Báo cáo: ĐCSTQ mở rộng kiểm duyệt trên toàn cầu với sự trợ giúp của công nghệ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chế độ Trung Quốc sở hữu hệ thống kiểm duyệt được đánh giá là "tinh vi và toàn diện nhất thế giới", nhằm kiểm soát dư luận trong nước. Theo báo cáo mới của Quốc hội Mỹ được công bố vào ngày 20/2, hoạt động kiểm duyệt của Bắc Kinh trong thập kỷ qua đã vươn ra tầm quốc tế, đặt ra thách thức đáng kể đối với lợi ích của Hoa Kỳ.

Ủy ban Kiểm tra Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc (USCC) cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lan truyền của các quan điểm và thông tin mà họ cho là có hại cho lợi ích của họ trên toàn cầu.

Báo cáo của USCC nêu rõ: "Nỗ lực này được thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau, bao gồm trừng phạt các công ty tư nhân và cá nhân Hoa Kỳ bày tỏ lập trường mà ĐCSTQ cho là không chấp nhận được, hạn chế quyền truy cập của Hoa Kỳ vào dữ liệu kinh tế và tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm gieo rắc chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ".

Báo cáo cho biết, ĐCSTQ đã rót nguồn lực khổng lồ để nâng cao năng lực định hình dư luận quốc tế. Ví dụ, để hạn chế thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, hay vấn đề Đài Loan, giới kiểm duyệt Trung Quốc thường xuyên tràn ngập các nền tảng mạng xã hội nước ngoài bằng nội dung không liên quan.

Sự hỗ trợ từ công nghệ Mỹ

Báo cáo tiết lộ, ĐCSTQ sử dụng kiểm duyệt như một công cụ để độc chiếm tính chính đáng chính trị và kiểm soát hành vi của công dân.

Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc được xây dựng dựa trên công nghệ và chuyên môn của Mỹ. Theo báo cáo, trong lịch sử, Trung Quốc đã "dựa rất nhiều vào các bộ phận phần cứng và phần mềm có nguồn gốc từ Hoa Kỳ để xây dựng và vận hành hệ thống kiểm duyệt trực tuyến của mình".

Báo cáo lấy ví dụ, Trung Quốc được cho là đã sử dụng các thiết bị định tuyến, tường lửa và phần mềm diệt virus của các công ty Mỹ như Cisco và Symantec vào đầu những năm 2000, giúp chế độ thực hiện kiểm duyệt tinh vi.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chủ công nghiệp trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng "bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ vẫn phụ thuộc đáng kể vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các thiết bị được sử dụng trong các công nghệ mới nổi như AI, học máy và ứng dụng dữ liệu lớn".

Báo cáo chỉ ra, "Nhiều công cụ 'định hướng dư luận' hỗ trợ bởi AI này dựa vào các thành phần sẵn có được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, chẳng hạn như bộ xử lý trung tâm (GPU) và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây". Thậm chí, báo cáo còn trích dẫn một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google và IBM có thể hợp tác với các công ty Trung Quốc, gián tiếp góp phần vào hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ.

Một số công ty Mỹ có thể vô tình hỗ trợ cho bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng "nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cố tình che giấu mối liên hệ của họ với các cơ quan an ninh Trung Quốc, khiến việc thẩm tra cẩn trọng để tránh góp phần vào bộ máy kiểm duyệt trở nên phức tạp".

COVID-19 và sự thắt chặt kiểm soát

Báo cáo nêu rõ, dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã "mở rộng đáng kể phạm vi và mức độ nghiêm ngặt của bộ máy kiểm duyệt, đặc biệt tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát đối với nội dung internet".

Thay vì áp đặt kiểm soát tuyệt đối lên mọi chủ đề, ĐCSTQ sử dụng một chiến lược kiểm duyệt linh hoạt, cho phép thảo luận có giới hạn về những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng và quản lý yếu kém của các quan chức địa phương, miễn là chúng không đe dọa đến sự cai trị của Đảng. Bằng cách này, công chúng Trung Quốc có thể bày tỏ bất bình trong khi Đảng có thể chuyển trách nhiệm cho các quan chức cấp dưới, những người bị cho là đã "thi hành sai lầm" mệnh lệnh của cấp trên.

Việc kiểm soát thông tin chặt chẽ trong nước cũng gây ra rủi ro cho người dân ở nước ngoài. Báo cáo nhấn mạnh cách ĐCSTQ ứng phó với đại dịch COVID-19, xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, để minh họa cho những hậu quả tiêu cực của nỗ lực kiểm duyệt ngày càng gia tăng của chế độ.

Năm 2019, Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (công tác tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán) đã cố gắng cảnh báo về một loại virus "giống SARS". Nhưng thay vì được lắng nghe, ông lại bị cảnh sát địa phương khiển trách và cáo buộc lan truyền tin đồn, trong bối cảnh chính quyền đang cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch. Sau đó, bác sĩ Lý cũng không qua khỏi COVID-19.

Báo cáo cho biết, khi thế giới tìm cách điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, “Trung Quốc đã kìm hãm các nhà nghiên cứu bằng cách hạn chế những gì có thể được công bố, sau đó họ tràn ngập các nền tảng truyền thông trong nước và quốc tế với thông tin sai lệch”.

Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đang tổ chức tưởng niệm Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã lên tiếng về sự xuất hiện của COVID-19. Bác sĩ Lý qua đời vì chính căn bệnh này tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus bùng phát. Bức ảnh được chụp bên ngoài khuôn viên UCLA tại Westwood, California, vào ngày 15/2/2020. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Để đối phó với sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Tình báo Exovera - một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Virginia (Mỹ) - đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ. Một trong số đó là tăng cường hợp tác với các công ty tư nhân, đồng thời hỗ trợ "phát triển và phổ biến các công cụ nhằm ngăn chặn các kỹ thuật 'bão hòa thông tin' phổ biến". Đây là những kỹ thuật sử dụng các mạng bot để thao túng và điều khiển theo thuật toán các cuộc trò chuyện trực tuyến về những chủ đề nhạy cảm.

Báo cáo cũng đề xuất Hoa Kỳ nên ban hành một "danh sách cảnh báo công khai" để liệt kê các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã góp phần vào hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ, bao gồm cả các công ty con và công ty bình phong của họ. "Bằng cách thực hiện điều này, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đáng kể cho quá trình thẩm tra cẩn trọng của các công ty công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ và giúp họ tránh vô tình hỗ trợ cho hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: ĐCSTQ mở rộng kiểm duyệt trên toàn cầu với sự trợ giúp của công nghệ Mỹ