Lệnh cấm chất bán dẫn của Mỹ có ảnh hưởng đến Đài Loan?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Mỹ ban hành lệnh cấm chất bán dẫn đối với Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng, lệnh cấm này cũng sẽ ảnh hưởng đến Đài Loan. Về vấn đề này, các chuyên gia tin rằng rủi ro đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang thực sự nóng lên, nhưng rủi ro đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Chuyên gia: Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan tồn tại những rủi ro nhất định

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Liu Peizhen, một nhà nghiên cứu và giám đốc Cơ sở dữ liệu Kinh tế Công nghiệp của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định rằng, tình hình hiện tại đang hỗn loạn hơn trước, và những rủi ro của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang thực sự nóng lên. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa công bố các bước cụ thể của lệnh cấm chất bán dẫn với Trung Quốc. Do đó, rủi ro đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan vẫn có thể kiểm soát và hạn chế được.

Ông Liu Peizhen lập luận rằng ở giai đoạn này, Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (gọi tắt là TSMC), đã hạn chế đáng kể việc vận chuyển các công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà máy đúc chip tại Nam Kinh của TSMC đã được Mỹ miễn trừ cấm vận. Đây là xưởng đúc nước ngoài duy nhất đặt tại Trung Quốc vẫn sản xuất vi xử lý trên quy trình 16nm. Do đó, ngành công nghiệp chất bán dẫn của Đài Loan sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm này.

TSMC sản xuất bộ vi xử lý cho các công ty Mỹ bao gồm Apple và Qualcomm. Công ty sản xuất các dòng chip A-series và M-series của Apple và chiếm hơn 50% thị trường đúc bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng hạn chế sang nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn trong tương lai, chẳng hạn như AI, siêu máy tính, trung tâm dữ liệu máy chủ, hàng không vũ trụ, ô tô thông minh và các lĩnh vực ứng dụng khác, dẫn đến ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà sản xuất chip Mỹ, thì điều đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đài Loan. Tình hình về lâu dài vẫn còn phải xem xét.

Ông Liu Peizhen chỉ ra rằng, một khi Mỹ mở rộng quyền kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, điều này sẽ có tác động đến nhiều công ty khác. Đặc biệt, lĩnh vực chất bán dẫn của Trung Quốc là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quy trình sản xuất tiên tiến của nước này sẽ gần như bị đóng băng, thậm chí là thụt lùi. Ngay cả khi Trung Quốc có thị trường cầu nội địa lớn, chính phủ nước này cũng khó có thể phát triển công nghệ chip then chốt. Rốt cuộc thì chất bán dẫn vẫn là công nghệ quan trọng và đang nằm trong tay Mỹ, cũng như một số đồng minh khác của Washington.

Hiện tại, có vẻ như Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp hạn chế chất bán dẫn đối với Trung Quốc. Do đó, các nhà sản xuất trên thế giới cũng đang để mắt đến thương chiến Mỹ - Trung và tác động đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Học giả: Thị trường chất bán dẫn của Đài Loan ổn định hơn

Ông Cao Nhân Sơn (Gao Renshan), Phó giáo sư tại Đại học Nguyên Trí (Yuan Ze University) ở Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp ĐCSTQ sử dụng các phương tiện không phù hợp để chiêu mộ nhân tài Đài Loan, đánh cắp bí mật hoặc tiến hành các thương vụ sáp nhập và mua lại. Do đó, việc Mỹ đưa ra các hạn chế này khiến cho TSMC ổn định hơn.

ĐCSTQ sẽ tấn công Đài Loan?

Thế giới không khỏi lo ngại rằng, ĐCSTQ sẽ tấn công Đài Loan. Về việc này, ông Cao Nhân Sơn nhận định, mọi người cần chú ý đến lời cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Cảnh báo đó có nghĩa là ông ấy đã nắm được thông tin tình báo. Có hai mục đích cho việc tiết lộ thông tin tình báo. Một là để nhắc nhở Đài Loan cần chuẩn bị càng sớm càng tốt, hai là để cảnh báo nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng: "Tôi biết ông sẽ làm gì! Đừng hành động hấp tấp!". Đương nhiên, Ngoại trưởng Mỹ sẽ không tiết lộ công khai những thông tin này.

