Chuyên gia: Ông Tập thăm châu Âu nhằm gây chia rẽ với Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nhà nghiên cứu, chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới châu Âu là nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm chia rẽ châu Âu và Hoa Kỳ thông qua dụ dỗ và cưỡng bức kinh tế.

Theo lịch trình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có kế hoạch thăm ba nước châu Âu từ ngày 5 đến ngày 10/5. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới châu Âu sau 5 năm.

Các nhà nghiên cứu Đài Loan Lai Rongwei và Wang Guo-chen cho biết chuyến đi là nỗ lực mới của ĐCSTQ nhằm chia rẽ châu Âu và Hoa Kỳ thông qua dụ dỗ và cưỡng bức kinh tế.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu gia tăng, khi EU đang tiến hành điều tra về khoản trợ cấp nhà nước của ĐCSTQ dành cho các công ty Trung Quốc nhằm giúp các công ty này hạ giá bán thấp hơn các đối thủ châu Âu.

Ba quốc gia mà ông Tập có kế hoạch tới thăm là Pháp, Hungary và Serbia.

Pháp được coi là mắt xích yếu trong EU vì nước này rất coi trọng thương mại với Trung Quốc.

Hungary là quốc gia thân thiện nhất ở EU với ĐCSTQ và Serbia được biết đến là nước ủng hộ nhiệt tình chế độ Trung Quốc.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nằm trong số ít quan chức châu Âu tham dự diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh vào tháng 10/2023.

Ông Lai, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan, nói với The Epoch Times về chuyến đi của ông Tập tới châu Âu:“[ĐCSTQ] muốn tạo ra cái gọi là bất hợp tác và mất đoàn kết giữa các nước châu Âu và thậm chí còn muốn gây bất hòa giữa châu Âu và Hoa Kỳ”. “Sau đó, sử dụng điều này để phá vỡ sự kìm hãm của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc”.

Ông nói rằng ông Tập “có ý định sử dụng thủ đoạn cũ của mình, cưỡng bức kinh tế [để đạt được mục tiêu của mình]”.

Hoa Kỳ đã thể hiện sự ủng hộ của công khai đối với các quốc gia bị ĐCSTQ cưỡng bức về kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường nỗ lực trong những năm gần đây để tư vấn cho các nước lập chiến lược về cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và cách ứng phó với các mối đe dọa từ ĐCSTQ, đặc biệt là sau khi chế độ này trả đũa Lithuania vì đã ủng hộ chủ quyền của Đài Loan vào năm 2020. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã giúp Philippines mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm các nguồn lực khác để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, khi căng thẳng với Bắc Kinh leo thang về tranh chấp Biển Đông.

Ông Lai cho biết lời khuyên của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với các nước khác cho thế giới thấy rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ nếu bất kỳ quốc gia nào bị ĐCSTQ cưỡng bức về mặt kinh tế.

Ông nói: “Đây là cấp độ chiến lược rất cao nhằm hỗ trợ các đồng minh ngăn chặn [ĐCSTQ] làm những việc phá hoại hiện trạng trong nền hòa bình khu vực”.

“Có thể thấy từ hàng loạt hành động này rằng Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã thực sự nhận thấy [ĐCSTQ] sử dụng các biện pháp kinh tế để tạo ra áp bức. Chỉ có một vài quốc gia ở châu Âu có nền kinh tế yếu kém cần trao đổi kinh tế với Trung Quốc”.

Ông Wang, trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua ở Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Bức tranh tổng thể về châu Âu và Hoa Kỳ có lẽ rất rõ ràng, tức là từ cuộc đối đầu đơn phương ban đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nó hiện đang dần mở rộng sang EU và Nhật Bản để cùng nhau chống lại sự cưỡng bức kinh tế của [ĐCSTQ], từ các cuộc chiến thuế quan truyền thống đến lệnh cấm công nghệ, và hiện đang nâng lên mức độ an ninh kinh tế”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Ông Tập thăm châu Âu nhằm gây chia rẽ với Mỹ