Bộ Ngoại giao Trung Quốc đấu đá nghiêm trọng, chức vụ nào cũng có hàng trăm người ‘lăm le’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, một cựu quan chức ngoại giao Belarus đã kể lại chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Belarus vào năm 2015, khi đó ông Tần Cương đã tới trước để làm công tác chuẩn bị. Một thuộc cấp của ông Tần Cương tiết lộ rằng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nội đấu nghiêm trọng, hàng trăm người đổ mắt vào một vị trí, chỉ cần sơ xuất một chút là có người phủ phục thay thế.

Ông Pavel Slunkin là một cựu nhà ngoại giao Belarus, hiện là học giả thỉnh giảng và nhà phân tích chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations). Ông từng có cơ hội làm việc cùng ông Tần Cương vào năm 2015. Khi đó ông Tần Cương đang là Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm 24/7, ông Slunkin đã kể lại trải nghiệm này trên Twitter.

Ông Tần Cương được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái và đã bị miễn nhiệm vào hôm qua (ngày 25/7), nhưng không có lý do nào được đưa ra. Người thay thế ông là Chánh Văn phòng Đối ngoại Trung ương Vương Nghị. Xung quanh sự biến mất và miễn nhiệm của ông Tần Cương có rất nhiều lời đồn về đấu đá nội bộ.

Ông Slunkin cho biết, khi ông Tập Cận Bình đến thăm Belarus vào năm 2015, ông Tần Cương đã dẫn đầu Vụ Lễ tân đến Belarus trước để chuẩn bị. Điều đầu tiên khiến ông Slunkin ngạc nhiên là phái đoàn lễ tân bên phía Trung Quốc có tới hàng trăm nhà ngoại giao, trong khi bên Belarus chỉ có tổng cộng 11 người.

Công tác chuẩn bị tiếp đón đã bắt đầu từ vài tháng trước đó. Các nhà ngoại giao Trung Quốc hầu như ngày nào cũng đến Bộ Ngoại giao Belarus để thảo luận về quy trình tiếp đón, nội dung mỗi cuộc thảo luận đều giống nhau, nhưng những cuộc thảo luận như vậy đã được lặp đi lặp lại hàng chục lần.

Ông Slunkin lấy ví dụ cho hay, họ đã thảo luận về việc khi máy bay của ông Tập Cận Bình hạ cánh, người đứng đầu bộ phận lễ tân Belarus có nên tiến lên nghênh đón ông ấy hay không.

Nhà ngoại giao này giải thích rằng, hai bên thường phải thảo luận cho đến tối, tới đêm khuya thì chốt lại tất cả những bất đồng nhỏ trong nghi thức tiếp đón. Nhưng ngày hôm sau phía Trung Quốc lại đến và yêu cầu họp, sau đó thảo luận chính xác những vấn đề của ngày hôm trước. Những ngày họp như thế cứ lặp đi lặp lại.

Ông Slunkin viết: “Các cuộc thảo luận mỗi ngày của chúng tôi giống như tình tiết trong bộ phim Groundhog Day”. Đây là một bộ phim hài giả tưởng kể về một người đàn ông vô tình bị mắc kẹt vào một vòng lặp thời gian, khiến một ngày diễn ra lặp lại lặp đi nhiều lần.

Ông Slunkin nói thẳng rằng, cả hai bên đã có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian nếu không làm như vậy. Ông cũng quan sát thấy rằng khi các nhà ngoại giao Trung Quốc không thích điều gì đó, họ sẽ gọi điện về Bắc Kinh để xin chỉ thị. Sau đó Bắc Kinh sẽ gọi cho chính phủ ông Lukashenko. Tất nhiên, hầu như bất kỳ ý tưởng bất chợt nào của giới lãnh đạo Trung Quốc đều ngay lập tức trở thành một sự sắp xếp mới.

