Ukraine chính thức nhận trách nhiệm vụ tấn công cầu Crimea hồi tháng 10/2022

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 8/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thừa nhận rằng Ukraine đã thực hiện vụ tấn công nhằm vào cây cầu Crimea - cây cầu dài nhất châu Âu nối Bán đảo Crimea với vùng Krasnodar của Nga - vào mùa thu năm 2022.

“273 ngày kể từ khi chúng tôi giáng đòn đầu tiên vào cây cầu Crimea [bắc qua Eo biển Kerch] để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Nga”, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố trên Telegram.

Ngày 8/10/2022, Uỷ ban Chống Khủng bố Quốc gia Nga cho biết, một chiếc xe tải chở hàng trên cầu đã phát nổ vào 6:07 phút sáng (giờ địa phương). Sau đó 7 toa trên đoàn tàu chở nhiên liệu đang hướng về phía Crimea ở gần đó, cũng phát nổ và bốc cháy.

Đoạn cầu trên phần đường bộ bị sập một phần nhưng phần vòm cầu qua Eo biển Kerch, tuyến đường thuỷ mà nhiều tàu thuyền di chuyển qua lại giữa Biển Đen và Biển Azov thì không bị hư hại.

Cây cầu Crimea trị giá 3 tỷ USD phát nổ dữ dội vào sáng sớm ngày 8/10. Mặt cầu sụp xuống biển và công ty bảo hiểm Nga ước tính thiệt hại lên tới khoảng 500 triệu rúp. Sau vụ nổ, người dân bán đảo Crimea đổ xô đi mua thực phẩm và nhiên liệu, thậm chí có một đám đông người hoảng loạn tháo chạy. Tại Ukraine, rất đông người dân ăn mừng, gọi đây là món quà sinh nhật dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Sergei Aksyonov, Thống đốc Crimea cho biết, 1 chiều trên cây cầu đường bộ vẫn còn nguyên vẹn nhưng giao thông qua cầu buộc phải tạm dừng để lực lượng chức năng đánh giá thiệt hại.

Vào thời điểm đó, phía Nga đã lên án gay gắt vụ việc là “tấn công khủng bố” do cơ quan mật vụ Ukraine chủ mưu. Moscow đáp trả bằng cách tăng cường các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Kyiv.

Việc tàu tuần dương Moskva của Nga mất tích (451 ngày trước) và việc giải phóng Đảo Rắn (373 ngày trước) cũng được nhấn mạnh trong thông điệp Telegram của bà Maliar.

Cuộc tấn công vào cây cầu Kerch, làm gián đoạn các tuyến giao thông trọng yếu nối đất liền Nga và Bán đảo Crimea, không chỉ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine mà còn là một đòn tâm lý đối với Moscow và một chiến thắng mang tính biểu tượng lớn đối với Kyiv.

Sau vụ việc, giới chức Ukraine đã ăn mừng nhưng phủ nhận về trách nhiệm.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin bước sang tuổi 70, và Thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov, đã đăng video cây cầu bốc cháy lên mạng xã hội cùng với video Marilyn Monroe hát "Chúc mừng sinh nhật, ngài Tổng thống".

Vào thời điểm đó, một cố vấn của Tổng thống Ukraine đã đăng một thông điệp trên Twitter nói rằng vụ việc chỉ là "sự khởi đầu" và từ chối nhận trách nhiệm về vụ nổ.

Ông Mykhailo Podolyak viết: “Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy, mọi thứ ăn cắp được phải trả lại cho Ukraine, mọi thứ do Nga chiếm đóng đều phải bị trục xuất”.

Trong số các phản hồi khác, Hải quân Ukraine đã đăng trên bài viết trên Facebook, "Phòng không Liên bang Nga, các anh đang ngủ à?" cùng với một đoạn video cho thấy một đoạn của cây cầu đã bị phá hủy hoàn toàn.

Sau sự cố, hãng Interfax dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước cộng hòa Crimea, ông Vladimir Konstantinov, nói rằng "những kẻ phá hoại Ukraine đã tìm cách tiếp cận cây cầu Crimea bằng bàn tay đẫm máu của chúng".

Bài đăng ngày 8/7 của bà Maliar đã thu hút sự chú ý của giới chức và cơ quan truyền thông nhà nước Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova một lần nữa cáo buộc chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy là "chế độ khủng bố" trong một tuyên bố trực tuyến lên án vụ tấn công.

Cùng ngày, các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn tại Bán đảo Crimea cho biết họ đã bắn hạ một tên lửa hành trình gần thành phố Kerch và tạm dừng giao thông trên cầu.

Thống đốc Crimea do Moscow bổ nhiệm, ông Sergei Aksyonov, cho biết việc lực lượng phòng không Nga đánh chặn tên lửa không gây ra bất kỳ thiệt hại hay thương vong nào. Tuy nhiên, ông không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào, kể cả loại tên lửa và nguồn gốc của nó.

Tại khu vực Rostov lân cận của Nga, các nhà chức trách hôm 8/7 cũng thông báo đã bắn hạ một tên lửa.

Thống đốc Vasily Golubev cho biết tên lửa này là của Ukraine và các mảnh vỡ của nó đã làm hư hại mái của một số tòa nhà. Tuy nhiên, không có ghi nhận nào về thương vong.

Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý của người dân trên đảo. Cây cầu dài 19 km kết nối Crimea với mạng lưới giao thông Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin khai trương 4 năm sau đó. Đây được coi là tuyến đường tiếp tế trọng yếu cho các lực lượng Nga hiện đang kiểm soát phần lớn vùng Kherson, ở miền Nam Ukraine, tờ Reuters đưa tin.

Các quan chức ở các khu vực của Nga và chính quyền do Moscow chỉ định ở Crimea cũng thường xuyên báo cáo về các vụ nổ, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và thậm chí là các cuộc đột kích xuyên biên giới của những kẻ phá hoại Ukraine. Trong khi đó, Kyiv chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ukraine chính thức nhận trách nhiệm vụ tấn công cầu Crimea hồi tháng 10/2022