Lịch sử Israel (1): Israel phục quốc và Đại chiến tận thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Israel là một quốc gia được dự ngôn trong Kinh Thánh. Từ lúc thành lập, diệt vong cho đến khi phục quốc, trải qua hơn ba nghìn năm, vận mệnh của dân tộc này vẫn luôn nằm trong tay Chúa.

Từ thời điểm Moses dẫn người Do Thái thoát khỏi Ai Cập, từng bước đi của dân tộc này đều được Kinh Thánh vạch ra một cách rõ ràng. Lời dự ngôn của Thiên Chúa đã ứng nghiệm trên thế gian sau hàng nghìn năm. Trong dòng chảy lịch sử, tại sao Thiên Chúa để người Do Thái tập trung lại, sau đó khiến họ phải sống lưu vong và rồi cho họ từ khắp nơi trên thế giới trở về Jerusalem?

Những cuộn da dê cũ kỹ

Vào một ngày xuân đầy nắng năm 1947, có vài đứa trẻ đang chăn cừu ở một bãi đất tại thành phố Bethlehem nơi Chúa Jesus sinh ra. Trong khi lũ trẻ cùng nhau nô đùa, bầy cừu cũng nghịch ngợm, chạy nhảy khắp nơi. Bỗng nhiên có một con cừu đã đi lạc. Trong quá trình tìm kiếm, mấy đứa trẻ chăn cừu bước vào một hang động và ném đá vào trong để xua con cừu ra ngoài. Thế nhưng, đám trẻ bỗng nghe một tiếng "choang", một chiếc bình gốm bị ném võ, làm rơi ra mấy cuộn giấy da dê.

Chính những cuộn da dê cũ kỹ này sẽ tạo ra một “cơn bão” ở Israel...

Sau khi phát hiện ra mấy cuốn da dê, đám trẻ cảm thấy đã nhặt được báu vật, vui mừng cầm lên, chạy đến cửa hàng nhỏ của Kando (Khalil Iskander Shahin), và nói rằng muốn bán lấy tiền. Kando vừa là một thợ đóng giày, vừa là người kinh doanh đồ cổ. Anh cầm cuộn da dê lên xem, nhưng càng xem càng cảm thấy lạ, đặc biệt là khi nhìn thấy những chữ cổ được viết chi chít trên đó. Một cảm giác thần bí chạy xoẹt qua người Kando. Trực giác nói cho anh biết: giá trị của những tấm da dê này không hề nhỏ. Nghĩ vậy, Kando hào phóng đưa một túi tiền cho mấy đứa trẻ. Đám trẻ chăn cừu nhận được một khoản tiền lớn nên vô cùng vui mừng, hớn hở chạy đi.

Kando nhìn những chữ cổ trên tấm da dê giống như xem “Thiên thư”, không thể nào hiểu được. Khi ấy, ở Jerusalem có vị tổng giám mục của Giáo hội Chính thống giáo Syria là Athanasius Yeshue Samuel. Kando nhờ người bạn bè bán bốn cuốn da dê cho Giám mục Samuel. Nội dung trên tấm da dê được viết bằng chữ Do Thái cổ nên thật ra ngay cả người Do Thái cũng chưa chắc hiểu được. Giống như người Trung Quốc ngày nay, nếu xem chữ giáp cốt chắc hẳn cũng sẽ giống như xem “Thiên thư”. Giám mục Samuel xem không hiểu chữ cổ nên đã mời giáo sư khảo cổ học Eliezer Sukenik giải nghĩa.

Giáo sư Sukenik xem xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Đây là những tài liệu vô cùng quý giá. Sau đó, câu chuyện về những tấm da dê cổ phát hiện bên bờ Biển Chết được lan truyền ra ngoài. Dường như có một sức mạnh vô hình nào đó thúc đẩy mọi việc. Không lâu sau, Giáo sư Sukenik tìm được Kando, và ngày hôm sau vị giáo sư mang ba cuộn da dê còn lại trở về Jerusalem.

Psalms Scroll.jpg
("Psalms Scroll (11Q5)" - một trong các cuộn giấy Biển Chết. Wikipedia)

Ngày bình thường ấy đã được ghi vào sử sách, bởi vì đó là ngày 29 tháng 11 năm 1947, ngày Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép người Do Thái thành lập quốc gia của mình. Ngày hôm ấy, tất cả người Do Thái đều chạy ra đường để ăn mừng. Giáo sư Sukenik cũng vô cùng hành phúc. Ngày phục quốc trong tâm niệm của người Do Thái cuối cùng đã đến.

Mọi có người có cảm thấy việc phát hiện ra những cuộn giấy da dê thật quá trùng hợp không? Dường như Thiên Chúa muốn tặng một món quà lớn cho dân tộc Israel nhân dịp phục quốc.

Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì một trong các cuộn da dê là bản chép tay sách Isaiah – một cuốn sách tiên tri vô cùng quan trọng trong Kinh Thánh. Sách Isaish được viết vào năm 723 TCN. Ngay từ thời đại của mình, tiên tri Isaiah đã dự ngôn những sự việc như Chúa Jesus ra đời và chịu nạn vào 700 năm sau, cũng như cuộc Đại thẩm phán vào thời kỳ cuối và sự kiện Israel phục quốc.

Israel phục quốc

Sự kiện phục quốc của Israel có nghĩa là, trước đó quốc gia này từng tồn tại nhưng sau đó đã diệt vong. Vậy quốc gia này đã đi đến diệt vong như thế nào?

Nếu hiểu rõ những câu chuyện trong Kinh Thánh, có lẽ bạn sẽ biết rằng Đức Jehovah đã hứa ban cho người Do Thái một vùng đất tên là Canaan. Hơn 1000 năm TCN, người Do Thái đã lập nên Vương quốc Do Thái ở vùng đất Canaan. Vương quốc này truyền đến đời thứ ba là Vua Solomon. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, vị vua này đã sa đọa. Bởi vậy sau khi vua qua đời, Vương quốc Do Thái phân tách thành hai khu vực. Vùng đất ở phía bắc được gọi là Israel, còn vùng đất ở phía nam được gọi Judah.

Vương quốc Israel cổ đại bị chia thành 2 vương quốc: Israel và Judah. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)
Vương quốc Israel cổ đại bị chia thành 2 vương quốc: Israel và Judah. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Cả hai vương quốc này đều không có nhiều vị vua tốt. Các vị vua ở đây không tuân theo những điều răn của Moses. Thiên Chúa đã cử đến nhiều nhà tiên tri để cảnh báo, thế nhưng không ai chú ý tâm đến. Bởi vậy, khoảng 1000 năm sau khi thoát khỏi Ai Cập và đến vùng đất Canaan lập nên Vương quốc Do Thái, dân tộc này đã rời xa Thiên Chúa.

Bởi người Do Thái không kính sợ Chúa nên Ngài đã thu lại hết phúc phận của dân tộc này. Sau đó dân tộc Do Thái bị các đế quốc như Assyria, Babylon và La Mã chinh phục. Sau mỗi lần bị xâm lược, hoàn cảnh của người dân Do Thái vô cùng bi thảm. Trong thời gian Israel đang nằm dưới sự cai trị của đế chế La Mã, một người vĩ đại đã ra đời. Đó chính là Chúa Jesus.

Khi ấy đạo đức của người Do Thái đã rất bại hoại, và hoàn cảnh sống của dân tộc này cũng rất khó khăn. Bởi vậy, Đức Yehovah đã sai Chúa Jesus xuống trần gian để giáo hóa dân tộc Do Thái. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus chỉ ra tội lỗi của người Do Thái, các thầy trưởng lão của Do Thái giáo thẹn quá hóa giận, nhất quyết đòi đóng đinh Chúa Jesus lên Thập tự giá.

Thật ra, vào lần cuối cùng Chúa Jesus vào thành Jerusalem, Ngài đã dự đoán được rằng mình sắp bị giết hại. Bởi vì từng bức hại nhiều nhà tiên tri, dân tộc Do Thái đã gặp phải rất nhiều tai họa lớn. Khi đó Chúa Jesus từng rơi lệ nói rằng:

37 Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!” (Ma-thi-ơ 23: 37 - Vietchristian.com)

20 Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến. 21 Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. 22 Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn cho đàn bà có thai, và đàn bà cho con bú! Vì sẽ có tai nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. 24 Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn”. (Lu-ca 21:20-24 - Vietchristian.com)

Sau sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập tự giá, nhiều tai họa đã giáng xuống. Dân tộc Do Thái phiêu bạt ở khắp các nơi , phải làm nô dịch cho các dân tộc khác. Năm 70, Đế chế La Mã tàn sát người Do Thái, phá hủy thành Jerusalem. Người Do Thái khi ấy đã không còn mảnh đất để trú chân.

Mãi đến năm 1948, khi Israel tuyên bố chính thức phục quốc, người Do Thái mới kết thúc gần 2000 năm lưu lạc. Nếu không phải trong Kinh Thánh dự ngôn rằng sẽ có một ngày dân tộc này được phục quốc, e rằng người Do Thái cũng khó có thể gắng gượng đến hiện tại.

