Phân tích: Ông Tần Cương có thể là 'trùm tình báo lớn nhất' của Bắc Kinh tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tần Cương đã bị miễn nhiệm chức Ngoại trưởng Trung Quốc sau một tháng mất tích. Giới chuyên gia Đài Loan phân tích, không loại trừ khả năng Tần Cương là “trùm tình báo lớn nhất” của mạng lưới gián điệp Trung Quốc tại Mỹ, điều này cũng cho thấy “nội bộ quân đội Trung Quốc đã xảy ra biến cố lớn”.

Vào ngày 25/7, chính phủ Trung Quốc tuyên bố bãi nhiệm ông Tần Cương khỏi chức bộ trưởng ngoại giao, người thay thế là Chánh Văn phòng Đối ngoại Trung ương Vương Nghị. Tuy nhiên, thông báo không đề cập đến lý do ông Tần Cương bị miễn chức, ông Tần cũng chưa bị hủy tư cách Ủy viên Quốc vụ.

Mạng tin tức FTNN đưa tin, ông Đổng Lập Văn (Dong Liwen), một ủy viên cố vấn của nhóm chuyên gia cố vấn Đài Loan, đã phân tích như sau: Trước khi ông Tần Cương mất tích, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 18/6 và hội đàm với ông Tần Cương và ông Vương Nghị, đồng thời gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngay sau khi cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner ở Nga kết thúc hôm 24/6, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo vào buổi chiều cùng ngày rằng Ngoại trưởng Tần Cương đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko tại Bắc Kinh để trao đổi quan điểm về quan hệ Trung - Nga cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nước cùng quan tâm. "Thời điểm này" cũng là ngày ông Tần Cương biến mất.

Ông Đổng Lập Văn nhận định rằng quan hệ Trung - Mỹ đã có chút hòa hoãn sau khi ông Tần Cương biến mất.

Đầu tiên, vào ngày 20/7, ông Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn 3 tuần và những đồn đoán liên quan cũng xuất hiện tràn lan. Tờ Wall Street Journal đưa tin, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, nói với phía Mỹ rằng ông Tần Cương vắng mặt vì "lý do sức khỏe" và đảm bảo rằng các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục được khơi thông.

Sau đó cũng trong ngày 20/7, ông Tập Cận Bình đã đón tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rất nồng hậu và còn gọi ông Kissinger là "người bạn cũ". Ông Kissinger vừa đón sinh nhật lần thứ 100 và cũng đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần, hai con số 100 này đặt cạnh nhau khiến chuyến thăm Trung Quốc lần này cũng ông Kissinger có ý nghĩa đặc biệt.

Ông Đổng Lập Văn cho rằng lần này ông Tập Cận Bình "đành phải chuyển hướng trận tuyến", trước tiên là để củng cố quan hệ Trung - Mỹ nhằm đối phó với những cú sốc chính trị lớn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoại giới rộ lên thông tin rằng nhiều tư lệnh thuộc Lực lượng Tên lửa và Lực lượng Chi viện Chiến lược Trung Quốc đang bị điều tra. Một trong số đó là ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), chỉ huy của Lực lượng Tên lửa, đã bị đưa đi điều tra vào ngày 27/6; con trai ông Lý hiện đang du học tại Mỹ và được cho là đã bán tin tình báo cơ mật của quân đội Trung Quốc.

Theo phân tích của ông Đổng Lập Văn, về lý thì vụ con trai ông Lý Ngọc Siêu làm lộ thông tin ở Hoa Kỳ không liên quan gì đến ông Tần Cương – cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Trừ khi ông Tần Cương là "trùm tình báo lớn nhất của mạng lưới gián điệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ". Suy đoán này cũng có cơ sở, bởi theo kế hoạch ban đầu của ông Chu Ân Lai – cựu Thủ tướng, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc, nhân viên tình báo, nhà ngoại giao và phóng viên thường trú tại nước ngoài của ĐCSTQ đều được đào tạo ra từ cái nôi gián điệp là đại học ngoại ngữ.

Ông Đổng Lập Văn cho biết, ông Tần Cương tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh, nơi nổi tiếng có mối quan hệ thân thiết với Cơ quan Tình báo Trung ương ĐCSTQ. Sau khi tốt nghiệp, ông Tần Cương được phân về vào "Cục Dịch vụ Nhân viên Ngoại giao Bắc Kinh" (DSB) trực thuộc Bộ An ninh Nhà nước, và được cử đến làm việc tại chi nhánh Bắc Kinh của United Press International. Cả hai đơn vị này đều là tổ chức gián điệp tình báo.

Ông Đổng Lập Văn chỉ ra, điều đáng chú ý là vụ việc "Lý Ngọc Siêu bị bắt đi" và "Tần Cương mất tích" gần như xảy ra cùng một lúc. Nhưng trong một tháng qua, Internet Trung Quốc đẩy rất mạnh thông tin về "chuyện tình cảm nam nữ" và "thân thế của Tần Cương"; trong khi đó lại không có chút tin tức gì về việc ông Lý Ngọc Siêu và các tướng lĩnh khác của Lực lượng Tên lửa bị điều tra. Không loại trừ khả năng ông Tập Cận Bình đang "vây Ngụy cứu Triệu", dùng Tần Cương để che đậy "việc hệ trọng trong quân đội ĐCSTQ".

