Tại Đài Loan, Mỹ muốn được tiếng hay thì hãy làm điều tốt việc thiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cứ cách vài ngày, Bắc Kinh lại kiếm cớ để thực hiện một hành động đe dọa khác đối với Đài Loan.

Vụ việc mới nhất xảy ra khi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) điều 32 máy bay và 9 tàu hải quân đến bao vây Đài Loan trong một cuộc phong tỏa mô phỏng. Vụ việc còn có sự hiện diện của cả một máy bay không người lái chiến đấu đã theo dõi bờ biển Đài Loan. Trong khoảng thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 26/8, 20 máy bay đã băng qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan hoặc tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này.

Hôm 19/8, Bắc Kinh đã điều 42 máy bay quân sự tới Đài Loan, trong đó có 26 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến.

PLA đã phát động cuộc tập trận phong tỏa đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Tổng thống Thái Anh Văn. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới.

Giờ đây, các chuyến bay trên mức trung bình, các cuộc xâm nhập ADIZ, các cuộc tập trận phong tỏa và các video của PLA cho thấy cảnh binh lính Trung Quốc vừa la hét, vừa chống đẩy trên sóng, dường như đang diễn ra nhanh chóng và dữ dội.

Ba năm trước đây, eo biển này yên bình hơn nhiều.

Liệu động thái gần đây nhất ở biên giới Đài Loan có phải là dấu hiệu của một cuộc xâm lược tiềm tàng?

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng chúng ta nên chuẩn bị kỹ hơn cho một cuộc xâm lược có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Hay, theo một nhà phân tích tài chính Hong Kong được tờ Bloomberg phỏng vấn hôm 23/8, Trung Quốc là một “diễn viên lý trí” nên sẽ không làm điều gì gây tổn hại cho bản thân đến mức đặt chân lên lãnh thổ Đài Loan? Chắc chắn, một cuộc xâm lược sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp về mặt kinh tế đối với Trung Quốc, quốc gia hiện đang phải đối mặt với thảm họa kinh tế.

Phải chăng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang học theo Binh pháp Tôn Tử và lừa dối chúng ta? Điều đó có vẻ chắc chắn.

Như Tôn Tử đã nói: “Tất cả các cuộc chiến đều dựa trên sự dối trá. Do đó, khi có thể tấn công, chúng ta phải giả như không thể; khi chúng ta điều binh, chúng ta phải tỏ ra án binh bất động; khi chúng ta ở gần, chúng ta phải làm cho đối phương tin rằng chúng ta đang ở xa; khi ở xa, chúng ta phải làm cho chúng tin rằng chúng ta đang rất gần”.

Có những lý do chiến lược để ông Tập tỏ ra sẵn sàng tấn công Đài Loan trong khi ông không có kế hoạch thực hiện điều đó trong tương lai gần.

Có lẽ ông muốn khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc xâm lược Ukraine, điều này ít nhất sẽ khiến phương Tây “xao nhãng” hơn đối với Trung Quốc vào thời điểm này. Có lẽ ông Tập tin rằng ông cần phải củng cố các yêu sách của mình bằng cách đáp trả mọi hành vi “vi phạm” của Đài Loan trong việc vận hành như một chính phủ độc lập. Có lẽ ông ta đang tìm cách đánh lạc hướng người dân Trung Quốc bằng cách đánh trống trận để che đậy vô số khó khăn kinh tế của nước này. Hoặc cũng có thể là tất cả những giả định trên.

Dù sao đi nữa thì Đài Loan và các đồng minh của họ cũng cần phải tăng cường năng lực quân sự của mình. Rút ra bài học về nghệ thuật chiến tranh hiện đại từ Ukraine, Đài Loan đã tự sản xuất máy bay không người lái và tàu ngầm, đồng thời mua máy bay chiến đấu F-16V từ Hoa Kỳ. Chúng hiện được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) mạnh mẽ để nhắm mục tiêu vào máy bay phản lực địch.

Theo hãng tin Focus Taiwan, các máy bay phản lực F-16V, cùng với chuyến thăm châu Phi theo kế hoạch của bà Thái Anh Văn và nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm mục đích “làm náo loạn người dân Đài Loan và tác động đến quyết định của cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới”, được cho là mục tiêu của cuộc phong tỏa mới nhất của Trung Quốc.

Không khó để thấy rằng một cuộc phong tỏa như vậy sẽ thúc đẩy tinh thần của người dân Đài Loan và người dân trên toàn thế giới hướng tới sự ủng hộ mạnh mẽ hơn vì nền độc lập.

Hôm 24/8, Đài Loan công bố tăng chi tiêu quân sự 3,5% lên 19 tỷ USD. Phần lớn trong số đó sẽ được chuyển đến Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết: “Từ năm 2019 đến tháng 8/2022, Chính phủ Mỹ đã thông báo cho Quốc hội về doanh số bán vũ khí trị giá hơn 17,8 tỷ USD cho Đài Loan”.

"Ngoài máy bay phản lực F-16V, doanh số bán vũ khí lớn kể từ năm 2019 còn bao gồm máy bay chiến đấu F-16 Khối 79, ngư lôi MK-48 6AT, tên lửa phòng không PAC-3, tên lửa hành trình SLAM-ER, xe tăng M1A2T Tanks, Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, hệ thống trinh sát trên máy bay phản lực F-16 MS110, Hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, Hệ thống thông tin liên lạc chiến trường, máy bay không người lái MQ-9B, phụ tùng thay thế cho xe tăng và xe chiến đấu, cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật và nhiều thứ khác”.

Người ta phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp quốc phòng hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ đã hưởng lợi rất nhiều từ nhu cầu quốc phòng của Đài Loan. Việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan đã giúp cho “kho vũ khí dân chủ” của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và ít tốn kém hơn trong việc bảo vệ chính Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên toàn cầu.

Trong khi một số người theo chủ nghĩa biệt lập ở Hoa Kỳ phản đối việc Hoa Kỳ ủng hộ các nền dân chủ tiền tuyến như Ukraine và Đài Loan, họ có rất ít lý do chính đáng để làm như vậy. Ukraine và Đài Loan đang chiến đấu hoặc mạo hiểm mạng sống của họ không chỉ vì quốc phòng của họ mà còn của chính Hoa Kỳ.

Nếu Moscow hoặc Bắc Kinh giành chiến thắng trong những cuộc xung đột này, họ sẽ trở nên táo bạo hơn, có nguồn lực lãnh thổ và công nghệ lớn hơn, và do đó, thậm chí còn trở thành những rủi ro lớn hơn đối với Washington. Bằng cách ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc từ trong trứng nước trước khi chúng bén mảng đến được bờ biển Hoa Kỳ, Mỹ đã mua được an ninh của chính mình với giá rẻ và kiếm được lợi nhuận khi làm như vậy.

Do đó, Mỹ muốn được tiếng hay thì hãy làm điều tốt việc thiện.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Tại Đài Loan, Mỹ muốn được tiếng hay thì hãy làm điều tốt việc thiện