Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là gì? So sánh các cấp độ đối tác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ là quốc gia thứ 5 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Vậy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là gì? Việt Nam có các cấp độ đối tác nào?

So sánh các cấp độ quan hệ đối tác của Việt Nam

Cấp độ Chiến lược lĩnh vực Đối tác toàn diện Đối tác chiến lược Đối tác chiến lược toàn diện
Phạm vi Theo lĩnh vực cụ thể Nhiều lĩnh vực nhưng chưa đồng đều Đa dạng các lĩnh vực Tất cả các lĩnh vực, kể cả an ninh, quốc phòng
Độ sâu Thấp Trung bình Cao Rất cao
Tin cậy, lâu dài Trung bình Trung bình Cao Rất cao
Số lượng 2 đối tác 12 đối tác 13 đối tác 5 đối tác

Có thể hiểu yếu tố "toàn diện" thể hiện bề rộng của quan hệ hợp tác, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Còn yếu tố "chiến lược" thể hiện chiều sâu của quan hệ hợp tác, sự tin cậy lẫn nhau.

Mô tả các cấp độ quan hệ đối tác của Việt Nam

Quan hệ giữa các quốc gia trên bình diện quốc tế thông thường có nhiều cấp độ khác nhau như: Liên minh (Alliance), Đối tác (Partnership), Chiến lược (Strategic),...

Với Việt Nam, các đối tác hiện nay có 5 cấp độ chính như sau:

1. Đối tác chiến lược lĩnh vực

Đối tác chiến lược lĩnh vực là sự hợp tác trong một lĩnh vực nào đó mà cả hai nước đều có sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng sự hợp tác chỉ trong lĩnh vực đó không sang các ngành và chuyên môn khác.

2. Đối tác toàn diện

Đối tác toàn diện là quan hệ thông thường giữa các nước đã có một hoặc vài mặt đạt đến mức chiến lược, nhưng chưa có sự đồng đều giữa các mặt hợp tác. Do sự tin cậy lẫn nhau chưa đủ hoặc thời điểm chưa chín muồi, nên chọn khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai.

Tính đến năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với 12 quốc gia: Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019).

3. Đối tác chiến lược

Đối tác chiến lược (Strategic Partnership) chỉ mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược là:

  • Về hình thức, đối tác chiến lược có thể diễn ra linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.
  • Quan hệ hợp tác phong phú, trong đó thành phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tùy thuộc vào sáng kiến của các bên.
  • Các hoạt động hợp tác có thể diễn ra ở từng ngành hoặc địa phương. Ví dụ như một trường đại học của Đức liên kết với Bộ Giáo dục của Việt Nam thành lập nên một trường đại học Đức Việt.

Với Việt Nam, đối tác chiến lược là mối quan hệ chiến lược gắn với ngoại giao, kinh tế (không đề cập đến quân sự, nhưng có hợp tác về an ninh).

Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh.

Dưới đây là thống kê các quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới, theo cập nhật của Wikipedia:

  • Trung Quốc là nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất thế giới với hơn 60 đối tác, trong đó có cả những nước nhỏ như Lào, Campuchia, Kazakhstan, Afghanistan và ba đối tác là các tổ chức quốc tế gồm EU, ASEAN và Liên minh châu Phi.
  • Nga có hơn 40 đối tác chiến lược và tương đương.
  • Mỹ có 9 đối tác chiến lược, 3 đối tác toàn diện, 2 quan hệ đặc biệt với Anh và Israel, 2 quan hệ đồng minh ngoài NATO, 8 quan hệ đồng minh khác. Tổng cộng 24 đối tác chiến lược hoặc tương đương trở lên.
  • Pháp có 13 đối tác chiến lược.
  • Anh, Ấn Độ: mỗi nước có 12 quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược;

Hiện nay Việt Nam có 13 nước là đối tác chiến lược (không tính 5 nước là đối tác chiến lược toàn diện) gồm: Nhật Bản và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

4. Đối tác chiến lược toàn diện

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các lĩnh vực có thể từ thương mại, đầu tư, công nghệ, năng lượng, an ninh, quân sự.... Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Ngoài "tính toàn diện" trong hợp tác, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, phủ sóng gần như không có "vùng cấm", hai nước khi nâng cấp lên mức này đã thiết lập được yếu tố "lòng tin chiến lược" với nhau.

Tới nay, có 5 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Hoa Kỳ (2023).

Trong đó Hoa Kỳ là nước đầu tiên đi thẳng từ quan hệ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước nào?

5. Quan hệ đặc biệt

Quan hệ đặc biệt là các quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam, gắn bó với quá trình lịch sử lâu dài. Việt Nam hiện đang có quan hệ đặc biệt với 3 nước là: Lào, Campuchia và Cuba.

Dưới đây là bảng mô tả các cấp độ quan hệ đối tác của Trung Quốc để bạn đọc tham khảo. Theo đó, sự khác biệt giữa "đối tác chiến lược" và "đối tác chiến lược toàn diện" là hợp tác và phát triển "chặt chẽ hơn" so với "đầy đủ".

Bảng mô tả các cấp độ quan hệ đối tác của Trung Quốc.
Bảng mô tả các cấp độ quan hệ đối tác của Trung Quốc.

Nhận định về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

  • Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng việc Việt Nam và Mỹ đưa quan hệ song phương lên mức cao nhất vì hòa bình, hợp tác, phát triển là một tin tốt lành không chỉ cho riêng hai nước mà cả khu vực.
  • Tờ Politico trước đó nêu rằng, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ cho phép hợp tác song phương mới, thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển lĩnh vực công nghệ cao trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
  • Hãng tin Reuters viết rằng, chính quyền ông Biden muốn nâng cấp với Việt Nam lên "đối tác chiến lược toàn diện", dựa trên vấn đề thương mại và địa chính trị. Việc này sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận tới các điều kiện thương mại ưu đãi và đạt được sự hợp tác quân sự lớn hơn.
  • Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói với báo Tuổi trẻ: Bộ Công Thương đánh giá chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có. Ông Diên cho rằng các lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước sẽ là các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh...
  • Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương (Việt Nam) ngày 10/09/2023, Hà Nội "đánh giá cao lập trường của Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 (…) .Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững".
  • Giáo sư Vũ Tường, Trưởng Khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Hoa Kỳ) nói với RFA rằng, Bắc Kinh sẽ không vì việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ mà thay đổi chính sách đối với Biển Đông vì đây là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Ngày 28/8, Trung Quốc cho công bố “Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc phiên bản năm 2023”, trong đó có “Đường 10 đoạn” được Trung Quốc thể hiện bao trùm 90% khu vực Biển Đông.

Trên đây là những thông tin tổng quan về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và các cấp quan hệ nhà nước khác.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là gì? So sánh các cấp độ đối tác