Bình luận: Tỷ lệ đánh chặn tên lửa của Nga và Ukraine không đáng tin cậy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng chục báo cáo của Ukraine và Nga tuyên bố tỷ lệ thành công cao vượt bậc trong việc đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của đối phương. Những tuyên bố này rất có vấn đề.

Bài bình luận

Vào ngày 25/11, Nga đã phóng khoảng 75 máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng then chốt ở Kyiv, Ukraine. Như thường lệ, quân đội Ukraine thông báo rằng các hệ thống phòng không của họ đã cực kỳ thành công khi bắn hạ hầu như toàn bộ, trừ một chiếc máy bay không người lái (74 trên 75 chiếc), với tỷ lệ bắn hạ khoảng 98%.

Tuy nhiên, kỳ tích này có sự chênh lệch lớn so với tuyên bố của Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi vào ngày 16/5/2023. Ông nói rằng “các lực lượng của mình đã đánh chặn được 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal phóng từ máy bay, cùng 9 tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ các tàu trên Biển Đen và 3 tên lửa hành trình cơ động tầm ngắn Iskander phóng từ đất liền”, theo hãng tin Reuters.

Nếu tuyên bố trên là đúng thì đây thực sự là một kỳ tích rất ấn tượng.

Tuy nhiên, Nga đã đưa ra một số tuyên bố bất thường. Vào ngày 26/8, các phương tiện truyền thông Nga cho biết nước này đã phát hiện 42 máy bay không người lái, phá hủy 33 chiếc trong số đó bằng tác chiến điện tử và bắn hạ 9 chiếc còn lại bằng các hệ thống phòng không - tỷ lệ thành công 100%.

Vào ngày 26/11, Nga tuyên bố đã bắn hạ 2 tên lửa đất đối không tầm xa S-200 và 24 máy bay không người lái trên 3 khu vực khác nhau của nước này.

Trên đây chỉ là một vài trong số hàng chục báo cáo của Ukraine và Nga khẳng định tỷ lệ thành công cực kỳ cao trong việc bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của đối phương. Những tuyên bố này có vấn đề vì hai lý do chính.

Thứ nhất, cả Nga và Ukraine đều tham gia vào các nỗ lực tuyên truyền nhằm khiến bản thân họ trông mạnh hơn và có năng lực hơn, trong khi khiến đối thủ của họ trông yếu hơn và kém năng lực hơn - và rõ ràng đây là một phần quan trọng trong câu chuyện này.

Nhưng lý do kia xuất phát từ lịch sử phát triển phòng không cũng như tỷ lệ thành công trên thực tế của nó, đồng thời nhận thấy rằng tỷ lệ thành công cao như vậy rất có vấn đề. Do đó có nhiều khả năng đây là sự thổi phồng mang tính tuyên truyền.

Từ lâu, người ta đã biết rằng tỷ lệ thành công ước tính trong việc đánh chặn rocket (loại không điều khiển) và tên lửa (missile - loại có điều khiển) bằng thử nghiệm có sự khác biệt đáng kể so với tỷ lệ thành công trên thực tế.

Ví dụ, việc tên lửa đất đối không (SAM) S-400 được ca tụng của Nga có vẻ như chưa bao giờ thất bại trong một cuộc thử nghiệm cho thấy rõ ràng rằng Nga đã không minh bạch về tất cả các kết quả thử nghiệm không thành công xảy ra trước kết quả thử nghiệm thành công.

Do đó, việc báo cáo số liệu thống kê thực tế có thể không đáng tin cậy. Điều đó không có nghĩa là S-400 không hiệu quả nhưng nhiều khả năng nó không xác thực như Nga báo cáo.

Tuy nhiên, nếu những báo cáo của Nga và Ukraine là đáng tin cậy thì các hệ thống phòng thủ của cả hai nước này thường xuyên hoạt động vượt trội hơn so với Hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome), vốn rất được ca ngợi của Israel, mặc dù chúng phải đối đầu với các mục tiêu phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như: UAV cơ động sử dụng địa hình để che chắn đường hào dẫn đến gần căn cứ của địch, tên lửa hành trình tàng hình cũng như tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa siêu nhanh và tên lửa bán đạn đạo cơ động. Nhưng ngay cả vấn đề tỷ lệ thành công ước tính trên thực tế của Iron Dome cũng đang được tranh luận gay gắt.

Một ví dụ nữa về hệ thống phòng thủ tên lửa có hiệu suất gây tranh cãi nhiều là Hệ thống phòng không Patriot mà Ukraine đã nhận được ít nhất hai hệ thống. Mỗi hệ thống Patriot có giá lên tới hơn 1 tỷ USD.

Như thường thấy, cả cơ quan đã mua hệ thống này (Quân đội Hoa Kỳ) và nhà cung cấp Patriot, Raytheon, đã có sai phạm trong việc ước tính quá cao tính hiệu lực của hệ thống này, với những tuyên bố là có hiệu lực 100%, sau đó được sửa lại lần đầu thành 52% và sau đó thành 10 đến 20%.

Cùng với Patriot, khi bắt đầu cuộc chiến, Ukraine có khoảng 100 hệ thống S-300 SAM của Liên Xô/Nga đang hoạt động. Mặc dù S-300 phát huy hiệu quả cao khi đánh chặn các máy bay chiến đấu phản lực tương đối lớn, song các cuộc thử nghiệm của Nga cho thấy rằng khi S-300 đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, thì tỷ lệ thất bại rơi vào khoảng 30%.

Và giống như trường hợp của Hệ thống tên lửa Patriot, S-300 không được thiết kế để tiêu diệt các UAV có tầm bay thấp và sử dụng địa hình để che giấu đường hào dẫn đến gần căn cứ của địch.

Tất nhiên, Ukraine sở hữu các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung với khả năng đánh chặn máy bay không người lái hiệu quả hơn nhiều, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T và Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS), nhưng các hệ thống này cũng có thể bị đánh lừa, bị áp chế, gây nhiễu và áp đảo. Các hệ thống phòng không của Nga cũng có thể bị đánh lừa, áp chế, gây nhiễu áp đảo.

Do đó, khi xem xét những môi trường chiến đấu phức tạp và thù địch mà trong đó những hệ thống phòng không này hoạt động, việc tiếp tục tuyên bố về hiệu lực từ 70% đến 100% cần phải được xem xét với mức độ nghi ngờ thỏa đáng.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tác giả Mike Fredenburg viết về các vấn đề công nghệ quân sự và quốc phòng với trọng tâm là cải cách quốc phòng. Ông Fredenburg có bằng Cử nhân ngành Kỹ thuật Cơ khí và Thạc sĩ Quản lý Vận hành Sản xuất.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Tỷ lệ đánh chặn tên lửa của Nga và Ukraine không đáng tin cậy