Ví dụ, không có khái niệm "chuyến thăm cấp nhà nước" (loại chuyến thăm danh dự nhất) trong thủ tục lễ tân của Belarus, nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc lại gọi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình như vậy. Thế rồi Đại sứ quán Trung Quốc tại Belarus đã mua hàng chục biển quảng cáo khổng lồ trên khắp Minsk để tuyên truyền cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Ông Slunkin kể tiếp rằng, lịch trình trong ngày đầu tiên của ông Tập Cận Bình kết thúc rất muộn và ngày hôm sau ông ấy dự định đến thăm bảo tàng Thế chiến II ở Belarus. Ông Tần Cương đã quyết định đi kiểm tra địa điểm vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau để xác nhận rằng mọi thứ đã sẵn sàng.

Các nhà ngoại giao Belarus không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh thức phó giám đốc bảo tàng và nhờ phó giám đốc sắp xếp để Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc được vào kiểm tra lại.

Ông Slunkin nhớ lại, khung cảnh lúc đó có thể nói là "rất kỳ quái" (very surreal). Các nhà ngoại giao Trung Quốc bước lên cầu thang của bảo tàng, vừa đếm vừa hỏi: "Khi nào thì nhạc nghi thức được bật lên? Khi đó, Chủ tịch (Tập Cận Bình) sẽ bước lên bậc nào? Là bậc này? Hay bậc kia? Ông có chắc không?".

Lúc đó là 3 giờ sáng, ông Slunkin nói rằng điều duy nhất bản thân ông chắc chắn là ông muốn ngủ, thế nên ông đã thuận tay chỉ vào một bậc thang. Chắc mọi người cũng đoán được, ngày hôm sau âm nhạc được bật vào một thời điểm hoàn toàn khác.

Vào ngày 11/5/2015, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Bảo tàng Thế chiến II ở Belarus. (Sergei Gapon/AFP via Getty Images)

Sáng hôm sau, ông Slunkin ăn sáng với ông Tần Cương và thảo luận ngắn gọn về chuyến thăm và hành trình trong ngày. Ông Slunkin bị sốc trước khả năng tiếng Anh lưu loát của Tần Cương và mức độ mà cấp dưới sợ ông ta. Ngoài ra, lúc đó ông Tần Cương đang ăn một bát mì Trung Quốc, tiếng ăn mì của ông ấy “rất, rất, rất” to.

Sau khi ông Tập Cận Bình trở về Trung Quốc, ông Slunkin đã nói chuyện với một trong những cấp dưới của ông Tần Cương và hỏi rằng: “Tất cả những thứ này để làm gì? Những tháng thảo luận lặp đi lặp lại và không hiệu quả về cùng một điều. Cả trò chơi đếm bước chân trong viện bảo tàng vào lúc nửa đêm?”.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong suốt vài tháng qua, vị quan chức kia thẳng thắn với ông Slunkin: “Ở Bắc Kinh, có hàng trăm người đứng sau theo dõi vị trí này của tôi, vì vậy nếu tôi không làm thì sẽ có người khác làm”.

Nếu các vị trí cấp dưới của ông Tần Cương đều đấu đá tới mức độ này, có thể suy đoán rằng mức độ cạnh tranh chức Bộ trưởng Ngoại giao còn tàn khốc hơn.

Kênh Youtube “Today on Wall St” dẫn lời một nhà phân tích về ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong công việc ngoại giao của hai nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn muốn quản mọi việc, họ vần vò khiến các quan chức ngoại giao nước khác cảm thấy rất mệt mỏi, họ còn đếm lịch trình của ông Tập Cận Bình theo từng phút từng giây.

Nhà phân tích này cho rằng, mỗi một chuyến thăm của các lãnh đạo Trung Quốc cũng là thời điểm phấn khởi nhất đối với Bộ Ngoại giao, bởi vì cứ có chuyến thăm là Bộ Ngoại giao có cơ hội thu được một số tiền lớn, cơ hội được nổi trội và cơ hội được chụp ảnh với nhà lãnh đạo.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đấu đá nghiêm trọng, chức vụ nào cũng có hàng trăm người ‘lăm le’