Sự an bài của Thượng Đế

Trong sách “Ezekiel” được viết vào năm 580 TCN, Thiên Chúa đã để lại lời dự ngôn rằng:

16 Vậy nên, khá nói cùng chúng nó: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Phải, ta đã dời chúng nó nơi xa trong các dân tộc, đã làm tan tác chúng nó trong nhiều nước, ta còn sẽ tạm là nơi thánh cho chúng nó trong các nước chúng nó đi đến. 17 Vậy nên, hãy nói rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ nhóm các ngươi lại từ giữa các dân, sẽ thâu các ngươi từ những nước mà các ngươi đã bị tan tác, và ta sẽ ban đất Y-sơ-ra-ên cho các ngươi”.(Ê-xê-chi-ên 11:16-17)

Chính là lời dự ngôn này đã khiến người Do Thái luôn tâm niệm rằng phải trở về Israel. Và cuối cùng lời dự ngôn đã ứng nghiệm vào năm 1948 trước sự chứng kiến của toàn thế giới.

Điều kỳ diệu hơn chính là, những cuộn da dê Biển Chết được chép lại từ 2000 năm trước cũng là thời điểm dân tộc Do Thái bắt đầu sống phiêu bạt. Khi người Do Thái tản mác khắp nơi trên thế giới, những cuộn da dê được giấu kín. Đến khi nước Do Thái phục quốc, chúng mới xuất hiện trở lại.

Các bạn hãy nghĩ thử xem, những điều này đơn thuần chính là trùng hợp hay chính là sự an bài của Thượng Đế.

Ở phần trên, chúng ta đã nói rằng, người thợ đóng giày Kando bán bốn cuốn da dê cho Giám mục Samuel, vậy sau đó thì sao?

Quả thật rất thần kỳ. Sau đó Giám mục Samuel đã mang bốn cuốn da dê đến nước Mỹ. Vị giám mục đưa tấm da dê đi triển lãm khắp nơi nhưng vẫn không bán được. Nước Mỹ rộng lớn như vậy nhưng không ai biết được giá trị của đồ vật này. Khi ấy, không biết làm sao, Giám mục Samuel đành phải đăng bài quảng cáo trên tờ “The Wall Street Journal”. Sau khi quảng cáo đăng lên không lâu, có người đã tìm. Bạn hãy thử đoán người mua là ai?

Người ấy chính là con trai của Giáo sư Sukenik – Yigael Yadin. Lúc đầu Giám mục Samuel chỉ dùng 97 đô la Mỹ để mua bốn cuộn da dê. Thế nhưng đến khi bán lại, những cuộn da dê này đã có giá 250.000 đô la Mỹ. Đây là một khoản tiền rất lớn vào thời điểm đó. Người Do Thái vốn có đầu óc kinh doanh bẩm sinh, rất biết cách kiếm tiền, và những khi cần thiết cũng rất đoàn kết. Với sự tài trợ của một doanh nhân người Do Thái, bốn cuộn da dê đã được mua lại.

Như vậy, sau nhiều năm lưu lạc, những cuộn da dê này đã trở lại Israel vào năm 1954, trở thành bảo vật trong điện Thánh thư (Shrine of the Book) ở Bảo tàng Israel tại Jerusalem.

Đại chiến tận thế

Điện Thánh thư là một cấu trúc tiêu biểu của Israel. Thiết kế của điện được lấy cảm hứng từ cuốn sách Chiến Tranh (Cuộc chiến giữa những đứa con của ánh sáng và những đứa con của bóng tối). Mặc dù được viết vào 2000 năm trước, nhưng nội dung của cuốn sách Chiến Tranh lại rất phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.

Trong cuốn sách Chiến Tranh viết rằng:

Giữa những đứa con của ánh sáng và những đứa con của bóng tối sẽ nổ ra cuộc chiến tranh tận thế. Trong cuộc chiến, con của ánh sáng do Tổng lãnh Thiên sứ dẫn đầu. Con của bóng tối do Belial dẫn đầu. Hai bên hỗn chiến, kéo dài 40 ngày. Đến cuộc chiến thứ bảy, các Thần trên Trời và các Thánh đồ trên thế gian kề vai chiến đấu. Đứng trước kiếp nạn to lớn này, cánh tay quyền năng của Chúa đã đánh đổ tà ác. Trong chớp mắt bóng tối tan biến, không còn dấu vết. Tất cả những người đứng bên phía tà ác cũng sẽ vĩnh viễn diệt vong. Thời đại của bóng tối kết thúc, thế gian thái bình. Những đứa con của Chúa sẽ được ban thưởng sự bình an, sự bất tử và cuộc sống hạnh phúc.

