Nhà phân tích cảnh báo: Thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc chiến chống thông tin sai lệch từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo cảnh báo của một nhà phân tích, thế giới chưa sẵn sàng để đối phó với các chiến dịch thông tin sai lệch lan rộng từ các đối thủ như Trung Quốc nhằm can thiệp vào bầu cử.

Ông Ngô Minh Hiên (Min Hsuan Wu), Giám đốc điều hành của Phòng thí nghiệm Dân chủ (Doublethink Lab) Đài Loan, một tổ chức tập trung vào phòng thủ kỹ thuật số, nói với The Epoch Times: "Nếu các quốc gia so sánh số tiền và nỗ lực mà những người như Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đầu tư vào các hoạt động thông tin này bằng ngân sách quốc phòng của họ, họ sẽ nhận ra rằng họ chưa sẵn sàng cho cuộc chiến này”.

Ông nhấn mạnh: "Không ai thực sự sẵn sàng cho điều này". Ông cũng mô tả chiến dịch thông tin sai lệch là một trong những "chiến thuật chiến tranh" của chính quyền Trung Quốc.

Ông Ngô Minh Hiên là một trong những diễn giả tại sự kiện diễn ra vào ngày 28/2, nhấn mạnh mối đe dọa can thiệp bầu cử của Trung Quốc trong năm có gần một nửa dân số thế giới đi bầu cử.

Tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, nơi diễn ra hội thảo, Đại sứ Đài Bắc, ông James K.J. Lee, cho biết Bắc Kinh đã sử dụng Đài Loan làm "bãi thử nghiệm" cho các hoạt động can thiệp bầu cử ở các nền dân chủ khác.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1, các cuộc tấn công mạng độc hại có liên quan đến Trung Quốc đã tăng vọt hơn gấp đôi, nhắm vào các văn phòng chính phủ, báo cáo của cảnh sát và các tổ chức tài chính, theo một công ty an ninh mạng của Mỹ. Gần ngày bầu cử, các thế lực được Bắc Kinh hậu thuẫn cũng tung tin giả trên mạng xã hội để tạo ra ấn tượng về tình trạng thiếu hụt lương thực, gây ra hoảng loạn trong xã hội. Ngoài ra, một số lượng lớn các video được tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI) với người dẫn chương trình trên YouTube cũng xuất hiện, đưa ra những tuyên bố sai lệch bằng tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông về đời tư của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Các chuyên gia cho biết, Hoa Kỳ nên cảnh giác với cuộc bầu cử đang đến gần.

Theo báo cáo của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ vào tháng 12/2023, các chủ thể nhà nước Trung Quốc đã cố gắng định hình kết quả của một số cuộc đua nhất định trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Cùng tháng, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã cảnh báo về nguy cơ “tăng cao” sự can thiệp bầu cử từ bên ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Các nhà phân tích của Microsoft cũng đưa ra quan ngại tương tự trong một báo cáo công bố vào tháng 11/2023.

Theo bà Kenton Thibaut, chuyên gia cao cấp về thông tin sai lệch của Trung Quốc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu pháp y kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi sự cạnh tranh của họ với Hoa Kỳ là “một vấn đề sống còn”.

Dựa trên những hành vi trong quá khứ, bà Thibaut nói với The Epoch Times, “bằng cách nào đó, Trung Quốc sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử này". “Họ đã xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khổng lồ trên các nền tảng mạng xã hội. Tôi hoàn toàn tin rằng họ sẽ sử dụng chúng để lan truyền quan điểm ủng hộ Trung Quốc, khai thác căng thẳng chính trị ở Hoa Kỳ và cố gắng miêu tả Hoa Kỳ là một kẻ đạo đức giả".

Điều này cho thấy một phần trong chiến lược của chính quyền Trung Quốc, đó là giành chiến thắng trong một ‘cuộc chiến không khói thuốc’ bằng cách ‘làm suy yếu kẻ thù từ bên trong’, bà nói thêm.

Những người tham dự tại một hội thảo nêu bật những nỗ lực can thiệp bầu cử của Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, ở New York, vào ngày 28/2/2024. (Ảnh: Được sự cho phép của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc)
Những người tham dự tại một hội thảo nêu bật những nỗ lực can thiệp bầu cử của Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, ở New York, vào ngày 28/2/2024. (Ảnh: Được sự cho phép của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc)

Trong một hội thảo diễn ra tại New York vào ngày 28/2/2024 nhằm nêu bật những nỗ lực can thiệp bầu cử của Trung Quốc trong cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan, Trí tuệ Nhân tạo (AI) được coi là một công cụ mới quan trọng trong chiến lược chiến tranh thông tin sai lệch của Bắc Kinh nhằm che giấu dấu vết.

Tại hội thảo, bà Thibaut đã trích dẫn những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm đổ lỗi đại dịch COVID-19 cho Hoa Kỳ bằng cách đầu tiên tạo ra một báo cáo giả mạo từ một tổ chức nghiên cứu giả, cho rằng virus có nguồn gốc từ Fort Detrick, một căn cứ quân sự của Mỹ, sau đó lan truyền thông tin sai lệch này thông qua các kênh khác.

Vào mùa hè năm 2022, một thực thể có liên hệ với nhà nước Trung Quốc đã thuê một nhạc sĩ ở Baltimore dàn dựng một cuộc biểu tình Black Lives Matter trước Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế và sau đó, một cuộc biểu tình giả mạo phản đối lệnh cấm hàng hóa từ Tân Cương của Hoa Kỳ. Cả hai cuộc biểu tình đều được ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội nhằm làm gia tăng căng thẳng xã hội nội bộ tại Hoa Kỳ.

Chính phủ Trung Quốc đang đặt cược rằng những luận điệu thân Bắc Kinh sẽ tự lan rộng, theo ông Jacques deLisle, Chủ tịch Chương trình Châu Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao.

“Một khi ý tưởng được gieo rắc và bắt đầu lan truyền, rất khó để kiềm chế nó trong các xã hội dân chủ. Nó trở thành quan điểm được chấp nhận, bất kể lý do chính đáng hay không, bởi những người có quyền bày tỏ ý kiến ​​và bỏ phiếu", ông nói với The Epoch Times.

Đối với Hoa Kỳ, ông cho biết, việc giảm thiểu mọi nỗ lực can thiệp bầu cử từ nước ngoài là “rất, rất quan trọng”.

Mặc dù hiệu quả của những nỗ lực như vậy khó có thể định lượng được, ông nói rằng, "các cuộc bầu cử ở nước này hiện đang diễn ra rất sát sao" đến mức "ngay cả một tác động khiêm tốn - dưới 1% ở một vài khu vực bầu cử - cũng có thể mang lại kết quả đáng kể".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà phân tích cảnh báo: Thế giới chưa sẵn sàng cho cuộc chiến chống thông tin sai lệch từ Trung Quốc