Sóng gió Trung Nam Hải: Từ Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh, hệ thống tình báo, cho đến thân Mỹ hay Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lực lượng chống Tập tập hợp, ông Tần Cương bị ‘đánh hội đồng’? Đằng sau bà Phó Hiểu Điền là hệ thống tình báo quân sự, đằng sau ông Tần Cương là hệ thống an ninh quốc gia, chuyện gì xảy ra giữa hai hệ thống tình báo lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc? Phe thân Nga và thân Mỹ trong hệ thống ngoại giao đang đấu đá gay gắt, liệu ông Tập Cận Bình có bảo vệ được Tần Cương?

Vụ Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương biến mất đã có diễn biến mới. Hôm 24/7, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã quyết định cách chức Bộ trưởng Ngoại giao của ông Tần Cương nhưng không đưa ra lý do, đồng thời bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế.

CCTV đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó đã ký sắc lệnh chủ tịch để phê chuẩn quyết định này, nhưng bản tin không đề cập đến việc ông Tần Cương bị cách chức Ủy viên Quốc vụ.

Ông Tần Cương là lãnh đạo đảng và nhà nước trẻ nhất vừa nhậm chức, lý do thực sự đằng sau động thái cách chức này là gì? Là vì ​​bệnh nặng, hay là vấn đề không trung thành tuyệt đối, hay là do đao sương kiếm gió trong cuộc đấu đá nội bộ cấp cao mà bị thương và ngã ngựa? Hiện tại, cả thế giới vẫn đang phỏng đoán rốt cuộc Trung Nam Hải đang trải qua sóng gió gì.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 19/4/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi đó, ngồi bên trái ông Tập là Ngoại trưởng Tần Cương, bên phải ông Tập là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Vương Nghị. (Ken Ishii-Pool/Getty Images)

Sau đây là quan điểm của các khách mời trong chương trình "Diễn đàn Tinh Anh" (Pinnacle View) – chương trình truyền hình mới do đài NTDTV The Epoch Times đồng sản xuất. Chương trình quy tụ tinh anh các giới, tập trung vào các vấn đề nóng hổi, ​​phân tích xu hướng chung của thế giới, đồng thời cung cấp cho người xem thông tin về các sự kiện xã hội thời sự và những quan sát sâu sắc về sự thật lịch sử.

Quá được ưu ái, phe chống Tập liên hợp đánh Tần Cương?

Nhà hoạt động phong trào dân chủ Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cho biết trên chương trình "Diễn đàn Tinh Anh" như sau:

“Vấn đề của Tần Cương chắc chắn không phải do bệnh tật. Nếu ông ấy thực sự mắc bệnh nan y và không thể chữa khỏi, họ chỉ cần thông báo là xong, hơn nữa cũng không cần phải giữ chức Ủy viên Quốc vụ cho ông ấy. Vậy nếu điều này không liên quan gì đến bệnh tật, nó chỉ có thể là vấn đề đấu đá nội bộ. Tần Cương có một số đặc điểm có lẽ bị rất nhiều người trong hệ thống ngoại giao bài xích.

“Hệ thống ngoại giao cũng được chia thành nhiều phe phái. Tần Cương xuất thân từ Học viện Quan hệ Quốc tế (trường trực thuộc Bộ An ninh Quốc gia), đây là một phe tương đối nhỏ, đứng thứ hai từ dưới lên, là một phe gián điệp.

Ông Tần Cương đang bị giam giữ trong hệ thống Lục Chi?
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tham dự một cuộc họp báo tại Media Center ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 07/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

“Trước kia, một thứ trưởng lớn tuổi của Bộ Ngoại giao đã dùng bữa tối tại nhà tôi và nói với tôi rằng, hệ thống ngoại giao của họ vô cùng ghét những người thuộc hệ thống mật vụ của Bộ An ninh Quốc gia. Bởi vì những người này như thể là Thái thượng hoàng trong đại sứ quán, họ không làm gì cả, mà thường xuyên bới lông tìm vết và báo cáo lên cấp trên thông qua Bộ Điều tra Trung ương (tiền thân của Bộ An ninh Quốc gia). Những báo cáo đó có thể ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và tính mạng của bạn, vì vậy mọi người đều sợ và ghét họ.

