Lực lượng Tên lửa quan trọng như thế nào đối với ông Tập Cận Bình?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi ông Tập Cận Bình bất ngờ thay Tư lệnh và Chính ủy của Lực lượng Tên lửa, lực lượng bí mật này của Trung Quốc càng được ngoại giới chú ý hơn. Lực lượng Tên lửa đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Các chuyên gia cho rằng nếu ông Tập thiếu niềm tin vào các tướng lĩnh dưới trướng, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định Trung Quốc có xâm chiếm Đài Loan hay không.

Trong những năm gần đây, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã từ một bộ chỉ huy nhỏ chuyên quản lý các tên lửa tầm ngắn phát triển thành lực lượng phụ trách giám sát kho dự trữ hạt nhân đang được mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và được tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của chế độ.

Các hoạt động của Lực lượng Tên lửa nhạy cảm tới mức truyền thông nhà nước Trung Quốc cung cấp rất ít thông tin chi tiết về lực lượng này. Tuy nhiên, việc ông Tập Cận Bình bất ngờ loại bỏ lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa trong tuần này đã mở ra cơ hội cho ngoại giới hiểu thêm các vấn đề nội bộ của nó. Các nhà phân tích cho rằng, đây là cuộc thanh trừng có quy mô nhất trong nhiều năm qua, ông Tập đang giám sát một chiến dịch toàn diện nhằm củng cố lòng trung thành và siết chặt quyền uy của ông đối với quân đội Trung Quốc.

Dưới đây là 5 điều cần biết về Lực lượng Tên lửa và cuộc thanh trừng lần này:

  1. Lực lượng Tên lửa được thành lập khi nào?

Tiền thân của Lực lượng Tên lửa là "Bộ đội Pháo binh 2", một binh chủng độc lập mang tính chiến lược tồn tại từ năm 1966 đến năm 2015. Khi đó, "Bộ đội Pháo binh 2" chịu trách nhiệm quản lý kho tên lửa tầm ngắn bố trí trên mặt đất của Trung Quốc, với số lượng ít. Sách trắng năm 2013 của ĐCSTQ có tên “Sự vận dụng đa dạng của Lực lượng vũ trang Trung Quốc” viết rằng, đến năm 2013, "Bộ đội Pháo binh 2" chịu trách nhiệm hoàn toàn về kho vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ và thực hiện các nhiệm vụ tấn công chính xác bằng tên lửa thông thường.

Năm 2015, ông Tập Cận Bình bắt đầu các biện pháp cải tổ quân đội, cắt giảm 300.000 người và nâng cấp "Bộ đội Pháo binh 2" thành Lực lượng Tên lửa, đưa lực lượng này ngang hàng với Lục quân, Hải quân và Không quân. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông, cùng lúc đó Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tên lửa tầm xa mang nhiều đầu đạn.

  1. Lực lượng Tên lửa quan trọng như thế nào đối với ông Tập Cận Bình?

Ông Tập từng nói rằng, Lực lượng Tên lửa đóng vai trò "không thể thay thế" trong việc ngăn chặn các mối đe dọa và đảm bảo an ninh quốc gia. Có một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của đội quân này là: ông Ngụy Phượng Hòa, cựu chỉ huy Lực lượng Tên lửa, đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào năm 2018.

Mặc dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Hải quân, Không quân hay Lục quân, Lực lượng Tên lửa có các chuyên gia về tên lửa hạt nhân, họ có ý nghĩa rất quan trọng đối với ĐCSTQ.

Lực lượng Tên lửa kiểm soát các chương trình tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết trong một báo cáo năm ngoái rằng, Trung Quốc đã tăng tốc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây; đến năm 2035, số lượng đầu đạn hạt nhân có thể tác chiến của Trung Quốc có thể sẽ tăng từ khoảng 400 (dữ liệu năm 2022) lên khoảng 1.500.

Trong những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập đến việc thống nhất Đài Loan và công khai nhấn mạnh rằng không loại trừ khả năng tấn công quân sự. Một khi ĐCSTQ thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, tên lửa của Lực lượng Tên lửa có thể được sử dụng để nhắm vào quốc đảo này. ĐCSTQ đã phóng tên lửa đạn đạo bay qua Đài Loan trong Cuộc tập trận quân sự Vòng quanh Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, nhằm đe dọa Đài Loan về mặt quân sự.

  1. Điều gì đã xảy ra với lãnh đạo Lực lượng Tên lửa?

Quân ủy Trung ương Trung Quốc hôm 31/7 thông báo rằng ông Vương Hậu Bân và ông Từ Tây Thịnh được thăng lên Thượng tướng, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ lần lượt giữ chức Tư lệnh và Chính ủy của Lực lượng Tên lửa. Điều này gián tiếp xác nhận rằng nguyên Tư lệnh Lý Ngọc Siêu và nguyên Chính ủy Từ Trung Ba của Lực lượng Tên lửa đã bị cách chức. Hai người này đã “mất tích” từ vài tháng trước.

Ông Lý Ngọc Siêu được thăng chức chỉ huy Lực lượng Tên lửa vào tháng 1/2022 và chỉ tại vị trong một năm rưỡi. Tờ Wall Street Journal cho rằng việc ông Lý Ngọc Siêu bị cách chức đã đánh dấu sự kết thúc đột ngột nhiệm kỳ ngắn bất thường của ông tại một chức vụ quan trọng trong quân đội. Trong khi trước đó vài ngày, Trung Quốc vừa thay bộ trưởng ngoại giao, đây cũng là một quyết định đầy bí ẩn khác.

Ông Vương Hậu Bân và ông Từ Tây Thịnh đều chưa từng phục vụ trong Lực lượng Tên lửa, họ lần lượt xuất thân từ Hải quân và Không quân. Theo Bloomberg, giới phân tích Trung Quốc cho rằng, việc bổ nhiệm nhân sự bên ngoài Lực lượng Tên lửa vào các vị trí chủ chốt cho thấy ông Tập Cận Bình đang muốn thanh lọc Lực lượng Tên lửa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường sự lãnh đạo đối với quân đội, đồng thời quân đội Trung Quốc cũng đang điều tra một vụ án tham nhũng cách đây hơn 5 năm.

Theo Wall Street Journal, ông Taylor Fravel, Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đã viết nhiều bài báo về quân đội Trung Quốc, cho rằng việc bổ nhiệm các quan chức bên ngoài Lực lượng Tên lửa làm chỉ huy đồng nghĩa với việc ông Lý Ngọc Siêu đã bị điều tra ra là có vấn đề nghiêm trọng, đồng thời cũng phản ánh rằng ông Tập Cận Bình rất coi trọng Lực lượng Tên lửa; trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang xấu đi, Lực lượng Tên lửa đang được mở rộng trên quy mô lớn.

  1. Biến động nhân sự này làm nổi bật những thách thức mà ông Tập phải đối mặt

Ông Lyle Morris, một nhà nghiên cứu tại “Viện Chính sách Xã hội Châu Á”, nói rằng: “Sự rớt đài của ông Lý Ngọc Siêu, cùng với sự ra đi của ông Tần Cương, là một trong những thách thức lớn nhất về mặt lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt trong một thời gian dài”.

Ông Morris cho biết trên Twitter rằng, ông Lý Ngọc Siêu và ông Từ Trung Ba gần như chắc chắn bị điều tra vì tội tham nhũng. Ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền kiểm soát quân đội của mình theo cách chưa từng có, nhưng điều đó không có nghĩa là hiện nay ông ấy đã hoàn thành việc chỉnh đốn quân đội. Khi ĐCSTQ nói về chống tham nhũng trong quân đội, điều đó ám chỉ rằng ông Tập Cận Bình vẫn lo lắng vì “không nhận được sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với mình”.

Tuần trước, tờ South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời nguồn thạo tin tiết lộ rằng Tư lệnh Lý Ngọc Siêu, Phó Tư lệnh Lưu Quang Bân, và ông Trương Chấn Trung - cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và hiện là Phó Tham mưu trưởng của Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương - đã bị cơ quan chống tham nhũng của quân đội đưa đi điều tra.

Ngoại giới chú ý thấy rằng, ông Lưu Quang Bân, phó tư lệnh Lực lượng Tên lửa, cũng đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong vài tháng.

Tuần này, tờ Financial Times dẫn lời hai quan chức cấp cao của chính phủ nước ngoài cho biết, lãnh đạo Lực lượng Tên lửa đang bị điều tra vì làm rò rỉ bí mật quân sự.

