ.

Có một chi tiết kỳ lạ trong cuộc nói chuyện này khiến các học viên lo ngại. Ông Thạch Thái Đông kể: “Khi ông Chu dẫn chúng tôi vào Trung Nam Hải, trong khi nói chuyện, ông hỏi: ‘Chẳng phải tôi đã phán quyết về những tư liệu mà các vị gửi đến để thỉnh nguyện hay sao?’

Chúng tôi thực sự không hiểu, bởi vì chúng tôi không biết rằng ông thủ tướng đã đưa ra quyết định về môn tập của chúng tôi và chúng tôi nghĩ rằng, nếu như đã có quyết định thì chúng tôi phải biết chứ? Vì thế tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên và nói rằng chúng tôi không biết. Ông Chu cũng nghĩ điều đó thật là lạ khi ông thấy rằng chúng tôi không biết và ông ấy cũng rất không hiểu.”

“Ai đã giữ lại bức thư đó và bằng cách nào” là một câu hỏi cho đến nay chưa có câu trả lời. Nhưng thời điểm ấy, chỉ có một người duy nhất có quyền lực cao hơn thủ tướng Chu Dung Cơ và có thể cản trở ông ấy, đó là tổng bí thư Giang Trạch Dân.

Giáo sư Chương Thiên Lượng, 1 trong các nhân chứng kể lại. (Chụp video)

Giáo sư Chương Thiên Lượng kể: “Ông Chu Dung Cơ đi ra, nếu tôi nhớ không nhầm, lúc đó vào khoảng 10 giờ sáng. Nhưng sau đó vào buổi chiều, đột nhiên không khí trở nên căng thẳng, bởi vì có rất nhiều cảnh sát vũ trang bất ngờ chạy ra khỏi Trung Nam Hải và đứng trước mặt chúng tôi, cách chúng tôi khoảng 2m. Họ đứng xếp hàng ở trước mặt chúng tôi. Trông họ rất nghiêm trọng. Và sau đó, tôi có cảm giác rằng, Giang Trạch Dân chuẩn bị đi ra. Tôi thấy hai chiếc xe đi ra khỏi Trung Nam Hải, xe chạy rất nhanh. Và rồi họ lái xe đi, họ không trở lại, và người ta nói rằng Giang Trạch Dân ở trong xe.”

Vào khoảng 10 giờ tối, một tin đến từ cửa Tây của Trung Nam Hải: “Các đại diện đã trở lại, và họ đã chuyển các yêu cầu của học viên đến các lãnh đạo của Hội đồng trung ương. Tất cả các học viên bị bắt bởi cảnh sát Thiên Tân đã được thả ra". Sau khi biết tin, các học viên Pháp Luân Công trên đường Phủ Hữu trước khu dinh thự Trung Nam Hải cũng nhanh chóng tản đi. Trước khi ra về, họ đã dọn dẹp sạch sẽ mặt đất gồm cả những đầu thuốc lá mà cảnh sát vứt đi và nhà vệ sinh công cộng. Toàn bộ quá trình diễn ra trong sự an hòa và mặt đường Bắc Kinh sạch sẽ sau khi họ rời đi.

Đó là toàn cảnh cuộc thỉnh nguyện được đánh giá là có “quy mô lớn nhất, lý trí, ôn hòa nhất và trọn vẹn nhất” trong lịch sử thỉnh nguyện của Trung Quốc. Song, những đợt sóng ngầm hắc ám vẫn đang cuộn trào trong lòng nhân vật cao cấp nhất của Trung Nam Hải.

Vào buổi tối ngày 25/04/1999, Giang Trạch Dân đã viết một lá thư gửi Bộ Chính trị của Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ, trong đó tuyên bố: “Nếu Đảng cộng sản không đánh bại Pháp Luân Công, nó sẽ là chuyện lố bịch lớn nhất trên thế giới”. Lá thư được truyền trong nội bộ từ cấp cao nhất của chính quyền ĐCSTQ đến tất cả các đơn vị bên dưới.

Đến 3 tháng sau, vào ngày 20/7/1999, thì nổ ra sự kiện bức hại các học viên Pháp Luân Công, cuộc khủng hoảng đạo đức với nhiều tội ác ghê gớm này đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Và sau đây là lý giải sự việc từ góc độ lịch sử và văn hóa truyền thống.

Pháp gia - người thầy của ĐCSTQ đã dạy họ điều gì?

Một cái bẫy đã được giăng ra từ trước ngày 25/4/1999, nếu xâu chuỗi lại sẽ thấy xuyên suốt từ sự việc bài báo của Hà Tộ Hưu, cuộc trấn áp và bắt giữ người của công an Thiên Tân, phán quyết ôn hòa của thủ tướng Chu Dung Cơ bị ngăn chặn, sau đó là lời đề xuất của bên công an Thiên Tân để các học viên Pháp Luân Công lên Bắc Kinh thỉnh nguyện, sự “dẫn dắt” của các cảnh sát ở Trung Nam Hải đối với các học viên Pháp Luân Công không thuộc đường lối để đến đúng vị trí nhạy cảm, trông như họ đang bao vây Trung Nam Hải, sự xuất hiện của đội cảnh sát vũ trang vào buổi chiều của cuộc thỉnh nguyện v.v. đều là để dẫn dụ, khiêu khích phản ứng của các học viên Pháp Luân Công, khiến họ mất bình tĩnh, là có lý do để Giang Trạch Dân đàn áp ngay lập tức.

Nhưng những người tu luyện thỉnh nguyện đã vượt qua thử thách tâm lý này một cách tuyệt vời nhờ công phu hàm dưỡng cao của họ, điều làm Giang kinh ngạc, sợ hãi và căm tức. Vì sao vậy? Lịch sử lại cho chúng ta câu trả lời.

Hơn 2000 năm trước, vào thời Chiến Quốc, nước Tần là nơi dung dưỡng các nhân vật trị quốc theo đường lối Pháp gia. Cần lưu ý rằng, Pháp gia không có gì giống với dân chủ Pháp quyền của phương Tây hiện nay. Pháp gia có 3 nhân vật chính là Thương Ưởng, Hàn Phi và Lý Tư. Thương Ưởng xuất hiện trước, ông ta còn chịu ảnh hưởng của Thận Đáo, Thân Bất Hại trước đó nữa, có thể coi là nhân vật mở màn của Pháp gia. Còn Hàn Phi là người tập đại thành các tư tưởng của Thận Đáo, Thân Bất Hại, Thương Ưởng, đồng thời bẻ cong, trộm dùng tư tưởng Đạo gia của Lão Tử, cuối cùng kiến lập Pháp gia.

Thủ đoạn trị quốc của ĐCSTQ đa số có nguồn gốc từ Pháp gia, nó kế thừa bộ phận bại hoại, tà ác nhất của Pháp gia, thành thục áp dụng trong thực tiễn từ quá khứ cho đến đương đại. Chỉ là, Pháp gia có một quân chủ nắm toàn quyền lực trong thiên hạ, nhưng ĐCSTQ là độc đảng nắm tất cả quyền thế trong thiên hạ. Có thể coi ĐCSTQ là truyền nhân của Pháp gia, là Pháp gia thời hiện đại với mức độ tà ác lớn hơn.

Trong “Thương quân thư”, Thương Ưởng có giảng: “Dùng thiện lương thì dân thân với dân, dùng gian ác thì dân thân với… chính quyền”. Nếu mọi người đều tốt, thì mọi người đều thân thiết và tin cậy nhau. Nếu mọi người đều xấu, đều là “gian dân” thì ngược lại họ sẽ nghi ngờ thù hằn lẫn nhau, vì “gian dân” có nghĩa là người dân vừa gian xảo và nghèo hèn, vừa đê tiện và ngu muội… họ sẽ mất đi cốt khí và trí tuệ, trở nên yếu nhược, họ sẽ buộc phải thân cận với chính quyền.

Thương Ưởng chính là muốn biến người dân trở thành “gian dân”, thì nhà nước mới dễ chia rẽ để cai trị.

Còn Pháp Luân Công giảng “Thiện”, giảng “Chân”, giảng “Nhẫn”, chính là điều mà ĐCSTQ và Giang đại diện, sợ hãi và căm ghét nhất.

Nhân tính có hai khiếm khuyết rất lớn, đó là “lòng tham” và “nỗi sợ”. Hàn Phi và Thương Ưởng nhắm vào hai điểm yếu này để thao túng dân chúng, chứ không khơi gợi và nuôi dưỡng lòng tốt và sự can đảm của con người như đương nhiên phải thế.

Thương Ưởng viết: “Bách tính dũng mãnh, thì thuận theo dục vọng của họ mà trọng thưởng; bách tính khiếp nhược, thì thuận theo sợ hãi của họ mà gia tăng hình phạt uy hiếp họ. Như vậy, kẻ khiếp nhược do sợ khốc hình mà thành dũng cảm, kẻ dũng cảm do trọng thưởng mà quên mình. Kẻ khiếp nhược biến thành dũng cảm rồi, kẻ dũng cảm trở nên quên mình đánh trận rồi, thì quốc gia sẽ thành vô địch, xưng vương.

