‘Trục ma quỷ’ mới đã hình thành, ĐCSTQ là kẻ thù lớn nhất của Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một "Trục ma quỷ mới" gồm Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran đang nổi lên, trong đó Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, theo một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington. Ý tưởng này được thảo luận trong một hội thảo về tình trạng hiện tại của quan hệ Mỹ - Trung diễn ra vào ngày 19/3.

Tại hội thảo do Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) tổ chức, ông Matthew Kroenig, cựu chiến lược gia của Bộ Quốc phòng và chuyên gia tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tuyên bố rằng kể từ chính quyền cựu Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa lớn nhất của nước này.

Ông Kroenig cho biết rõ ràng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong số các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên. Mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ chiếm chưa đến 2% nền kinh tế toàn cầu, nhưng họ đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, quốc gia chiếm tới 18% GDP toàn cầu.

Ông tin rằng chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là kiềm chế Hoa Kỳ bằng cách hỗ trợ Nga, qua đó cho phép họ có nhiều tự do hành động hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Dan Negrea, Giám đốc cấp cao Trung tâm Tự do và Thịnh vượng thuộc Hội đồng Atlantic, cho rằng Mỹ cần nhận thức rõ Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh.

Chính quyền ông Biden tiếp tục duy trì nhận định này. Vào tháng 10/2022, Mỹ đã ban hành một Báo cáo Chiến lược An ninh Quốc gia, nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và dần dần đạt được khả năng để đạt được mục tiêu đó.

Báo cáo nêu rõ: "Trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, giống như trong những lĩnh vực khác, rõ ràng rằng thập kỷ tới sẽ là thập kỷ quyết định".

Bóng ma Trung Quốc trong cuộc chiến Nga - Ukraine

Nhiều người tin rằng Nga không dám tấn công Ukraine nếu không có sự ủng hộ ngầm từ ĐCSTQ. Vào tháng 2/2022, sau chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ĐCSTQ đã ra tuyên bố chung khẳng định "Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có lĩnh vực hợp tác nào là vùng cấm". Ngay sau khi trở về Nga, ông Putin đã phát động chiến tranh xâm lược Ukraine.

Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) phải đổ dồn nguồn lực và năng lượng vào các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế. Trong khi đó, Bắc Kinh không những từ chối lên án Moscow mà còn gián tiếp hỗ trợ Nga thông qua các hoạt động kinh tế và thương mại nhằm giảm nhẹ sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Mặc dù không trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, ĐCSTQ đã cung cấp một lượng lớn xe tải hạng nặng, máy bay không người lái (drone) và các sản phẩm quân sự lưỡng dụng khác. Những sản phẩm này trực tiếp giúp cải thiện năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga, biến những thứ vốn được coi là không sát thương thành những công cụ gây chết người.

Năm 2022, thương mại Trung - Nga tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đến năm 2023, con số này tiếp tục tăng 25% lên hơn 240 tỷ USD, đạt mức cao lịch sử.

Vào ngày 22/2, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã bày tỏ thất vọng tại một sự kiện kỷ niệm hai năm chiến tranh Ukraine. Ông tuyên bố rằng ĐCSTQ vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị và ngoại giao cho Nga.

Ông Burns nói: "Chúng tôi rất quan ngại về hành động của các công ty Trung Quốc đang hỗ trợ cho khu liên hợp công nghiệp quốc phòng của Nga. Sự im lặng của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền và độc lập của Ukraine là điều đáng lên án. Việc họ hỗ trợ Nga thực sự rất đáng lo ngại".

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo khác chụp ảnh nhóm tại Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18/10/2023. (Ảnh: Suo Takekuma/POOL/AFP/Getty Images)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo khác chụp ảnh nhóm tại Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 18/10/2023. (Ảnh: Suo Takekuma/POOL/AFP/Getty Images)

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 5, trước thềm chuyến công du châu Âu của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình. Ông Putin từng khẳng định mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Tập và bày tỏ mong muốn hai nước sẽ tiếp tục củng cố quan hệ song phương.

Hồi tháng 3/2023, ông Tập đã đến thăm Moscow và hai bên đã ký kết tuyên bố chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới.

