Tên lửa Hwasong-16B mở ra kỷ nguyên mới cho vũ khí chiến lược của Triều Tiên?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự kiện Triều Tiên trình làng tên lửa Hwasong-16B không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong năng lực tên lửa của nước này mà còn tiềm ẩn những tác động rộng lớn đến an ninh khu vực.

Hậu duệ của ‘Sát thủ đảo Guam’

Được xem là phiên bản kế thừa tiên tiến của tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 "Sát thủ đảo Guam", Hwasong-16B là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển, đánh dấu bước tiến vượt bậc về hiệu suất tác chiến của Triều Tiên.

Sở hữu tầm bắn ước tính 4.000 - 5.000 km, Hwasong-16B mang đến cho Bình Nhưỡng khả năng vươn tới các mục tiêu chiến lược trọng yếu của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Căn cứ Hải quân Guam, Căn cứ không quân Andersen (AFB), và các căn cứ không quân đang được mở rộng trên đảo Wake (cách Guam khoảng 1.000 km về phía Đông).

Hình ảnh do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 29/7/2017 ghi lại cảnh phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên tại một địa điểm không được tiết lộ. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)
Hình ảnh do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 29/7/2017 ghi lại cảnh phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên tại một địa điểm không được tiết lộ. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Khả năng tấn công chính xác các mục tiêu then chốt của Mỹ sẽ giúp Triều Tiên nâng cao năng lực răn đe, hạn chế khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào các vấn đề khu vực. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực và an ninh khu vực.

Hwasong-16B: Bước nhảy vọt chiến lược của Triều Tiên

Vai trò then chốt của Guam trong các cuộc đối đầu căng thẳng với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, cùng với kế hoạch đầu tư khổng lồ của Washington nhằm gia tăng năng lực phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ này, càng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo.

Trong buổi thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa tầm trung mới, có khả năng cao là Hwasong-16B, diễn ra vào tháng 3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tấn công các căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.

Người dân Hàn Quốc đang xem tin tức truyền hình về nhà lãnh đạo của Triều Tiên Kim Jong Un chứng kiến vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa HWASONG-17 (ICBM) tại một nhà ga đường sắt ở Seoul , Hàn Quốc, vào ngày 17/3/2023. (Ảnh: JUNG YEON-JE/AFP/Getty Images)
Người dân Hàn Quốc đang xem tin tức truyền hình về nhà lãnh đạo của Triều Tiên Kim Jong Un chứng kiến vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa HWASONG-17 (ICBM) tại một nhà ga đường sắt ở Seoul , Hàn Quốc, vào ngày 17/3/2023. (Ảnh: JUNG YEON-JE/AFP/Getty Images)

Ông tuyên bố: "Giá trị chiến lược quân sự của hệ thống vũ khí này được đánh giá quan trọng ngang với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), xét theo môi trường an ninh của nhà nước chúng ta và nhu cầu tác chiến của Quân đội Nhân dân. Kẻ thù của chúng ta hiểu điều đó rõ hơn ai hết".

So với thế hệ trước, tên lửa Hwasong-16B sở hữu hai cải tiến cơ bản:

  • Sử dụng nhiên liệu rắn tổng hợp. Đây là xu hướng phát triển chung trong kho vũ khí của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Nhờ ưu điểm này, tên lửa có thể được bảo quản trong tình trạng nạp đầy nhiên liệu, rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị phóng so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
  • Tăng cường khả năng cơ động. Việc sử dụng nhiên liệu rắn giúp giảm thời gian chuẩn bị phóng, khiến tên lửa trở nên khó bị tấn công hơn khi đang ở trạng thái tĩnh trên mặt đất. Điều này đặc biệt quan trọng vì các bệ phóng cơ động (TEL) mang theo tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dự kiến sẽ là mục tiêu ưu tiên cho các cuộc tấn công đường không của Mỹ và đồng minh trong thời chiến.

Mặc dù tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn đã được sử dụng từ nhiều thập kỷ qua trên thế giới, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-26 của Trung Quốc, Hwasong-16B lại sở hữu một cải tiến quan trọng thứ hai so với thế hệ trước, mang tính cách mạng hơn hẳn: đó là việc tích hợp phương tiện lướt siêu thanh (HGV).

Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc đánh giá rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 mà Triều Tiên thử nghiệm vào tháng 11/2017 có thể nhắm tới bất kỳ đâu trên lục địa Mỹ. (Ảnh: KCNA/Getty Images)

Vũ khí thay đổi cục diện cán cân quyền lực khu vực

Vào cuối tháng 9/2021, Bình Nhưỡng đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi lần đầu tiên thông báo thông báo thử nghiệm thành công một HGV. Theo truyền thông nhà nước, hệ thống tên lửa này được gọi là Hwasong-8, nằm trong dòng tên lửa Hwasong (tên tiếng Anh là Mars) của Triều Tiên.

