Mỹ 'xung đột nội bộ' về vấn đề viện trợ cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng tới. Giới quan sát cho rằng, sự kiện này sẽ có tác động không nhỏ đến việc Mỹ viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc mới đây tuyên bố, Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Ukraine tự vệ trước cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

Cuộc tranh cãi bùng phát tại Đồi Capitol vào tuần trước về việc, liệu Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát có tiếp tục bơm tiền cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không. Vào thời điểm đó, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy đã phát biểu rằng, Quốc hội Mỹ có khả năng rút lại khoản viện trợ của chính phủ dành cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa chiếm được Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Đây không phải là lần đầu tiên các nghị sĩ Cộng hòa đưa ra những tuyên bố như vậy. Trước phản ứng này, Tổng thống Mỹ được cho là đang gặp áp lực không nhỏ về việc có nên tiếp tục thông qua qua các tấm “séc trống” (các tấm séc đã được ký nhưng chưa ghi số tiền cụ thể) cho Ukraine hay không.

Lầu Năm Góc: 'Chúng ta nên hạn chế suy đoán'

Các chuyên gia nhận định rằng, Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ kiểm soát ít nhất một trong hai viện của Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc từ chối bình luận về bình luận của ông McCarthy.

"Không thể chấp nhận được việc đưa ra suy đoán về kết quả của một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hoặc một tình huống giả định", Trung tá Garron Garn, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên.

Ông khẳng định rằng, Washington sẽ tiếp tục phối hợp với đồng minh và đối tác từ gần 50 quốc gia để hỗ trợ Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Về phần mình, ông McCarthy bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhận xét ban đầu của ông lại có "ảnh hưởng" đến như vậy. Sau đó, ông đã đính chính những tuyên bố của mình trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC.

"Tôi tin rằng vấn đề Ukraine là rất quan trọng. Tôi tán thành sáng kiến ủng hộ Ukraine để đánh bại Nga. Nhưng không phải là ký một tấm séc trống", ông McCarthy nói với đài CNBC vào ngày 19/10 và bổ sung thêm, "Mỹ đang nợ 31 nghìn tỷ USD".

Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng hòa nói gì?

Những bình luận của ông McCarthy dường như khiến một số thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa phẫn nộ, trong đó có cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Ông nói với đài Fox News: “Quý vị biết đấy, trong suốt chiều dài lịch sử, nước Mỹ đã nhận thức rõ ràng về việc phải trở thành một 'lãnh đạo của thế giới tự do'. Điều đó cũng bao gồm cả việc trở thành kho vũ khí dân chủ".

Các đảng viên Cộng hòa khác cũng nhấn mạnh cam kết của đảng này trong việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.

"Tôi cho rằng, nền độc lập của Ukraine chính là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Nếu Nga giành chiến thắng, Mỹ sẽ phải đánh đổi thêm nhiều nhân mạng và tài chính hơn nữa", Hạ nghị sĩ Don Bacon cho hay.

"Chúng tôi đang hợp tác với nhiều quốc gia khác (NATO, châu Âu và phần còn lại của thế giới), đồng thời chúng tôi cũng có nhân viên tại đại sứ quán Kyiv để hỗ trợ Washington theo dõi việc vận chuyển vũ khí", ông nói.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn về chính sách đối ngoại. Ông nhấn mạnh rằng, những phát ngôn của ông McCarthy không ngụ ý là Washington sẽ ngừng viện trợ cho Kyiv.

"Tôi tin rằng nỗ lực viện trợ cho Ukraine sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng", ông nói tiếp và bổ sung thêm, Mỹ mong đợi các quốc gia khác chung tay viện trợ về tài chính và vũ khí cho Ukraine.

"Mỹ muốn đảm bảo rằng, các đồng minh NATO sẽ tăng cường và chia sẻ vấn đề viện trợ tài chính cho Ukraine", ông nói.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có làm phức tạp vấn đề viện trợ cho Ukraine?

Nhà Trắng do đảng Dân chủ lãnh đạo dường như cũng đang xoa dịu những lo ngại rằng, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới đây, Quốc hội Mỹ sẽ nỗ lực cản trở chính phủ nước này viện trợ cho Ukraine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng, Nhà Trắng đã thông qua quyết định viện trợ cho Ukraine dưới sự ủng hộ của lưỡng đảng, do đó bà sẽ không bổ sung thêm ý kiến gì cho đến sau khi có kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

"Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ giả định nào. Nhưng, một lần nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội Mỹ về vấn đề hỗ trợ cho Ukraine", bà nói.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Washington đã thông qua khoản tài trợ 12 tỷ USD khác cho Kyiv hồi tháng trước.

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, Quốc hội Mỹ đã cam kết viện trợ tổng cộng 65 tỷ USD cho Ukraine. Hơn nữa, đảng Dân chủ dự kiến sẽ ban hành một gói viện trợ khổng lồ khác cho Kyiv trong thời gian tới. Theo đài NBC, gói hỗ trợ tiếp theo có thể lên đến 50 tỷ USD, theo nguồn tin từ quốc hội Mỹ và các nguồn tin từ chính phủ Ukraine.

Như vậy, con số này sẽ nâng tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine lên tới hơn 110 tỷ USD.

Huyền Anh

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ 'xung đột nội bộ' về vấn đề viện trợ cho Ukraine