Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden - Một thắng lợi ngoại giao to lớn của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (10/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Việt Nam sau khi vừa tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) ở Ấn Độ. Tại Hà Nội, Tổng thống Biden đã gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và cả hai nhà lãnh đạo đều công khai tuyên bố tăng cường mối quan hệ, gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Hoa Kỳ và Việt Nam 'xác lập Đối tác Chiến lược Toàn diện'

Chính phủ Việt Nam đã nâng quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức cao nhất để trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này đưa Mỹ ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Cùng với ông Nguyễn Phú Trọng, ông Biden đã tham gia lễ duyệt binh tổ chức tại Phủ Chủ tịch và nhận được sự chào đón nồng nhiệt.

Giới phân tích cho hay, chuyến thăm Việt Nam của ông Biden tuy ngắn nhưng sẽ có tác động đáng kể đến nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng phát triển, cũng như tranh chấp Biển Đông kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng nóng lên.

Tuyên bố chung Mỹ - Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao

Ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times đưa tin, Tổng thống Biden đã gọi đây là chuyến thăm “lịch sử” trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với ông Trọng. Ông Biden cũng ca ngợi những tiến bộ đạt được trong quan hệ giữa hai nước, từ “xung đột đến bình thường hóa” với vị thế mới được củng cố.

Tại cuộc họp báo ngày 10/9, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước quyết định thông qua Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững”.

Tổng thống Mỹ Biden cho hay: “Việt Nam là một lực lượng quan trọng trên thế giới, cũng là đầu tàu trong một khu vực trọng điểm. Tôi mong muốn tiếp tục viết nên một chương mới trong lịch sử của cả hai nước”.

Hai nhà lãnh đạo được cho là đã có cuộc điện đàm từ nhiều tháng trước và nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác.

Tổng thống Mỹ Biden đã nỗ lực lôi kéo từng nước láng giềng của Trung Quốc về phe Mỹ.

Trong 5 tháng qua, ông đã tiếp đón ông Marcos Jr,, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tiếp đón một Tổng thống Philippines tại Nhà Trắng trong hơn một thập kỷ. Ngoài ra, ông Biden còn tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cấp nhà nước để tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ.

Chưa dừng lại ở đó, ông chủ Nhà Trắng cũng đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên mang tính biểu tượng tại khu nghỉ dưỡng tổng thống nổi tiếng Trại David, tiểu bang Maryland.

Đài CNN dẫn tin từ các quan chức Mỹ cho hay, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ sẽ được hiện thực hóa thông qua việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.

“Điều này đánh dấu một giai đoạn tái định hướng cơ bản mới giữa Mỹ và Việt Nam”, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết trước khi ông Biden đến Hà Nội.

Quan chức này tiếp tục: “Điều này sẽ không dễ dàng với Việt Nam khi phải đối mặt với áp lực rất lớn từ Trung Quốc. Chúng tôi nhận thức được những vấn đề này và Tổng thống Biden cũng sẽ rất thận trọng khi thiết lập quan hệ hữu nghị với Việt Nam".

Chuyên gia: Một thắng lợi ngoại giao cho Mỹ

Tại Đông Nam Á - khu vực tiền tuyến cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - Việt Nam với tư cách là quốc gia giáp ranh với Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.

Năm 1995, 22 năm sau khi Mỹ kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Washington và Hà Nội đã bình thường hóa quan hệ và trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” kể từ năm 2013.

Đài NBC đưa tin, Phó Giáo sư Alexander L. Vuving, thuộc Trung tâm An ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, cho biết việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam là một chiến thắng ngoại giao to lớn đối với Hoa Kỳ.

Ông nói rằng trong những năm gần đây, ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước như Campuchia, Lào và Myanmar, và việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt đã “điều chỉnh cán cân quyền lực trong khu vực ở một mức độ nhất định”. Ông tin rằng điều này một phần là do “cam kết chung” của Mỹ và Việt Nam trong việc ngăn chặn ĐCSTQ thống trị châu Á.

Ông nói, Việt Nam muốn “hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, giao thương với Trung Quốc, nhưng đồng thời họ cũng muốn giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương trước Trung Quốc”.

Việt Nam có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Mỹ. Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số, năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ bảy của Hoa Kỳ. Đồng thời, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Mỹ cũng là nguồn khách du lịch lớn thứ hai của Việt Nam trong năm ngoái, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Chip, đất hiếm, và an ninh

Đài Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, một trong những nội dung cốt lõi trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden là vấn đề chất bán dẫn.

Theo Đạo luật CHIPS, chính phủ Mỹ cung cấp 100 triệu USD mỗi năm trong 5 năm để hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Các quan chức Mỹ cho biết phần lớn trong số đó có thể sẽ đến Việt Nam.

Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á năm ngoái, đặt mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn tiếp theo của thế giới và có ngành công nghiệp xe điện đang phát triển. Tháng trước, hãng sản xuất ô tô điện Việt Nam VinFast đã chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và tăng vọt về giá trị, vượt qua Ford và General Motors để trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam như một điểm đến "gia công phần mềm thân thiện" cho các công ty công nghệ Mỹ, các Giám đốc điều hành (CEO) của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đã gặp gỡ các CEO công nghệ Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Hà Nội vào thứ Hai (11/9).

Mỹ cũng dự kiến sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc đào tạo lao động lành nghề trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư trầm trọng trong ngành chip.

Các quan chức Mỹ cho biết, một vấn đề quan trọng khác là tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm. Mỹ ước tính rằng xét về trữ lượng đất hiếm, Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Hai nguồn thạo tin cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Biden dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận về đất hiếm.

Ngày 10/9, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer đã đến thăm Việt Nam cùng ông Biden sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.

Phát biểu trước báo giới, ông nói rằng việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt sẽ bao gồm cả khía cạnh an ninh. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ và các đối tác có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Việt Nam để nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, một lời đề nghị mà ông cho biết Việt Nam sẵn sàng chấp nhận.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden - Một thắng lợi ngoại giao to lớn của Mỹ