Nhà lãnh đạo thân Trung Quốc Sogavare rút khỏi cuộc đua Thủ tướng Quần đảo Solomon

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo Quần đảo Solomon với lập trường thân Trung Quốc, ông Manasseh Sogavare, đã chính thức tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua tranh cử chức vụ Thủ tướng sau kết quả bầu cử không mấy khả quan.

Từng bốn lần đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương này, ông Sogavare hy vọng sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước được tái đắc cử sau khi hoàn thành nhiệm kỳ. Tuy nhiên, kết quả bầu cử không như mong đợi đã buộc ông phải thay đổi kế hoạch.

Mặc dù bản thân ông Sogavare được tái đắc cử vào ghế địa phương, hơn một nửa số thành viên trong đảng Sở hữu, Thống nhất và Trách nhiệm (OUR) của ông đã thất bại. Đây được xem là một "thất bại nặng nề" đối với vị chính trị gia kỳ cựu này, dẫn đến quyết định rút lui khỏi cuộc đua Thủ tướng.

Kết quả bầu cử quốc hội tại Quần đảo Solomon diễn ra vào ngày 17/4 tiếp tục cho thấy sự phân tán quyền lực quen thuộc, khi không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối. Do vậy, các cuộc đàm phán chính trị căng thẳng và kín đáo đang diễn ra giữa 50 nghị sĩ đắc cử tại thủ đô Honiara nhằm lựa chọn lãnh đạo quốc gia và thành lập liên minh cầm quyền.

Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 29/4, ông Manasseh Sogavare đã bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi vị trí lãnh đạo đảng OUR, tạo cơ hội cho thế hệ lãnh đạo mới tiếp quản. Trước đó, đảng OUR đã liên kết với Đảng Nhân dân (People First Party) và Đảng Kadere (Kadere Party) để thành lập Liên minh Thống nhất và Chuyển đổi Quốc gia (CNUT).

Ông Sogavare cho biết, CNUT đã đề cử ông Jeremiah Manele, cựu Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của ông, làm ứng cử viên Thủ tướng.

Ông Sogavare phát biểu: "Trải qua quá trình phát triển, Đảng OUR đã không ngừng củng cố và trưởng thành. Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hoạch định kế hoạch kế thừa và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo tương lai cho đất nước. Bối cảnh chính trị luôn biến đổi đòi hỏi chúng tôi phải trao cơ hội cho những nhà lãnh đạo trẻ tuổi tài năng dẫn dắt nhân dân”.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (thứ 2 bên trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (thứ 2 bên phải) vỗ tay khi quan chức của cả hai nước trao đổi các văn bản đã ký tại buổi lễ chào mừng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/7/2023. (Ảnh: Andy Wong/Pool/AFP/Getty Images)
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (thứ 2 bên trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (thứ 2 bên phải) vỗ tay khi quan chức của cả hai nước trao đổi các văn bản đã ký tại buổi lễ chào mừng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/7/2023. (Ảnh: Andy Wong/Pool/AFP/Getty Images)

Liên minh do ông Sogavare lãnh đạo đã giành được sự ủng hộ của 28 nghị sĩ, vượt hai phiếu so với số phiếu tối thiểu 26 phiếu để đạt đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, kết quả bầu cử Thủ tướng sẽ chỉ được xác định sau cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thứ Năm (02/5).

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng gần đây nhất bắt đầu từ năm 2019, ông Sogavare đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đồng thời chấm dứt 36 năm quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Ông Sogavare nổi tiếng là người tiên phong trong việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc và đã ký kết các hiệp ước an ninh và hợp tác tuần tra biển với Bắc Kinh, gây ra nhiều lo ngại cho Úc và Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo, ông Sogavare đã bày tỏ sự bức xúc trước việc bản thân và gia đình bị "bôi nhọ" hình ảnh bởi truyền thông, đồng thời khẳng định đây là một "trách nhiệm và sự hy sinh to lớn".

Với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, ông Manele đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trước quyết định xoay trục sang Trung Quốc của ông Sogavare, đồng thời tuyên bố rằng đây là "một quyết định đúng đắn”.

Năm 2023, trong bài phỏng vấn với tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Manele khẳng định quyết định công nhận Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho Quần đảo Solomon và bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng "ngoại giao tiền tệ" để buộc quốc đảo này cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Ngày 16/9/2019, Chính phủ Quần đảo Solomon đã chính thức thông qua quyết định chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Động thái này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Đài Loan, dẫn đến việc Đài Loan tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Quần đảo Solomon và yêu cầu Solomon rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi lãnh thổ.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc và lên án" quyết định này. Bà cho biết trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele vào ngày 9/9, bà đã mô tả quốc đảo Thái Bình Dương này là "người bạn kiên định" của Đài Loan.

Đài Loan và Solomon đã có 36 năm quan hệ ngoại giao. Trước khi chuyển hướng công nhận quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Solomon là một trong 17 quốc gia còn lại trên thế giới vẫn công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Vào ngày 10/7/2023, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã ký kết tổng cộng 9 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc, nhằm tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh, thương mại, hàng không dân dụng và thể thao.

Động thái này diễn ra chỉ một năm sau khi chính phủ ông Sogavare ký kết thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Trung Quốc, và 4 năm sau khi Quần đảo Solomon chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.

Vào tháng 3/2022, Quần đảo Solomon đã ký kết thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh triển khai vũ khí, quân đội và tàu hải quân trong khu vực. Điều này đã dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ra ngoài Biển Đông, vươn tới khu vực Nam Thái Bình Dương.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhà lãnh đạo thân Trung Quốc Sogavare rút khỏi cuộc đua Thủ tướng Quần đảo Solomon