Thịnh vượng chung của ông Tập đang ở đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, chiến dịch “Thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình lâu nay khá im ắng về mặt tuyên truyền. Lý do đằng sau điều này là gì, và trong tương lai cuộc vận động này sẽ đi đến đâu?

Tuyên truyền về ‘thịnh vượng chung’ ngày càng mờ nhạt

Sau khi tuyên bố quá sớm về chiến thắng trước đại dịch Covid-19 vào tháng 5/2020, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại khẩu hiệu “thịnh vượng chung” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau đó, Bắc Kinh đã phát động một cuộc điều tra chống độc quyền trong các ngành.

Tại cuộc họp của Trung Nam Hải vào mùa thu năm 2021, “nghị quyết lịch sử thứ ba” đã đặt ông Tập Cận Bình ngang hàng với ông Mao Trạch Đông. "Thịnh vượng chung" được nhắc đến 8 lần trong nghị quyết này. Cũng trong năm 2021, “thịnh vượng chung" đã trở thành một trong 10 từ nổi bật nhất ở Trung Quốc.

Nhưng đến giữa năm 2022, Bắc Kinh gần như không còn tuyên truyền cho “thịnh vượng chung”.

Vào tháng 3/2022, Thủ tướng khi đó là ông Lý Khắc Cường chỉ đề cập đến “thịnh vượng chung” 1 lần trong báo cáo kinh tế dài 17.000 từ của mình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Cùng lúc, chính quyền Trung Quốc đã hoãn kế hoạch mở rộng các thành phố thí điểm thuế bất động sản. Việc thu thuế bất động sản luôn là trọng tâm trong công tác phân phối lại của cải của “thịnh vượng chung”.

Tại phiên họp Lưỡng Hội vào tháng 3 năm nay, trong báo cáo của ông Lý Khắc Cường hoàn toàn không thấy bóng dáng của “thịnh vượng chung".

Thủ tướng Trung Quốc mới nhậm chức vào tháng 3 vừa qua – ông Lý Cường – cũng đã không đề cập đến “thịnh vượng chung” trong cuộc họp báo đầu tiên của mình. Tuy vậy vào tháng 12 năm ngoái, ông Lý Cường từng phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc rằng, liên đoàn công thương các cấp nên tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy “thịnh vượng chung”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt đầu bị thu hẹp vai trò
Ông Lý Khắc Cường (trái) và ông Lý Cường (phải) tại buổi lễ bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ tổ chức hôm 22/10/2022 ở Bắc Kinh. (Lintao Zhang/Getty Images)

Hôm 6/7, phóng viên của The Epoch Times vẫn có thể tìm thấy các bài báo về thịnh vượng chung đăng vào đầu năm nay trên các kênh truyền thông chính thống của Trung Quốc như tờ Nhân Dân (people.cn)... Tuy nhiên, khi tìm kiếm "thịnh vượng chung" trên trang web chính thức của Quốc vụ viện, thấy rằng bài viết mới nhất có nhắc đến cuộc vận động này được đăng vào ngày 1/6/2022.

Ông Khưu Đạt Sinh (Qiu Dasheng), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, Phó giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Tunghai Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 6/7 rằng, chính quyền ông Tập hiếm khi đề cập đến "thịnh vượng chung" chủ yếu là do nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện vấn đề. Bây giờ nhiệm vụ chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên họ phải có một số điều chỉnh.

Ông Khưu nói: "Chính sách thịnh vượng chung sẽ có tác động đến những công ty có vốn lớn. Bởi vì hiện giờ họ cần các nhà sản xuất nước ngoài quay lại đầu tư và chấn hưng [ngành sản xuất], vì vậy họ sẽ không nói về điều này (thịnh vượng chung)".

Tuy nhiên, ông Khưu cũng cho rằng nhà chức trách Bắc Kinh sẽ không thể giải quyết vấn đề kéo vốn nước ngoài trở lại trong năm nay. "Lý do chủ yếu là vì các nhà đầu tư nước ngoài đã chịu quá đủ. Ví dụ, nhiều doanh nhân Đài Loan đã chuyển vốn và thiết bị của họ ra khỏi Trung Quốc vì những chính sách này. Bắc Kinh không thể ngay lập tức lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, các nhà đầu tư sẽ phải quan sát”.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 6/7 rằng, "thịnh vượng chung" là một trong những chiêu bài của ông Tập Cận Bình. Ông Tập nói rằng muốn giảm khoảng cách giàu nghèo. Về mặt kinh tế, điều này hợp lý ở một mức độ nhất định, nhưng trong hoạt động thực tế thì ngược lại. Muốn đạt được “thịnh vượng chung” thì phải chấn chỉnh và cải cách kinh tế quốc doanh, đập tan chính sách độc quyền quốc doanh, để thị trường cạnh tranh công bằng.

"Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là không công bằng, khu vực quốc doanh thì tiến lên, còn khu vực tư nhân thì giật lùi, tất cả đều vì những cân nhắc chính trị. Ông Tập Cận Bình lại đi chỉnh đốn các công ty Internet lớn và đàn áp ngành giáo dục đào tạo", ông Vương nói.

Ông Vương Hách chỉ ra, trong quá khứ, tốc độ tăng trưởng kinh tế được ĐCSTQ dùng làm thành tích chính trị. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, mọi vấn đề đã bị phơi bày. Bây giờ Bắc Kinh đang làm mọi cách có thể để vực dậy nền kinh tế, vì vậy họ tạm thời sẽ không đề cập đến "thịnh vượng chung". "Tôi tin rằng thịnh vượng chung sẽ không được nhắc đến trong một khoảng thời gian".

‘Quốc sư’ của ông Tập nói gì về ‘thịnh vượng chung’?

Nhà chức trách Trung Quốc không đề cập đến thịnh vượng chung, nhưng ông Địch Đông Thăng (Di Dongsheng), Phó hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, thành viên nhóm ‘quân sư’ của ông Tập Cận Bình, đã có bài phát biểu với tựa đề "Tiền, Nợ và Thịnh vượng chung" tại một diễn đàn vào tháng 6 vừa qua. Ông Địch Đông Thăng thừa nhận rằng tình hình kinh tế thực tế của Trung Quốc không tốt và cho rằng phải thúc đẩy ba lần phân phối.

Ông Địch Đông Thăng (Di Dongsheng), Phó hiệu trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và là thành viên Nhóm ‘quân sư’ tư vấn của ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình video)
Ông Địch Đông Thăng (Di Dongsheng), Phó hiệu trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và là thành viên Nhóm ‘quân sư’ của ông Tập Cận Bình. (Ảnh chụp màn hình video)

Để giải thích cụ thể hơn về việc 3 lần phân phối tài sản, chúng ta có thể lấy ví dụ sau: bạn kiếm được tiền thông qua sức lao động, họ trả lương cho bạn dựa trên sự đóng góp và hiệu quả của bạn, đây là phân phối lần thứ nhất. Sau đó bạn đóng thuế là phân phối lần 2, đưa tiền của người kiếm nhiều cho những người nghèo. Tiếp đó, dựa trên sức mạnh của đạo đức, thông qua quyên tặng tự nguyện sẽ chuyển của cải từ người giàu sang người có thu nhập thấp, đây là phân phối lần 3.

Trong bài phát biểu, ông Địch Đông Thăng nói rằng phải khuyến khích người giàu tham gia từ thiện, như vậy sẽ tránh được mâu thuẫn thực sự; và điều quan trọng thực sự là phân phối lần 1 và lần 2. Ông kêu gọi không nên hình thành nỗi sợ chính phủ lớn, nỗi lo nợ nần, ác cảm với phúc lợi cao và thuế suất cao, v.v.

Nhà bình luận Vương Hách nói rằng những gì ông Địch Đông Thăng nói chỉ đúng một nửa. Vấn đề cần giải quyết thực sự là phân phối lần 1, bao gồm việc giải quyết tỷ lệ phân phối giữa người lao động, tư bản và nhà nước. Nhưng trên thực tế, chính quyền ĐCSTQ lấy quá nhiều, thu quá nhiều loại thuế; các nhà doanh nghiệp cũng lấy quá nhiều; người dân thường, lực lượng lao động và các hộ gia đình lại nhận được quá ít. Hơn nữa, sau khi nhà nước thu nhiều tiền như vậy, không còn bao nhiêu tiền để phân phối cho người dân.

"Điều này liên quan rất nhiều đến tình hình nhân quyền của Trung Quốc và hệ thống thể chế của quốc gia. Về phương diện này, cần thúc đẩy dân chủ và thực hiện chuyển đổi dân chủ".

Có một số liệu cơ bản trong bài phát biểu của ông Địch Đông Thăng, đó là tỷ lệ chi tiêu xã hội của khu vực công (chi tiêu cho sinh kế của người dân) trên GDP. Tại các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), tỷ lệ bình quân là 21,6%, trong khi Trung Quốc chỉ có 6,5%. Thậm chí chi tiêu xã hội của Mexico còn vượt cả Trung Quốc.

Ông Vương Hách nói rằng ĐCSTQ phân phối tài chính không công bằng, việc phân bổ tài chính của chính phủ là do ĐCSTQ quyết định và người dân thường không có quyền được biết. Ở Hoa Kỳ, việc phân bổ chi tiêu tài chính phải được đưa ra tại Quốc hội, và các đại diện của nhân dân phải cân nhắc và quyết định. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân của ĐCSTQ đều là những chiếc bình hoa.

