7 quốc gia đã lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

7 quốc gia - gồm Ấn Độ, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Nepal - đã phản đối bản đồ quốc gia mới của Trung Quốc, trong đó có “đường 10 đoạn” thay vì 9 đoạn như trước đây.

Bản đồ sửa đổi, được Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố vào ngày 28/8, đã cho thấy các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, với một đoạn bổ sung về phía đông Đài Loan.

Bản đồ mới cũng đưa bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Aksai Chin ở biên giới Himalaya mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, và đảo Bolshoy Ussuriysky của Nga vào lãnh thổ Trung Quốc.

Bắc Kinh công bố bản đồ mới trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10/9. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định cử Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới tham gia hội nghị thượng đỉnh, thay cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Một ngày sau khi bản đồ được công bố, Ấn Độ là nước đầu tiên phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì chúng không có cơ sở. Những bước đi như vậy của phía Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề biên giới”.

Trong khi đó, Đài Loan khẳng định họ không phải là một phần của Trung Quốc và cho biết Bắc Kinh chưa bao giờ cai trị hòn đảo này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu nói với các phóng viên: “Cho dù chính quyền Trung Quốc có bóp méo các tuyên bố chủ quyền của Đài Loan như thế nào, họ cũng không thể thay đổi sự thật khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng ta”.

ĐCSTQ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẽ cần được thống nhất với đại lục bằng mọi biện pháp cần thiết, dù trên thực tế, Đài Loan chưa bao giờ bị Bắc Kinh cai trị và có chính phủ dân chủ riêng.

Về phía Philippines, nước này tuyên bố rằng bản đồ mới là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng biển của Philippines ở Biển Đông. Manila kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Philippines kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS, cũng như theo Phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc của tòa Trọng tài vào năm 2016”, Bộ Ngoại giao Philippines nói.

Năm 2016, Tòa án Hague đã đứng về phía Philippines trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết đó.

Bộ Ngoại giao Malaysia cũng bác bỏ “các yêu sách trên biển có tính đơn phương” của Trung Quốc và nói rằng bản đồ mới đã xâm phạm chủ quyền của Malaysia ở các bang Sabah và Sarawak.

Bộ này nói: “Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông như được nêu trong ‘Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023’ - cái mà bao gồm cả khu vực biển của Malaysia”. Bộ khẳng định bản đồ này không có hiệu lực đối với Malaysia.

Malaysia cho rằng các vấn đề lãnh thổ là “phức tạp và nhạy cảm” và cần được giải quyết thông qua đối thoại, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Indonesia là quốc gia ASEAN thứ ba đưa ra tuyên bố phản đối bản đồ mới của Trung Quốc. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi được hãng thông tấn quốc gia Antara dẫn lời vào hôm thứ 5 tuần trước rằng: “việc vẽ các đường lãnh thổ, bao gồm cả trong phiên bản năm 2023 của Bản đồ Tiêu chuẩn của Trung Quốc, phải được thực hiện sao cho phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Bất kỳ ranh giới nào được vạch ra và bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra đều phải phù hợp với UNCLOS 1982”.

Hôm thứ 6, bà Marsudi cho hay, Jakarta sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về yêu sách của nước này trên Biển Đông như được nêu trong bản đồ mới do Bộ Tài nguyên Thiên Nhiên Trung Quốc công bố.

7 quốc gia đã lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc
Bản đồ ‘đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc hiện đã bị 7 quốc gia phản đối mạnh mẽ. (Ảnh: Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc)

Về phía Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao - nói trong một tuyên bố: bản đồ mới của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Bà nhấn mạnh một lần nữa: "Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn".

Việt Nam vào tháng 7 đã cấm chiếu bộ phim nổi tiếng “Barbie” vì nó chứa hình ảnh bản đồ thể hiện các yêu sách vô lý của Trung Quốc.

Ngoài ra, chính phủ Nepal cũng kêu gọi Bắc Kinh và các quốc gia khác tôn trọng bản đồ đã được quốc hội nước này phê duyệt vào năm 2020.

Tờ Tribune ở Ấn Độ đưa tin rằng bản đồ mới của Trung Quốc dường như công nhận Limpiyadhura, Kalapani và Lipulekh — tất cả đều được Nepal tuyên bố chủ quyền — là một phần của Ấn Độ.

“Nepal kiên quyết và rõ ràng với bản đồ chính trị và hành chính đã được Quốc hội Nepal nhất trí thông qua vào năm 2020”, Nepal tuyên bố vào ngày 1/9.

Nga - nước mà đang rất cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Ukraine - vẫn chưa đưa ra phản hồi về bản đồ mới của Bắc Kinh.

Xuân Hoa tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

7 quốc gia đã lên tiếng phản đối bản đồ 'đường 10 đoạn' mới của Trung Quốc