Phong thủy: Có đúng là người Nhật đóng cọc sắt trấn yểm Triều Tiên không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở Hàn Quốc người ta vẫn lưu truyền rằng vào thời Nhật thuộc, thực dân Nhật đã cho đóng cọc sắt vào những ngọn núi lớn cũng như long mạch của Triều Tiên để trấn yểm, làm cho Triều Tiên yếu nhược. Suốt nhiều năm, vẫn luôn có những hội nhóm Hàn Quốc đi khắp nơi nhổ những cây cọc sắt này, nói là để khôi phục lại nguyên khí dân tộc, thậm chí điều này còn dấy lên thành cao trào vào những năm 1990 với sự cổ động từ chính phủ và truyền thông.

Nỗi ám ảnh bị trấn yểm trong lịch sử Triều Tiên

Sách “Triều Tiên vương triều thực lục” có ghi lại câu chuyện năm 1406 thời Triều Tiên Thái Tông, sứ thần nhà Minh là thái giám Hoàng Nhan sang thỉnh tượng Phật đồng. Lúc đi qua huyện Trân Nguyên, thấy ở đây có một cây đại thụ nổi tiếng gọi là Bách Chi Thụ, Nhan liền đóng đinh đồng lên. Quan giám vụ của Triều Tiên là Hứa Quỹ trông thấy, liền nhổ ra rồi về báo lại lên trên. Người ta đều cho là Nhan dùng thuật phù thủy.

Trong thời kỳ Chiến tranh Nhâm Thìn (1592-1598) giữa liên minh Minh - Triều Tiên với Nhật Bản, người ta cũng đồn đoán rằng tướng quân nhà Minh là Lý Như Tùng đã đóng những cọc sắt trấn yểm lên Triều Tiên.

Năm 1797, thời Triều Tiên Chính Tổ, quan Hữu Nghị chính Lý Bỉnh Mô cho rằng nhân tài sút kém không được như xưa, là vì đầu thời Minh, có Đạo sỹ Từ Sư Hạo đi thăm dò Triều Tiên, đến núi Đức Sơn ở huyện Đoan Xuyên (nay thuộc CHDCND Triều Tiên), thấy có khí thiên tử, liền đóng 5 cọc sắt vào rồi bỏ đi. Từ đó phương Bắc của Triều Tiên hết nhân tài.

Chưa hết, Lý Bỉnh Mô còn nghe nói rằng, hàng chục năm trước, ở phía Bắc của Hán Thành (nay là Seoul) có kẻ chất muối lên thành núi rồi đốt để trấn yểm long mạch, khiến về sau kinh đô bói chẳng ra nhân tài.

Thời kỳ Nhật Bản đô hộ vẫn được người Hàn Quốc xem là thời kỳ sỉ nhục nhất của lịch sử dân tộc. Việc người Nhật phá bỏ Cung Cảnh Phúc và xây dựng Phủ Tổng đốc Triều Tiên thế vào đó cũng thường được nhìn nhận là một hành động phong thủy, trấn yểm long mạch.

Trong tuyển tập “Truyền thuyết dân gian Triều Tiên” của Choi Sang-soo xuất bản năm 1958, có ghi lại câu chuyện vào năm 1934, khi quân Nhật đóng quân ở vùng Thiện Sơn (Seonsan), thấy ngọn núi đó có hình thế phong thủy rất vượng, nhân tài sẽ xuất hiện lớp lớp. Vậy là để tiêu diệt sức sống của ngọn núi, họ liền phóng hỏa đốt rừng trên núi, sau đó đóng cọc sắt xuống.