“Khi ấy, sau khi các đại sứ của Bộ Ngoại giao trở về Trung Quốc, nơi đầu tiên họ phải đến báo cáo là Bộ Điều tra Trung ương chứ không phải Bộ Ngoại giao, vì vậy mọi người đều ghét những đặc vụ do Bộ kia phái tới. Mà Tần Cương lại xuất thân với vai trò như vậy, tuy rằng ông ta luôn ở trong hệ thống ngoại giao nhưng vẫn luôn là người của Bộ An ninh.

“Một lý do khác là ông Tập Cận Bình đã thăng chức cho ông Tần Cương quá nhanh, ham cái lợi gần, nhảy một phát ba bước, thăng chức với tốc độ tên lửa giống như ông Vương Tiểu Hồng (Bộ trưởng Công an Trung Quốc đương nhiệm). Việc này chắc chắn bị người ta đố kỵ ghen ghét.

“Trong tình huống này, tôi cảm thấy rằng nhóm người và phe phái chống Tập đã âm thầm lôi kéo và khiêu khích Vương Nghị. Vương Nghị vốn không ưa những người đến từ hệ thống an ninh như Tần Cương, họ đã khiêu khích ông ấy. Vương Nghị còn là phe thân Nga, đặc biệt kiên quyết thân Nga, nhưng ông Tập Cận Bình lại dùng Tần Cương để xoa dịu quan hệ Trung - Mỹ, do đó giữa hai người này có sự đối lập về đường lối. Do xuất thân từ Bộ An ninh, Tần Cương đã không được lòng hệ thống ngoại giao, nay lại bị họ nắm sơ hở, bị nện cho một cú, ngay cả ông Tập cũng bị bất ngờ.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2023 (MSC), ngày 18/2/2023 tại Munich, Đức. (Ảnh: Johannes Simon/Getty Images)

“Phe chống Tập đã nắm được thóp của ông Tần Cương, chắc hẳn là bằng chứng về tham nhũng, sinh con ngoài giá thú. Tuy nhiên trên thực tế, trong ĐCSTQ, nếu người lãnh đạo cao nhất thực sự thích bạn, nhìn trúng bạn, thì những vấn đề của bạn sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu trong tình huống lãnh đạo cao nhất không thể bảo vệ bạn, mọi người vây lại tấn công bạn, những vấn đề này đều sẽ là vấn đề, cuối cùng bạn bị xử lý vì những vấn đề đó. Nếu cuối cùng Tập Cận Bình thực sự phải xử lý Tần Cương, ông ấy có thể sẽ dùng những lý do này để xử lý. Nhưng vấn đề thực sự không nằm ở đây, mà là đấu tranh trong nội bộ đảng”.

Hai hệ thống tình báo giao tranh, Tần Cương ‘trúng đạn’?

Bà Quách Quân (Guo Jun), Tổng biên tập tờ The Epoch Times tiếng Trung cho biết trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng, “có một nhân vật then chốt khác trong vụ Tần Cương, đó là Phó Hiểu Điền, một phóng viên nổi tiếng của Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng (Phoenix Satellite TV) Hong Kong.

“Phó Hiểu Điền là một nhân vật huyền thoại, sinh năm 1983, tốt nghiệp đại học năm 2005, tốt nghiệp Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, đồng thời lấy bằng kép kinh tế của Đại học Bắc Kinh, sau đó đến Cambridge du học, rồi về Phoenix Satellite TV làm việc và nhanh chóng trở thành át chủ bài của nhà đài này, các nhân vật được cô ấy phỏng vấn đều là nhân vật quan trọng trong các giới.

