Nàng tiên cá thực sự tồn tại, hay chỉ là truyền thuyết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nàng tiên cá có thực sự tồn tại, hay chỉ là một truyền thuyết đẹp? Cho đến nay, bí ẩn ấy vẫn chưa tìm được câu trả lời. Kỳ thực, cả phương Đông và phương Tây đều có ghi chép, trong đó có câu chuyện luân hồi của người cá được lưu truyền riêng trong giới tu luyện. Câu chuyện ấy là gì?

Từ các cổ thư ở Đông phương như “Sơn Hải Kinh”, “Sưu Thần Ký” và “Thuật Dị Ký”, cho đến truyền thuyết ở Tây phương đều có ghi chép về người cá, trong đó bao gồm những miêu tả chính diện, cũng bao gồm những miêu tả có phần phụ diện. Ghi chép cổ xưa nhất được biết đến là về Hải Thần Oia thời Babylon cổ đại, Oia được miêu tả là có phần thân trên mang hình người, còn phần thân dưới là đuôi cá.

Bên cạnh đó, truyền thuyết sớm nhất về người cá là nữ Thần sinh sản Atargatis (còn được gọi là Derceto) của người Assyria. Tương truyền, nữ Thần Atargatis đem lòng yêu một thanh niên anh tuấn tên là Simios. Sau này, trong lúc bất cẩn Thần Atargatis đã giết chết Simios, người tình phàm tục của nàng. Nàng vừa hổ thẹn vì tình yêu bất chính, lại vừa đau khổ vì vô tình hại chết người mình yêu, nên đã nhảy xuống hồ nước rồi biến thành một nàng tiên cá. Vì nữ Thần quá xinh đẹp lộng lẫy, nên mặc dù đã trở thành người cá nhưng nước hồ vẫn không sao che giấu được vẻ thần thánh mỹ lệ của nàng. Ngày nay, hình tượng nữ Thần Atargatis với thân người và đuôi cá vẫn còn được tôn kính thờ phụng trong một ngôi đền ở Ashkelon, Syria.

Nếu như trong mắt người Assyria, nàng tiên cá vô cùng thần thánh, mỹ lệ, thì trong Sử thi Odyssey của Hy Lạp cổ đại, các nàng tiên cá lại bị coi là ác quỷ, gọi chung là Siren. Siren xinh đẹp, khả ái và có giọng ca ngọt ngào. Họ cất lên tiếng hát với giai điệu du dương huyền ảo, khiến các thủy thủ trở nên u mê, lạc lối, sau đó mất phương hướng và đâm đầu vào chỗ chết.

Truyền thuyết Đông Âu kể rằng, nàng tiên cá là hồn ma của những thiếu nữ đã chết bi thảm. Các u linh ấy thường rình rập trong nước hoặc bên bờ biển để mê hoặc những chàng trai trẻ, và sau đó sẽ nhấn nhìm họ xuống đại dương bao la.

Sau này, dưới ngòi bút của nhà văn trứ danh người Đan Mạch là Andersen, nàng tiên cá đã trở nên sống động, giàu cảm xúc, trở thành nhân vật được yêu mến khắp toàn cầu. Nàng tiên cá khát khao có được linh hồn bất tử, khát khao có được tình yêu của hoàng tử, vì tình yêu nàng sẵn sàng chịu đựng đau khổ. Sau này, cũng vì ái tình sâu đậm mà nàng chọn hóa thân thành bọt biển để bảo vệ người mình yêu. Lòng vị tha của nàng đã siêu việt khỏi sinh tử, làm lay động biết bao trái tim độc giả.

Nàng tiên cá trong tác phẩm của Andersen (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa phải là tất cả. Các nền văn hóa khác nhau, các dân khác nhau lại có các truyền thuyết khác nhau về người cá. Chúng ta khó có thể kể hết tất cả chỉ trong một đôi dòng.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: Rốt cuộc nàng tiên cá có thật, hay chỉ là truyền thuyết? Rất nhiều bạn đọc sẽ cho rằng đó chỉ là hư cấu, là trí tưởng tượng bay bổng của người xưa.