Tất nhiên sẽ có nhiều người cho rằng việc trấn yểm, cũng như nỗi ám ảnh này thật mê tín và đáng cười. Tuy nhiên truyền thuyết mang sức sống và có thể tồn tại lâu dài trong dân chúng như vậy, là bởi nó có sự ứng nghiệm nào đó trong hiện thực. Nếu như nhìn vào Bắc Triều Tiên nghèo đói ngày nay, thì người ta không thể nào không tin câu chuyện của Lý Bỉnh Mô, hay như biết Park Chung-hee - tổng thống có công đưa Hàn Quốc vươn mình thành con hổ châu Á - có xuất thân ở Seonsan, người ta sẽ cảm thấy những điều Choi Sang-soo viết không hẳn là hoang đường. Cần nhớ rằng năm xuất bản tuyển tập của Choi là 1958, mãi đến năm 1963 Park Chung-hee mới cầm quyền, rõ ràng Choi không có lý do gì phải nịnh bợ Park Chung-hee cả.

Cao trào nhổ cọc sắt những năm 1990 ở Hàn Quốc

Vào năm 1984, một nhóm leo núi tên là “Lên và Xuống” nghe được lời tâm sự của một bà cụ 82 tuổi sống gần núi Bukhansan. Bà cụ dẫn lời bố chồng bà từng kể rằng, ông nghe nói quân Nhật đã lên Baekundae và đóng cọc sắt vào đó. Vậy là nhóm leo núi quyết định nhổ một số cọc sắt. Sau sự kiện này, đã có một số học giả tham gia, làm dấy lên mối quan tâm của dư luận Hàn Quốc với phong thủy và âm mưu trấn yểm của Nhật Bản.

Vào tháng 4 năm 1985, một nhóm có tên “Tư duy chúng ta”, vốn ban đầu là một câu lạc bộ leo núi, đã nhổ 27 cọc sắt trên đỉnh Baekundae và tặng 15 cọc cho Hội trường Độc lập của Hàn Quốc.

Đúng là những chiếc cọc sắt do nhóm trên nhổ lên thuộc về thời kỳ Nhật Bản đô hộ. Việc này có thể được xác nhận trong một bài báo ngày 20/8/1927 của “Joseon Shinmun” - một tờ báo tiếng Nhật xuất bản ở Triều Tiên. Bài báo có tiêu đề “Xin quyên góp làm đường lên đỉnh Baekundae”. Bài báo cho biết Baekundae là đỉnh cao nhất của rặng Bukhansan, khi xưa vua Ôn Tộ của Bách Tế đã xây dựng Bắc Hán Sơn Thành ở đây, thu hút rất nhiều khách tham quan, tuy nhiên đường xá gồ ghề nguy hiểm, nên cần 750 won để sửa chữa đường xá, xây dựng lan can, cầu thang sắt, bảng biển chỉ dẫn v.v… Kết quả đã có 5 người Nhật quyên góp.

Bài báo kêu gọi quyên góp làm đường. Nguồn: Thư viện Quốc gia Hàn Quốc

Sau đó ít lâu, tờ báo lại đăng thêm một bài, cho biết việc sửa sang đã hoàn thành vào ngày 25/9/1927.

Bài báo cho biết việc sửa đường đã xong. Nguồn: Thư viện Quốc gia Hàn Quốc.

Vào ngày 12/11/1927, tờ Maeil Sinbo cũng xuất bản một bài báo nói rằng với sự giúp đỡ của các quan chức địa phương, một cáp xích sắt đã được lắp đặt ở rìa con đường dẫn đến Baekundae, giúp trẻ em cũng có thể leo núi.

Thực tế là đã có những tiếng nói phản biện về việc những cọc sắt trên đỉnh Baekundae, nhiều khả năng là những cọc xây dựng được dựng lên cùng lan can để căn phương hướng, nhưng bị phớt lờ.

Vào ngày 4/7/1993, Koo Yun-seo, chủ tịch nhóm “Tư duy chúng ta”, đã đến thăm núi Songnisan sau khi nhận được tin báo rằng có cọc sắt ở đỉnh Munjangdae. Koo Yun-seo đã phát hiện ra 8 cọc sắt gần suối Gamnocheon dưới chân đỉnh Munjangdae. Một trong số đó được nhổ lên, và so sánh với cọc sắt ở Baekundae, người ta nhận định là do người Nhật đóng, do đó họ tiến hành nhổ cọc vào ngày 11 và 12/9 cùng năm. Ngày 13/9/1993 nhật báo Hankyoreh nhanh nhảu đăng bài ‘Nhổ bỏ cọc sắt lấy lại hồn dân tộc’, dù trong chính bài báo cũng có điểm mập mờ.

