Bắc Kinh kiểm duyệt cụm từ 'chấn chỉnh gian dối về năng lực chiến đấu' trong quân đội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng 3/2023, Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Hà Vệ Đông đã tuyên bố sẽ "chấn chỉnh vấn đề gian dối về năng lực chiến đấu". Tuy nhiên, cụm từ này sau đó đã biến mất khỏi nền tảng mạng xã hội Weibo và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Sự biến mất bí ẩn này dấy lên nghi vấn về việc liệu sức mạnh quân sự của Trung Quốc có đang bị phóng đại quá mức hay không.

Theo biên bản cuộc họp của đại biểu quân đội tại Lưỡng Hội, ông Hà đã đề cập đến cụm từ "chấn chỉnh vấn đề gian dối về năng lực chiến đấu". Tuy nhiên, hiện nay cụm từ này đã không còn xuất hiện trên các nền tảng trực tuyến như Weibo, Tân Hoa Xã, CCTV, China Daily và cổng thông tin quân sự duy nhất của Trung Quốc, China Military Online.

Bài báo của South China Morning Post (SCMP) cho rằng "gian dối về năng lực chiến đấu" có thể liên quan đến việc mua sắm thiết bị quân sự kém chất lượng, dẫn đến hiệu suất thực tế của quân đội trên chiến trường không như mong đợi.

Bên cạnh đó, bài báo cũng đề cập đến đợt thanh trừng tham nhũng quy mô lớn gần đây nhằm vào các quan chức quân sự, đặc biệt là lực lượng tên lửa phụ trách kho vũ khí hạt nhân và đơn vị mua sắm trang thiết bị quân sự. Theo các chuyên gia, việc mua sắm vũ khí đang là trọng tâm của các cuộc điều tra tham nhũng.

Hãng tin Bloomberg hồi tháng 1 đã dẫn lời tình báo Mỹ tiết lộ một số ví dụ về tác động của tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, bao gồm: tên lửa được cho là chứa nước thay vì nhiên liệu, và nhiều hầm chứa tên lửa lớn ở miền Tây Trung Quốc đều được đậy nắp, khiến việc phóng tên lửa không hiệu quả.

Theo bài báo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Tiến sĩ Trầm Minh Thất (Shen Ming-shih), Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh (INDSR, Đài Loan), phân tích rằng "gian dối về năng lực chiến đấu" của quân đội Trung Quốc không chỉ giới hạn ở việc dàn dựng các buổi huấn luyện chiến trường.

Ông Shen nói với VOA rằng "gian dối về năng lực chiến đấu" có thể bao gồm:

  • Phóng đại khả năng của vũ khí do Trung Quốc sản xuất: Ví dụ, tiêm kích thế hệ thứ năm J-20 được tuyên bố là vượt trội so với F-22 của Mỹ, hay hệ thống phóng điện từ trên tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, Fujian, được cho là vượt trội so với các tàu sân bay lớp Ford của Mỹ.
  • Sao chép vũ khí của các nước khác: Đây cũng là một hình thức của "gian dối về năng lực chiến đấu".

Tuy nhiên, tham nhũng mới là vấn đề lớn hơn đối với quân đội Trung Quốc.

Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Dự báo Chiến lược, tin rằng quân đội Trung Quốc đã gian dối về năng lực chiến đấu của mình, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu cải cách quân đội vào năm 2015.

Ông Chieh nói với đài VOA: “Quân đội tiếp tục đưa ra các báo cáo sai lệch để qua mặt Quân Ủy Trung ương. Trang thiết bị và phát triển công nghệ không đáp ứng được kỳ vọng của các quan chức cấp cao, và có thể liên quan đến các hoạt động trao đổi lợi ích bất hợp pháp’.

Kể từ năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch thanh trừng sâu rộng trong quân đội, nhắm vào các quan chức cấp cao phụ trách kho vũ khí hạt nhân và các bộ phận mua sắm trang thiết bị. Chiến dịch này đã dẫn đến việc cách chức một số tướng lĩnh cao cấp, bao gồm:

  • Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức vào tháng 10 năm ngoái.
  • Hai cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa: Lý Ngọc Siêu và Chu Yến Ninh.
  • Cựu Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lực lượng Tên lửa: Lý Hoan Quang.
  • Cựu Bộ trưởng Trang bị Lực lượng Tên lửa: Lỗ Hồng.
  • Nguyên Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa và sau này là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu của Quân Ủy Trung ương: ông Trương Trấn Trung.

Hơn nữa, việc trì hoãn triệu tập phiên họp toàn thể lần thứ ba của Quân Ủy Trung ương đã làm dấy lên nghi ngờ về mối liên hệ với vấn nạn tham nhũng hệ thống trong quân đội.

Theo thông lệ, ĐCSTQ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ ba của Quân Ủy Trung ương vào tháng Mười hoặc tháng Mười Một, một năm sau khi bầu ra các đại biểu của Quân Ủy Trung ương mới. Tuy nhiên, đã hơn một năm kể từ Đại hội 20 của ĐCSTQ được tổ chức vào tháng 10/2022, và phiên họp toàn thể vẫn chưa được triệu tập.

Ông Katsuji Nakazawa, cây bút kỳ cựu và biên tập viên cấp cao của báo Nikkei Asia có trụ sở tại Tokyo, nhận định trong bài viết của mình rằng việc trì hoãn phiên họp toàn thể lần thứ ba có thể xuất phát từ tình trạng "bế tắc" của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất ổn tại Trung Quốc hiện nay không chỉ giới hạn ở chính sách kinh tế mà còn lan sang cả lĩnh vực chính trị và ngoại giao, thể hiện qua việc Ngoại trưởng Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc liên tiếp bị cách chức. Cả hai ông Tần và ông Lý đều từng là Ủy viên Quốc vụ kiêm Phó Thủ tướng.

Theo ông Nakazawa, trong bối cảnh vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và hai vị trí Ủy viên Quốc vụ vẫn còn trống, việc "chính quyền Tập Cận Bình triệu tập phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương khóa 20 trong tình trạng 'tay trắng' như thế này chỉ càng làm nổi bật thêm sự bất ổn của Trung Quốc".

Nhà bình luận chính trị Trung Nguyên nhận định rằng mối quan tâm hàng đầu của ông Tập Cận Bình là ngăn chặn việc phiên họp toàn thể lần thứ ba trở thành diễn đàn tự phê bình và giải trình trách nhiệm.

Ông Trung viết trong một bài báo cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times: "Xét cho cùng, các Ủy viên Quốc vụ bị cách chức đều do ông Tập Cận Bình lựa chọn, do đó ông Tập không thể trốn tránh trách nhiệm".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh kiểm duyệt cụm từ 'chấn chỉnh gian dối về năng lực chiến đấu' trong quân đội