Tuy nhiên, có một bậc cao nhân đã tu luyện đến cảnh giới cao thâm, có thể nhìn thấu quá khứ, nhớ lại các trải nghiệm chân thực trong luân hồi. Câu chuyện dưới đây là một phần trong ký ức tiền kiếp của vị cao nhân ấy. Tin hay không là tùy ở bạn, nếu bạn không cho là sự thực, thì hãy cứ coi đó chỉ là câu chuyện cổ tích mua vui trong một buổi nhàn đàm.

Câu chuyện ấy kể rằng…

Quang Hoa Bảo Châu

Vào một thời rất xa xưa, bên ngoài Tam giới có một Thiên quốc gọi là Quỳnh Hoa thế giới, nơi ấy có vị Pháp vương tên là Quỳnh Hoa Tiên Tử.

Quỳnh Hoa Tiên Tử vận dụng thần thông, biết rằng trong tương lai không xa Sáng Thế Chủ sẽ giáng hạ xuống trần gian để truyền Pháp. Vì muốn kết duyên với Sáng Thế Chủ, trở thành một đệ tử chân truyền của Ngài mà Pháp vương Quỳnh Hoa đã dấn thân vào chốn bụi trần, một mình hạ xuống nhân gian, chờ đợi cơ duyên sẽ đến.

Khi ấy, chiếc chày tiên mà tiểu đồng bên cạnh Quỳnh Hoa Tiên Tử vẫn thường dùng để giã cỏ tiên thấy chủ nhân hạ phàm, nó bèn theo đó nhảy xuống hạ giới, chuyển sinh làm một quả đào tiên ở Bồng Lai tiên cảnh.

Tiên cảnh Bồng Lai nằm ở giữa Đông Hải, nơi đây cảnh sắc thù thắng, tiên khí phiêu diêu, Vũ Hoa Chân Quân thường hay cùng các Tiên gia khắp nơi tụ hội.

Một ngày, Bắc Hải Tiên Trưởng vân du tới đây, Vũ Hoa Chân Quân liền hái đào mời Tiên trưởng thưởng thức. Hạt đào bị bỏ lại trên mâm vô cùng tinh nghịch, nó liền nhảy ra đi rong chơi khắp nơi.

Hạt đào đến thăm hồ sen, thấy trong hồ có một con trai ngọc đang há miệng, mở vỏ, tắm trong ánh quang hoa của Tiên giới, để lộ ra lớp thịt trắng mềm như tuyết. Hạt đào vô cùng thích chí liền nằm lên đó, trong phút chốc đã chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Đến khi tỉnh dậy, nó phát hiện mình bị mắc kẹt trong miệng trai, rồi dần dần bị một lớp keo dính bao bọc lại. Nó thầm trách bản thân đã quá ham ngủ, nhưng biết làm cách nào thoát ra được? Nó đành nằm yên vị trong trai ngọc. Chớp mắt đã 200 năm trôi qua, hạt đào nay đã trở thành một viên trân châu lớn, sáng lấp lánh.

Một ngày, Vũ Hoa Chân Quân mở đại tiệc tại điện Hoa Anh và mời các vị Tiên gia đến tham dự. Viên trân châu cảm ứng được bảo khí liền rời khỏi trai ngọc, đến bên điện Hoa Anh, tung tăng nhảy múa theo tiếng nhạc.

Bảo Châu Tiên Tử cảm ứng được viên trân châu, biết rằng nó không phải vật tầm thường, trên vai có sứ mệnh, vậy nên Tiên tử liền gọi nó vào trong điện.

Quang Hoa Tiên Tử vừa nhìn thấy liền nói: “Viên trân châu này quả là khác thường, ta sẽ dùng thần lực gia trì cho nó, giúp nó thành công”.

Viên trân châu nhờ có sự gia trì của hai vị Thần Tiên nên càng trở nên sáng bóng mượt mà. Chúng Tiên gia liền dùng pháp danh của hai vị Tiên tử để đặt tên cho viên ngọc là Quang Hoa Bảo Châu.

