Trung Quốc: Miền Nam có lũ lớn vào cuối Xuân, miền Trung có bầu trời ‘nhuốm máu’, miền Bắc có ‘Mặt trời máu’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ đầu tháng 4 tới nay, ở Trung Quốc liên tiếp xuất hiện các thiên tai, dị tượng: từ lũ lớn vào cuối Xuân ở miền Nam, đến bầu trời ‘nhuốm máu’ ở miền Trung, cho đến ‘Mặt Trời máu’ ở phía Bắc, v.v. Từ góc độ văn hóa, những dị tượng này có ý nghĩa gì?

Miền Nam Trung Quốc có lũ lớn vào cuối Xuân

Theo Âm lịch, hiện giờ là thời điểm cuối Xuân và đến ngày 5/5 Dương lịch tới đây thì mới tới ngày Lập Hạ của năm 2024, tức là bắt đầu mùa Hè. Thông thường, lũ lụt ở Trung Quốc xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 Dương lịch, vậy nên trận lũ vừa qua ở miền Nam nước này - xảy ra vào cuối tháng 4 - được coi là một hiện tượng lạ.

Kể từ ngày 18/4, tỉnh Quảng Đông đã bị mây giông bao phủ, tổng cộng 70 tín hiệu cảnh báo mưa lớn trên toàn tỉnh này đã có hiệu lực. Lượng mưa tập trung chủ yếu ở 4 thành phố Triệu Khánh, Thiều Quan, Thanh Viễn và Giang Môn.

Trong ba ngày 19-21/4, có 411 cảnh báo lũ quét đã được ban hành tại tỉnh này. Ngày 20/4, có 32 trạm thủy văn ở tỉnh Quảng Đông đã vượt mực nước cảnh báo, đến 8h sáng ngày 21/4 giảm xuống còn 27 trạm.

Nhiều con sông trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra lũ vượt mực nước cảnh báo, ngoài ra còn có lũ quét và các thảm họa địa chất. Lũ lụt và ngập úng nghiêm trọng xảy ra ở nhiều thành phố và thị trấn, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở nông thôn bị nhấn chìm.

Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Đông ngày 21/4 ra thông báo cho biết, lũ lụt lớn sẽ xảy ra ở hạ lưu sông Bắc Giang. Dự đoán, vào lúc 8h tối ngày 22/4, trạm thủy văn Thạch Giác trên sông Bắc Giang sẽ đạt lưu lượng đỉnh lũ là 19.500 mét khối/giây - gần như 100 năm mới gặp một lần, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, và lũ trên các con sông vừa và nhỏ.

Từ ngày 21-22/4, ở Quảng Đông vẫn có mưa lớn liên tục. Tính đến ngày 22/4, lũ lụt ở một số khu vực vẫn chưa thuyên giảm. Do ảnh hưởng của mưa lớn và lũ lụt, có không ít thành phố ở Quảng Đông đã tuyên bố tạm dừng các lớp học, hoạt động giao thông đường thủy, đường sắt và đường hàng không.

Các cơ quan liên quan của Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết, tính đến tối 22/2, mưa lớn kéo dài nhiều ngày ở Quảng Đông đã khiến 4 người chết và 10 người khác mất tích.

Miền Trung Trung Quốc có bầu trời ‘nhuốm máu’

Vào sáng sớm ngày 15/4, bầu trời ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung của Trung Quốc đã chuyển sang màu đỏ như máu, khiến người dân ở đây rất ngạc nhiên. Có không ít cư dân mạng nước này lo lắng rằng điều này có thể là điềm báo trước về một trận động đất.

Một công dân ở Vũ Hán cho biết, sau khi tan làm ca đêm và đi bộ trên đường Hong Kong ở quận Giang Ngạn vào sáng sớm thì phát hiện bầu trời chuyển sang màu đỏ như máu, tình trạng này kéo dài đến một tiếng đồng hồ.

Video đăng trên mạng cho thấy, bên ngoài cửa sổ nhà của người dân, bầu trời có màu đỏ như máu.

Vùng phía Tây Trung Quốc có động đất

Ngày 4/4: Một trận động đất 5,5 độ Richter xảy ra ở thành phố Mang Nhai, châu Hải Tây, tỉnh Thanh Hải.

Ngày 7/4: Một trận động đất có cường độ 5,4 độ Richter xảy ra ở huyện Ba Thành, khu tự trị Tân Cương.

Ngày 13/4: Một trận động đất mạnh 5,2 độ Richter đã xảy ra ở khu vực Ngari, khu tự trị Tây Tạng.

Miền Bắc Trung Quốc có ‘Mặt trời máu’; mưa đá hiếm gặp và thiên thạch rơi ở Bắc Kinh

Mặt trời máu

Tiếp nối bầu trời đỏ máu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hôm 21/4, mặt trời đỏ như máu đã xuất hiện trên bầu trời thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc của Trung Quốc.

