Học giả: Ba biến số chính trong cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Hội nghị thường niên về Truyền thông Tin tức Thế giới 2023" đã khai mạc tại Đài Bắc vào ngày 28/6 và các vấn đề địa chính trị của Đài Loan cũng trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Theo phân tích của các học giả, cạnh tranh Mỹ - Trung thời gian gần đây đã lắng dịu và đang bước vào giai đoạn đối thoại, nhưng căng thẳng vẫn ở mức đáng lo ngại. Bên cạnh đó, các học giả cũng cho biết có ba biến số chính trong cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan.

"Hội nghị thường niên về Truyền thông Tin tức Thế giới 2023" đã chính thức diễn ra tại Trung tâm triển lãm Nam Cảng - Đài Bắc. Đây là hội nghị truyền thông quốc tế lớn nhất từng được tổ chức tại Đài Loan, với sự tham gia của hơn 900 nhà báo từ hơn 500 phương tiện truyền thông đến từ 57 quốc gia trên thế giới.

Tờ United Daily News đưa tin, Tổng thống Thái Anh Văn cũng đặc biệt tới tham dự lễ khai mạc và nhấn mạnh rằng duy trì an ninh khu vực là chính sách then chốt của chính phủ Đài Loan. Đài Loan cam kết hợp tác với các nước láng giềng và các đối tác dân chủ để tránh xung đột ở Eo biển Đài Loan, cũng như ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đài CNA đưa tin, tại sự kiện lần này, vấn đề “Những thách thức địa chính trị ở Đài Loan và các nước láng giềng" do ông Robin Harding, Biên tập viên Châu Á của tờ Financial Times và ông Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập của South China Morning Post, trình bày.

Bên cạnh đó, ông Wu Yushan, một học giả nổi tiếng tại Học viện Sinica của Đại học quốc lập Tôn Trung Sơn, và bà Shin Chueiling, Giáo sư tại Khoa Kinh tế Chính trị tại Đại học quốc lập Tôn Trung Sơn, nói về vị thế của Đài Loan trong bối cảnh địa chính trị hiện nay và cách truyền thông nước ngoài nhìn nhận về mối quan hệ Mỹ - Trung - Đài.

Ông Harding cho biết tình hình quốc tế là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giới truyền thông. Sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, vấn đề Đài Loan và Trung Quốc đã trở thành chủ đề địa chính trị được quan tâm nhất trên thế giới và vấn đề hai bên của Eo biển cuối cùng có đi đến kết cục chiến tranh hay không vẫn còn là ẩn số.

Ông Wu Yushan: Ba biến số trong xung đột Eo biển Đài Loan

Ông Wu Yushan lập luận rằng có ba biến số chính trong xung đột ở Eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, khi cơ hội thống nhất hòa bình bằng không, động cơ gây chiến của Bắc Kinh sẽ tăng lên đáng kể.

Thứ hai, liệu quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể chiếm được Đài Loan và đẩy lùi quân đội nước ngoài đến hỗ trợ hay không.

Thứ ba, liệu Trung Quốc có khả năng gánh chịu cái giá phải trả cho chiến tranh, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt kinh tế từ các quốc gia khác nhau trên thế giới hay không.

Ông Wu Yushan cho biết ông Tập Cận Bình vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, Mỹ cũng đã hoàn thành cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, lãnh đạo hai nước hiện ít bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị trong nước. Đây là thời điểm để Mỹ và Trung Quốc tạm thời xoa dịu bầu không khí đối đầu. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh vào ngày 19/6. Ngoại giới tin rằng động thái này có nghĩa là hai bên đang cố gắng thiết lập một đường dây liên lạc để xoa dịu căng thẳng.

Bà Shin Chueiling thừa nhận rằng khó để dự đoán chắc chắn việc một cuộc xung đột quân sự có nổ ra ở Eo biển Đài Loan hay không, nhưng người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đều hiểu rằng hành động bao vây Đài Loan của Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu. Một khi chiến tranh bùng nổ, cái giá mà Trung Quốc và thế giới phải trả sẽ rất khó lường.

Bà cũng chỉ ra rằng ở thời điểm hiện tại - khi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như có thể ngồi vào bàn đối thoại - đây chính là cơ hội vàng cho Đài Loan. Trong tương lai, việc Eo biển Đài Loan sẽ ổn định hay căng thẳng hơn sẽ phụ thuộc vào tình hình 6 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Đài Loan vào năm sau.

‘Tự do báo chí là giá trị cốt lõi của Đài Loan’

Tờ Liberty Times đưa tin Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã tham dự tiệc chiêu đãi chào mừng hội nghị thường niên và nói rằng tự do báo chí là giá trị cốt lõi của Đài Loan và kết nối Đài Loan với thế giới dân chủ. Ông tự hào nói rằng ở Đài Loan, các phương tiện truyền thông được tự do đưa tin và chỉ trích chính phủ.

Ông cũng đề cập rằng Đài Loan vẫn còn rất nhiều niềm tự hào, ngoài việc 90% chip cao cấp trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, Đài Loan còn là một quốc gia có phong cảnh đẹp, đa văn hóa và ẩm thực phong phú.

Tại cuộc họp, ông Lại Thanh Đức bày tỏ, ngoài việc bảo vệ quyền tự do báo chí, những đổi mới công nghệ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai, những thay đổi trong mô hình tiêu thụ tin tức và xung đột địa chính trị sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với vấn đề quản lý, đạo đức và tính trung lập của truyền thông tin tức. Tuy nhiên, ông tin rằng với sự chung tay của các nhà lãnh đạo truyền thông thế giới tại hội nghị thường niên này, chắc chắn sẽ có một giải pháp thỏa đáng cho tất cả mọi người.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Học giả: Ba biến số chính trong cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan