Ông Tần Cương đang bị giam giữ trong hệ thống Lục Chi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tần và những trường hợp biến mất đáng chú ý khác có thể có liên quan tới một hệ thống giam giữ bí mật ít được biết đến có tên là Lục Chi.

Nếu Bộ trưởng ngoại giao đang mất tích của Trung Quốc thực sự đang bị “kiểm tra kỷ luật” bởi giới cảnh sát nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì ông ấy có thể sẽ biến mất vào trong một hệ thống giam giữ bí mật ít được biết đến có tên là Lục Chi (Liuzhi).

Những vụ mất tích kỳ lạ này, thường kéo dài vài tháng, đến nửa năm, thậm chí hơn, không có gì mới. Bạn có nhớ cựu Chủ tịch Interpol Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ) không? Hay những ông trùm kinh doanh như Bao Fan, Yim Fung và Mao Xiaofeng? Hay cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Wang Linqing? Hay siêu doanh nhân của Trung Quốc Jack Ma?

Tất cả đều có điểm chung; họ dường như biến mất vào trong một hệ thống theo kiểu nhà tù Vịnh Guantanamo ít được biết đến, do đảng điều hành để giam giữ bí mật, biệt lập - ngoại trừ trong trường hợp này, nó không thuộc hệ thống nhà nước hay tư pháp mà lại do ĐCSTQ điều hành mà không có sự kiểm tra hay có các biện pháp kiềm chế và cân bằng.

Sự biến mất của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và những người khác được đề cập ở trên không phải là một lỗi trong hệ thống, như một số người lầm tưởng. Chúng không phải là những ngoại lệ ảnh hưởng đến một nạn nhân hiếm hoi nào đó. Đây chính là hệ thống.

Các hệ thống giam giữ đáng sợ

Trong một thời gian khá dài, Trung Quốc đã có một hệ thống để khiến người ta biến mất trong vòng nửa năm, không có sự liên lạc, giam giữ họ tại các địa điểm bí mật. Nó được gọi là “giám sát dân cư tại một địa điểm được chỉ định” hoặc RSDL. Nghe có vẻ vô hại, nhưng trên thực tế, nó còn đáng sợ hơn cả việc bị bắt giữ và đã được sử dụng hàng loạt cho những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động địa phương và thậm chí cả những người nổi tiếng như Phạm Băng Băng. Tuy nhiên, ĐCSTQ không hài lòng với việc chỉ có RSDL. Mặc dù có thể chặn tất cả các thông tin liên lạc và cấm tiếp cận luật sư, RSDL đã và đang là một phần của hệ thống tư pháp chính thức, và ĐCSTQ, mặc dù có gần như toàn quyền kiểm soát, nhưng vẫn vướng phải một số hạn chế và thiếu sót rất cơ bản với hệ thống này.

Vì vậy, ta có hệ thống Lục Chi.

Lục Chi hoạt động ít nhiều giống với hệ thống RSDL nhưng được điều hành bởi giới cảnh sát nội bộ của ĐCSTQ, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI). Vì nó không phải là một bộ phận của hệ thống tư pháp - dưới bất kỳ hình thức nào - nên quyền lực đối với các mục tiêu của nó là tuyệt đối. Hệ thống này không thể bị kiện vì tội tra tấn hoặc hành vi sai trái, và nếu nhà chức trách giam giữ bạn lâu hơn thời hạn tối đa được cho là sáu tháng, thì bạn sẽ không có nơi nào để kháng cáo. Tất nhiên, nạn nhân thậm chí không có quyền về mặt lý thuyết để tiếp cận luật sư vì nó không phải là một quy trình tư pháp - đây là một đặc điểm quan trọng của hệ thống, như một số quan chức đã giải thích khi hệ thống được đưa ra vào mùa xuân năm 2018. Và hệ thống này không chỉ áp dụng cho đảng viên mà còn cho các quan chức nhà nước, những người làm việc trong các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, “công đoàn lao động”, trường học và nhà thầu.

Kể từ khi hệ thống Lục Chi được triển khai, cơ quan phụ trách, CCDI, hiếm khi công bố bất kỳ dữ liệu nào, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, cơ quan này công bố một số thông tin ở cấp tỉnh. Dựa trên các dữ liệu đó, CCDI thừa nhận đã sử dụng nó cho khoảng 12.000 người kể từ khi hệ thống này có hiệu lực. Một ước tính thận trọng của Safeguard Defenders đưa ra con số khoảng 77.000 người, từ 35 đến 40 người mỗi ngày.

Hệ thống RSDL, hoạt động ở trạng thái hiện tại từ năm 2013, cũng không khá hơn là bao, với khoảng 30.000 trường hợp được thừa nhận từ năm 2020 - 2022 - nhưng nhiều khả năng có khoảng 65.000 đến 80.000 nạn nhân, tương đương khoảng 30 người mỗi ngày, theo tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tây Ban Nha, Safeguard Defenders.

Khi một chính phủ sử dụng những gì Liên Hợp Quốc đã phân loại là cưỡng bức mất tích và theo bất kỳ định nghĩa nào là giam giữ tùy tiện, thứ thường đi kèm với tra tấn dã man đối với khoảng 65 đến 70 người mỗi ngày hoặc đối với khoảng hơn 130.000 người kể từ năm 2018, thì đó không còn là một lỗi trong hệ thống.

Đó chính là hệ thống.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Peter Dahlin là người sáng lập tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders và là người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ China Action có trụ sở tại Bắc Kinh (2007–2016). Ông là tác giả của cuốn sách “Trial By Media” và là người đóng góp cho cuốn sách “The People’s Republic of the Disappeared”. Ông Dahlin sống ở Bắc Kinh từ năm 2007, cho đến khi bị giam giữ và đưa vào một nhà tù bí mật vào năm 2016; sau đó ông bị trục xuất và cấm nhập cảnh. Trước khi sống ở Trung Quốc, ông từng làm việc cho chính phủ Thụy Điển về các vấn đề bình đẳng giới. Hiện ông đang sống ở Madrid, Tây Ban Nha.



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tần Cương đang bị giam giữ trong hệ thống Lục Chi?