Ông Biden thách thức Trung Quốc khi thắt chặt quan hệ với Ấn Độ và Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ nêu bật sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và phản chiếu với những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi ông gặp lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào cuối tuần này ở Ấn Độ. Động thái này nhằm khẳng định vị thế của Mỹ là đối tác đáng tin cậy hơn.

Sau hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày tại New Delhi (Ấn Độ), ông chủ Nhà Trắng sẽ tới Việt Nam để công khai tuyên bố cải thiện quan hệ liên minh với quốc gia này, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Chuyến công du châu Á của ông Biden diễn ra trong bối cảnh sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng là thời điểm Washington đang tìm cách tăng cường liên minh và quan hệ với các nước, đặc biệt là các quốc gia ở Nam bán cầu.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Biden phải đối mặt với một loạt thách thức chính sách đối nội cấp bách, bao gồm cả khả năng chính phủ đóng cửa và cuộc điều tra luận tội ông do Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiến hành.

Lãnh đạo của các quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới sẽ gặp nhau tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào ngày 9/9 - 10/9 để giải quyết một loạt mối quan ngại, từ biến đổi khí hậu cho đến an ninh kinh tế.

Trong thời gian ở Ấn Độ, Tổng thống Biden dự kiến ​​sẽ gặp một số nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cả Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman.

Theo Nhà Trắng, hôm 8/9, ông Biden sẽ tổ chức cuộc gặp song phương đầu tiên tại Ấn Độ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Washington hồi tháng 6, ông Modi đã được chào đón nồng nhiệt tại Nhà Trắng.

Tại đây, cả hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung dài và một danh sách dài các mục tiêu tập trung vào an ninh kinh tế, quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tập trung vào chủ đề chuyển đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Theo ông Richard M. Rossow, Cố vấn cấp cao kiêm Chủ tịch Nghiên cứu Chính sách Mỹ - Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chính quyền ông Biden đang khuyến khích các tập đoàn của Mỹ đầu tư vào Ấn Độ trong các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Ông Rossow tuyên bố trong cuộc họp báo của CSIS trước hội nghị thượng đỉnh G20 rằng nếu các công ty Mỹ chọn rời khỏi Trung Quốc, thì sẽ có “sự khuyến khích trực tiếp” để họ coi Ấn Độ là một cơ sở sản xuất thay thế trong khu vực.

Ấn Độ hay Bharat?

Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào thời điểm chính phủ của ông Modi đang nỗ lực đổi tên đất nước từ Ấn Độ thành Bharat.

Theo các nhà sử học, Bharat là một từ tiếng Phạn cổ có nguồn gốc từ các tác phẩm đầu tiên của đạo Hindu. Từ này cũng có nghĩa là Ấn Độ trong tiếng Hindi.

Trong thiệp mời ăn tối gửi tới các vị khách tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu được gọi là "Tổng thống Bharat" chứ không phải "Tổng thống Ấn Độ". Điều này làm dấy lên phỏng đoán rằng đảng dân tộc chủ nghĩa của ông Modi đang nhắm đến việc loại bỏ những tên tuổi thời thuộc địa. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở nước này cho rằng cái tên Ấn Độ do thực dân Anh đặt ra và do đó là "biểu tượng của chế độ nô lệ".

Trước hội nghị thượng đỉnh, một số tổ chức nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về việc chính phủ của ông Modi ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Hindu cực hữu và hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Họ cho rằng chính những điều đó đã tạo ra một môi trường thù địch cho các nhóm thiểu số (đặc biệt là người Hồi giáo) ở nước này.

Ngoài ra, cả Washington và các đồng minh châu Âu đều lo ngại về mối liên hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga và sự do dự của nước này trong việc đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ tố cáo cuộc chiến ở Ukraine.

Chiến tranh Ukraine chia rẽ G20

Các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí ra một thông cáo chung vào cuối hội nghị thượng đỉnh hồi năm ngoái, trong đó họ "lên án mạnh mẽ" cuộc chiến ở Ukraine.

Tuyên bố nêu rõ: "Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đang gây ra nỗi thống khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".

Tuy nhiên, tuyên bố cũng chỉ ra rằng có "những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt".

Hiện vẫn chưa rõ thông cáo năm nay sẽ giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine như thế nào. Trong khi một số quốc gia yêu cầu sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ để lên án cuộc xung đột ở Ukraine, thì Ấn Độ, chủ tịch hiện tại của G20, đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng trong tuyên bố hội nghị thượng đỉnh.