Nếu bách tính cam chịu cơ hàn mà chết, chứ không tranh đoạt vì lợi lộc, thì quốc gia sẽ tiêu vong…”

Trong trước tác “Hàn Phi tử”, Hàn Phi viết: “Thầy thuốc thạo việc hút máu mủ ở vết thương người bệnh, miệng ngậm máu tanh, không phải do tình thân cốt nhục, mà là do lợi ích mà làm. Thợ xe chế tạo xe tốt, hy vọng người ta phú quý có tiền mà mua; thợ đóng quan tài xong, hy vọng có người nhanh chết. Chẳng phải do thợ xe nhân từ, thợ hòm độc ác, mà là người ta không phú quý, xe bán cho ai; người khác không chết, ai mua quan tài.”

Đều là cách kiến giải khả ố, cực đoan phóng đại về dục vọng con người, xem như con người xấu xa từ bản chất, không có điều gì tốt đẹp.

Hàn Phi viết tiếp: “Giả sử người ta không ăn không mặc mà không đói không lạnh, cũng không sợ chết, thì sẽ không phục tùng nguyện vọng của quân chủ. Tư tưởng dục vọng không chịu khống chế của quân chủ, quân chủ không có cách nào sai khiến họ được nữa.”

Đối với Pháp gia, con người là xấu, là ác, nên phải dùng cách thức xấu, ác để cai trị. Tất nhiên, kẻ cai trị phải trở nên xấu nhất, ác nhất.

Vì vậy, Pháp gia sợ hãi và ghét bỏ nhất với những người đã rèn giũa, loại bỏ được những thiếu sót trong nhân tính, trong đó có lòng tham và nỗi sợ, để dần dần đạt được một nội tâm mạnh mẽ và trong sạch. Hàn Phi viết tiếp:

“Như Dự Nhượng, Bá Di, Thúc Tề đạo đức hiền nhân vậy, không sợ khốc hình, chẳng màng lợi ích, những hình phạt chẳng thể chế ước họ, ban thưởng cũng không dẫn dụ nổi họ. Người như vậy là người vô dụng. Là người mà ta coi khinh vứt bỏ, nhưng lại là người mà quân chủ đương thời ca tụng tìm cầu.

Như Hứa Do, Tục Nha, Tấn Bá Dương, Tần Điên Hiệt, Vệ Kiều Như, Hồ Bất Kê, Trọng Minh, Đổng Bất Thức, Biện Tùy, Vụ Quang, Bá Di, Thúc Tề, mười hai người này đều là thấy lợi bất động tâm, lâm nguy không sợ hãi. Có cho cả thiên hạ họ cũng chẳng màng, không vì năm đấu gạo mà khom lưng.

Người thấy lợi chẳng màng, quân chủ ban thưởng hậu hĩnh, cũng không động tâm; Người lâm nguy không sợ hãi, dù quân chủ dùng khốc hình, cũng không khuất phục nổi. Đây là những người mà quốc gia không cách nào quản chế… Người như vậy, thánh vương cổ đại đều không thần phục được họ, thời thế ngày nay, cần họ làm gì?”

Những tấm gương nhân nghĩa trí dũng muôn đời đều trở thành đối tượng coi khinh vứt bỏ của Hàn Phi, Thương Ưởng và những nhân vật theo Pháp gia.

Cả một thời đại máu lửa, khét lẹt, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen qua các cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ như Phá tứ cựu, Đại nhảy vọt, Trăm hoa đua nở, Đại cách mạng văn hóa, Đàn áp sinh viên Thiên An Môn, Bức hại Pháp Luân Công v.v. hiện về theo những dòng tư tưởng bại hoại của Pháp gia.

Cả phương thức trị quốc bằng hủ bại của Giang Trạch Dân từ bản chất cũng là học tập của Pháp gia. Trong suốt 13 năm Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư và 2 năm giữ chức Chủ tịch Quân ủy, bộ máy quan chức của ĐCSTQ đã bị tha hóa chưa từng thấy, họ điên cuồng vơ vét tiền bạc, chức quan càng lớn thì càng ăn bạo làm liều. Lòng tham dục vọng được khai thác và lợi dụng tối đa.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. (Ảnh tổng hợp)

Ở Trung Quốc Đại Lục, khi nói về sự hủ bại của ĐCSTQ, mọi người nhắc đến Giang Trạch Dân với tư cách là “huấn luyện viên trưởng” của nạn tham nhũng, nghĩa là Giang không chỉ “im lặng phát tài“, mà còn dạy các quan chức ĐCSTQ ở tất cả các cấp hủ bại, dẫn đến nạn tham nhũng tràn lan trong quan trường của ĐCSTQ, khiến xã hội Trung Quốc sùng bái vật chất.