“Một thành viên, người đã vất vả nhổ cọc sắt, cho biết: ‘Có thể khó khẳng định đây là cọc sắt Nhật Bản, nhưng thông qua việc làm này, chúng ta có thể loại bỏ những chiếc cọc sắt Nhật Bản đâm sâu trong lòng mình và khôi phục lại tinh thần dân tộc.’ ‘Thế là xong’, anh nói với vẻ mặt hài lòng.”

Và mặc dù đã có người làm chứng rằng, cọc sắt ở suối là do một thương nhân địa phương đóng xuống để làm hệ thống lấy nước, nhưng tất cả hội nhóm và phóng viên báo chí đều lờ đi, họ chỉ nhắm theo hướng cọc sắt Nhật Bản.

Sau khi rộ lên việc nhổ cọc sắt ở các ngọn núi danh tiếng, dư luận xã hội bắt đầu hoang mang lo lắng. Đến nỗi vào tháng 6 năm 1994, việc xây dựng một tháp thu phát sóng cỡ lớn của hãng Viễn thông Di động Hàn Quốc trên đỉnh núi Geumosan đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân và quan chức địa phương, vì lo ngại phạm đến long mạch và nguyên khí.

Chưa dừng lại ở đó, vào năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng khỏi Nhật Bản và 600 năm Cung Cảnh Phúc, nội các của Tổng thống Kim Young-sam trong một nước đi chính trị, đã thông qua dự án truy tìm và nhổ bỏ cọc sắt Nhật Bản.

Thế là một cao trào tìm và nhổ bỏ cọc sắt đã diễn ra trên toàn quốc, có địa phương còn huy động đến cả quân đội, với không chỉ giới hạn là những cọc sắt thời Nhật thuộc, mà mở rộng ra tất cả các cọc sắt mà người Nhật trong lịch sử đã trấn yểm lên Triều Tiên.

Ví dụ như ở quận Danyang-gun, người ta nhổ bỏ một chiếc cọc sắt được cho là do người Nhật Bản đóng vào khoảng 1893-1894. Tuy nhiên chiếc cọc này giống một chiếc bu-lông phức tạp, và không thể nào là vật của thế kỷ 19. Thậm chí cựu thị trưởng một xã thuộc Danyang-gun còn làm chứng là cọc sắt được đóng trong nhiệm kỳ của ông để làm vật neo đậu tàu thuyền, thế nhưng văn phòng quận đã phớt lờ.

Lúc này, làn sóng dân tộc chủ nghĩa được chính phủ và báo chí truyền thông bắt tay nhau thổi bùng.

Đến gần đây vẫn còn các hội nhóm tổ chức nhổ cọc sắt Nhật Bản. Nguồn: San-shin.org

Kết quả toàn quốc đã có 439 trường hợp báo cáo, nhưng sau cùng chỉ có 18 trường hợp được công nhận là cọc sắt trấn yểm của Nhật Bản tính cho đến cuối tháng 8 năm 1995.

Mẫu cọc sắt được nhổ. Nguồn: San-shin.org

Đỉnh điểm đến tháng 10 năm 1995, trong quá trình thanh tra quốc gia, người ta đã phát hiện 2 cọc sắt trong tường của Cung Xương Khánh và báo chí lập tức lan truyền nghi vấn là do đế quốc Nhật trấn yểm.

Vậy là từ đó cọc sắt trấn yểm đã nâng tầm thành một vấn đề thường trực trong dư luận Hàn Quốc, kể cả sau nhiệm kỳ của Kim Young-sam.

Chỉ là truyền thuyết đô thị

Năm 1999, những chiếc cọc sắt được phát hiện tại mộ của song thân Chủ tịch Đảng Quốc đại Lee Hoi-chang, và tại mộ của Đô đốc Lý Thuấn Thần, đã khiến chủ đề này sục sôi trở lại. Nhưng hóa ra việc này được thực hiện bởi một pháp sư Hàn Quốc với mục đích chữa bệnh cho con trai. Thủ phạm còn đóng cả cọc sắt vào lăng mộ hoàng gia Tân La, khiến các gia đình trên khắp Hàn Quốc náo động lên đi kiểm tra lăng mộ.