Ông Cao Nhân Sơn tin rằng, trên thực tế, ĐCSTQ không sợ chiến đấu trên diện rộng, bởi vì Mỹ đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Tuy Mỹ chưa bao giờ gửi quân đến hỗ trợ Ukraine nhưng Mỹ đã để các đồng minh của liên minh quân sự NATO hành động và rút cạn nguồn tài nguyên của Nga. Có thể thấy, ý đồ của Mỹ là điều động lực lượng quân sự ở khu vực Thái Bình Dương để đối phó với ĐCSTQ. Theo quan điểm của Mỹ, rõ ràng là hiện nay Nga không phải là mối đe dọa lớn nhất, mà là Trung Quốc. Căn cứ vào năng lực hiện nay của quân đội Mỹ, nước này sẽ không ngại đụng độ với ĐCSTQ trong một cuộc hải chiến.

'Mỹ vốn đã là một biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc'

Ngày 7/10, chính quyền ông Joe Biden ban hành một bộ kiểm soát xuất khẩu, bao gồm các biện pháp chặn Trung Quốc tiếp cận một số loại chip bán dẫn và thiết bị sản xuất chip nhất định. Theo quy định, các công ty Mỹ phải dừng cung ứng thiết bị sản xuất chip tương đối hiện đại cho những hãng chip Trung Quốc nếu không có giấy phép.

Quy định mới cũng kiểm soát một số mặt hàng sản xuất bán dẫn và giao dịch đối với mục đích sử dụng cuối cùng của vài loại chip và bo mạch. Mỹ còn muốn tăng cường kiểm soát xuất khẩu để bao gồm các sản phẩm, công nghệ và những thứ khác dùng để phát triển và sản xuất bo mạch. Thậm chí, công dân Mỹ và người giữ “thẻ xanh” bị cấm làm việc với các pháp nhân Trung Quốc nhất định.

Về vấn đề này, ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), Chủ tịch hội đồng quản trị Caixin Media Đài Loan, đã đăng tải một bài viết lên mạng xã hội vào ngày 17/10 cho hay, đây vốn đã là một biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, cho biết cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS vào đầu tháng 9 rằng, TSMC cung cấp chip cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, ông Morris Chang nói rằng nếu có chiến tranh, tất cả mọi thứ sẽ bị phá hủy.

Ông Tạ Kim Hà cho rằng việc chính quyền ông Biden tiến hành biện pháp trừng phạt cấp cao như vậy đối với Trung Quốc ngay trước thềm Đại hội 20 là "rất bất thường". Phương thức này thường chỉ xảy ra ở các nước đang tham chiến. Động thái này của Mỹ có nghĩa là, nếu ông Tập Cận Bình tiếp tục duy trì chiến lược ngoại giao chiến lang sau Đại hội 20 thì lệnh trừng phạt của Mỹ có thể sẽ tăng thêm nữa.

'Phá hủy hòa bình trên eo biển Đài Loan sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc'

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Wang Meihua đã dẫn đầu một phái đoàn thăm Mỹ từ ngày 9/10 đến ngày 16/10 để thúc đẩy trao đổi giữa các công ty Đài Loan và các công ty Mỹ, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng về ngành công nghiệp bán dẫn của hòn đảo này. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Washington Post trong thời gian ở Mỹ, bà nói rằng 40% thương mại của Đài Loan và 60% chip của hòn đảo này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này có liên quan mật thiết đến vị thế của Trung Quốc, vốn là dây chuyền lắp ráp lớn nhất trên thế giới. Bà Wang Meihua nhấn mạnh rằng, quan điểm của Đài Loan là không khiêu khích và hy vọng đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip vào đầu tháng 10. Trong tương lai, các công ty Mỹ sẽ không được phép xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất liên quan sang Trung Quốc, trừ khi được chính phủ cho phép. Công nghệ của Mỹ cũng sẽ được điều chỉnh theo lệnh cấm này.

Bà Wang Meihua nói rằng, mặc dù các hạn chế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến một số công ty Đài Loan, nhưng bà tự tin rằng chúng sẽ không tác động tiêu cực quá mức. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ ảnh hưởng đến các chip được sử dụng trong công nghệ siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo, tính ra là một con số nhỏ chứ không phải phần lớn chip được sử dụng trong thị trường thiết bị điện tử tiêu dùng. Vì vậy các nhà sản xuất Đài Loan sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh cấm chất bán dẫn của Mỹ có ảnh hưởng đến Đài Loan?