“Đối với một cô gái đến từ Trùng Khánh mà nói, tốc độ này tuyệt đối không phải chuyện thường. Rất có thể sau lưng cô ấy có bệ đỡ rất lớn, đó hẳn là Cục 2 thuộc Bộ Tổng tham mưu, cũng chính là hệ thống tình báo quân sự. Bởi vì bản thân truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng cũng thuộc hệ thống tình báo quân sự”.

Fu Xiaotian in 2019.jpg
Ảnh chụp người dẫn chương trình Phó Hiểu Điền của đài truyền hình Phượng Hoàng vào năm 2019. (Wikimedia Commons/CC BY-SA 4.0)

Bà Quách Quân chỉ ra, “Đại học Cambridge đã xây dựng một khu vườn mang tên Phó Hiểu Điền (Xiaotian Fu Garden). Đối với những người được lưu tên ở Cambridge, ngoài việc nổi tiếng thì còn phải có tiền, có bỏ ra hàng chục triệu bảng Anh cũng chưa chắc làm được như vậy. Chỉ có ba người Trung Quốc được lưu tên ở Đại học Cambridge là Phó Hiểu Điền, Từ Chí Ma (nhà thơ) và Kim Dung (tiểu thuyết gia).

“Khi ‘khu vườn Phó Hiểu Điền’ hoàn thành, đại biện đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã tới dự lễ khai mạc, đây rõ ràng là một hành vi mang cấp độ quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ đã chi một số tiền khổng lồ để nâng đỡ nữ điệp viên này, qua đó kết giao với những người nổi tiếng và chức sắc trên thế giới.

“Hệ thống tình báo quân đội trước đây do một mình Tăng Khánh Hồng (cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Phó chủ tịch nước Trung Quốc) điều khiển, rất nhiều người suy đoán Phó Hiểu Điền là con cưng của Tăng Khánh Hồng. Vì vậy, lần này khi Tần Cương xảy ra chuyện, một số nhà phân tích cho rằng đây là một câu chuyện điển hình khác về tranh giành quyền lực ở Trung Nam Hải, là trận giao tranh kịch liệt giữa Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng”.

Về điều này, ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng, “Lần này, những tin tức như đứa con ngoài giá thú của Tần Cương không bị xóa khỏi Internet, Internet trong nước [Trung Quốc] cũng rất náo nhiệt vì vụ này, có thể nói đằng sau có thế lực chèo chống nên ‘tin đồn’ này mới không bị dập tắt. Ở một mức độ lớn, động thái này nhằm bôi nhọ ông Tập Cận Bình, vậy ai có gan làm điều này? Chỉ có đối thủ của ông ấy mới muốn làm như vậy và dám làm vậy.

“Ngoài ra, hậu trường của Phó Hiểu Điền có liên quan đến hệ thống quân sự, truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng thực tế là thuộc Bộ tổng tham mưu, nhưng một người được bộ tổng tham mưu hậu thuẫn lại đang bị giới truyền thông thổi phồng vụ bê bối với Tần Cương. Cho nên trong trường hợp này, có thể nói mức độ kiểm soát quân đội của ông Tập Cận Bình cũng rất có vấn đề”.

Ông Ngụy Kinh Sinh cho biết thêm, “Hệ thống tình báo của quân đội và hệ thống tình báo của Bộ An ninh chưa bao giờ hòa hợp, trong hai hệ thống lớn này cũng có nhiều phe phái nhỏ. Điều này bắt nguồn từ việc cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông không muốn xây dựng một hệ thống tình báo đơn nhất.

“Từ những năm chiến tranh, bắt đầu từ những năm 1930 đã có hai hệ thống tình báo hoạt động riêng rẽ, giám sát lẫn nhau, tranh luận với nhau, tới nay đã biến thành đấu đá quyết liệt.

“Thế nên, trong trường hợp này, có thể toàn bộ hệ thống tình báo quân đội sẽ nhúng tay xử lý viên chức tình báo kia của Bộ An ninh (ý chỉ ông Tần Cương), điều đó sẽ khiến ông Tập Cận Bình có chút do dự và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Việc này rất thú vị”.

Ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào ngày 18/5/2023. (MARK CRISTINO /POOL/AFP via Getty Images)

Đấu đá nội bộ lan sang hệ thống ngoại giao, ông Tập phải truất ‘ái khanh’?

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, cho biết trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng, “Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tần Cương mới chỉ là Vụ trưởng Vụ Thông tin, sau đó được chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân.

“Có ý kiến ​​cho rằng ông Tập Cận Bình khi đó sẽ là người lãnh đạo đất nước, lúc bấy giờ ông Tần Cương phụ trách hướng dẫn cho ông Tập về nghi thức ngoại giao, điều này đã được ông Tập Cận Bình và phu nhân là bà Bành Lệ Viên đánh giá cao. Nghe nói về sau hai gia đình qua lại khá nhiều, đến nỗi vợ ông Tần Cương còn tự tay làm bánh trung thu tặng bà Bành.

Ông Tập và phu nhân Bành Lệ Viên trong chuyến đi tới Đức năm 2017. (Morris MacMatzen/Getty Images)

“Sau đó, ông Tần Cương từ chức vụ trưởng được thăng lên làm trợ lý bộ trưởng, rồi thứ trưởng, rồi lên đại sứ tại Mỹ chỉ trong vài tháng, rồi lại trở thành bộ trưởng bộ ngoại giao và lên đến chức ủy viên quốc vụ, vô cùng nhanh. Chuyện này hẳn là có liên quan đến ông Tập Cận Bình, ông Tần Cương thực sự là ái khanh của ông Tập.

“Vậy trước tình hình này, tại sao Tập Cận Bình lại do dự lâu như vậy, tôi tin rằng ông ấy cũng muốn giữ lại vị ái khanh này, bởi vì đây là người trẻ nhất mà ông ấy thăng chức cho làm lãnh đạo đảng và nhà nước, ông Tần mới 57 tuổi, có thể nói là tiền đồ xán lạn. Nhưng cũng vì mối quan hệ và thân phận của ông Tần Cương, những người chống Tập hoặc lo lắng về người kế nhiệm Tập đã hạ thủ với Tần Cương, đây có thể là một lý do và động cơ”.

Vậy tại sao ông Tần Cương không bị cách chức Ủy viên Quốc vụ? Ông Lý Quân chỉ ra, “Vì lãnh đạo của bộ trưởng ngoại giao là Ủy viên Quốc vụ, tức là Tần Cương hiện vẫn là lãnh đạo của Vương Nghị; nhưng Vương Nghị lại là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, mà chính phủ lại nằm dưới sự lãnh đạo của đảng, vậy Vương Nghị cũng là lãnh đạo của Tần Cương, cho nên trong hai người này rốt cuộc là anh lãnh đạo tôi hay tôi lãnh đạo anh, ai phải nghe lệnh ai? Chính vì Tần Cương là thân tín của Tập Cận Bình nên để có thể ký sắc lệnh chủ tịch miễn nhiệm, cá nhân tôi cho rằng ông Tập đã phải rất cân nhắc”.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), biên tập viên cấp cao kiêm chủ bút của The Epoch Times, cho biết trong "Diễn đàn Tinh Anh" rằng, “Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhiều bộ phận đã bị thanh trừng, nhưng về cơ bản không có sự cố lớn nào trong Bộ Ngoại giao.

“Các quan chức trong Bộ Ngoại giao nói chung sẽ không dễ dàng bị động tới, tôi nhớ rằng vào thời Đại Cách mạng Văn hóa, những người trong phe tạo phản của hệ thống ngoại giao đã gây ra rất nhiều ồn ào, nhưng ông Trần Nghị (ngoại trưởng khi đó) dường như không gặp vấn đề gì lớn... Cho nên lần này ông Tần Cương, người được ông Tập Cận Bình đích thân đề bạt, bị chứng thực là có vấn đề lớn và phải bước xuống, vậy địa vị lãnh đạo của ông ấy có thể sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Ngụy Kinh Sinh cho biết thêm, “Những người trong hệ thống ngoại giao nói chung là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, họ chỉ thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo cấp cao nhất, bởi vì quan hệ đối ngoại rất quan trọng.

