Trước ông Tần Cương, Trung Quốc cũng từng có các quan chức cấp cao 'đột ngột biến mất'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã "biến mất" hơn ba tuần và làm dấy lên nhiều đồn đoán từ bên ngoài. Chính trường Trung Quốc luôn bị ngoại giới coi là hoạt động trong hộp đen. Trước đây khi cựu Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn vì đấu tranh chính trị, Trung Nam Hải tuyên bố rằng ông đang “nghỉ phép để chữa bệnh”.

Ông Tần Cương được nhìn thấy lần cuối ở Bắc Kinh vào ngày 25/6, khi ông gặp các quan chức đến từ Sri Lanka, Nga và Việt Nam. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ông Tần Cương sẽ vắng mặt tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vì "lý do sức khỏe".

Thông thường, khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc đột ngột biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng, nó được coi là dấu hiệu của những rắc rối tiềm ẩn, dù cho đó là gặp phải vấn đề sức khỏe hay gặp khủng hoảng trên chính trường. Có thể kể đến vụ án của ông Vương Lập Quân - cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh, hay ông Mạnh Hoành Vĩ – cựu Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Chính quyền thông báo ông Vương Lập Quân vắng mặt do chữa bệnh

Vào tối ngày 6/2/2012, ông Vương Lập Quân, khi đó là Phó thị trưởng Trùng Khánh kiêm Giám đốc Công an thành phố, bất ngờ chạy vào Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô để xin tị nạn do đấu tranh chính trị với Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Vào thời điểm đó, có không ít cư dân mạng ở Thành Đô xác nhận rằng vào đêm xảy ra vụ án, rất đông cảnh sát chống bạo động đã xuất hiện gần Lãnh sự quán Mỹ và tiến hành thẩm vấn các phương tiện và người đi bộ đi qua.

Theo truyền thông nước ngoài, ông Vương Lập Quân đã ở lại lãnh sự quán khoảng một ngày, sau đó gặp các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); cuối cùng ông chọn rời khỏi lãnh sự quán Hoa Kỳ và bị chính quyền bắt giữ.

Cựu Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân vào ngày 6/3/2011 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Feng Li/Getty Images)

Khi đó chính quyền Trung Quốc cũng chưa công khai tin ông Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Mỹ. Trước sự “biến mất” đột ngột này, Văn phòng Thông tin của Chính quyền thành phố Trùng Khánh đã thông báo trên Weibo vào ngày 8/2/2012 rằng ông Vương Lập Quân đang được điều trị y tế vì lý do sức khỏe.

Một tháng sau, tại kỳ họp Lưỡng Hội của ĐCSTQ được tổ chức tại Bắc Kinh, chính quyền tiếp tục viện dẫn "lý do sức khỏe" cho sự vắng mặt của ông Vương Lập Quân.

“Lưỡng Hội” là cuộc họp của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) và cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Thông qua “Lưỡng Hội”, người dân Trung Quốc và thế giới sẽ biết được các ưu tiên cùng kế hoạch cho năm tiếp theo của chính quyền Bắc Kinh.

Sự kiện Vương Lập Quân đã ném một quả bom gây chấn động chính trường Trung Quốc. Vào ngày 14/3/2012, tại lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai ngồi trên đài chủ tịch với dáng vẻ cô đơn và mệt mỏi.

Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo đã trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo Lưỡng Hội, đây cũng là cuộc họp báo Lưỡng Hội cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Cuộc họp báo năm đó kéo dài 3 tiếng đồng hồ và vụ việc Vương Lập Quân là câu hỏi cuối cùng được đề cập.

Trước câu hỏi này, ông Ôn Gia Bảo công khai tuyên bố rằng giới lãnh đạo Trùng Khánh phải "suy ngẫm" về vụ bê bối Vương Lập Quân và "rút ra bài học" từ đó.

Ông cũng nói rõ rằng, Bạc Hy Lai và chiến dịch "hát đỏ, đánh đen" của ông ta ở Trùng Khánh là "tàn dư của Cách mạng Văn hóa" và phải bị loại bỏ.

“Hát đỏ” (hát nhạc đỏ, tuyên truyền cho ĐCSTQ) và “đánh đen” (bắt giữ, xét xử các băng nhóm xã hội đen) là hai chiến dịch chính trị gây tranh cãi của ông Bạc Hy Lai khi còn là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; đặc biệt, chiến dịch “đánh đen” bị nghi là công cụ che mắt để tra tấn, ép cung và tiêu diệt những người bất đồng chính kiến.

Ngày hôm sau, ông Bạc Hy Lai bị cách chức. Đồng thời, phía chính quyền thông báo rằng ông Vương Lập Quân cũng đã bị cách chức và đang bị điều tra.

Bạc Hy Lai tại phiên tòa xét xử
Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa xét xử. (Feng Li/Getty Images)

Ngày 24/9/2012, ông Vương Lập Quân bị kết án 15 năm tù vì các tội như phạm pháp vì tư lợi, đào tẩu, lạm quyền và nhận hối lộ.

Ngày 22/9 năm sau, ông Bạc Hy Lai bị buộc tội nhận hối lộ, tham ô, lạm quyền và bị kết án tù chung thân.

Sự kiện Vương Lập Quân đã khiến cuộc đấu tranh trong nội bộ ĐCSTQ trở nên công khai. Bạc Hy Lai là thành viên chủ chốt của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Sau khi ông ta bị hạ bệ, các thành viên cấp cao khác của phe Giang như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng cũng lần lượt ngã ngựa.

Mạnh Hoành Vĩ ‘biến mất’ sau khi về Trung Quốc, vợ ông báo án lên cảnh sát Pháp

Ngoài ông Vương Lập Quân, còn có ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã chính thức bị tuyên bố "ngã ngựa" sau khi "mất tích" trong một thời gian dài.

Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu chủ tịch Interpol, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Interpol Thế giới tại Singapore ngày 4/7/2017.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Interpol, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Interpol Thế giới tại Singapore ngày 4/7/2017. (ROSLAN RAHMAN/AFP via Getty Images)

Ông Mạnh Hoành Vĩ là người Trung Quốc đầu tiên giữ chức Chủ tịch Interpol. Tháng 9/2018, ông "biến mất" khi trên đường từ Pháp trở về Trung Quốc. Tháng 10 cùng năm, vợ ông là bà Cao Ca (Gao Ge) báo cảnh sát Pháp rằng ông Mạnh Hoành Vĩ đã mất tích.

Sau khi Interpol đưa ra tuyên bố yêu cầu các quan chức ĐCSTQ giải thích về tung tích của ông Mạnh Hoành Vĩ, vào ngày 7/10 cùng năm, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo trên trang web rằng ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì bị nghi ngờ vi phạm pháp luật.

Vào ngày 21/1/2020, ông Mạnh Hoành Vĩ bị kết án 13 năm rưỡi tù vì tội nhận hối lộ.

Trước ông Tần Cương, giới quan chức cấp cao Trung Quốc đã có tiền lệ về sự “biến mất đột ngột”. Vụ việc lần này lại một lần nữa cho thấy sự mờ đục trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trước ông Tần Cương, Trung Quốc cũng từng có các quan chức cấp cao 'đột ngột biến mất'