Tiểu bang thứ 2 của Mỹ thông qua dự luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan lập pháp của tiểu bang Utah vừa nhất trí thông qua dự luật nhằm chống lại nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đẫm máu ở Trung Quốc. Utah trở thành tiểu bang thứ hai tại Mỹ thông qua dự luật này, cho thấy sự tàn bạo của nạn mổ cướp nội tạng ngày càng được quan tâm.

Dự luật S.B. 262, nghiêm cấm các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho việc cấy ghép nội tạng hoặc chăm sóc hậu phẫu được thực hiện ở Trung Quốc, đã được Hạ viện Utah thông qua với kết quả nhất trí 70-0 vào ngày 1/3 và được Chủ tịch Thượng viện ký duyệt cùng ngày. Hiện dự luật đang chờ Thống đốc tiểu bang phê chuẩn.

“[Cưỡng bức thu hoạch nội tạng] thực sự là một cơn ác mộng kinh hoàng đối với nhân loại, và đó là điều mà chúng ta nên nhận thức được, cũng như không nên tham gia vào chuỗi cung ứng này”, Dân biểu Candice Pierucci, người bảo trợ dự luật, cho biết ngay trước cuộc bỏ phiếu ngày 1/3.

Bà Pierucci nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Utah tiên phong trong lĩnh vực này: "Không nên dung thứ cho hành vi tiếp tay cho tội ác của chính phủ Trung Quốc ở đất nước này". Bà cũng đề cập đến Israel, quốc gia có "sự nhạy cảm về vấn đề này" do thảm họa Holocaust, đã nhanh chóng thông qua dự luật chống lạm dụng.

Tuy nhiên, bà Pierucci cho biết, "thực tiễn khủng khiếp này" đang diễn ra bên ngoài nước Mỹ, nên Utah không thể hoàn toàn cấm nó. "Nhưng chúng tôi có thể theo dõi dòng tiền, và chúng tôi có thể theo dõi những đồng tiền đang ở trong phạm vi tiểu bang của chúng tôi”.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Norman Thurston, người đã chất vấn bà Pierucci về khâu thực thi dự luật, nhận xét: "Tôi ước gì chúng ta có thể đi xa hơn”.

"Đôi khi, chúng ta nghĩ về những bộ phim điện ảnh, nhân vật chính tỉnh dậy trong phòng khách sạn và mất một quả thận. Nhưng ở những quốc gia này, đó không phải là phim ảnh, mà là sự thật", ông nói. "Thực tế, quý vị không chỉ thức dậy và mất một quả thận, mà còn có thể chết và mất cả hai quả thận”.

"Vì vậy, việc chúng ta càng nỗ lực theo đuổi vấn đề này thông qua các cơ chế tài chính, để đảm bảo rằng chúng ta không sử dụng tiền thuế của người dân, tiền của doanh nghiệp hoặc bất kỳ khoản tiền bảo hiểm nào để hỗ trợ cho việc này, thì điều đó sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta”.

Một tòa án nhân dân độc lập ở London vào năm 2019 đã kết luận rằng chính phủ Trung Quốc đã sát hại tù nhân lương tâm - chẳng hạn như những học viên Pháp Luân Công, một tín ngưỡng bị bức hại - ở "quy mô đáng kể".

Việc thông qua dự luật sẽ biến Utah thành tiểu bang thứ hai thực thi các biện pháp ngăn chặn nạn mổ cướp nội tạng, theo sau Texas, nơi đã ban hành luật chống mổ cướp nội tạng vào tháng 6/2023.

Một đề xuất tương tự đã được đệ trình tại tiểu bang Arizona, được Hạ viện thông qua vào ngày 29/2 và đang chờ Thượng viện bỏ phiếu. Idaho và Missouri cũng đã đệ trình các đề xuất tương tự tại các tiểu bang của họ vào tháng 2.

Tại phiên điều trần của ủy ban Thượng viện Utah vào ngày 21/2, cư dân Tôn Thường Trân (Sun Changzhen) đã làm chứng rằng cô là một trong số khoảng 20 học viên Pháp Luân Công bị nhắm tới để xét nghiệm máu trong thời gian bị giam giữ tại trại lao động của Trung Quốc vì tín ngưỡng.

Các tù nhân bị giam giữ, tất cả đều là phụ nữ, đã được đưa lên một chiếc xe tải không biển hiệu vào tháng 7/2001 để trải qua nửa ngày kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu và các xét nghiệm y tế khác. Theo bà Tôn Thường Trân, không có tù nhân nào khác phải trải qua các xét nghiệm như vậy.

Bà viết trong một tuyên bố được đọc tại phiên điều trần, “Ở Trung Quốc, số phận của các học viên Pháp Luân Công là nhà tù, tra tấn dã man và thậm chí mất mạng. Những tổn thương về thể chất và tinh thần mà tôi phải chịu đựng trong thời gian giam giữ bất hợp pháp là không thể diễn tả bằng lời".

Tại phiên điều trần, cô Hàn Vũ (Han Yu), một học viên Pháp Luân Công đang sinh sống tại New York, chia sẻ niềm tin rằng cha mình chính là nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng do chính phủ Trung Quốc thực hiện.

Cha của cô Hàn Vũ, ông Hàn Tuấn Thanh (Han Junqing), đã qua đời tại trại giam Trung Quốc vào năm 2004, chỉ hai tháng sau khi bị bắt giam vì tu luyện Pháp Luân Công.

Cảnh sát kết luận ông Hàn Tuấn Thanh qua đời vì nhồi máu cơ tim, nhưng cô Hàn Vũ khẳng định điều này là không đúng sự thật. Cô cho biết trước khi bị bắt, cha bà vẫn rất khỏe mạnh.

Thi thể của ông Hàn Tuấn Thanh được trả về cho gia đình trong tình trạng gầy gò đáng sợ và toàn thân đầy vết bầm tím. Điều khiến cô Hàn Vũ sốc nhất là những vết khâu đen sì, dày từ cổ họng xuống tận bụng. Khi sờ vào, gia đình còn cảm nhận thấy một khối băng cứng bên dưới lớp da của ông.

Cô Hàn Vũ cho biết gia đình cô hoàn toàn không đồng ý việc khám nghiệm tử thi, nhưng cảnh sát vẫn tiến hành thực hiện. Cô nghi ngờ rằng cha mình đã bị mổ cướp nội tạng, bởi vì những vết khâu trên cơ thể ông không giống với vết mổ khám nghiệm tử thi thông thường.

Ba năm sau, khi biết về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, cô Hàn Vũ càng tin tưởng vào nghi ngờ của mình. Cô cho rằng đây là lý do giải thích cho việc tại sao thời gian chờ đợi hiến tạng tại quốc gia này lại ngắn đến vậy.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tiểu bang thứ 2 của Mỹ thông qua dự luật chống nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc