Tổng thống Biden 'thất vọng' vì Chủ tịch Tập Cận Bình không dự G20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (3/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông “thất vọng” khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 18 tại New Delhi, Ấn Độ, trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 4/9 xác nhận rằng Thủ tướng Lý Cường sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thay mặt cho ông Tập.

Hãng tin Reuters tuần trước dẫn lời các quan chức Ấn Độ (phát biểu với điều kiện ẩn danh) đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) có thể sẽ thay mặt ông Tập tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên ở tiểu bang Delaware, ông Biden được hỏi về khả năng ông Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh, ông trả lời: "Tôi rất thất vọng, nhưng tôi sẽ tìm cách gặp ông ấy”.

Đến chiều thứ Hai (4/9), Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức xác nhận rằng ông Lý Cường sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày, thay mặt cho ông Tập.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, nhận lời mời của chính phủ Ấn Độ, Thủ tướng Quốc Vụ Viện Lý Cường sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 18 tại New Delhi, Ấn Độ từ ngày 9/9 - 10/9.

“G20 là một diễn đàn lớn về hợp tác kinh tế quốc tế. Trung Quốc luôn coi trọng và tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan”, bà Mao Ninh cho hay.

Tổng thống Biden sẽ tới Ấn Độ từ ngày 7/9 đến ngày 10/9 để dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Sự kiện này quy tụ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới để thảo luận về những nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết các mối quan ngại toàn cầu.

Tổng thống Mỹ không nói rõ khi nào cuộc gặp tiếp theo của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra. Hai người gặp nhau lần cuối bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào ngày 14/11/2022.

Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trại David (Mỹ) vào ngày 18/8, ông Biden nói rằng ông dự kiến sẽ gặp ông Tập vào mùa thu này.

Ông nói với các phóng viên: “Tôi mong đợi và hy vọng sẽ tiếp tục cuộc đối thoại của chúng tôi ở Bali vào mùa thu này. Đó là kỳ vọng của tôi”.

Theo các nguồn tin truyền thông Ấn Độ, chính phủ nước này chưa nhận được thông tin nào từ Bắc Kinh về việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cũng từ chối bình luận về chủ đề này.

Ông Uông nói với các phóng viên vào tuần trước: “Tôi không có thông tin nào để cung cấp về việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G20”.

Thủ tướng Ấn Độ chỉ trích ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như đã gián tiếp đả kích Bắc Kinh trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Business Today khi ông nói về các thế lực đang tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ của các nước khác.

“Mỗi quốc gia có nghĩa vụ phải tự bảo vệ mình khỏi tình trạng vô kỷ luật tài chính, nhưng có những thế lực đã tìm cách lợi dụng quá mức bằng cách gây ra các cuộc khủng hoảng nợ. Những thế lực này đã lợi dụng sự bất lực của các quốc gia khác và đẩy họ vào bẫy nợ”, ông Modi cho hay.

Thủ tướng Ấn Độ tiếp tục cho biết, các nước G20 đã và đang giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhiều nước trong số đó đang gặp khó khăn do các khoản vay không bền vững, kể từ năm 2021.

Bắc Kinh đã bị trừng phạt vì các hoạt động cho vay đối với các quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đây được coi là một chiến lược để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền giành quyền kiểm soát các tài sản quan trọng ở các thị trường mới nổi.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chính quyền Trung Quốc đã cấp các khoản vay trị giá khoảng 240 tỷ USD cho 22 quốc gia đang phát triển trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2021.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hơn nữa, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp và 30% các nền kinh tế thị trường mới nổi đang gặp phải hoặc có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng kể từ cuộc đụng độ giữa quân đội giữa hai nước ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya vào năm 2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Cuộc xung đột năm 2020 đã dẫn đến việc hai nước tăng cường quân sự đáng kể ở cả hai bên biên giới tranh chấp. Ấn Độ từng tuyên bố rằng việc khôi phục quan hệ bình thường với ĐCSTQ là “không thể” nếu vấn đề biên giới không được giải quyết.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden 'thất vọng' vì Chủ tịch Tập Cận Bình không dự G20