Bởi vì trong cuốn sách này nhiều lần nhắc đến Đấng Messiah nên cuộc chiến tranh này được gọi là Cuộc chiến tranh của Đấng Messiah.

Về cuộc chiến tranh tận thế, trong Kinh Thánh có một lời dự ngôn khác, cho rằng Trung Đông là vũ đài cuộc chiến tận thế của thế giới. Vùng Trung Đông vốn không yên bình. Các tổ chức khủng bố tấn công Israel, nhiều lần khơi mào chiến tranh tại vùng đất này. Bởi vậy nhiều người lo lắng rằng, phải chăng thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh tận thế theo lời dự ngôn trong Kinh Thánh chính là hiện nay.

Từ khi những đứa trẻ chăn cừu làm vỡ bình gốm và những cuốn sách da dê bắt đầu xuất hiện, các nhà khảo cổ đã tiếp tục phát hiện hơn 1000 cuộn da dê khác. Dựa trên nội dung ghi trong đó, các nhà nghiên cứu đã sắp xếp thành 800 cuốn kinh sách. Tất cả những cuộn da dê này được gọi chúng là “Các cuộn sách Biển Chết”. “Các cuộn sách Biển Chết” đều là bản chép tay, được chép từ năm 250 TCN đến năm 68. Nội dung rất giống với bản đầu tiên. Những tài liệu này ra đời sớm 1000 năm so với các bản Kinh Thánh chép tay cổ nhất.

Người chép lại bộ kinh sách này là các tu sĩ thuộc giáo phái Essenes sống ở gần bờ Biển Chết. Năm 68, đội quân La Mã đã tàn phá quê hương của người Do Thái. Sau khi cất giữ những cuốn da dê trong bình gốm, những người Do Thái còn lại vội vàng rời khỏi vùng đất của mình.

Kết quả giám định khoa học cho thấy, những cuốn da dê này chưa được xử lý để chống phân hủy. Vậy tại sao chúng có thể được bảo tồn tốt như vậy trong suốt 2000 năm, không chỉ không bị mục nát mà ngay cả nét mực cũng không bị phai màu? Có người cho rằng nguyên nhân có thể là do khí hậu ở khu vực này là khí hậu khô hanh. Tuy nhiên cũng có người nói rằng những kinh thư cổ có thể lưu truyền đến ngày nay chính là một phép màu. Các bạn nghĩ sao về bí ẩn này?

Đại thẩm phán cuối cùng

undefined
Bức tranh "Đại thẩm phán cuối cùng" của Michelangelo. (Miền công cộng)

“Các cuộn sách Biển Chết” này ghi lại không ít nội dung không có trong Kinh Thánh, khiến nhiều người không ngừng suy nghĩ. Ví dụ trong đó có bản chép của sách Enoch. Trước thế kỷ thứ 4, sách Enoch vẫn chưa bị giáo hội loại bỏ khỏi Kinh Thánh chính thống. Khi ấy, cuốn sách này rất được coi trọng. Trong Kinh Thánh Tân Ước có rất nhiều kinh sách trích dẫn các nội dung từ sách Enoch.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tại sao cuốn sách này lại trở thành sách cấm.

Nội dung trong sách Enoch chính là những điều xảy ra vào trước thời kỳ Đại hồng thủy. Enoch là tiên tri của người Do Thái. Vị tiên tri này đã sống trên thế gian 365 năm, và đồng hành cùng Thiên Chúa trong 300 năm. Trong khoảng thời gian này, ông đã nhìn thấy rất nhiều hiện tượng kỳ lạ.

Hay chúng ta cũng có thể nói rằng, có thể tiên tri Enoch đã dùng công năng và thần thông để nhìn thấy tương lai. Chúng ta đều biết rằng, vào thời kỳ Thượng cổ có một trận Đại hồng thủy nhấn chìm cả Trái Đất. Vậy trận Đại hồng thủy ấy đã xảy ra như thế nào?

Sách Enoch viết rằng: Trên Thiên đàng có những vị Thiên sứ sa đọa. Họ rời khỏi Thiên đường đến thế gian, kết hợp cùng người nữ, sinh ra người khổng lồ. Người khổng lồ ăn rất nhiều, nhanh chóng ăn hết thức ăn của con người, hơn nữa còn giết chóc khắp nơi. Thế nên Đức Yehovah đã giáng xuống trận Đại hồng thủy, hủy diệt tất cả những gì có trên mặt đất.

