Chuyên gia: Ông Tập đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối ngoại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Nikkei Asia vừa có cuộc trò chuyện với cựu đại sứ Bilahari Kausikan, nguyên thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, về phong cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc và diễn biến tình hình căng thẳng Mỹ - Trung trong những năm tới. Nhà ngoại giao hàng đầu Singapore Kausikan nói rằng, Bắc Kinh đã mắc 3 sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau 10 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình. Đến nay, chính sách này của ông đã chuyển sang một lập trường tự tin và quyết đoán hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Kausikan cũng từng là đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hiệp Quốc và đại sứ tại Nga. Ông hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Ông Bilahari Kausikan, nguyên thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Concordia 2017 tại khách sạn Grand Hyatt New York, hôm 19/9/2017 ở Thành phố New York. (Ảnh: Paul Morigi/Getty Images)

- Hỏi: Ông đánh giá chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình như thế nào?

- Đáp: Trung Quốc đã phạm phải ba sai lầm rất cơ bản.

Sai lầm thứ nhất là họ đã từ bỏ cách tiếp cận ‘ẩn mình chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình. Đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Điều này dẫn đến sự khoe khoang quá mức. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa. Bởi vì một khi bạn đã khoe khoang thì dù bạn có im lặng đi chăng nữa, người ta cũng sẽ không quên được những gì bạn đã nói.

Sai lầm thứ hai là việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự tin vào những tuyên truyền của họ. Họ cho rằng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đang suy yếu tuyệt đối và không thể phục hồi được. Mỹ có thể đang suy yếu một cách tương đối và họ gặp rất nhiều vấn đề, đó là sự thật. Tuy nhiên sự suy yếu ở đây là tương đối chứ không phải tuyệt đối.

Khoảng một tháng trước, Giáo sư Đại học Bắc Kinh Vương Tập Tư (Wang Jisi) đã trả lời một cuộc phỏng vấn và đưa ra một lập luận rất quan trọng. Ông nói rằng, đừng tin là Mỹ đang suy yếu tuyệt đối. Mỹ chỉ suy giảm tương đối so với Trung Quốc vì Trung Quốc đang trên đà phát triển. Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các nước lớn khác. Ông Vương Tập Tư rất dũng cảm khi dám nói ra điều đó, bởi vì nó mâu thuẫn trực tiếp với những lập luận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, "phương Đông đang trỗi dậy".

Sai lầm thứ ba là mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga. Nga sẽ phải chịu trách nhiệm vĩnh viễn với Trung Quốc. Nga sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể sẽ có được một phần năng lượng giá rẻ. Nhưng như những gì chúng ta đang thấy, Trung Quốc rất lo lắng về việc bị vướng vào rắc rối ở thời điểm có quá nhiều vấn đề kinh tế trong nước và tăng trưởng đang chậm lại.

Đó là những sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

- Hỏi: Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về đường lối ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh?

- Đáp: Các nhà ngoại giao nên biết cương - nhu khi cần để đạt được mục tiêu của mình. Ngoại giao không nhất định chỉ là làm người tốt và lịch sự. Đây là điều tôi thường nói với các nhà ngoại giao trẻ của đất nước mình. Công việc của các nhà ngoại giao là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Singapore. Tất nhiên, nên tốt bụng và lịch sự, nhưng nếu bắt buộc thì vẫn phải sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Đối với ngoại giao chiến lang, tôi không thấy nó mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc. Trên thực tế, tôi cho rằng đường lối ngoại giao này còn mang lại thiệt hại cho Bắc Kinh. Các chiến lang thực chất đang nói chuyện với người dân Bắc Kinh chứ không nhất thiết là nói với người ở bên ngoài.

(Thứ hai từ trái sang) Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa bên trái), chụp ảnh sau khi nhận được Huân chương Khanh Vân - Huân chương vinh dự dân sự cao nhất của Đài Loan, từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa bên phải) tại Văn phòng tổng thống, Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/8/2022. (Ảnh: Chien Chih-Hung/Văn phòng Tổng thống/Getty Images)

- Hỏi: Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, đường lối diều hâu của các nhà ngoại giao chiến lang đã khiến nhiều người dân Trung Quốc lo ngại sẽ xảy ra điều gì đó nguy hiểm nhắm vào máy bay của bà Pelosi. Ông nghĩ sao về chuyện này?

- Đáp: Bà Pelosi có nên đến thăm Đài Loan hay không lại là chuyện khác. Chuyến thăm của bà không đạt được lợi ích gì ngoại trừ việc kích động cảm xúc của quần chúng. Nhưng anh nói đúng, xung đột có thể tình cờ xảy ra. Khi ai đó kích động quần chúng thì đến một lúc nào đó, họ sẽ bị mắc kẹt trong chính những lời tuyên truyền của mình. Nếu họ không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng, họ sẽ trông như một kẻ yếu thế.

- Hỏi: Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là trọng tâm trong 10 năm tới?

- Đáp: Anh vừa nói là 10 năm. Còn tôi cho rằng sẽ lâu hơn thế. Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là đặc điểm cấu trúc mới xoay quanh các mối quan hệ quốc tế. Ví dụ tương tự là trong suốt hơn 40 năm của Chiến tranh Lạnh, thế giới chỉ xoay quanh hai cực là Mỹ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội). Nhưng tôi cho rằng quan hệ Mỹ - Trung phức tạp hơn quan hệ Mỹ - Liên Xô.