Theo bà Stephanie Segal, thành viên cấp cao của CSIS, vấn đề Ukraine sẽ là một thách thức lớn đối với Ấn Độ.

"Ấn Độ, cũng giống như người tiền nhiệm Indonesia, trong vai trò chủ tịch G20, sẽ gặp thách thức thực sự trong việc cố gắng tạo dựng sự đồng thuận xung quanh các vấn đề trong một nhóm, mà trên thực tế, [nhóm này] khá rời rạc và bị chia rẽ phần lớn do việc Nga không ngừng xâm lược Ukraine”, bà nói trong cuộc họp báo của CSIS.

Bà tin rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tập trung vào những thách thức kinh tế toàn cầu sẽ giúp các nhà lãnh đạo đạt được một số tiến bộ và đồng thuận.

Theo Nhà Trắng, ưu tiên chính của Tổng thống Biden tại hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ là đề xuất tăng cường sức mạnh cho các ngân hàng phát triển đa phương, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), như một giải pháp thay thế cho việc cho vay cưỡng bức của Trung Quốc.

Ông Putin và ông Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh Bali vào năm 2022 và cũng sẽ vắng mặt tại hội nghị năm nay tại New Delhi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị, làm dấy lên lo ngại về sự vắng mặt của ông.

Sau khi biết nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, Tổng thống Biden đã bày tỏ sự tiếc nuối. Họ gặp nhau lần cuối vào ngày 14/11/2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.

Theo ông Dennis Wilder, thành viên cấp cao của Sáng kiến Đối thoại Mỹ - Trung về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Georgetown, việc vắng bóng một nhà lãnh đạo lớn là "một vấn đề khá nghiêm trọng".

Ông Wilder nói với đài NTD TV rằng có nhiều cách lý giải khác nhau đằng sau sự lựa chọn của Trung Quốc. Nhưng lý do chính là ông Tập chưa sẵn sàng gặp ông Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh, và việc tham dự G20 mà lại từ chối yêu cầu gặp của ông Biden sẽ gây khó xử.

“Tôi nghĩ họ đang mong chờ cuộc gặp với ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng 11", ông nói.

Một lý giải khác cho sự vắng mặt của ông Tập là mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

“Trong thời gian chuẩn bị cho G20, người Ấn Độ đã tổ chức một trong những cuộc họp trù bị ở Arunachal Pradesh. Động thái này khiến người Trung Quốc tức giận vì đây là lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước. Và gần đây đã có những bất đồng về bản đồ mới do người Trung Quốc phát hành”, ông Wilder tiếp tục.

Việc Trung Quốc xuất bản một bản đồ chính thức mới một tuần trước hội nghị thượng đỉnh nhằm tái khẳng định yêu sách của mình đối với các vùng lãnh thổ thuộc về các quốc gia khác. Động thái này đã gây ra sự phản đối giận dữ từ Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan.

Việt Nam là điểm dừng chân tiếp theo của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Biden sẽ bay tới Việt Nam vào ngày 10/9 sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Delhi. Tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam.

Theo ông Gregory Poling, thành viên cấp cao kiêm giám đốc chương trình Đông Nam Á và sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại CSIS, Tổng thống Biden và ông Trọng có một số mối liên hệ cá nhân.

Ông Poling cho biết trong cuộc họp báo CSIS rằng hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm nhiều tháng trước và được cho là đã đồng ý nâng tầm quan hệ đối tác, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với người Việt Nam hơn là đối với người Mỹ.

Ông giải thích rằng Việt Nam có sự phân cấp rất rõ ràng trong quan hệ ngoại giao.

Theo ông Poling, Mỹ vốn đã ở vị trí áp chót trong hệ thống phân cấp này, nhưng với chuyến thăm của ông Biden, nước này có thể được nâng lên thành đối tác hàng đầu của Việt Nam và trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”.

Việt Nam hiện coi bốn quốc gia là quan trọng nhất trong quan hệ đối ngoại của mình: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.

“Tôi cho rằng vấn đề này khá lớn khi xét đến việc đây là một quốc gia sẽ không bao giờ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, bởi nước này nằm sát biên giới với Trung Quốc. [Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden] đã phát đi một thông điệp chính trị khá quan trọng rằng Hà Nội lo ngại về Bắc Kinh đến mức họ sẵn sàng nâng cấp mối quan hệ Mỹ - Việt chính thức lên mức cao nhất”, ông Poling cho hay.

“Và tất cả đều xuất phát từ những lo ngại về Trung Quốc”, ông Poling kết luận.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden thách thức Trung Quốc khi thắt chặt quan hệ với Ấn Độ và Việt Nam