Thủ tướng Ba Lan tuyên bố ngừng gửi vũ khí cho Ukraine - Tổng thống lên tiếng đính chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Tư (20/9) tuyên bố nước này sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Warsaw triệu tập Đại sứ Ukraine trong bối cảnh tranh chấp về xuất khẩu ngũ cốc.

Thủ tướng Ba Lan cho hay, thay vì gửi vũ khí cho Ukraine, Ba Lan - vốn là đồng minh trung thành của Kyiv kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 - sẽ tập trung vào việc trang bị vũ khí cho riêng mình.

Ông Morawiecki phát biểu trên đài Polsat News: “Chúng tôi không còn chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang cần trang bị cho Ba Lan những loại vũ khí hiện đại hơn”.

Ông nói: “Nếu muốn tự vệ, anh phải có thứ gì đó để tự vệ. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc đó, và đó là lý do tại sao chúng tôi tăng đơn đặt hàng [vũ khí]”.

Ngoài việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Ba Lan hiện đang tiếp đón 1 triệu người tị nạn Ukraine; những người này đã nhận được nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau từ chính phủ.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sau đó đã lên tiếng rằng những gì mà Thủ tướng Morawiecki nói đã bị hiểu sai: “Lời nói của ông Morawiecki đã bị diễn giải sai trầm trọng. Theo ý kiến của tôi, thủ tướng muốn nói rằng Ba Lan sẽ không chuyển cho Ukraine loại vũ khí mới mà chúng tôi hiện đang mua, vì chúng tôi cần hiện đại hóa quân đội Ba Lan”.

“Khi chúng tôi nhận được vũ khí mới từ Mỹ và Hàn Quốc, chúng tôi sẽ chuyển giao những vũ khí cũ mà quân đội Ba Lan đang sử dụng cho nước khác, có thể là Ukraine”, ông Duda nói thêm.

Động thái của ông Morawiecki diễn ra sau bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 19/9.

Tổng thống Zelenskyy nói rằng trong khi Ukraine đang nỗ lực duy trì các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc thì một số nước châu Âu đang giả vờ đoàn kết và gián tiếp ủng hộ Nga. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Ba Lan, quốc gia luôn ủng hộ Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

“Ngay cả bây giờ, khi Nga làm suy yếu Sáng kiến ​​​​Ngũ cốc Biển Đen, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đảm bảo sự ổn định lương thực. Và thật đáng báo động khi một số nước ở châu Âu thể hiện tinh thần đoàn kết như trên một sân khấu chính trị bằng những câu chuyện ly kỳ về ngũ cốc. Họ dường như đang đóng vai diễn riêng của mình, nhưng trên thực tế, họ đang trải đường cho ‘diễn viên Moscow’”, ông Zelenskyy phát biểu trước Đại hội đồng LHQ.

Thủ tướng Ba Lan đã phản pháo bình luận này là "không chính đáng liên quan đến Ba Lan, quốc gia đã ủng hộ Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc chiến".

Sau những nhận xét trên, Thủ tướng Ba Lan cảnh báo rằng Ba Lan có thể áp đặt thêm nhiều lệnh cấm đối với hàng xuất khẩu của Ukraine nếu căng thẳng leo thang.

Đáp lại, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với đài truyền hình Polsat News: “Tôi cảnh báo chính quyền Ukraine rằng nếu họ leo thang xung đột, chúng tôi sẽ bổ sung thêm các sản phẩm vào lệnh cấm nhập khẩu của Ba Lan. Chính quyền Ukraine không hiểu mức độ bất ổn của ngành nông nghiệp Ba Lan. Chúng tôi đang bảo vệ nông dân Ba Lan”.

Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm gián đoạn các tuyến vận chuyển ngũ cốc qua biển Đen. Điều này buộc Ukraine phải tìm kiếm các tuyến đường bộ thay thế, và biến châu Âu trở thành tuyến đường trung chuyển và điểm đến xuất khẩu chính của ngũ cốc Ukraine. Nỗ lực này đã ảnh hưởng lớn đến nông dân các nước châu Âu, trong đó có Ba Lan, Hungary và Slovakia.

Do đó, hồi tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào Bulgaria, Hungary, Romania, Slovakia và Ba Lan nhằm bảo vệ nông dân địa phương, những người lo ngại về tác động của ngũ cốc Ukraine lên giá nội địa.

Nông sản vẫn có thể được vận chuyển qua 5 quốc gia, nhưng chính những hạn chế đã ngăn cản việc buôn bán ngũ cốc trên các thị trường địa phương.

Lệnh cấm này hết hiệu lực vào ngày 15/9 và EU đã quyết định không gia hạn lệnh cấm. Tuy nhiên, Hungary, Slovakia và Ba Lan đã chọn tiếp tục thực thi thỏa thuận này, trái ngược với quan điểm của EU rằng chính sách thương mại là đặc quyền của toàn bộ EU.

Hôm 20/9, Thủ tướng Ba Lan đã bày tỏ nỗi buồn khi các tỷ phú Ukraine "đẩy ngũ cốc của họ vào thị trường Ba Lan" mà không quan tâm đến nông dân địa phương. Theo ông, hành động này đã làm giảm giá, khiến chính phủ phải thực hiện các biện pháp đảm bảo về giá và cuối cùng là lệnh cấm.

Ông Morawiecki nói: “Chúng tôi là những người đầu tiên làm được nhiều điều cho Ukraine và chúng tôi mong họ hiểu được những lợi ích của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng mọi vấn đề của họ, nhưng đối với chúng tôi, lợi ích của nông dân vẫn là điều quan trọng nhất”.

Ukraine đe dọa sẽ khiếu nại vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới, cáo buộc ba thành viên EU vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho rằng mỗi quốc gia thành viên EU riêng lẻ không thể cấm nhập khẩu hàng hóa từ Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ba Lan đáp trả trong một tuyên bố rằng "gây áp lực lên Ba Lan trên các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên tòa án quốc tế không phải là phương pháp thích hợp để giải quyết sự khác biệt giữa các nước chúng ta".

Các nước thành viên EU cho biết lệnh cấm của các quốc gia thành viên EU này sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua lãnh thổ của họ tới các thị trường khác.

Ông Morawiecki cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục quá cảnh hàng hóa Ukraine. Ba Lan không phải chịu chi phí nào cho việc này. Ngược lại, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi thu được lợi nhuận từ nó”.

Sự hỗ trợ của Ba Lan dành cho Ukraine là rất đáng kể, bao gồm việc kêu gọi Đức cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2, cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine và chào đón hơn 1,5 triệu người tị nạn tháo chạy khỏi cuộc xung đột ở Ukraine.

Kyiv đã kêu gọi Warsaw "gạt cảm xúc sang một bên" và áp dụng cách tiếp cận "mang tính xây dựng" trong tranh chấp.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Ba Lan tuyên bố ngừng gửi vũ khí cho Ukraine - Tổng thống lên tiếng đính chính