Tôi không thích thuật ngữ ‘Chiến tranh Lạnh mới’. Nó thể hiện sai bản chất của mối quan hệ này. Mỹ và Liên Xô từng dẫn đầu các hệ thống riêng biệt, và đó là cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống. Về cơ bản, đó là một cuộc cạnh tranh nhị phân, A hoặc B. Hai hệ thống gần như chỉ được kết nối bằng sợi dây rất mong manh.

Trong mối quan hệ Mỹ - Trung, cả hai nước đều là những thực thể quan trọng trong một hệ thống duy nhất. Họ được kết nối với nhau và với Nhật Bản, Singapore, châu Âu, cũng như với tất cả các quốc gia khác, thông qua một hiện tượng mới. Đó là chuỗi cung ứng với mức độ phức tạp và phạm vi mà tôi cho là chưa từng xuất hiện trong lịch sử.

Tôi nghĩ rằng rất khó để mạng lưới này có thể tách thành hai hệ thống riêng biệt. Sẽ có sự tách biệt một phần. Điều tương tự đã xảy ra trong lĩnh vực công nghệ, internet, nhưng tôi không cho rằng sẽ có sự tách biệt hoàn toàn vì chi phí là quá đắt đỏ.

Tôi sẽ dẫn một ví dụ. Chúng ta đều biết chất bán dẫn là một điểm yếu chí mạng của Trung Quốc. Và tôi nghĩ Trung Quốc sẽ rất khó để bắt kịp (với các cường quốc trong lĩnh vực này). Thậm chí tôi cho rằng, Trung Quốc gần như không thể bắt kịp với các công nghệ thuộc phân khúc cao cấp vì ranh giới phân loại vẫn đang dịch chuyển. Những gì được xem là cao cấp ngày hôm nay sẽ không còn là cao cấp trong tương lai.

Tuy nhiên, lý do cơ bản khiến Trung Quốc rất khó bắt kịp là tất cả các bộ phận quan trọng nhất của chuỗi cung ứng là do Mỹ, bạn bè, hoặc đồng minh của Mỹ kiểm soát. Một số loại vật liệu, một số loại hóa chất là của Nhật Bản. Các loại máy công cụ để thiết kế nằm trong tay người Hà Lan. Các loại máy công cụ khác là của các nước châu Âu khác. Các nhà chế tạo chất bán dẫn lớn đang tập trung ở Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ. Và còn rất nhiều bộ phận nhỏ lẻ khác cũng như những bộ phận quan trọng nhất đều do Mỹ kiểm soát.

Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 40% sản phẩm bán dẫn. Do đó, làm sao có thể cắt giảm 40% sản lượng của công ty mà không gây ra tổn thất nghiêm trọng? Cạnh tranh trong cùng một hệ thống khó hơn nhiều so với cạnh tranh giữa các hệ thống. Bạn chỉ cần ngắt kết nối của Liên Xô với tất cả mọi thứ. Nhưng bạn thực sự không thể làm điều đó với Trung Quốc. Bạn cần phải phân định rõ ràng hơn.

Thứ hai, tôi không nghĩ rằng cuộc cạnh tranh này sẽ kết thúc một cách rõ ràng. Tại sao? Bởi vì người Trung Quốc có thể muốn thống trị hệ thống duy nhất này, còn người Mỹ muốn duy trì vị thế thống trị của mình. Nhưng không ai trong số họ muốn phá hủy bên còn lại, bởi vì tiêu diệt một bên đồng nghĩa với phá hủy toàn bộ hệ thống và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Vì vậy, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ kéo dài hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh, đó là điểm mấu chốt. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó.

- Hỏi: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư để Trung Quốc không thể vượt mặt Mỹ về các công nghệ chủ chốt. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đáp: Giờ đây, Mỹ cần phải xem xét kỹ lưỡng loại chất bán dẫn nào dự định bán cho Trung Quốc. Mỹ nên bán cho Trung Quốc loại chất bán dẫn chỉ có thể dùng cho máy giặt. Điều đó cũng tốt, tại sao lại không? Nhưng đừng bán cho họ những thứ có thể được sử dụng trong tên lửa dẫn đường chính xác. Tình hình sẽ trở nên rất, rất phức tạp. Rất, rất kỹ thuật. Các trường hợp cụ thể cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Những gì tôi nghe được từ các công ty công nghiệp, bao gồm các công ty công nghiệp Nhật Bản và các công ty công nghiệp Đức, là dù họ vẫn làm việc với thị trường Trung Quốc, nhưng họ sẽ không còn "ngây thơ" nữa. Không thể nói rằng, "Tất cả các công ty Nhật Bản sẽ quay về Nhật Bản, sẽ đến Singapore, Việt Nam". Điều đó chỉ đơn giản là không thể. Ngay cả khi bạn muốn làm điều đó thì cũng phải mất rất nhiều năm. Đây không phải sự việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Huyền Anh

Theo Nikkei Asia



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Ông Tập đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối ngoại