Quang Hoa Bảo Châu cả ngày rong chơi chốn Bồng Lai, tiêu diêu tự tại. Một ngày, hai vị Tiên tử lại đến trước mặt nó và nói: “Quang Hoa Bảo Châu, sứ mệnh của ngươi sắp bắt đầu, ngươi hãy mau mau hạ thế, làm tròn sứ mệnh của mình đi”.

Quang Hoa Bảo Châu khấu đầu bái lạy hai vị Tiên tử rồi nhảy xuống hồng trần.

Bảo vật trấn biển

Lúc này, dưới hạ giới vừa trải qua một trường đao thương khói lửa, phong vân biến đổi, Võ Vương đem quân đi phạt Trụ, nhà Chu bước lên vũ đài thay thế cho nhà Thương. Chu Võ Vương thắng trận trở về, liền phong thưởng cho các công thần. Quang Hoa Bảo Châu nhảy xuống hạ giới, liền rơi vào một chiếc khay đựng bảo vật phong thưởng của nhà vua.

Thượng tướng Khương Tử Nha vì lập nhiều công trạng, là bậc khai quốc công thần, nên được Võ Vương ban cho vùng đất gần Đông Hải, sau này trở thành nước Tề. Vua còn thưởng cho Khương Tử Nha một vài viên trân châu, trùng hợp là Quang Hoa Bảo Châu cũng nằm trong số đó.

Khương Tử Nha trở về phủ, phát hiện trong số trân châu mà nhà vua ban thưởng có một viên trông thật khác thường. Ông bèn giữ nó lại bên mình, còn những viên khác thì ban thưởng cho các cận thần dưới trướng.

Một lần, Khương Tử Nha tựa vào bàn trầm ngâm suy tư, bất giác đi vào mộng cảnh. Trong giấc mộng ông thấy một người có dáng dấp Thần Tiên, phong thái siêu phàm thoát tục, khi nhìn kỹ thì phát hiện vị ấy nửa thân trên là người, nửa thân dưới là cá. Vị ấy tự xưng là Thần của Thiên quốc Văn Kỳ Na trên Thượng giới, chỉ vì vi phạm Thiên quy mà bị đọa xuống trần. Vị này nhìn thấy trước những biến đổi xoay vần trên thế gian, thấy nước biển đã bớt đi oán khí, quân vương mới sắp đăng cơ, nơi vùng đất giáp Đông Hải sẽ do Khương Tử Nha cai quản. Ông biết rằng Khương Tử Nha không phải kẻ phàm nhân, vậy nên đặc biệt đến thỉnh cầu ngài tặng cho một bảo khí để làm vật trấn hải.

Khương Tử Nha vốn có lòng nhân ái, bèn tặng Quang Hoa Bảo Châu cho vị kia. Người cá mừng rỡ đón lấy viên bảo châu và khấu đầu cảm tạ. Ông ta nói: “Ý tôi chính là viên bảo châu này, bảo vật này có thể giúp tôi tu hành, đội ơn ngài đã rộng lượng ban tặng nó cho tôi, sau này tôi tất sẽ có lễ hậu tạ”.

Nói xong, người cá quẫy đuôi cáo từ, trước mắt chỉ còn lại sóng nước trắng xóa tung lên che phủ bầu trời. Khương Tử Nha kinh ngạc tỉnh dậy, nhìn lên bàn quả nhiên không còn thấy viên trân châu kia nữa.

Quang Hoa Bảo Châu vốn là vật nhà Tiên, có linh tính phi phàm. Sau khi xuống đáy biển, Quang Hoa Bảo Châu được vương quốc người cá Văn Kỳ Na tôn thờ như bảo vật trấn hải, lại được các trưởng lão quanh năm bảo vệ. Trải qua nhiều triều đại, các thế hệ người cá đứng trước bảo châu đều thành tâm khấu bái, dần dần trên bảo châu có thể triển hiện ra hình ảnh, báo trước chuyện lành dữ thịnh suy nơi nhân thế để chỉ điểm cho người cá. Trước mỗi lần biến động trong lịch sử, trên mặt đất triều đại nọ nối tiếp triều đại kia, viên bảo châu sẽ xuất hiện khung cảnh chiến tranh khói lửa, bụi đất mịt mù, người ngựa chém giết lẫn nhau. Cát bụi tan đi, viên bảo châu lại trong sáng lạ thường, hiển thị ra hình ảnh vị tân vương đăng cơ, khấu trời bái đất, và một triều đại mới chính thức sẽ bắt đầu.