Dùng “hủ bại trị quốc”“dâm loạn trị quốc” là chủ trương của Giang, những vụ bê bối dâm loạn của Giang Trạch Dân và những quan chức dưới quyền ông ta như Tăng Khánh Hồng, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Trương Cao Lệ, Từ Tài Hậu, Quách Tuấn Hùng v.v. người Trung Quốc ai nấy đều biết rõ. Cũng là phương pháp khuếch đại dục vọng của Pháp gia để biến con người thành yếu nhược, dễ bề sai khiến.

Vậy nên, đối với những người dọa không sợ hãi, lợi không động lòng, mà từ đầu đến cuối vẫn ôn hòa bình tĩnh, thì ĐCSTQ bó tay thúc thủ. Vả lại, cái Thiện đặt cạnh cái ác, thì cái thiện thấy càng thiện hơn, cái ác càng nổi rõ ác hơn, như trắng - đen hai màu tương phản đối lập. Bảo sao Giang không kinh sợ, tức tối.

Tuyên bố của Giang như điềm báo đang trở thành hiện thực, 25/4 đi vào lịch sử

Từ quan điểm “quyền lực chính trị sinh ra từ họng súng” của Mao Trạch Đông đến “mèo trắng mèo đen, miễn bắt được chuột là mèo tốt” của Đặng Tiểu Bình, cho đến Giang Trạch Dân dùng “hủ bại trị quốc”, “dâm loạn trị quốc”, và chủ trương “vắt kiệt tài chính, bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể” áp dụng với các học viên Pháp Luân Công… đều chỉ là loanh quanh trong lý thuyết của Pháp gia, khai thác mặt khiếm khuyết của nhân tính là nỗi sợ và lòng tham mà thôi. Nếu như không làm hư hỏng dân chúng, cũng khó áp dụng chính sách này. Về phương diện ấy, có thể nói ĐCSTQ đã có thành công nhất định trong suốt các cuộc vận động chính trị từ năm 1949 cho đến trước khi xảy ra sự kiện thỉnh nguyện ngày 25/4/1999.

Khả năng tự chủ của các học viên Pháp Luân Công hôm 25/4 khiến Giang bất ngờ và thất vọng vì âm mưu thất bại, song ông ta vẫn không tin là ĐCSTQ và sức mạnh vật chất của cả một quốc gia to lớn không thể đè bẹp được một nhóm người tay không tấc sắt, chỉ có Chân - Thiện - Nhẫn trong tâm, điều đó mâu thuẫn với quan niệm triết học của ĐCSTQ: “vật chất quyết định ý thức”.

Giang tuyên bố sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công trong 3 tháng, nhưng 25 năm đã qua đi, ngày nay tương quan ĐCSTQ thế nào và phong trào Pháp Luân Công ra sao? Nếu như xưa kia những nhân sĩ nhân nghĩa trí dũng kiểu như Sào Phủ, Hứa Do, Bá Di, Thúc Tề v.v. đã khiến Pháp gia bất lực thế nào, thì ngày nay những học viên của môn tập với tôn chỉ Chân - Thiện - Nhẫn cũng khiến ĐCSTQ bất lực thế ấy. Rốt cuộc, Thương Ưởng bị ngũ mã phanh thây, Hàn Phi bị bức tử trong ngục, Lý Tư bị chém ngang lưng như một quả báo cho chính sách phi nhân của mình. Lịch sử lặp lại, ĐCSTQ diệt chính tín, thì quả báo to lớn thế nào thực tế chính là đang triển hiện. Nhân loại đang chứng kiến những năm tháng cuối cùng của ĐCSTQ, những ai giữ được tâm lành trí sáng đều tránh phụ họa với nó.

“Nếu ĐCSTQ không đánh bại Pháp Luân Công, nó sẽ là chuyện lố bịch lớn nhất trên thế giới” - tuyên bố của Giang tối muộn 25/4/1999 giống như điềm báo đã thành hiện thực.

Ngày 25/4/1999 do vậy, giống như một ngày đã đi vào lịch sử.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích: Bài viết có tham khảo clip “Những điều kỳ lạ trong cuộc Đại Thỉnh Nguyện Ngày 25/04 của Pháp Luân Công” của trithucvn.co trong phần “Diễn biến kỳ lạ của cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4/1999”



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện lạ có thật bên ngoài bức tường Trung Nam Hải 25 năm trước