Đài Loan mất thêm đồng minh Nauru sau cuộc bầu cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan đã mất một trong số ít đối tác ngoại giao vào tay Trung Quốc chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội hôm 13/1. Đài Bắc tuyên bố rằng điều này là do Bắc Kinh dàn dựng để phá hoại nền dân chủ của họ.

Theo bài đăng trên Facebook của chính phủ Nauru, Nauru đã cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào ngày 15/1 và sẽ “không còn phát triển bất kỳ quan hệ chính thức hay trao đổi chính thức nào với Đài Loan”. Theo thông báo, quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương với 13.000 dân này sẽ cố gắng chuyển lòng trung thành ngoại giao của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ngay sau thông báo của Nauru, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng họ sẽ “chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nauru và điều này có hiệu lực ngay lập tức” để “bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Điền Trung Quang (Tien Chung-kwang) cho biết trong cuộc họp báo được tổ chức vội vàng vào ngày 15/1 rằng, chính phủ Nauru đã yêu cầu Đài Bắc viện trợ “một số tiền lớn” trước khi đưa ra thông báo này. Ông tuyên bố rằng số tiền được yêu cầu "vượt xa" mức bình thường mà Đài Loan cung cấp cho các đối tác ngoại giao.

Ông Điền Trung Quang nói tiếp: “Một lần nữa, điều đó cho thấy Trung Quốc đang dùng mọi cách có thể, kể cả tiền bạc và ngoại giao, để đàn áp chúng tôi”.

Sau khi Nauru xoay trục sang Trung Quốc, Đài Loan hiện chỉ còn duy trì quan hệ chính thức với 12 quốc gia. Hầu hết họ đều là các quốc đảo nhỏ bé ở vùng Trung và Nam Mỹ, bao gồm:

  • Vùng Mỹ Latin và Caribbe: Belize, Haiti, St Kitts & Nevis, St Vincent & the Grenadines, Guatemala, Paraguay và Saint Lucia
  • Châu Phi: Swaziland
  • Châu Âu: Tòa thánh Vatican
  • Vùng Thái Bình Dương: Tuvalu, Quần đảo Marshall và Palau.

Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách cô lập Đài Bắc trên trường quốc tế như một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm buộc hòn đảo tự trị này chấp nhận yêu sách chủ quyền của mình. ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị Đài Loan, họ coi hòn đảo dân chủ này là một tỉnh ly khai và không ngừng gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến đến gần hòn đảo gần như hàng ngày.

Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ Bắc Kinh, hàng triệu cử tri Đài Loan đã đến các điểm bỏ phiếu vào ngày 13/1 để bầu ra tổng thống tiếp theo của họ. Ứng cử viên Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, ông Lại Thanh Đức, đã đắc cử tổng thống sau khi giành được 40% số phiếu bầu.

Chiến thắng của ông Lại đánh dấu bước thụt lùi trước nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa Đài Bắc về dưới sự kiểm soát của mình. Ông Lại và Đảng Dân Tiến chủ trương duy trì hiện trạng eo biển Đài Loan, mong muốn chung sống hòa bình với “nước lớn” láng giềng, nhưng bác bỏ quan điểm cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Điều này đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Chế độ này đã gán cho ông Lại Thanh Đức là một “kẻ ly khai” và trước cuộc bầu cử ngày 13/1 đã kêu gọi người dân Đài Loan không nên bỏ phiếu cho ông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối "nghiêm túc" tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những thông điệp chúc mừng chiến thắng của ông Lại.

Quân đội Trung Quốc chưa đưa ra bình luận trực tiếp nào về kết quả bầu cử ở Đài Loan. Tuy nhiên, vào ngày 15/1, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ đã đăng tải đoạn video về các cuộc tập trận hải quân ở Biển Hoa Đông mà không nêu rõ địa điểm và ngày tháng.

Thời điểm

Ông Điền Trung Quang cho biết, chính quyền Trung Quốc đã đặc biệt chọn thời điểm hậu bầu cử để nhắm vào Đài Loan, đồng thời gọi thông báo của Nauru là “rất bất ngờ”. Trong khi Đài Loan biết rằng Trung Quốc “tích cực tiếp cận” các chính trị gia Nauru và “sử dụng hỗ trợ kinh tế để lôi kéo nước này chuyển sang công nhận ngoại giao”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng Đài Bắc cũng nhận được lời chúc mừng từ các quan chức Nauru sau cuộc bầu cử ngày 13/1.

Văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết động thái của Trung Quốc tương đương với “sự bác bỏ các giá trị dân chủ và thách thức trắng trợn trật tự và ổn định của cộng đồng quốc tế”.

“Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã gây áp lực liên tục lên không gian ngoại giao của Đài Loan, bao gồm cả việc lặp đi lặp lại những lời hứa hão huyền nhằm lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan, hạn chế không gian ngoại giao của Đài Loan", phát ngôn viên văn phòng Olivia Lin được dẫn lời trong một tuyên bố ngày 15/1.

“[Tuy nhiên,] không điều nào trong số này có thể làm giảm ý chí của người dân Đài Loan trong việc hội nhập với thế giới, cũng như không thể thay đổi sự thật rằng Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phụ thuộc lẫn nhau”, tuyên bố nêu rõ.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đánh giá cao và hoan nghênh quyết định của Nauru.

“Nauru, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đã đưa ra lựa chọn đúng đắn khi nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc một cách độc lập”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp giao ban thường kỳ vào ngày 15/1.

Hỗ trợ ‘vững như bàn thạch’

Thông báo này được đưa ra khi một phái đoàn gồm các cựu quan chức Mỹ đến thăm Đài Loan. Nhóm do cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley dẫn đầu đã gặp bà Thái Anh Văn vào ngày 15/1 tại văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc.

Ông Hadley cho biết cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan là “vững như bàn thạch” và ông hy vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục dưới thời tân chính phủ của Đài Loan.

Mặc dù không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức, Hoa Kỳ vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bắt tay cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg trong chuyến thăm Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 15/1/2024. (Ảnh: CNA Pool/AFP/Getty Images)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bắt tay cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Stephen Hadley và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Steinberg trong chuyến thăm Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 15/1/2024. (Ảnh: CNA Pool/AFP/Getty Images)

Sau cuộc bầu cử ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

Trong cuộc gặp sau đó tại trụ sở Đảng Dân Tiến, ông Lại Thanh Đức cho biết ông sẽ tuân theo chính sách của bà Thái trong việc duy trì “nguyên trạng” trong quan hệ hai bờ eo biển và bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan.

Trong bối cảnh quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu Đài Loan, ông Lại nói với phái đoàn Mỹ rằng Đài Loan “có thể bình tĩnh đối phó và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, trong đó có Mỹ, để bảo vệ hiện trạng ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Ông nói: “Dân chủ và tự do là tài sản quý giá nhất của người dân Đài Loan. Đó cũng là giá trị cốt lõi của Đài Loan và Hoa Kỳ, đồng thời là nền tảng của mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Đài Loan và Hoa Kỳ”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan mất thêm đồng minh Nauru sau cuộc bầu cử