Năm tháng trôi qua, tuế nguyệt xoay vần, vương quốc người cá Văn Kỳ Na đã trải qua rất nhiều đời quốc vương. Một năm họ, trên viên bảo châu xuất hiện hình ảnh một bậc đế vương khí phách hiên ngang, khí độ phi phàm, có uy đức cảm hóa bốn phương, là một bậc chân long thiên tử. Nhờ có bảo châu, vị trưởng lão bảo vệ báu vật trấn hải lĩnh ngộ được Thiên ý: Nếu có thể kết duyên với bậc minh quân ấy, dân tộc người cá Văn Kỳ Na sẽ có thể tiến nhập vào tương lai huy hoàng. Họ cũng biết rằng, tiểu công chúa Lộ Tê là người có sứ mệnh, hơn nữa lại có lai lịch phi phàm, vậy nên vì tương lai của nhân ngư quốc, công chúa cần phải kết duyên với vị đế vương này, cho dù chỉ có thể gặp mặt một lần thì vẫn được tính là đã kết duyên rồi.

Sau khi tiếp nhận Thần ý từ Quang Hoa Bảo Châu, trưởng lão vội bẩm báo lên quốc vương. Ông cũng lại dặn đi dặn lại công chúa rằng: Nhất định phải nhớ kỹ vị đế vương này tên là Lý Thế Dân, ngàn vạn lần mong công chúa đừng kết duyên lầm.

Sau đó, quốc vương người cá lại làm theo lời chỉ điểm trên Quang Hoa Bảo Châu, ông đích thân lên bờ tìm kiếm một người trung thành hiền hậu, có thể giao phó tiểu công chúa cho người ấy, nhờ người ấy dẫn công chúa lên đất liền.

Ngư nhân quốc

Lúc đó, trên nhân thế đang là những năm cuối của triều đại nhà Tùy.

Mùa hè năm ấy, ở Sơn Đông có một thanh niên tên là Ca Kỳ đi vân du tới vùng ven biển Đông Hải. Anh tình cờ thấy một người đang nằm trên bờ biển, người này trông vô cùng yếu ớt, thân thể thối rữa, hơi thở thều thào như trước lúc lâm chung. Ca Kỳ vô cùng thương xót, liền đem nước và thức ăn đến cho người kia. Mặc dù thân thể người kia bốc lên mùi hôi thối khó chịu, nhưng anh vẫn kiên nhẫn chăm sóc ông ta tận tình.

Hơn hai mươi ngày sau, người kia bỗng tỉnh táo lạ thường, tinh thần khởi sắc. Ông ta rút từ trong ngực áo ra một mảnh sắt hình tấm khiên màu đen rồi đặt vào tay Ca Kỳ, Ca Kỳ thấy trên mảnh sắt hình khiên này phảng phất có hoa văn hình cá. Ông ta lại truyền cho Ca Kỳ một câu chú ngữ và bảo anh hãy nhớ kỹ, đồng thời căn dặn anh nhất định phải gìn giữ thật tốt mảnh sắt này.

Hôm sau, người đàn ông qua đời, Ca Kỳ làm theo lời dặn dò, trước hết tắm rửa thi thể sạch sẽ rồi sau đó đem thả xuống biển. Anh kinh ngạc nhận ra rằng, ở vị trí thi thể chìm xuống nổi lên rất nhiều bong bóng màu trắng bạc.

Ca Kỳ vẫn còn quyến luyến nên nán lại một ngày trên bãi biển, sau đó anh lại tiếp tục lên đường vân du. Trong suốt mấy năm lang bạt, anh đã làm qua biết bao nhiêu công việc khác nhau. Bởi vì cá tính của anh quá tự do ngẫu hứng nên việc gì cũng không được lâu dài, chỉ một thời gian ngắn rồi bỏ, cuối cùng chỉ còn cách quay trở lại vùng biển Đông Hải.

Một ngày khi đang dạo bước trên bờ biển, Ca Kỳ bất giác nhớ lại chuyện cũ, anh bèn lấy ra tấm sắt hình khiên và lâm râm niệm câu thần chú. Chú ngữ vừa thốt ra khỏi miệng thì tấm sắt đột nhiên có thần lực đưa Ca Kỳ xuống biển, đi đến đâu nước biển liền rẽ ra mở đường đến đó. Ca Kỳ vô cùng kinh ngạc, nhưng mọi việc diễn ra quá bất ngờ khiến anh không kịp suy nghĩ kỹ càng. Khi anh vẫn còn chưa hết bàng hoàng thì đã thấy xuất hiện trước mắt là một khối cự thạch. Tấm sắt hình khiên khẽ động đậy rồi bất chợt tự đính lên khối cự thạch kia. Khối cự thạch liền tỏa ra ánh sáng màu trắng chói lòa, sau đó trên cự thạch hiện ra một cánh cửa lớn. Cánh cửa tự động mở ra, tấm sắt hình khiên trong chớp mắt hóa thành một cái lồng rẽ nước bảo vệ Ca Kỳ, nhờ đó anh có thể tự do hoạt động dưới biển như khi trên đất liền.

Ca Kỳ bước vào trong cửa đá, thấy trước mắt là một thế giới mênh mông rộng lớn dưới đáy biển. Rất nhiều người cá xếp thành hàng dài chào đón anh, khiến Ca Kỳ không khỏi tròn mắt vì kinh ngạc. Anh thầm nghĩ: “Người ta vẫn truyền tai nhau rằng dưới biển có người cá, thì ra đều là sự thực”.

Vương quốc dưới biển trong tranh vẽ của Ilya Repin (Ảnh: Wikipedia)

Những người cá ấy dù là nam hay nữ thì đều vô cùng thuần tịnh và mỹ lệ. Họ có mái tóc màu đen, nước da vàng giống như hình tượng của người phương Đông. Những người nam bên mép có sợi râu dài, trông như râu ở mép cá vậy.

Cũng giống như trên mặt đất có nhiều chủng người, dưới đáy biển cũng có nhiều chủng nhân ngư, mỗi chủng tộc cai trị một vùng biển khác nhau. Có chủng nhân ngư da vàng, tóc đen, lại có chủng nhân ngư tóc màu nâu nhạt, làn da xám trắng lóng lánh như ánh trăng, đôi mắt màu xanh sẫm. Những người này mang tai áp sát vào thân thể, vành tai rất nhỏ, toàn thân họ bao phủ bởi một lớp vảy cá, thậm chí hai bên má cũng có vảy. Tuổi thọ của họ khá cao, có những người sống trên 200 tuổi, lại có người sống trên 300 tuổi mới qua đời.

Thế giới nhân ngư có niềm tin, có tín ngưỡng và tôn thờ Thần Biển. Họ sử dụng cung điện của các nền văn minh tiền sử bị chìm xuống đáy biển làm nơi thờ phụng Hải Thần. Điện thờ là nơi cấm địa của chủng tộc người cá, chỉ có vua, hoàng hậu và những người cá tu luyện ở cảnh giới cao thâm mới được ra vào.

Ca Kỳ nhìn quanh, thấy một vị đội vương miện trên đầu. Ồ, đây chẳng phải chính là người năm xưa anh từng cứu bên bờ biển đó sao? Thì ra ngài là vua của nhân như quốc. Vị quốc vương đến trước mặt tỏ lòng cảm tạ Ca Kỳ và khoản đãi anh thịnh soạn. Ngài mời anh thưởng thức các tiết mục vũ đạo duyên dáng tao nhã của người cá. Tiểu công chúa Lộ Tê cũng đích thân ra biểu diễn để tỏ lòng hiếu khách.

Nàng tiên cá (Ảnh: Pixabay)

Lộ Tê nổi bật với vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết. Nàng có điệu múa thanh thoát, uyển chuyển, đuôi cá ve vẩy trong sóng nước tạo thành những hình vẽ vô cùng mỹ lệ. Bên cạnh Lộ Tê, các chàng trai người cá biểu diễn những động tác trang nhã và phóng khoáng, lớp lớp vỏ sò to xung quanh cũng phối hợp cùng điệu múa, cái mở, cái khép theo tiếng nhạc trông thật là đẹp mắt.

Ca Kỳ say sưa thưởng thức, lòng thầm nghĩ: Vị tiểu công chúa này thật là một nghệ sỹ xuất sắc, nhân ngư quốc cũng thật là một thế giới diệu kỳ!

Ca Kỳ dạo chơi dưới đáy biển vài ngày, sau đó anh liền cáo từ, chuẩn bị trở về đất liền.

Trước lúc chia tay, quốc vương nói với anh: “Ca Kỳ, cậu là một người tốt, là người vô cùng tốt. Ta có một thỉnh cầu, hy vọng cậu có thể nhận lời”.

Ca Kỳ gật đầu đáp ứng. Quốc vương nói tiếp: “Tiểu nữ của ta là công chúa Lộ Tê, vì gánh trên vai sứ mệnh của nhân ngư quốc nên cần đến nhân gian mài giũa một phen. Ta hy vọng cậu có thể chăm sóc cho nó, ta sẽ sắp xếp mọi thứ sẵn sàng”.

Nói rồi quốc vương cho gọi công chúa đến. Ca Kỳ kinh ngạc phát hiện rằng, Lộ Tê đã biến thành hình người, cái đuôi cá lúc trước nay đã trở thành đôi chân như con người trên cạn. Sau này Lộ Tê tiết lộ với Ca Kỳ rằng: “Đôi chân này là do phù thủy dùng phép thuật biến ra, mỗi khi đi đường tôi cảm giác như bước đi trên dao vậy, vô cùng đau đớn”.

Sau đó, Ca Kỳ cáo biệt quốc vương người cá và cùng Lộ Tê trở về đất liền.

Hoàn thành tâm nguyện

Hai người lên đất liền và bắt đầu cuộc sống mới. Ca Kỳ rất ngây thơ, Lộ Tê rất thuần tịnh, quan hệ giữa họ trong sáng như giữa anh trai và em gái. Cuộc sống cứ thế trôi qua…

Năm 626, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đăng cơ. Lộ Tê nghe tin liền nói với Ca Kỳ rằng: “Tôi muốn được gặp mặt hoàng đế, dù chỉ một lần thôi cũng được, như thế mới thỏa lòng mong ước bấy lâu”.

Ca Kỳ bèn đưa Lộ Tê vào thành Trường An. Đêm ấy Lộ Tê tự tìm đường đến hoàng cung, khi đứng từ xa cô phát hiện hoàng cung được rồng vàng bảo vệ. Vì vậy cô không dám tùy tiện mạo phạm, cũng từ bỏ ý nghĩ đột nhập vào trong cung.

Sau khi trở về, Lộ Tê nói với Ca Kỳ rằng: “Tôi nghe nói con người nhân gian có thuyết rằng: Nếu không thể thực hiện nguyện vọng trong đời này thì đến đời sau nhất định sẽ thực hiện được, phải vậy không?”

Ca Kỳ nói: “Có lẽ vậy, tôi sẽ đi hỏi giúp cô xem sao”.

Hôm sau, Ca Kỳ lên chùa hỏi tiểu hòa thượng, tiểu hòa thượng gật đầu xác nhận, sau đó anh lại trở về kể với Lộ Tê.