Video đăng tải trên mạng cho thấy mặt trời đỏ như máu treo lơ lửng trên bầu trời màu vàng xám của Giai Mộc Tư.

Mưa đá hiếm khi xuất hiện vào thời điểm này ở Bắc Kinh

Ngày 22/4, các kiểu thời tiết cực đoan cũng xảy ra ở Bắc Kinh với mưa lớn, mưa đá, sấm sét. Người dân Bắc Kinh cho biết đây là lần đầu tiên họ chứng kiến ​​mưa đá lớn như vậy vào thời điểm này trong năm.

Khoảng 5h chiều, mưa lớn đã trút xuống Bắc Kinh kèm theo mưa đá. Trên mạng cũng xuất hiện hình ảnh sấm sét ở Bắc Kinh và khoảnh khắc tia sét cắt ngang bầu trời đã khiến người xem bị sốc.

(Ảnh từ Weibo)

Một cư dân mạng ở Bắc Kinh đã quay video mưa đá đập vào bậu cửa sổ nhà mình và nói: “Dường như đây là lần đầu tiên ở Bắc Kinh xảy ra một trận mưa đá to như vậy”.

Nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra ngạc nhiên trước kiểu thời tiết cực đoan như vậy ở Bắc Kinh. Có người cho biết, từ trước tới nay, phải đến thời gian cao điểm của mùa mưa, tức là khoảng tháng 7, tháng 8 thì mới có thể xuất hiện mưa đá; hoặc ít nhất phải từ tháng 6 trở đi thì ở Bắc Kinh mới có kiểu thời tiết đối lưu mạnh như vậy.

Thiên thạch phát nổ trên bầu trời đêm ở Bắc Kinh

Ngoài ra, vào hai ngày trước đó, một thiên thạch (quả cầu lửa) đã xuất hiện trên bầu trời đêm ở thủ đô của Trung Quốc, đâm xuống và phát nổ, thắp sáng toàn bộ bầu trời và thu hút sự chú ý.

Theo video được đăng tải trên mạng, vào khoảng 10h30 tối ngày 20/4, một quả cầu rất lớn phát ra ánh sáng màu xanh lục đã xuất hiện trên bầu trời đêm ở Bắc Kinh. Nó đã phát nổ khi đến gần mặt đất, tỏa ra ánh lửa chói mắt và biến mất ngay lập tức.

Không chỉ ở Bắc Kinh, mà ở thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc lân cận đó, người dân cũng đã chứng kiến ​​cảnh này.

Một cư dân mạng ở Bắc Kinh đã đăng một bức ảnh và nói: "Cả bầu trời bừng sáng khi quả cầu lửa phát nổ".

Ảnh từ Douyin do cư dân mạng ở Bắc Kinh đăng tải.
Ảnh từ Weibo do cư dân mạng ở tỉnh Hà Bắc đăng tải.

Thư tịch cổ giải nghĩa những dị tượng này như thế nào?

Những năm gần đây, thế giới xuất hiện rất nhiều thiên tai, dị tượng, trong đó đại đa số là xảy ra ở Trung Quốc. Theo quan niệm phương Đông truyền thống, Thiên - Nhân cảm ứng, những hiện tượng thiên nhiên đều đối ứng với các hiện tượng xã hội con người.

Hán Thư viết: "Nếu một quốc gia đánh mất Đạo Trời thì Thượng Thiên sẽ giáng tai họa xuống để cảnh cáo quốc quân. Nếu không biết sửa chữa lỗi lầm thì sẽ xuất hiện những thiên tượng quái dị nghiêm trọng hơn nữa. Nếu vẫn không biết hối cải sửa chữa sai lầm, thì sẽ phải kết thúc vương triều".

Mưa lớn, mưa đá và lũ lụt, gió lớn, động đất, sạt lở đất

Sách "Xuân Thu phồn lộ" viết: "Thủy (hành Thủy trong Ngũ hành) có biến đổi thì mùa đông ẩm thấp nhiều sương mù, mùa xuân mùa hạ nhiều mưa, mưa đá.

Điều này là do pháp lệnh lỏng lẻo, hình phạt không được thi hành.

Những tai họa thiên nhiên liên quan đến sự hỗn loạn của hành Thủy là: lũ lụt, sóng thần, tuyết rơi, băng tuyết, mưa đá.

Sách "Xuân Thu phồn lộ" còn viết: "Thổ (hành Thổ trong Ngũ hành) có biến đổi thì gió lớn nổi lên, ngũ cốc bị tổn hại.

Đây là do không tín nhiệm người nhân nghĩa, hiền năng; bất kính với cha mẹ, anh chị; hoang dâm vô độ, cung thất xa hoa.