Hiện nay, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tích hợp HGV trên tên lửa tầm trung. Mặc dù Trung Quốc và Nga cũng sở hữu HGV, tuy nhiên chúng chỉ được triển khai trên tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình tầm trung, ví dụ như DF-17 của Trung Quốc, và trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa như RS-28 Sarmat của Nga.

Hwasong-16B sở hữu khả năng cơ động vượt trội, di chuyển linh hoạt theo cả hướng cao độ và đường bay, bao gồm các thao tác ngang dọc vượt ra ngoài tầng khí quyển. Kết hợp với tốc độ siêu thanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh (trên Mach 10), Hwasong-16B trở thành mối đe dọa gần như không thể đánh chặn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.

Việc Triều Tiên triển khai tên lửa Hwasong-16B tiềm ẩn khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện an ninh khu vực. Không chỉ đưa một vùng rộng lớn của Thái Bình Dương vào tầm tấn công với thời gian phản ứng hạn chế và gần như không thể đánh chặn, Hwasong-16B còn có thể thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực chạy đua phát triển các vũ khí tương tự, dẫn đến leo thang căng thẳng và bất ổn an ninh.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 2019, giới chuyên gia dự đoán rằng Mỹ sẽ triển khai tên lửa đạn đạo và/hoặc tên lửa hành trình đất đối đất tầm trung và tầm trung bình tại khu vực Đông Á. Hiệp ước INF cấm cả hai bên triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Hiệp ước song phương giữa Washington và Moscow trước đây đã ngăn cản Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa như vậy. Do đó, năng lực tên lửa tầm trung ngày càng gia tăng của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được xem là yếu tố chính thúc đẩy quyết định rút lui của Mỹ. Việc rút khỏi INF cho phép Mỹ sở hữu các phương tiện tương đương để cân bằng lực lượng trong khu vực.

Tương tự như vậy, việc Triều Tiên đưa vào biên chế tên lửa HGV tầm trung đầu tiên trên thế giới có khả năng thu hút sự quan tâm của Mỹ đối với việc triển khai các phương tiện tương đương ở khu vực Thái Bình Dương. Điều này có thể khiến Trung Quốc cũng thực hiện động thái tương tự.

Mặc dù Trung Quốc đã chứng minh năng lực làm chủ các công nghệ cần thiết, nhưng có thể họ đã hạn chế chưa đưa chúng vào hoạt động trên tên lửa tầm trung, hoặc ít nhất là chưa công khai điều đó, nhằm tránh leo thang chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được cập cảng tại Căn cứ Hải quân Guam ở Cảng Apra, phía Tây lãnh thổ Guam, Hoa Kỳ, vào ngày 10/4/2020. (Ảnh: Tony Azios/AFP/Getty Images)

Hwasong-16B: Thách thức đối với an ninh khu vực

Sự ra đời của Hwasong-16B là một bước phát triển mang tính đột phá, đặt ra những nghi ngại nghiêm trọng về tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa quy mô lớn mà Mỹ đang triển khai trên đảo Guam.

Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng rộng lớn hơn của Hwasong-16B đối với an ninh khu vực mới thực sự đáng lo ngại. Trung Quốc đã liên tục bày tỏ quan ngại về kế hoạch triển khai các bệ phóng tên lửa tầm xa (bị cấm trước đây) của Mỹ ở vùng Trung và Tây Thái Bình Dương. Cuộc chạy đua vũ trang tên lửa siêu thanh có thể khiến Bắc Kinh càng thêm bất an.

Ngoài ra, các phương tiện lướt siêu thanh còn có thể được sử dụng cho mục đích chống hạm, như Trung Quốc đã chứng minh với tên lửa tầm trung DF-17. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ cho Mỹ nhằm phát triển HGV như một phương thức phi đối xứng để đối phó với cán cân quyền lực trên biển đang ngày càng bất lợi.

Mặc dù việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF là một bước ngoặt quan trọng đối với khả năng triển khai lực lượng tên lửa ở Đông Á, Hwasong-16B với các tính năng vượt trội đã đặt ra một tiêu chuẩn mới. Đây có thể là động lực khiến hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới có xu hướng chạy đua để bắt kịp năng lực này.

Việc Bình Nhưỡng phát triển Hwasong-16B đặt ra những thách thức an ninh nghiêm trọng cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh của Mỹ. Các quốc gia này cần tăng cường hợp tác quốc phòng, đẩy mạnh phát triển năng lực phòng thủ tên lửa và tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Huyền Anh tổng hợp

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Tên lửa Hwasong-16B mở ra kỷ nguyên mới cho vũ khí chiến lược của Triều Tiên?