Noah đóng thuyền cứu nạn trong trận Đại hồng thủy chính là con cháu của Enoch. Thiên sứ mang Enoch đi lại trong trời đất. Vị tiên tri nhìn thấy tương lai sẽ xuất hiện rất nhiều loại bức hại. Tà ác cũng sẽ đến thế gian với số lượng gấp nhiều lần. Đến lúc đó, Trời cao sẽ giáng xuống dịch bệnh.

Sách Enoch chương 91 chép: “Sự đàn áp sẽ tồn tại và thắng thế trên đất. Sự phán xét vĩ đại sẽ xảy ra trên đất vào kỳ sau cuối. Và mọi điều tội lỗi sẽ được kết liễu, nó sẽ được đốn đi từ cội rễ của mình, và mọi cơ cấu của nó sẽ bị bỏ đi. Tuy nhiên tội lỗi sẽ đổi mới lần nữa và được hoàn tất trên đất. Mọi hành động tội lỗi và mọi hành động của sự áp bức và nghịch đạo sẽ vây chặt một lần nữa. Thế nên khi điều gian ác, tội lỗi, lời báng bổ, bạo lực và mọi việc làm sẽ tăng lên. Rồi sự vi phạm nghịch đạo và ô uế cũng tăng lên thì sự trừng phạt vĩ đại từ Thiên đàng sẽ giáng xuống nơi tất cả bọn chúng”.

Tiên tri còn nhìn thấy nơi giam giữ các ngôi sao của Thiên đàng (tức các Thiên thần sa ngã) giống như ngọn núi lớn bốc cháy, còn có cột trụ lửa rất mãnh liệt. Thiên sứ nói với ông rằng: “Đây là nơi giam giữ các Thiên Thần đấy, đã bị giam ở đây thì mãi mãi muôn đời không được ra khỏi đây đâu” (Sách Enoch chương 21)

Sách Enoch cũng miêu tả chi tiết cuộc Đại thẩm phán vào lúc tận thế. Không chỉ là con người trên mặt đất phải tiếp nhận thẩm phán, mà ngay cả các Thiên Thần trên Trời cũng phải tiếp nhận thẩm phán. Những tội nhân không vâng phục Đấng Vĩnh hằng sẽ vĩnh viễn chịu khổ hình ở địa ngục. Còn những người công chính, không chỉ sống lại mà còn được bất tử. (Sách Enoch chương 45, 51,91).

Sách Enoch cũng nhắc đến nơi ngự trị của Đấng Vĩnh hằng. Thiên sứ nói rằng: Phía đông bắc chính là nơi ngự trị của Đấng Vĩnh Hằng. Dưới sự dẫn dắt của Thiên sứ, Enoch nhìn thấy 7 tòa núi cao quý, nhìn giống một Ngai tòa, vô cùng đẹp đẽ và huy hoàng với đầy các loại đá quý. Nơi đó cũng có những khe núi thăm thẳm và quanh co, chẳng có cái nào kế bên cái nào. Trên ngọn núi có một cây đại thụ tản ra mùi thơm. Chính là cây do Đấng Vĩnh Hằng trồng xuống, được gọi là Cây Sự sống. Khi cuộc Đại Thẩm phán cuối cùng kết thúc, trái trên cây này sẽ ban cho những người chính trực và khiêm nhường.

Bắt đầu từ thời đại của Enoch, thời gian sẽ được chia thành mười tuần lễ. Tuần lễ ở đây không phải là khái niệm một tuần 7 ngày của chúng ta mà là đại diện của một thời đại. Tuần thứ hai chính là thời đại của Noah, tiếp theo là Abraham, Moses, v.v…Đến tuần thứ 9, sự phán xét công bình sẽ được tiết lộ cho toàn thế giới.

Sách Enoch còn dự ngôn về Đại Thẩm phán cuối cùng và cuộc chiến tranh tận thế. Miêu tả về ngày tận thế trong cuốn sách này không phải là tất cả người và vật ở trên mặt đất đều bị hủy diệt mà chính là một lần tịnh hóa vô cùng to lớn, một lần canh tân trước nay chưa từng có.

Đến tuần thứ 10, sau khi Thẩm phán cuối cùng kết thúc, trời mới, đất mới sẽ được tạo ra, ngay cả các Thần trên Thiên đàng cũng sáng rực rỡ hơn.

Khi nói đến đây, tiên tri Enoch nhấn mạnh một câu rằng: Đây chỉ là sự canh tân trong một tầng Trời.

Vũ trụ lớn như vậy, sẽ có biết bao nhiêu tầng Trời? Liệu rằng chúng ta có được chứng kiến quá trình canh tân này không?

Tuyết Lợi - wenshidaguanyuan
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử Israel (1): Israel phục quốc và Đại chiến tận thế