APEC: Pháp Luân Công yêu cầu ĐCSTQ thả ngay 10 học viên bị giam giữ 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 15 tháng 11, Tổng thống Hoa Kỳ Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại cuộc họp Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Một ngày trước đó, “Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp” đã đưa ra thông báo, yêu cầu chính phủ Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho 10 học viên Pháp Luân Công có người thân ở Hoa Kỳ, cũng như tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trái phép ở Trung Quốc.

Trong cuộc họp APEC vào ngày 14 tháng 10, “Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp” đã đưa ra thông báo yêu cầu ĐCSTQ thả ngay 10 học viên Pháp Luân Công Trung Quốc có người thân ở Hoa Kỳ. (Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp)

Các học viên Pháp Luân Công là nhóm bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo và dã man nhất trong thời gian dài nhất, và có số lượng người đông nhất ở Trung Quốc. Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc đàn áp vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, cuộc đàn áp đã tiếp diễn trong 24 năm.

Những ví dụ sau đây chỉ là câu chuyện của một số ít học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại và có người thân ở Hoa Kỳ.

Bà Mạnh Chiêu Hồng, một học viên Pháp Luân Công ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc

Năm 2023, tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, cô Đinh Duyệt và chồng bế con kêu gọi trả tự do cho mẹ là Mạnh Chiêu Hồng. (Yu Yuan/The Epoch Times)

Vào ngày 9 tháng 5 năm 2023, bà Mạnh Chiêu Hồng, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tần Hoàng Đảo, đã bị bắt giữ bất hợp pháp khi đang nói sự thật cho công chúng tại chợ An Tử Lĩnh, huyện Thanh Long, Tần Hoàng Đảo. Công an mặc thường phục địa phương đã tra tấn buộc bà phải nhận tội, đánh đập và tát bà hơn 20 cái, và cố gắng ngụy tạo bằng chứng. Đây là lần thứ năm bà Mạnh Chiêu Hồng bị ĐCSTQ bắt giữ bất hợp pháp vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Trong thời gian bị bức hại vừa qua, bà Mạnh Chiêu Hồng đã bị treo trong 24 giờ đồng hồ, đồng thời bị sốc điện và đánh đập. Vào tháng 11 năm 2001, khi đang ở Trại giam ia Cách Đạt Kỳ ở Đại Hưng An Lĩnh, Hắc Long Giang, cảnh sát đã nhét một ống thông được cắt tỉa sắc nhọn vào dạ dày của bà 5 lần rồi đổ nước muối đặc, làm cho thực quản của bà bị tổn thương, niêm mạc dạ dày của bà bị bong ra và chảy máu ồ ạt. Bốn công an của Đội An ninh Quốc gia đã trói bà vào một chiếc ghế sắt, thay phiên đánh đập bà, và bẻ gãy ngón tay đeo nhẫn bên trái của bà.

Trước Thế vận hội Olympic 2008, bà Mạnh Chiêu Hồng một lần nữa bị kết án oan bốn năm, và bị tra tấn trong Nhà tù nữ Cáp Nhĩ Tân, bị lột trần làm nhục, bị buộc phải xem các video tẩy não phỉ báng Pháp Luân Công, và bị đánh đập vì bất tuân nhỏ nhất. Bà bị buộc phải ngồi trên ghế nhỏ 18 giờ mỗi ngày.

Con gái của bà Mạnh là cô Đinh Duyệt, cư dân California, đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc thả mẹ cô ngay lập tức. Đại diện Hoa Kỳ Kevin Kiley đã viết thư cho Bộ Ngoại giao và nhận được phản hồi, hứa sẽ giúp kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.

Học viên Pháp Luân Công Khổng Khánh Bình ở Đại Liên, Liêu Ninh

Ảnh Lưu Chỉ Đồng và mẹ Khổng Khánh Bình. (do người được phỏng vấn cung cấp)

Mẹ của Lưu Chỉ Đồng, cư dân California, đã bị chứng đau nửa đầu lâu dài, nhãn áp cao, bệnh phụ khoa, chức năng gan bất thường, và hơn chục căn bệnh. Sau khi tập Pháp Luân Công, tất cả các bệnh tật đều biến mất.

Lưu Chỉ Đồng nói với The Epoch Times trước đó rằng: “Sự thay đổi của mẹ tôi đã khiến cả gia đình chúng tôi kinh ngạc và vui mừng, đồng thời nó cũng thay đổi hoàn toàn những hiểu lầm của gia đình chúng tôi do việc ĐCSTQ tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công”.