"Vì vậy, để giải quyết vấn đề phân phối lần 1 và lần 2, Trung Quốc phải thay đổi thể chế. Ông Địch Đông Thăng đã tránh nói về vấn đề này, nhưng lại nói rằng đừng tránh né chính phủ lớn và thuế cao. Ông ta cố ý thuận theo ĐCSTQ, muốn duy trì sự cai trị của ĐCSTQ và duy trì lợi ích của tầng lớp trên, thay vì đưa ra một giải pháp chính sách dựa trên lương tâm và thường thức của một nhà kinh tế”.

Chuyên gia: ‘Thịnh vượng chung’ rồi sẽ dang dở

Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ ngày 29/6 đăng một bài viết cho rằng, một trong những điểm mấu chốt trong cách điều hành của ông Tập Cận Bình là đưa ra những chính sách lớn một cách rầm rộ, rồi đột ngột từ bỏ chúng, thậm chí không thừa nhận sự tồn tại của những chính sách này. Có thể kể đến ví dụ về Zero Covid. Và "thịnh vượng chung" cũng sẽ chỉ như phù dung sớm nở tối tàn.

Nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) nói với The Epoch Times vào ngày 6/7 rằng, ĐCSTQ đã biến khái niệm “thịnh vượng chung” thành một phương tiện để đàn áp các doanh nghiệp tư nhân. Trên thực tế, nó không phù hợp với nguyên tắc tạo ra của cải và lợi nhuận.

Ông nói: “Những gì Trung Quốc nên làm là khuyến khích tầng lớp dưới cùng của xã hội và tầng lớp trung lưu tiến lên tầng lớp cao hơn, thay vì kéo những người ở tầng lớp trên cùng xuống”.

Ông Ngô cũng cho rằng động cơ thực sự của ĐCSTQ khi tiến hành “thịnh vượng chung” là do chế độ này có một lỗ hổng tài chính lớn và áp lực tài chính từ chính quyền trung ương cho đến địa phương. “Thịnh vượng chung” là cách tăng thuế trá hình, dùng các loại danh nghĩa để cướp tiền từ doanh nghiệp tư nhân để lấp đầy khoảng trống tài chính của chính quyền.

"Đây không phải là cướp của người giàu chia cho người nghèo, mà là cướp của người giàu để cứu đảng. Nó chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân, nhưng kết quả cuối cùng lại là dội một gáo nước lạnh vào tăng trưởng kinh tế".

Ông Ngô cho rằng, từ khái niệm cho đến chính sách, "thịnh vượng chung" sẽ dang dở bởi vì nó không dựa trên một khái niệm bền vững và đúng đắn.

Người giàu Trung Quốc tháo chạy vì sợ hãi

Vào ngày 13/6, Henley & Partners, một công ty tư vấn nhập cư đầu tư quốc tế có trụ sở tại London, cho biết trong một báo cáo rằng, Trung Quốc vẫn là quốc gia có dòng chảy HNWI lớn nhất trong năm nay. HNWI là các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Năm nay, Trung Quốc có 13.500 cá nhân có thể đầu tư hơn 1 triệu USD để di cư.

Ông Ngô Gia Long nói rằng, "thịnh vượng chung" có nghĩa là cướp tiền, cướp tiền của những người giàu có, tất nhiên họ sẽ bỏ chạy.

Vào cuối năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại bắt đầu hô hào ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân, ông Lý Cường cũng thường xuyên lên tiếng kêu gọi sau khi nhậm chức vào tháng Ba. Nhưng một bộ phận khu vực tư nhân cũng đang chờ giải cứu, họ kêu gọi chính quyền nới lỏng kiểm soát để khôi phục niềm tin của thị trường.

Theo ông Ngô Gia Long, bây giờ các doanh nhân tư nhân đã mất niềm tin vào ĐCSTQ, họ đều biết rằng chế độ này đang gặp khó khăn nên mới nói những lời ngon ngọt; khi hết khó khăn, Bắc Kinh sẽ lại tiếp tục đàn áp khối tư nhân.

Ông Vương Hách nói rằng, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang rất tồi tệ, không kiếm được tiền và có những rủi ro chính trị lớn. Hơn nữa các chính sách của ĐCSTQ cũng không thể đoán trước được. Trước tình hình này, người giàu sẽ nhanh chóng bỏ chạy. Vấn đề căn bản nhất là nhà cầm quyền Bắc Kinh là tư duy kinh tế chính trị của họ, họ không thể thực hiện chuyển đổi xã hội một cách hòa bình, họ đã đi vào ngõ cụt vì muốn bảo vệ đảng.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thịnh vượng chung của ông Tập đang ở đâu?