ĐCSTQ là mối nguy lớn nhất trong xã hội Trung Quốc

Ông Tần Cương, 57 tuổi, là ngoại trưởng trẻ nhất của Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua, đồng thời cũng là ngoại trưởng "tại vị ngắn nhất" kể từ khi ĐCSTQ thành lập. Tung tích của ông Tần Cương sau khi bị miễn nhiệm vẫn là một bí ẩn.

Tờ Liberty Times của Đài Loan đưa tin, ông Triệu Thiên Lân (Zhao Tianlin), một nhà lập pháp từng là Chủ nhiệm Ban Các vấn đề Trung Quốc của Đảng Tiến bộ Dân chủ Đài Loan, chỉ ra vào hôm 26/7 rằng, ông Tập Cận Bình vừa bãi bỏ hệ thống nhiệm kỳ và thu hết quyền lực về tay, từ hệ thống đảng, chính phủ và quân đội, cho đến các nhóm nhỏ đều do ông Tập Cận Bình kiểm soát, điều đó có nghĩa là phong cách quản trị của ông ấy độc đoán chuyên chế hơn, nhưng cũng càng kém tự tin hơn.

Ông Triệu nói rằng, vụ việc lần này làm nổi bật lên rằng hệ thống chuyên quyền của Trung Quốc mới là vấn đề lớn nhất. Cho đến nay, vẫn chưa rõ tung tích của ông Tần Cương cũng như lý do bị cách chức. Đây là điều không mấy vẻ vang gì với một nước lớn. Ở Trung Quốc, chức Chánh Văn phòng Đối ngoại Trung ương còn cao hơn cả Bộ trưởng Ngoại giao, việc đưa ông Vương Nghị trở lại chức Ngoại trưởng đồng nghĩa với việc ông Tập Cận Bình không tin tưởng vào hệ thống ngoại giao dưới trướng ông Tần Cương.

Nhà cựu lập pháp này nói rằng, một quốc gia chuyên quyền như vậy trông có vẻ to lớn nhưng thực tế lại trống rỗng, chủ tịch của một nước như vậy trông có vẻ mạnh mẽ nhưng thực chất lại yếu đuối. Ngày nào hệ thống chuyên quyền ở Trung Quốc chưa thay đổi thì ngày đó nó vẫn là mỗi nguy cho toàn thế giới và xã hội Trung Quốc.

Ông Vương Hoằng Nhân (Wang Hongren), Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Cheng Kung (NCKU) của Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/7 với Hãng thông tấn Trung ương (CNA) rằng, ngoại giới biết rất ít thông tin về tình hình của ông Tần Cương, trước nay đây vẫn luôn là cách đấu tranh nhất quán trong ĐCSTQ, có thể mất 2 đến 3 tháng thì tình hình mới rõ ràng hơn.

Ông Vương cho rằng việc ông Tần Cương bị mất chức có thể là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ, có liên quan đến việc phân chia lợi ích nội bộ, v.v. Ông Tập Cận Bình và ông Vương Nghị vẫn đang nắm dây cương ngoại giao, việc “Tần xuống Vương lên” sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đường lối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.

Ông cũng cho rằng việc ông Tần Cương đột ngột biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng đã gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Toàn bộ vụ việc một lần nữa làm nổi trội hệ thống chính trị rất mờ đục của ĐCSTQ, nó gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.

Ông Ngô Sắt Trí (Wu Sezhi), nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển, phân tích rằng ông Tần Cương có thể đã được thăng chức quá nhanh, sau khi lên làm ngoại trưởng đã động chạm đến lợi ích của các phe phái trong nội bộ, vừa hay đối thủ lại nắm được sơ hở của ông ta nên ông này mới bị rơi vào tình huống đó. Việc đưa ông Vương Nghị trở lại chức Ngoại trường là cách tốt nhất hiện nay để dẹp yên nội bộ.

Ông Ngô cho rằng, "Giữ lại chức Ủy viên Quốc vụ cho ông Tần Cương là để làm con bài thương lượng". Việc loại bỏ ông Tần Cương khỏi chức ngoại trưởng là bước đầu để trấn áp tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngoại giao, ông Tập giữ lại vị trí ủy viên quốc vụ cho ông ấy không phải vì yêu mến hay quý trọng nhân tài, mà là để xem tình hình sau khi đưa ông Vương Nghị trở lại, nếu nội bộ vẫn bất ổn thì tiếp tục đem vị trí ủy viên quốc vụ của ông Tần Cương ra để dập lửa.

Theo Vision Times

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Ông Tần Cương có thể là 'trùm tình báo lớn nhất' của Bắc Kinh tại Mỹ