Vào tháng 2 năm 2020, cảnh sát từ Đồn cảnh sát phố Lý Gia đã đột nhập vào nhà cô, cưỡng bức mẹ cô đi và cướp đi tất cả sách Pháp Luân Đại Pháp cũng như các vật dụng cá nhân khác trong nhà. Gần đây, bà Khổng Khánh Bình đã bị Tòa án quận Cam Tỉnh Tử, Thành phố Đại Liên xét xử trái phép.

Trong thời gian APEC 2023 ở San Francisco, Lưu Chỉ Đồng đã biểu tình tại chỗ phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, và yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức thả mẹ cô.

Kỹ sư địa chất cấp cao Sơn Đông Chu Đức Dũng

Chu Đức Dũng, một cư dân Hoa Kỳ, kỹ sư địa chất cấp cao ở tỉnh Sơn Đông, chồng của học viên Pháp Luân Công Vưu Linh, đã bị bắt giữ trái phép vào ngày 23 tháng 4 năm 2021. “Tội danh” là: Vợ ông là học viên Pháp Luân Công, nên ông là “đồng phạm”, và đã bị kết án oan 8 năm.

Vào tháng 1 năm 2020, Chu Đức Dũng và vợ Vưu Linh chụp ảnh ở Thung lũng Monument, hạt Navajo, Arizona. (Vưu Linh cung cấp)

Con trai ông là Chu Du, một cư dân Florida, đã phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 5 năm nay, kêu gọi thả cha mình.

Học viên Pháp Luân Công Hồ Nam Lưu Ái Hoa

Học viên Pháp Luân Công Lưu Ái Hoa ở Trường Sa, Hồ Nam đã bị bắt giữ trái phép lần thứ 11 vào tháng 7 năm 2022, và bị kết án bốn năm tù vào ngày 10 tháng 3 năm 2023. Lý do là bà có sách Pháp Luân Công và phát tờ rơi để mọi người biết sự thật về cuộc đàn áp.

Chồng của bà Lưu, ông Vương Quang Huy, cũng là một giáo viên, vì tu luyện Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại trường kỳ nên đã qua đời trong oan ức.

Vương Toàn (cậu bé đứng hàng trước bên phải) và gia đình tại Trung Quốc, ảnh chụp năm 1996. Mẹ của anh, bà Lưu Ái Hoa (đứng giữa) đã bị kết án bốn năm tù vì đức tin vào tháng 3 năm 2023. (Vương Toàn cung cấp)

Con trai của bà là Vương Toàn, một diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun Hoa Kỳ, hiện cùng chị gái Vương San San sống ở New York, đã không tiếc công sức để giải cứu mẹ của họ trong nhiều năm.

Học viên Pháp Luân Công Hồ Nam Trần Dương và Tào Chí Mẫn

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2020, các học viên Pháp Luân Công Thành Dương và Tào Chí Mẫn bị bắt cùng với 19 học viên Pháp Luân Công khác ở Trường Sa, Hồ Nam. Trần Dương từng nhận được giải thưởng ở nơi làm việc của mình hàng năm. Khi Hồ Nam bị lũ lụt năm 1998, ông đã âm thầm quyên góp hàng nghìn tệ.

Theo Minghui.org, Trần Dương bị tra tấn trong nhà tù Xích Sơn, bị bức thực dã man bằng ống tre, sốc điện bằng dùi cui điện, bị bốn năm tù nhân lột trần và đánh đập, toàn thân bị trói, bị đánh bằng gậy tre, trên người có nhiều vết thương, trong đó có nhiều vết thương ở mặt, chân, chảy máu.

Trần Pháp Duyên khi còn nhỏ với mẹ Tào Chí Mẫn. (Epoch Times)

Khi hai vợ chồng bị bắt, cô con gái duy nhất của họ là Trần Pháp Duyên đang du học ở Mỹ. Những trải nghiệm của cha mẹ đã khiến cô gái tuổi teen đột ngột trưởng thành, vừa đi học vừa đôn đáo khắp nơi kêu gọi trả tự do cho cha mẹ.

Học viên Pháp Luân Công Thái Nguyên Hầu Lợi Quân, Khang Thúc Cầm và Trương Hỗ

Vào ngày 25 tháng 4 năm 2023, Hầu Lợi Quân, một học viên Pháp Luân Công ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã bị kết án oan 10 năm tù, anh đã tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp. Khi đó anh đã tuyệt thực 78 ngày rồi.