Những tai họa thiên nhiên liên quan đến sự hỗn loạn của hành Thổ là: gió lớn, động đất, sạt lở đất, núi lửa phun.

Bầu trời máu và mặt trời máu

Dân gian xưa cho rằng, cả bầu trời máu và mặt trời máu đều báo trước tình trạng bất ổn xã hội. Người xưa thường cho rằng, “Trời sinh dị tượng, ắt có yêu nghiệt xuất thế”, tức là khi trên trời có những hiện tượng kỳ lạ, đó là dấu hiệu cho thấy yêu quái, điều quái dị, hoặc người chuyên làm việc xấu đang làm loạn thế gian.

Theo ghi chép cổ, cách đây hơn 250 năm, vào đêm ngày 10/9/1770, bầu trời Bắc Kinh, Sơn Đông và Sơn Tây cũng đột nhiên biến thành màu đỏ như máu và kéo dài trong 9 ngày. Theo ghi chép, lúc bấy giờ ngay cả Hoàng đế Càn Long cũng bị kinh động. Hoàng đế cho rằng đó là sự tức giận của Thiên thượng và các vị Thần nên đã ra lệnh miễn trừ thuế siêu trên toàn quốc. Tới năm 1774, Vương Luân ở Sơn Đông lấy lý do phản đối việc chính phủ thu thêm thuế, đã dẫn đầu dân chúng mở cuộc khởi nghĩa.

Cách đây hơn 1.400 năm, vào đêm ngày 30/12 năm 620, bầu trời ở Nhật Bản được bao phủ bởi một ánh sáng màu đỏ tươi. Ba tháng sau, vào ngày 3/3 năm 621, Thái tử Shotoku qua đời và hoàng gia rơi vào cảnh tàn sát lẫn nhau. Mãi cho đến năm 645 khi Thiên hoàng Kotoku lên ngôi, cuộc huyết chiến này mới kết thúc.

Thiên thạch rơi xuống

Dân gian xưa cho rằng, thiên thạch (quả cầu lửa) rơi xuống là điềm xấu, có thể là báo hiệu về cái chết của nhân vật quan trọng, hoặc chiến tranh, bất ổn xã hội hay các thảm họa khác.

Có một sự kiện tiêu biểu là trận mưa thiên thạch hiếm hoi ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc vào năm 1976, trong đó có 3 thiên thạch đặc biệt lớn đã rơi xuống. Cùng năm đó, 3 nhân vật lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc là các ông Mao Trạch Đông, Chu Đức và Chu Ân Lai lần lượt qua đời. Cũng trong năm này, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra ở Đường Sơn, khiến ít nhất 240.000 người thiệt mạng và 160.000 người bị thương nặng.

Vào tháng 10 cùng năm đó, một cuộc đảo chính cung đình đã xảy ra ở Trung Nam Hải. Các ông Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Đội Cảnh vệ Trung ương, đã bắt giữ và xét xử "Bè lũ Bốn tên" cùng những người đi theo nhóm này. Sự kiện này đã đánh dấu sự kết thúc của phong trào “Cách mạng Văn hóa” kéo dài 10 năm ở Trung Quốc.

Lời kết

Văn hoá Á Đông coi trọng một thuyết gọi là “Thiên Nhân cảm ứng” hay “Thiên Nhân hợp nhất”. Giải thích một cách đơn giản thì giữa Trời và Người có sự tương thông với nhau.

Trong lịch sử, không hiếm gặp những trường hợp thiên tai, dị tượng, dường như là để báo trước đại hoạ ở nhân gian. Về mặt khoa học mà nói, các hiện tượng xảy ra trong không gian vũ trụ đều có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội con người.

Người xưa đã nói: “Họa và phúc đều không có cửa sẵn mà là do lòng người tự tạo ra. Người không phân tranh, yêu không tự tác". “Người bất thiện, Thiên giáng tai ương".

Trước thiên tai dị tượng liên tiếp, nếu nhà cầm quyền không thay đổi chính sách hợp với ý Trời lòng người, không quy chính theo chính đạo, thì thiên tai nhân họa sẽ ngày càng nhiều, ngày càng khốc liệt hơn, và cuối cùng sẽ thay triều đổi đại. Trong quá trình này, là những người dân thường, nếu tự quy chính, hướng thiện, từ bỏ các hành vi xấu ác, không theo kẻ ác, thì cũng sẽ tránh được họa hoạn. Lựa chọn sống thiện lương chính là biện pháp tốt nhất để thoát khỏi họa hoạn, là sự lựa chọn cho tương lai. Bởi vì như "Kinh Dịch" đã nói: "Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà tích bất thiện ắt có thừa tai ương".

Đông Phương biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Miền Nam có lũ lớn vào cuối Xuân, miền Trung có bầu trời ‘nhuốm máu’, miền Bắc có ‘Mặt trời máu’