Được lời như cởi tấm lòng, Lộ Tê nói: “Tôi thực sự hy vọng được gặp mặt hoàng đế một lần, đây là sứ mệnh của tôi. Nếu như tôi chết đi, xin anh chớ có đau lòng, sinh tử luân hồi, chết đi rồi sẽ lại được sinh ra”.

Một tháng sau, Lộ Tê lên cơn sốt cao rồi qua đời, nguyên thần của cô chuyển sinh làm bé gái trong một gia đình bần hàn.

Vì gia đình quá nghèo túng, cha mẹ khó có thể duy trì cuộc sống, vậy nên khi bé gái mới tròn 7 tuổi họ buộc lòng phải bán con cho nhà quyền quý. Vừa hay lúc này trong phủ người anh em họ của Hoàng đế Thái Tông là Giang Hạ vương Lý Đạo Tông cần mua thêm hầu gái, vậy là cha mẹ cô bé liền bán con cho Giang Hạ vương phủ, đặt tên là Hạnh Nhi.

Hạnh Nhi vô cùng thông minh lanh lợi, ngây thơ thuần phác và đặc biệt khả ái, tuổi lại vừa xấp xỉ với tiểu thư Hồng Nhi, con gái của Giang Hạ vương. Vì vậy, cô bé được chọn làm thị nữ hầu hạ bên cạnh tiểu thư. Hồng Nhi cũng chính là công chúa Văn Thành, sau này được gả cho quốc vương nước Thổ Phồn (Tây Tạng).

Bảy năm sau, công chúa Văn Thành lên đường sang Tây Tạng, thị nữ Hạnh Nhi cũng theo công chúa sang tây. Vào ngày đưa dâu, Hoàng đế Thái Tông đã đích thân dẫn theo văn võ bá quan đưa tiễn công chúa ra ngoài thành Trường An. Vậy là cuối cùng Hạnh Nhi cũng được gặp mặt Hoàng đế Thái Tông, hoàn thành tâm nguyện lớn lao của nhân ngư quốc rồi.

Lại nói, sau khi Lộ Tê qua đời, Ca Kỳ làm theo lời căn dặn của nàng, thuê xe đưa thi thể Lộ Tê ra Đông Hải, chờ đến lúc mặt trời lặn thì thả xác xuống biển. Nhưng lần này khác với lần trước, anh không nhìn thấy bất cứ phản ứng nào trên mặt biển, cũng không thấy xuất hiện các bong bóng màu bạc.

Trong những năm tháng sau này, Ca Kỳ vẫn không quên Lộ Tê, thi thoảng vẫn nhớ đến vẻ thuần tịnh và mỹ lệ của cô và những người cá trong thế giới dưới đáy biển. Nỗi nhớ ấy làm khắc sâu ấn tượng trong anh, tạo thành mối nhân duyên để hai người lại tiếp tục được gặp nhau trong nhiều kiếp về sau.

Đến đời này, Ca Kỳ và Lộ Tê công chúa lại tương phùng. Lộ Tê công chúa chính là vị cao nhân mà chúng ta từng nhắc tới, còn Ca Kỳ cũng chuyển sinh làm cháu trai của cô trong đời này.

Đến đây, bạn có cho rằng nàng tiên cá thực sự tồn tại hay không? Lộ Tê công chúa vì để hoàn thành sứ mệnh mà đã biến thành hình người, chấp nhận mỗi bước đi hai chân đều đau đớn như giẫm lên đao kiếm. Cảm thụ ấy cũng giống hệt như cảm giác của nàng tiên cá trong truyện ngắn của nhà văn Andersen. Vị cao nhân cho biết, nàng tiên cá dưới ngòi bút của Andersen hoàn toàn không phải là xuất phát từ trí tưởng tượng viển vông, mà chính là trải nghiệm chân thực mà tác giả đã từng trải qua trong tiền kiếp. Bởi vì Andersen cũng từng chuyển sinh làm người cá, mang theo sứ mệnh trọng đại tới nhân gian…

Theo Lý Minh – “Tin hay không tùy bạn”
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nàng tiên cá thực sự tồn tại, hay chỉ là truyền thuyết?