Lầu Năm Góc: Việc Trung Quốc tấn công Đài Loan cũng giống như Nga xâm lược Ukraine, đều là 'sai lầm chiến lược'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm thứ Tư (16/11), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley nhận định rằng, việc Trung Quốc tấn công Đài Loan cũng giống như việc Nga xâm lược Ukraine, tất cả đều là 'sai lầm chiến lược nghiêm trọng'.

Trong cuộc họp báo hôm 16/11, ông Milley được hỏi liệu ông có lo ngại rằng ông Tập sẽ đưa ra một “quyết định sai lầm hoặc quyết định thiếu sáng suốt” nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực hay không; bởi vì hòn đảo dân chủ tự do này coi mình là một thực thể độc lập, trong khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn xem Đài Loan như một phần lãnh thổ của mình.

Ông Milley trả lời rằng, mặc dù cá nhân ông không biết nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng ông tin rằng ông Tập là một “nhà lãnh đạo có lý trí”, người sẽ “ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia” và cũng là người “đánh giá mọi thứ dựa trên tiêu chí chi phí, lợi ích và rủi ro".

“Theo quan điểm của tôi, ông Tập sẽ đi đến kết luận rằng, một cuộc tấn công vào Đài Loan trong tương lai gần sẽ mang lại rủi ro quá lớn, điều đó sẽ dẫn đến một thất bại chiến lược thực sự đối với quân đội Trung Quốc. Khi đó, thất bại này sẽ dập tắt giấc mộng trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một của Trung Quốc, v.v.”, ông nói.

Ông Putin ban bố thiết quân luật ở 4 vùng mới sáp nhập
Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến của Hội đồng An ninh Nga tại dinh thự ở khu Novo-Ogaryovo, phía tây thủ đô Moscow, Nga, ngày 19/10/2022. (Ảnh: Sergei Ilyin/Sputnik/AFP/Getty Images)

'Một sai lầm chính trị'

“Tôi nghĩ điều đó thật thiếu khôn ngoan, đó sẽ là một sai lầm chính trị, sai lầm địa chính trị, sai lầm chiến lược, tương tự như sai lầm chiến lược mà [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã mắc phải ở Ukraine”, ông nói thêm.

Ông Milley cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc đã không tham chiến kể từ sau chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979. Do đó, nhiệm vụ băng qua eo biển và xâm chiếm Đài Loan sẽ trở thành một “trò chơi rất nguy hiểm” và một “nhiệm vụ quân sự rất khó nhằn” đối với ĐCSTQ.

Tuy nhiên, Tướng Mark Milley nhận định rằng, Washington không chắc liệu Trung Quốc có cố gắng xâm chiếm Đài Loan hay không, nhưng các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và “sẵn sàng về mặt quân sự”.

“Một trong những điểm mấu chốt vào lúc này là đảm bảo rằng, Đài Loan có khả năng tự vệ và rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến tại Ukraine”, ông nói thêm.

Căng thẳng trong khu vực không ngừng leo thang kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị vào tháng 8.

Chính quyền Trung Quốc cho biết, họ phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của bà Pelosi, cũng như việc các chính phủ hoặc tổ chức quốc tế khác thiết lập quan hệ ngoại giao với các quan chức Đài Loan.

Sau chuyến thăm của đảng Dân chủ tới hòn đảo, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan, cũng như tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật và phóng 11 tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh hòn đảo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Đàm phán Mỹ - Trung

Vào ngày 12/11, Bộ quốc phòng Đài Loan thông báo rằng, 36 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của quân đội Trung Quốc đã hiện diện ở gần và ở trong khu vực xung quanh hòn đảo này.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia). Đây cũng là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nguyên thủ quốc gia Mỹ - Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức vào năm 2021.

"Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn về các mối quan tâm cũng như ưu tiên của mỗi quốc gia", ông Biden phát biểu sau cuộc gặp với ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

"Cả ông Tập và tôi đều nói rõ rằng, chúng tôi sẽ bảo vệ các giá trị và lợi ích mà Mỹ sẽ thực hiện để thúc đẩy nhân quyền toàn cầu, ủng hộ trật tự quốc tế, cũng như hợp tác chặt chẽ với đồng minh và đối tác của chúng tôi", theo một tuyên bố của Nhà Trắng.

Tổng thống Biden cũng nói rõ với ông Tập rằng, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác để giải quyết các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế, y tế và an ninh lương thực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (đầu tiên bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đầu tiên bên phải) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Về vấn đề Đài Loan, ông Biden cho biết, Mỹ cam kết duy trì chính sách 'Một Trung Quốc' và phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng liên quan đến Đài Loan.

Tổng thống Hoa Kỳ cũng “lên tiếng phản đối các hành động cưỡng chế và ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan, làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực rộng lớn hơn, đồng thời gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng toàn cầu".

Tuy nhiên, truyền thông trong nước của ĐCSTQ đưa tin rằng, vấn đề "hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan" và việc duy trì "một Đài Loan độc lập" là không thể đồng thời tồn tại.

"Hòa bình và ổn định xuyên eo biển và Đài Loan độc lập là hai vấn đề không thể hòa giải, giống như nước và lửa".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc: Việc Trung Quốc tấn công Đài Loan cũng giống như Nga xâm lược Ukraine, đều là 'sai lầm chiến lược'