Tờ Bloomberg chỉ ra, tham nhũng ở cấp cao nhất trong quân đội sẽ giáng thêm một đòn nữa vào chiến dịch làm sạch quân đội trong gần như toàn bộ nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình. Kể từ năm 2014, ĐCSTQ đã mở cuộc điều tra đối với một số tướng lĩnh cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu, trong đó có hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Năm 2019, ông Phòng Phong Huy, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp của Quân ủy Trung ương, đã bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Ông Phòng từng được coi là "vị tướng hết sức quan trọng và chói lọi trong quân đội" của ĐCSTQ. Năm 2017, ông này đã tháp tùng ông Tập Cận Bình tới cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tại Florida.

Ông Tai Ming Cheung, Giám đốc Viện nghiên cứu Hợp tác và Xung đột Toàn cầu tại Đại học California, Mỹ cho biết quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình cho thấy, ông ấy sẵn sàng chấp nhận rủi ro ngắn hạn - có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả tác chiến - để giải quyết các vấn đề cốt lõi.

Cuộc cải tổ cấp cao trong Lực lượng Tên lửa diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương bị miễn nhiệm. Ông Tần Cương được một tay ông Tập Cận Bình đề bạt và có mối quan hệ thân thiết với ông Tập. Tuy nhiên, Tần Cương vẫn biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Trong cả hai trường hợp này, Trung Quốc đều không đưa ra lời giải thích chính thức.

Theo The Washington Post, các nhà phân tích cho biết các sự cố này có thể ám chỉ rằng nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập có khả năng xuất hiện những vết nứt, chúng cũng dự báo sự bất ổn hơn nữa ở cấp cao nhất trong đảng.

Ông Lin Ying-Yu (Lâm Dĩnh Hựu), Giáo sư Trợ lý (Assistant Professor) về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan cho biết: "Điều này làm nổi bật các vấn đề của ông Tập Cận Bình trong cả hệ thống ngoại giao và quân sự”. “Nó cho thấy ông Tập Cận Bình có thể đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nội bộ”.

Ông Neil Thomas, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc “Viện Chính sách Xã hội Châu Á”, cho biết: "Quyết định thanh trừng lãnh đạo Lực lượng Tên lửa của Tập Cận Bình cho thấy ông ấy vẫn đang kiểm soát quân đội, nhưng chiến dịch chống tham nhũng kéo dài cả thập kỷ của ông ấy vẫn chưa thể loại bỏ nạn tham nhũng trong hàng ngũ sĩ quan cấp cao".

  1. Mối quan hệ giữa Lực lượng Tên lửa và cuộc tấn công Đài Loan

Cuộc thanh trừng diễn ra khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm hạn chế quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ chủ chốt sang nước này. Động thái này nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc.

Nếu một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan nổ ra, đối với ông Tập Cận Bình, các tên lửa thông thường tầm xa của Lực lượng Tên lửa sẽ đóng một vai trò quan trọng. The Washington Post dẫn lời ông Joel Wuthnow, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, cho hay: “Nếu không tin tưởng vào người lãnh đạo của một lực lượng quan trọng như vậy - phụ trách hoạt động tấn công Đài Loan, vậy thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc có khai chiến [với Đài Loan] hay không”.

Các chuyên gia cho rằng, theo một nghĩa rộng hơn, quyết định bổ nhiệm mới nhất của ĐCSTQ là một đòn giáng vào Lực lượng Tên lửa. Mới chỉ 8 năm trước, Lực lượng Tên lửa được chính thức nâng cấp thành một quân chủng và được mở rộng nhanh chóng.

Ông Decker Eveleth, trợ lý nghiên cứu sinh tại “Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin”, cho biết: "Đây là một sự sỉ nhục công khai mang tính phá hủy đối với Lực lượng Tên lửa. Nó đang gửi đi một tín hiệu cho tất cả mọi người rằng, ông Tập Cận Bình không tin tưởng vào khả năng tự quản lý của Lực lượng Tên lửa”.

Ông Eveleth là tác giả của một báo cáo về Quân đội Tên lửa Trung Quốc được công bố gần đây. Ông nói, nếu chính phủ Trung Quốc không thể tin tưởng giao cho Lực lượng Tên lửa số tiền khổng lồ mà họ cần để mở rộng quy mô, có lẽ chính phủ sẽ bắt đầu cho rằng số tiền này có thể được chi tiêu tốt hơn ở nơi khác.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lực lượng Tên lửa quan trọng như thế nào đối với ông Tập Cận Bình?