Thậm chí đến tận những năm 2011, đài KBS vẫn còn đưa tin về những chiếc cọc sắt trấn yểm của Nhật Bản được tìm thấy ở những ngọn núi danh tiếng của Hàn Quốc

Đài KBS đưa tin cọc sắt trấn yểm của Nhật Bản. Nguồn: Ảnh chụp màn hình.

Mặc dù theo quan sát, rất nhiều những cọc sắt này là cọc xây dựng, cọc móc cáp vận chuyển phục vụ dân sự và quân sự, rất nhiều trong số chúng không phải được đóng vào thời Nhật thuộc, mà là thời Chiến tranh Triều Tiên, cũng rất nhiều là do chính người Hàn Quốc đóng, thậm chí những vụ trấn yểm tai tiếng nhất là do chính người Hàn Quốc làm, nhưng “cọc sắt trấn yểm của thực dân Nhật Bản” đã trở thành một truyền thuyết đô thị, cách một đoạn thời gian lại được những người dân tộc chủ nghĩa, những người phao tin giật gân, những nhà văn, cũng như truyền thông và điện ảnh sử dụng.

Hình ảnh một số cọc sắt có chân ren dưới suối được hội nhóm tư nhân nhổ lên. Nguồn: Ohmynews.com

Cũng có những người đưa ra tư liệu lịch sử để chứng minh quân đội đế quốc Nhật Bản đã sử dụng những nghi lễ trấn yểm Triều Tiên. Ví dụ một bức ảnh được loan truyền là chụp trong Thời Nhật thuộc (1910-1945) trên đỉnh Baekdusan, trong đó có cảnh binh lính Nhật đang hành lễ sau lưng một pháp sư, trước mặt pháp sư là một vật giống như cọc sắt. Nhưng thực tế, đây là một buổi lễ Thần đạo Nhật Bản bình thường, và vật giống như cọc sắt kia chỉ đơn giản là chiếc bàn tế một chân, thậm chí vẫn đang tồn tại tranh cãi về việc có đúng bức ảnh này chụp đỉnh Baekdusan hay là một ngọn núi ở Nhật Bản.

Bức ảnh tế lễ Thần đạo Nhật Bản được đồn thổi là nghi lễ đóng cọc sắt trấn yểm. Nguồn: San-shin.org

Bộ phim “Exhuma: Quật mộ trùng ma” (2024) đang ăn khách của Hàn Quốc tiếp tục sử dụng truyền thuyết đô thị này.

Cảnh phim “Exhuma: Quật mộ trùng ma” (2024). Nguồn: Google Apis.

Lời kết

Câu chuyện phong thủy rằng người Nhật đóng cọc sắt yểm Hàn Quốc/ Triều Tiên mặc dù khá nhiều là lời đồn đại thêu dệt, nhưng từ sự hưởng ứng của người dân, truyền thông và quan chức Hàn Quốc cho thấy, phong thủy đã ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã không sống và làm việc ở phủ tổng thống Thanh Ngõa Đài (Nhà Xanh), nơi vốn là phủ tổng thống của các tổng thống Hàn Quốc từ năm 1948 đến năm 2022, thay vào đó, ông chuyển đến tòa nhà thuộc bộ quốc phòng làm phủ tổng thống mới. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng, điều này liên quan đến lời nguyền phong thủy của Thanh Ngõa Đài.

Thanh Ngõa Đài - phủ tổng thống Hàn Quốc từ năm 1948 đến nay. (Wekipedia/ SA 3.0)
tong thong Han Quoc anh 1
Tòa nhà làm phủ tổng mới sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức. (Ảnh yonhap)

Hữu Đức

 



BÀI CHỌN LỌC

Phong thủy: Có đúng là người Nhật đóng cọc sắt trấn yểm Triều Tiên không?