Phóng viên của NTD, các nhà hoạt động bị tấn công tại địa điểm biểu tình nhân quyền tại hội nghị thượng đỉnh APEC

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phóng viên của đài NTD, cơ quan truyền thông anh em của The Epoch Times, đã bị tấn công trên đường phố khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình nêu bật vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Vụ việc xảy ra vào ngày 15/11 gần ngã tư đường Số 4 và Phố Market, chỉ cách Trung tâm Moscone, nơi tổ chức các sự kiện lớn của APEC, vài dãy nhà. Vụ việc nhắm vào phóng viên Jason Blair của đài NTD, đã được ghi lại trên điện thoại của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào tối ngày 15/11, ông Blair cho biết một người đàn ông (khoảng 20 tuổi), đã tấn công ông vì quay video khi người đàn ông này cố gắng phá rối cuộc biểu tình do các học viên Pháp Luân Công tổ chức.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng về đạo đức. Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của chiến dịch đàn áp tàn bạo ở Trung Quốc kể từ năm 1999.

Cùng với việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại thành phố để dự hội nghị thượng đỉnh APEC, các học viên - nằm trong số các nhóm tổ chức biểu tình gần địa điểm tổ chức sự kiện ngày hôm đó - đã có mặt tại đây để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp kéo dài 24 năm của chế độ đối với tín ngưỡng của họ.

Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ cách Trung tâm Moscone vài dãy nhà để kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước ĐCSTQ hậu thuẫn, tại San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Zhou Rong/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ cách Trung tâm Moscone vài dãy nhà để kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước ĐCSTQ hậu thuẫn, tại San Francisco vào ngày 14/11/2023. (Ảnh: Zhou Rong/The Epoch Times)

Theo ông Blair, ban đầu người đàn ông này đã đá vào chiếc loa của các học viên Pháp Luân Công, khiến pin của chiếc loa rơi ra. Ông Blair nói ngay sau đó, ông Blair bắt đầu quay phim người đàn ông bước tới một biểu ngữ và “cố gắng giật nó xuống”.

Theo bằng chứng video, khi người đàn ông nhận thấy phóng viên đài NTD đang quay phim mình, ông ta liền quay mặt lại và nhìn thẳng vào phóng viên.

Người đàn ông sau đó vung tay phải vào ông Blair trong khi cầm một thiết bị trông như kim loại.

“Anh ta đã nắm được cánh tay và bàn tay của tôi. Anh ta đang nhắm vào điện thoại của tôi, một cú đánh rất mạnh. Anh ta chủ yếu đánh vào cánh tay của tôi. Điện thoại của tôi chao đảo nhưng không rơi”, ông Blair nói.

Sau đó, một sĩ quan mặc thường phục gần đó đã khống chế người đàn ông này.

Ông Blair cho biết toàn bộ sự việc diễn ra “khá căng thẳng” vì mọi thứ diễn ra “quá nhanh” và ông không chắc người đàn ông đó sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, ông nói rằng ông không hề sợ hãi.

“Tôi từng chơi các môn thể thao chiến đấu như MMA [võ tổng hợp] và quyền anh Thái Lan. Vì thế tôi hoàn toàn không sợ hãi”, ông nói. “Tôi khá bình tĩnh trong suốt thời gian đó”.

'Sao họ có thể trơ trẽn đến vậy?'

Trong khi danh tính và động cơ của kẻ tấn công không rõ ràng, ông Blair không tin hắn “chỉ là một gã điên, vô gia cư ngẫu nhiên nào đó”.

Ông mô tả cá nhân này là người có "năng lượng rất thù hận" và dường như có một mục tiêu cụ thể trong đầu.

Vụ tấn công ngày 15/11 nhằm vào cuộc biểu tình nhân quyền và phóng viên diễn ra sau một số vụ việc tương tự ở nhiều nơi khác nhắm vào nhóm tín ngưỡng này và những người chỉ trích ĐCSTQ. Các nhà phân tích tin rằng những vụ việc đó là một phần của chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh.

Vào tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 40 thành viên cảnh sát quốc gia Trung Quốc về các tội danh liên quan đến một chiến dịch phối hợp nhằm quấy rối có chủ đích người dân Hoa Kỳ.

Vào tháng 2/2022, tại khu Flushing của New York, một người đàn ông gốc Hoa có hình xăm trên tay và ngực đã tấn công các quầy thông tin nhằm tìm cách phơi bày cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Bà Jia Junwei, một người thỉnh nguyện người Trung Quốc đến từ tỉnh Hắc Long Giang ở miền bắc Trung Quốc, biểu tình bên ngoài khách sạn St. Regis ở San Francisco, ngày 14/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)
Bà Jia Junwei, một người thỉnh nguyện người Trung Quốc đến từ tỉnh Hắc Long Giang ở miền bắc Trung Quốc, biểu tình bên ngoài khách sạn St. Regis ở San Francisco, ngày 14/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)

Theo bà Jia, bà đã suy sụp sau khi một số nhà hoạt động thân ĐCSTQ túm tóc bà. "Sau đó họ đá vào đầu tôi”. Bà giải thích: “Một số người dùng cột cờ đánh tôi trong khi tôi vẫn đang nằm trên mặt đất”.

Bà Jia đang tìm kiếm công lý cho người cha đã qua đời của mình, ông Jia Ruifeng, một nạn nhân của việc tịch thu đất đai của ĐCSTQ. Ông đã qua đời trong trại giam ở Trung Quốc vào năm 2017 sau khi liên tục cố gắng đòi bồi thường cho việc nhà máy của ông bị cưỡng bức phá dỡ.

Nhà hoạt động nhân quyền Ge Kaiying đứng gần Trung tâm Moscone ở San Francisco, ngày 15/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)
Nhà hoạt động nhân quyền Ge Kaiying đứng gần Trung tâm Moscone ở San Francisco, ngày 15/11/2023. (Ảnh: Eva Fu/The Epoch Times)

Bà Ge Kaiying, một nhà hoạt động 61 tuổi đến từ Thượng Hải, người từng giương biểu ngữ cùng với bà Jia, cho biết những người biểu tình ủng hộ ĐCSTQ đã nhận ra và bao vây bà khi bà đến gần ngã tư nơi họ tụ tập.

Một người phụ nữ đã giẫm lên ngón chân rồi đánh vào đầu bà trong khi một người khác lấy hành lý của bà và chỉ trả lại khi bà dọa sẽ gọi cảnh sát.

Bà Ge nói với The Epoch Times: “Họ chắc chắn là đặc vụ cho chính phủ Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ xúc phạm họ dưới bất kỳ hình thức nào. Tại sao họ lại đánh tôi?”

"Họ ở trên đất Mỹ. Sao họ có thể trơ tráo đến như vậy?"

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phóng viên của NTD, các nhà hoạt động bị tấn công tại địa điểm biểu tình nhân quyền tại hội nghị thượng đỉnh APEC