Loạt đồng minh lên tiếng bác đề xuất của Tổng thống Pháp về việc đưa quân tới Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất khả năng triển khai quân đội của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Ukraine, tuy nhiên ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự khác của liên minh này.

Trong một cuộc họp gần đây của các thành viên NATO, ông Macron đã đề xuất khả năng này. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng "hiện tại không có sự đồng thuận để chính thức cử quân đến Ukraine". Dù vậy, ông cho biết "về mặt động lực, không thể loại trừ bất kỳ điều gì".

Nói cách khác, đề xuất của ông Macron về việc đưa quân NATO vào Ukraine hiện không được các đồng minh khác trong khối NATO ủng hộ. Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm rằng tình hình có thể thay đổi trong tương lai.

Vào sáng thứ Ba (27/2), các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Ba Lan và Italia đã tuyên bố sẽ không cử quân tham chiến trực tiếp tại Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định với các phóng viên: "Sẽ không có lực lượng bộ binh, không có binh lính nào của các nước châu Âu hay NATO được triển khai trên lãnh thổ Ukraine".

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, cũng tuyên bố "gửi quân đến Ukraine không phải là lựa chọn" của Đức.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Robert Habeck, mặc dù vui mừng trước sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Macron dành cho Ukraine, nhưng ông cũng kêu gọi ông Macron nên tập trung năng lượng vào việc cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định nước ông "không có kế hoạch cử quân đội đến Ukraine".

Trong khi đó, văn phòng của Thủ tướng Italia, bà Giorgia Meloni, cho biết mặc dù "từ hai năm trước, kể từ khi Nga có hành động gây hấn, đã có sự đoàn kết toàn diện giữa tất cả các đồng minh về sự hỗ trợ dành cho Kyiv. Sự hỗ trợ này không bao gồm việc quân đội từ các nước châu Âu hoặc NATO hiện diện trên lãnh thổ Ukraine".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ việc thảo luận về việc liên minh trực tiếp can dự vào cuộc chiến ở Ukraine.

Các đồng minh NATO đang cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ. Chúng tôi đã làm điều này từ năm 2014 và tăng cường trợ giúp sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Tuy nhiên, không có kế hoạch nào về việc triển khai quân chiến đấu NATO xuống đất Ukraine, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định.

Hôm 27/2, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết một số lượng hạn chế nhân viên quân sự Anh hiện đang có mặt tại Ukraine với vai trò hỗ trợ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "Chúng tôi không có kế hoạch triển khai lực lượng quy mô lớn".

Thủ tướng Slovakia, Robert Fico, là một trong số ít nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO đề xuất một số thành viên có thể tham gia trực tiếp hơn vào cuộc chiến ở Ukraine. Ông Fico cho biết Slovakia không có kế hoạch như vậy, nhưng thừa nhận một số quốc gia đang cân nhắc các thỏa thuận song phương với Ukraine để cử quân đến.

Nga cảnh báo chiến tranh sẽ lan rộng nếu NATO đưa quân tới Ukraine

Chính phủ Nga cũng nhanh chóng đưa ra lời kêu gọi cảnh báo ngăn chặn quân đội NATO can thiệp vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Suốt hai năm chiến tranh, Nga đã liên tục phản đối việc các nước thành viên NATO cung cấp vũ khí, tài chính và tình báo cho Ukraine để chống lại lực lượng Nga. Mặc dù NATO ủng hộ Ukraine, nhưng Tổng thống Nga Putin vẫn chưa muốn đối đầu trực tiếp với khối liên minh 31 thành viên này. Tuy nhiên, nếu quân đội NATO trực tiếp tham chiến với Nga, thì cục diện có thể thay đổi.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nhấn mạnh, việc triển khai quân NATO đến Ukraine sẽ khiến xung đột vũ trang trực tiếp giữa Nga và NATO trở thành chắc chắn thay vì chỉ là có thể.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga, ông Peskov cho biết, bất kỳ thành viên NATO nào cân nhắc gửi quân đến Ukraine nên tự hỏi liệu hành động đó có phù hợp với lợi ích của chính họ và đặc biệt là lợi ích của công dân nước mình hay không.

Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 1949, nền tảng của NATO, quy định rằng một cuộc tấn công trực tiếp vào một quốc gia thành viên NATO sẽ được coi là tấn công vào toàn bộ liên minh, và các quốc gia thành viên sẽ đáp trả bằng cách tự vệ tập thể. Tuy nhiên, Hiệp ước NATO không rõ ràng về việc các thành viên tham gia vào một cuộc xung đột đang diễn ra không liên quan đến các thành viên khác, như trường hợp lực lượng NATO tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện tại.

Ông Biden thúc giục Quốc hội Mỹ phê duyệt viện trợ mới cho Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất khả năng gửi quân đội NATO tham chiến trực tiếp vào cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và nước này đang cân nhắc mở rộng luật nghĩa vụ quân sự để có đủ nguồn nhân lực cho quân đội.

Nước Mỹ gần như đã cạn kiệt nguồn ngân sách dành cho Ukraine, và các nhà lập pháp đã tranh luận trong nhiều tháng về tương lai của viện trợ quân sự cho quốc gia này.

Đầu tháng này, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu bổ sung trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm khoảng 60 tỷ USD viện trợ mới cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa được Hạ viện thông qua. Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa phàn nàn về chi phí của gói chi tiêu bổ sung, cũng như việc thiếu các điều khoản về an ninh biên giới. Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng hoài nghi về việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine thay vì thúc đẩy một giải pháp hòa bình.

Tổng thống Biden hôm 27/2 đã gặp gỡ với bốn lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội - Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Chuck Schumer, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, Lãnh đạo phe Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell và Lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries - để lặp lại lời kêu gọi Hạ viện thông qua khoản chi tiêu bổ sung 95 tỷ USD.

Hôm 26/2, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: "Nếu dự luật chi tiêu bổ sung an ninh quốc gia này được đưa ra biểu quyết tại Hạ viện, nó sẽ nhận được sự ủng hộ của cả lưỡng đảng. Chúng tôi biết điều này. Chúng tôi biết điều này vì đã nghe thấy nhiều thành viên đảng Cộng hòa lên tiếng ủng hộ. Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật này, và Tổng thống sẽ thảo luận về vấn đề này với bốn lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội vào ngày mai”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Loạt đồng minh lên tiếng bác đề xuất của Tổng thống Pháp về việc đưa quân tới Ukraine