Theo Minghui.org, vào ngày 20 tháng 7 năm 2015, Hầu Lập Quân đã gửi đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát Tối cao, cáo buộc Giang Trạch Dân, thủ phạm chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Anh viết trong bản tố cáo rằng: “Những chiếc dùi cui điện đánh tôi xẹt xẹt ánh sáng xanh, giống như hàng trăm mũi kim thép đâm vào cơ thể tôi cùng một lúc, giống như dùng một chiếc búa lớn đánh mạnh vào cơ thể tôi. Hai loại cảm giác này trộn lẫn với nhau, và da tôi đau rát, rất đau, điện giật rất lâu, tôi bị đánh mạnh đến mức không thể đứng dậy được, ý thức của tôi có chút mơ hồ, tôi chỉ cảm thấy trong phòng có mùi thịt cháy khét rất nồng nặc”.

Học viên Pháp Luân Công Hầu Lợi Quân (phía trên bên trái), mẹ anh là Khang Thúc Cầm (phía dưới bên trái, người bị bức hại đến chết), cha anh (đã qua đời vào ngày 23/6) và chị gái anh. (Bà Karen Kang cung cấp)

Mẹ của Hầu Lợi Quân là bà Khang Thúc Cầm - một học viên Pháp Luân Công, bị bức hại đến chết vào năm 2020. Hai người thân khác của anh là học viên Pháp Luân Công Khang Thục Mai và Trương Hỗ, bị ĐCSTQ bắt cóc vào ngày 31 tháng 10 năm 2022, hiện đang ở trong tù.

Karen Kang, một người dì của anh sống ở California, lo lắng cho tính mạng của cháu trai mình, và đã vạch trần những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra đối với người thân của bà ở Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hầu Lợi Quân, Khang Thục Mai và Trương Hỗ.

Học viên Pháp Luân Công Vương Trị Văn ở Bắc Kinh

Vương Trị Văn, một học viên Pháp Luân Công, một trong những người phụ trách tình nguyện của Hiệp hội Nghiên cứu Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh, là một trong những người đầu tiên bị bắt khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Ông bị kết án bất hợp pháp 16 năm tù vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Ngày 27 tháng 12 năm đó, ông bị phán quyết 16 năm tù. Ông được thả ra vào tháng 10 năm 2014 nhưng hiện đang bị giám sát chặt chẽ và quản thúc tại gia.

Bức ảnh của Vương Hiểu Đan và bố Vương Trị Văn trước khi cô ra nước ngoài (Epoch Times)

Tháng 1/2016, Vương Chí Văn từng xin hộ chiếu, khi ông muốn ra nước ngoài đoàn tụ với con gái và con rể vào tháng 8 cùng năm, hộ chiếu của ông đã bị cắt hủy khi rời quê hương ở Quảng Đông, nên ông đã không thể rời khỏi đất nước.

Con gái Vương Hiểu Đan cho biết tại phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 2017: “2017 là năm thứ 18 cha tôi bị bức hại, và cũng là năm thứ 18 cha tôi phải chịu sự đối xử tàn nhẫn, bất công. Đó cũng là năm thứ 18 tôi đã cố gắng hết sức để giành lại tự do cho cha tôi”.

Giống như 10 học viên Pháp Luân Công được đề cập ở trên, hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn luôn phải chịu đựng cuộc bức hại tàn bạo trong 24 năm qua, và vẫn kiên trì nói với mọi người sự thật. Họ hy vọng rằng mọi người từ khắp nơi trên thế giới sẽ hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, lựa chọn thiện lương và từ bỏ ĐCSTQ.

Người phát ngôn của "Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp" Levi Browde cho biết trên nền tảng X (trước đây là Twitter) vào ngày 15/11 rằng: "Trong 24 năm qua, cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa dừng lại. Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, hơn 100 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án có thể lên tới 9 năm tù. Tổng thống Hoa Kỳ phải đối đầu với Tập Cận Bình trong cuộc họp hôm nay, và yêu cầu chấm dứt hành động tàn bạo này."

Thi Bình - Epoch Times
Thanh Hà biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

APEC: Pháp Luân Công yêu cầu ĐCSTQ thả ngay 10 học viên bị giam giữ