“Họ thường không có liên quan gì đặc biệt đến xung đột nội bộ, cho nên từ những ngày đầu thành lập ĐCSTQ, hệ thống ngoại giao đã được trao cho những người như các ông Trần Nghị và Trương Văn Thiên (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), những người này không có gì phải tranh luận, họ chỉ cần làm công việc ngoại giao của mình là đủ, không phải tham gia đấu tranh gì trong đảng.

“Nói cách khác, các quan chức và quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao không bị chỉnh đốn nặng nề như vậy, kể cả trong Đại Cách mạng Văn hóa, nhưng bây giờ (vụ ông Tần Cương) lại gay gắt như thế, thực sự có một cuộc đấu tranh nội bộ ở đây, không phải là vấn đề ngoại giao chuyên nghiệp thuần túy”.

Ông Ngụy Kinh Sinh nói rằng, “Nếu ông Tần Cương bước xuống hoàn toàn, điều đó có nghĩa là đường lối ngoại giao của ĐCSTQ sẽ thay đổi. Bởi vì một lý do quan trọng khiến Tần Cương đi xuống là chọc giận những người như Vương Nghị. Tần Cương đã tỏ ra thân Mỹ hơn và mềm mỏng hơn với Hoa Kỳ, ông này thuộc phe xoa dịu quan hệ, còn ông Vương Nghị là phe kiên định thân Nga.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trước cuộc họp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/06/2023. (Ảnh: Leah Millis/Pool/AFP qua Getty Images)

“Vậy nên nếu ông Tần Cương bước xuống hoàn toàn, bất kể ông Vương Nghị tiếp tục làm ngoại trưởng hay tìm người khác, người mới này chắc chắn sẽ thuộc phe ngoại giao chiến lang, tức là phe kiên quyết thân Nga. Màu sắc thân Nga của Vương Nghị rất rõ ràng, ông ta không thể thay đổi màu sắc của mình, khi đó quan hệ Trung - Mỹ sẽ không được xoa dịu nữa, thậm chí có thể còn tồi tệ hơn.

“Vì vậy, trong trường hợp này, ông Tập Cận Bình có thể không muốn loại bỏ hoàn toàn Tần Cương, đó là lý do tại sao ông ta hiện vẫn chưa bị cắt hết chức vụ. Nhưng liệu ông Tập Cận Bình có đủ khả năng giữ Tần Cương ở lại? E rằng cũng tương đối khó khăn, bởi vì hiện tại người muốn hạ Tần Cương không chỉ có Vương Nghị, sau lưng Vương Nghị còn có một thế lực chống đối hùng hậu, có thể nhân vật đại diện của phe này chính là Tăng Khánh Hồng.

“Trong đảng có thể có rất nhiều người chống đối ông Tập Cận Bình, trước đây ai cũng không dám lên tiếng, nay có lẽ đã có một ngòi nổ, mọi người đều dám lên tiếng, quả bom sắp nổ tung. Thế nên trong trường hợp này, liệu ông Tập có giữ được Tần Cương hay không cũng là một câu hỏi lớn”.

Ông Thạch Sơn chỉ ra, “có lẽ Tập Cận Bình phát hiện rằng xung quanh ông ta toàn là đối thủ, sức uy hiếp rất lớn, nhưng rút kiếm ra lại không biết phải chém ai, cuối cùng chém loạn tứ phía, căn bản không biết kẻ địch ở đâu, đối thủ là ai, cho nên nền chính trị của ĐCSTQ rất, rất phức tạp và cũng rất, rất đáng sợ”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Sóng gió Trung Nam Hải: Từ Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh, hệ thống tình báo, cho đến thân Mỹ hay Nga