Ngày 12/2, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Na Uy cho biết Nga có thể chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ vào nguồn dự trữ quân sự lớn và sự hỗ trợ vật chất từ Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Belarus và một số quốc gia khác. Máy móc, phương tiện, thiết bị điện tử và linh kiện do Bắc Kinh cung cấp đóng vai trò then chốt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Ngày 21/2, các quốc gia thành viên EU đã thông qua vòng trừng phạt thứ 13, lần đầu tiên áp dụng đối với ba công ty Trung Quốc. Các công ty này bị cáo buộc cung cấp công nghệ quân sự nhạy cảm cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine.

Ngày 23/2, Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt thương mại mới đối với 93 thực thể từ Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác, bao gồm 8 thực thể Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc một số thực thể đã chuyển giao sản phẩm vi điện tử được kiểm soát cho các cơ quan quân sự và tình báo Nga, trong khi những thực thể khác hỗ trợ Nga bổ sung đạn dược và vật liệu quân sự.

Cuối năm 2023, ông Joseph Webster, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định rằng sự hỗ trợ của ĐCSTQ dành cho Nga đã cản trở nỗ lực phản công của Ukraine.

Phân tích: Trục ma quỷ mới dựa trên lợi ích

Ông Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc và một cây bút độc lập, nói với The Epoch Times rằng khái niệm về một "trục ma quỷ mới" không phải là điều mới mẻ.

Năm 2023, Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell đã xác định Trung Quốc, Nga và Iran là "trục ma quỷ mới".

Ông tuyên bố: "Trên thế giới tồn tại một trục ma quỷ bao gồm: Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran. Chúng ta cần phải kiên quyết chống lại trục ma quỷ này, thay vì hợp tác làm ăn với chúng".

Hình ảnh một máy bay vận tải tầm trung Shaanxi Y-8 của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung với các máy bay chiến đấu của Nga trên eo biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 14/12/2023, cho thấy mối quan hệ hợp tác quân sự tiềm năng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)
Hình ảnh một máy bay vận tải tầm trung Shaanxi Y-8 của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung với các máy bay chiến đấu của Nga trên eo biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 14/12/2023, cho thấy mối quan hệ hợp tác quân sự tiềm năng. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản)

Tuy nhiên, những lời nói và hành động của Moscow lại cho thấy thái độ không nhất quán của họ đối với ĐCSTQ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người dẫn chương trình Tucker Carlson, ông Putin nói: "Chúng tôi là những người hàng xóm với Trung Quốc. Anh không thể lựa chọn hàng xóm... Phương Tây lo sợ một Trung Quốc hùng mạnh hơn là lo sợ một nước Nga hùng mạnh”.

Vào tháng 3/2023, ông Putin tuyên bố Nga và Trung Quốc không thành lập liên minh quân sự, và sự hợp tác của họ không nhằm mục đích chống lại bất kỳ bên thứ ba nào.

Tuy nhiên, ông Katsuji Nakazawa, một nhân vật truyền thông cấp cao của Nhật Bản, đã viết vào ngày 20/3 rằng mặc dù mối quan hệ Trung - Nga hiện nay rất khăng khít nhưng mối quan hệ này có thể sẽ rạn nứt trong những năm tới.

Lý do là do làn sóng nhập cư ồ ạt của người Trung Quốc vào vùng Viễn Đông của Nga. Ngoài ra, lãnh đạo ĐCSTQ đã ra lệnh đổi tên địa danh của Nga "Vladivostok" trên bản đồ Trung Quốc thành Haishenwai (Hải Sâm Uy) - có nghĩa là "đầm lầy hải sâm".

Về việc hình thành trục ma quỷ mới, ông Gia Cát Minh Dương lại có quan điểm khác. Ông tin rằng nếu chiến lược ngoại giao ban đầu của cựu Tổng thống Trump được thực hiện thì trục này có thể đã không hình thành và chiến tranh Nga - Ukraine có thể đã không xảy ra.

Ông nói: "Tất nhiên, thực tế không có giả thuyết nào cả, và những điều này rốt cuộc đã xảy ra. Nếu cách tiếp cận của ông Trump, kết bạn với ông Putin, ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un nhằm kiềm chế và làm suy yếu các mối đe dọa của họ đối với thế giới tự do được thực hiện, điều đó sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và thậm chí cho toàn bộ trật tự thế giới".

"Đây không phải là chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền ông Biden, mà cách tiếp cận đó có thể đã vô tình góp phần hình thành trục ma quỷ này. Người xưa có câu: ‘Kẻ trí không dồn kẻ thù vào đường cùng’.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Trục ma quỷ’ mới đã hình thành, ĐCSTQ là kẻ thù lớn nhất của Mỹ?